Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.148.771
 
Đinh Quang Tốn với trăng suông, rượu nhạt
Nguyễn Linh Khiếu

Khi nhận được tập thơ Trăng suông do nhà phê bình văn học Đinh Quang Tốn tặng, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chuyện các nhà phê bình sau nhiều năm bàn về nghệ thuật thơ ca gần đây đột ngột làm thơ đã trở nên bình thường. Đinh Quang Tốn như tôi biết qua sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn ở Hưng Yên thì nhiều năm nay trong tâm tưởng của tôi, anh là một nhà lý luận - phê bình đích thực. Hơn thế, đó là một nhà lý luận - phê bình rất mê thơ và yêu các nhà thơ. Còn Đinh Quang Tốn làm thơ thì quả thật, tôi chưa bao giờ được biết.

 

Thơ Đinh Quang Tốn ở Trăng suông gần với ca dao, dân ca, gần với thơ ca truyền thống nên nhìn chung dễ đọc và như thế chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc trong bối cảnh người yêu thơ hiện nay ở nước ta. Thơ anh chân tình, thành thực, trong sáng, mượt mà, gần gũi, giản dị và nhiều dư ba. Vì thế, chỉ một buổi tối, tôi đã đọc một lượt hết tập Trăng suông với gần 100 trang in. ấn tượng đầu tiên về Trăng suông đó là sự giãi bày chân tình của tác giả: Tôi chỉ có trăng suông, rượu nhạt / Tặng cho em và gửi mọi người / Ai thi sĩ như cây đàn muôn điệu / Thơ tôi - lời thô mộc của hồn tôi. Tự bạch như thế không có nghĩa khiêm tốn nhưng lại rất đáng tin cậy. Thực vậy, cả tập thơ toàn những lời thô mộc của một tâm hồn thôn dã, quê kiểng giống hạt lúa, củ khoai giầu nhân ái, phóng khoáng, chan hòa với mọi người và hòa đồng với thiên nhiên.

 

Trăng suông mặc dù là tập thơ đầu tay của Đinh Quang Tốn và được xuất bản sau 30 năm kết thúc chiến tranh nhưng qua những bài thơ, hồn thơ, ta thấy Đinh Quang Tốn hiện nguyên là nhà thơ thuộc thế hệ những người cầm súng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Cảm hứng sáng tạo của thời đạn bom khói lửa hào hùng được phản chiếu trong tâm hồn các nhà thơ một cách tự nhiên, vô thức. Với “Xương rồng”, “Phong lan”, “Dòng sữa Việt Nam”, “Thần tốc”, “Gặp nhau”, “Giữa mùa chiến dịch”, “Trở lại Đồng Giao”, “Biển Nghi Xuân”, "Đêm Khâm Thiên"… với Bao hố bom sững sờ. Tôi nhìn xương rồng nở / Hoa cứ lặng thinh như chẳng có chuyện gì (Hoa xương rồng) và Bom rơi đạn dội bao lần / Nhìn phong lan nở quên dần đau thương (Phong lan)…Những bài thơ, những câu thơ hồn nhiên, trong sáng, đầy lạc quan cách mạng và giầu tình yêu đất nước này có lẽ là nét đặc sắc của thơ ca thời chống Mỹ.

 

Sự lạc quan cách mạng đến khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật: giữa chiến trường khốc liệt, lính trẻ chỉ thấy hoa nở, chỉ thấy chim hót, chỉ thấy trăng sáng, chỉ thấy cây xanh mướt, chỉ thấy nụ cười rạng rỡ của thiếu nữ, của đồng đội... mà không thấy bom đạn, đau thương, chết chóc. Cảm hứng ấy, âm hưởng ấy chỉ riêng các nhà thơ thời chống Mỹ có, các nhà thơ thời chống Pháp không có và các nhà thơ thế hệ chúng tôi không làm sao có được. Chính nó, ở một nghĩa nào đó đã góp phần tạo nên diện mạo một thế hệ các nhà thơ áo lính đông đảo nhiều thành tựu của thi ca dân tộc. Trăng suông của Đinh Quang Tốn chỉ với một số lượng bài không nhiều anh viết trong chiến tranh nhưng về cơ bản cả tập vang vọng âm hưởng thơ của người lính rất sâu nặng. Đúng thế, Tuổi hai mươi tôi đã hành quân / Bao mùa xuân hoa rừng không kịp ngắm / Bom đạn giặc dạy tôi yêu cuộc sống / Dưới hầm sâu hiểu hạnh phúc tột cùng (Tâm sự - 1982); Cha đi xẻ dọc Trường Sơn / Để con ngủ khỏi chờn vờn tiếng bom…/ Căn nhà yên tĩnh quá thôi / Nhớ rừng nổi gió liên hồi võng chao (Ru con - 1983); Đồng đội ơi, nay ở đâu / Nhớ thời sắc áo tươi màu cỏ xanh (Không đề - 1992); Hôm xưa giặc đến quê ta / Súng trong tay em bắn trả (Đôi bàn tay em - 2000). Thế mới biết những ấn tượng, những ám ảnh, những cảm xúc về chiến tranh được lưu giữ thật sâu nặng và dai dẳng trong tâm hồn nhà thơ.

 

Khác với các nhà thơ cùng thời, Đinh Quang Tốn ở Trăng suông có rất ít bài trực tiếp viết về sự khốc liệt, mất mát và đau thương cũng như những trận đánh, những sự kiện “nóng bỏng” xẩy ra trong chiến tranh. Nhiều nhà thơ thời chống Mỹ đã thành danh bởi những mảng đề tài mang tính “thời sự”, hoặc sự chia xẻ “thương khóc” hay “mừng vui” cho ai đó. Thơ Đinh Quang Tốn chủ yếu mang tính giãi bày, thổ lộ những cảm xúc, tâm tư, những mong muốn sâu thẳm và thầm kín của riêng anh (dĩ nhiên không phải chỉ của riêng một mình cá nhân anh) một cách giản dị, chân thành. Đó là anh viết về nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ cánh đồng, nhớ dòng sông, nhớ mùa màng, nhớ tuổi thơ và dĩ nhiên nhớ cô thôn nữ của hồn anh. Có thể, vì thế nên dù thơ anh viết từ những năm 1972 -1975 đến nay đọc lại vẫn tươi mới, vẫn nồng ấm, vẫn chân tình rất xúc động nhưng ngày đó ít được mọi người chú ý. Thơ không phải chỉ biết tưng bừng, hân hoan với sự đón nhận ồn ào của bạn đọc mà nhiều khi còn phải biết chịu đựng sự lạnh nhạt của độc giả.

 

Thơ Đinh Quang Tốn, từ bài thơ đầu tiên đến bài thơ cuối cùng trong tập luôn nhất quán với lý tưởng thẩm mỹ của mình và luôn trung thành với những cảm xúc, những nỗi niềm buồn vui thành thực của riêng anh. Dù trải qua khói lửa chiến tranh, nhưng sự hồn nhiên, trong sáng, tươi mới và hồn hậu trong tâm hồn nhà thơ vẫn nguyên vẹn. Quê hương châu thổ sông Hồng của anh hiện lên trong thơ thật đẹp và bình yên: Sông ơi vẻ đẹp của sông/ Ngày mai sẽ hiện trên bông lúa vàng (Tát nước đêm trăng); Tôi sinh ra sông đã ở trước nhà/ Nước bốn mùa thẫm đỏ phù sa…/ Bờ đê cao cỏ nhung xanh mướt/ Tuổi thơ tôi đánh trận giả nô đùa (Dòng sông tôi yêu); Dòng sông đỏ dậy ráng chiều (Hoàng hôn); Tiếng no ấm của xóm làng/ Trong tôi những hạt lúa vàng tung bay (Về quê nghe tiếng đập lúa)…Không chỉ hình ảnh dòng sông, cánh đồng, bông lúa vàng mà cả vóc dáng cô thôn nữ tràn trề sức sống luôn xuất hiện: Các cô thanh nữ kéo gàu nước/ Mái tóc bay bay, miệng nói cười/ Như bông hoa nở trên đồng nội/ Phô sắc khỏe hương giữa nắng trời (Mùa xuân); Mùa xuân trên cánh đồng quê/ những cô thanh nữ tràn trề sức xuân (Nghĩ tới mùa xuân)…

 

Thơ viết về mẹ, về chị , về vợ và về các con có một vị trí đặc biệt trong tập Trăng suông. Hình ảnh người mẹ luôn xuất hiện một cách gần gũi mà hết sức cao quý. Nhà thơ bao giờ cũng: Vẫn trẻ con khi về với mẹ/ Mẹ trong tôi mãi không trẻ không già (Mẹ tôi). Cả 3 bài thơ: “Chị ơi”, “Nhớ chị”, “Trăng” khóc người chị mất sớm của anh đều hết sức xúc động. Cái chết của người chị là một mất mát vô cùng lớn lao đối với anh và anh đã viết ra những câu thơ với nỗi buồn trĩu nặng về sự mỏng manh của thân phận con người. Thơ viết về vợ và con thì dường như nhà thơ nào cũng có, nhưng để viết được những bài thơ, câu thơ hay về những người thân thiết của mình quả không dễ. Qua các bài: “Từ đêm trăng ấy”, “Ru con”, “Từ căn phòng nhỏ”, “Với con”, “Tìm nhau”, “Đôi bàn tay em”… ta thấy, Đinh Quang Tốn là một trong không nhiều nhà thơ có những bài thơ hay viết về những người thân thiết nhất của mình. Thơ viết về mẹ, về chị (anh), về vợ (chồng) và con thì nhiều nhưng cho đến nay theo tôi biết, thơ hay về những người thân thiết này thật sự không nhiều. Đây là một thành công, một nét riêng biệt rất đáng trân trọng của thơ Đinh Quang Tốn.

 

Với Trăng suông, tư cách thi sĩ của anh không chỉ bộc lộ trong niềm cảm hứng sáng tạo với những gì dịu dàng, đằm thắm, thân thuộc, gần gũi của đời sống thôn dã quê anh, nó còn được thể hiện qua cảm quan và suy tưởng của anh về những triết lý nhân sinh, những nhân cách văn hóa và cả những vấn đề thời sự đương đại. Nhân vật trong Trăng suông đâu chỉ có mẹ, chị, vợ, con, bạn bè, đồng đội…mà còn có cả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo, Lý Bạch, Hồ Chí Minh…qua những vĩ nhân, những nhân cách văn hóa lớn này nhà thơ suy ngẫm về các triết lý nhân sinh phương Đông, về lẽ sinh tồn, về cái khoảnh khắc và cái vĩnh hằng vừa thâm thúy nhưng vừa nhạt nhòa, bảng lảng.

 

Thực là, Bao triều đại đã mờ rồi/ Lòng nhân nghĩa vẫn sáng ngời núi sông (Nhớ ức Trai); Có niềm vui của hôm qua/ Hôm nay nghĩ lại lòng xa xót buồn (Những niềm vui, những nỗi buồn); Trời sinh ta chẳng có tài/ Ngày dài buồn tẻ ngâm vài ba câu/ Biết không lưu đến mai sau/ Thì làm rượu nhạt giải sầu sớm hôm… (Rượu nhạt); Có trăng, mà chẳng thấy đâu/ Vầng trăng không ngự trên bầu trời cao/ Đất trời lảng bảng chiêm bao/ Cỏ cây, sông nước, nơi nào cũng trăng…(Trăng suông); Sắc thắm dần sẽ nhạt/ Hương thơm rồi cũng hao… Sao dòng đời mải miết/ Thanh thản nhìn mấy ai? (Không đề II); và còn rất nhiều câu thơ tương tự như thế.

 

Với những câu thơ như thế, rõ ràng, cốt cách triết nhân ở Đinh Quang Tốn nhiều hơn cốt cách thi sỹ. Chính những câu này đã cho người đọc cảm giác Trăng suông là một tập thơ giầu âm hưởng của minh triết phương Đông. Và có lẽ, cũng chính từ những câu thơ này mà hai nhà thơ cách tân Dương Kiều Minh (Hà Tây) và Mai Văn Phấn (Hải Phòng) cho rằng thơ Đinh Quang Tốn có phong vị Thiền. Thực ra Đinh Quang Tốn và thơ anh, như tôi biết còn "nặng nghiệp" lắm chưa chay tịnh đến mức Thiền đâu. Dẫu thế nào, thì với cảm xúc hồn nhiên, trong sáng, thành thực, yên nhiên tự tại và được thể hiện bằng hình thức thơ truyền thống quen thuộc, Trăng suông đã truyền tải được những tình cảm, tư tưởng cô đọng, sâu lắng và nhiều gợi mở của tác giả về cuộc đời, về trời đất. Đây chính là điểm đặc sắc của Thơ Đinh Quang Tốn. Không ồn ào rầm rộ, không mới mẻ lạ kỳ nhưng lại dần dà thấm đẫm vào tình cảm và tâm tưởng người đọc. Trăng suông được như thế quả là mong muốn của nhiều nhà thơ.

 

Sau khi đọc hết tập Trăng suông, xin thành thật nói rằng cái sự ngỡ ngàng của tôi khi được nhà lý luận - phê bình Đinh Quang Tốn tặng thơ là không phải với anh. Trăng suông với 51 bài thơ được viết theo lịch trình thời gian từ năm 1972 đến 2005, điều này cho thấy hơn 30 năm qua tác giả vẫn đắm mình với thơ và âm thầm kiên trì với niềm đa mê của mình. Anh tâm sự “Thơ tôi chưa hay, xin bạn đừng cười/ Tôi chỉ hát những lời chân thực/ Dẫu thiếu tài năng, thiếu đâu nghị lực/ Tôi tin ngày đất đá cũng thành cây (Tâm sự). Tôi tin rằng, Trăng suông chỉ là một phần rất nhỏ trong “gia tài” thơ mấy chục năm của anh.

Đinh Quang Tốn chỉ cần qua Trăng suông khuôn mặt một nhà thơ đích thực đã hiện lên sáng rõ. Là một nhà lý luận - phê bình nhiều thành tựu, đã định danh trên văn đàn, nhưng trở thành nhà thơ, hóa ra, đó mới là mơ ước đằng đẵng của anh. Anh tâm sự: Lúc đầu đến với văn học, tôi không có ý định viết phê bình. Như rất nhiều người khác, tôi làm thơ - thể loại dễ làm nhất và khó hay nhất của văn học. Tôi cũng ước mơ mình sẽ làm được những bài thơ nổi tiếng lưu truyền muôn đời. Có lẽ đấy là ước mơ chính đáng và giản dị nhất của tất cả những người làm thơ. Không có những ước mơ điên cuồng đẹp đẽ ấy, theo tôi không thể làm thơ được? (Tản mạn về văn chương - 1991-1997).

 

Ở một dịp khác anh cũng bộc bạch: Tôi đã khao khát đến đau khổ trở thành một nhà thơ từ những ngày ở bộ đội cách đây hơn hai mươi năm, nhưng nay tôi lại trở thành một người viết phê bình. Và anh giải thích: Thế rồi, sau gần chục năm làm thơ, hẳn chưa có bài nào sẽ sống như mong ước, tôi bỗng có cảm hứng viết phê bình. Không biết những người viết phê bình khác như thế nào, chứ tôi viết phê bình đều phải do sự thôi thúc mãnh liệt cần giãi bày tự bên trong không khác gì cảm xúc hứng khởi khi làm thơ. Có lẽ đấy là bài thơ của tôi được ký hiệu dưới dạng phê bình. Và, anh lại giải thích: Thực ra, văn học là gì có thể loại cố định. Cái ranh giới tưởng rõ ràng này, kỳ thực lại mờ nhạt lắm. Đó chỉ là hình thức biểu hiện của tâm hồn nghệ sỹ  (Tản mạn về văn chương). Như thế, với Đinh Quang Tốn, làm thơ hay viết phê bình đối với anh thực chất không có gì là quan trọng, điều quan trọng là anh viết do sự thôi thúc mãnh liệt cần giãi bày tự bên trong của bản thân anh trước cuộc đời. Nhà văn suy nghĩ như vậy thì chỉ với trăng suông, rượu nhạt cũng đủ thung dung trong làng văn chương, chữ nghĩa.

 

Để kết thúc bài viết, trước hết, tôi xin chúc mừng nhà thơ Đinh Quang Tốn với tập Trăng suông chân thành, xúc động và đánh động nhiều ngẫm ngợi trong lòng người đọc. Bài viết của tôi chỉ là những nghĩ suy, chia xẻ hoàn toàn ngẫu hứng nhân xuân mới ngày rộng tháng dài của một người bạn thơ quí người và yêu thơ anh. Nó không có ý nghĩa về phê bình, định giá. Tuy nhiên, nhân đây cũng muốn nói với tác giả rằng người viết bài này không thuộc những người trong: có một quan niệm sai lầm rằng cứ là nhà thơ, nhà văn là viết phê bình được, khi không sáng tác được thì viết phê bình nên có một số báo thường đặt nhà văn, nhà thơ viết bài phê bình (Văn chương như tôi biết), như anh đã từng nhắc nhở một cách rất "nhạt" các nhà thơ, nhà văn./.

 

Hà Nội, 4. 2006
Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 3724
Ngày đăng: 08.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Sơn Nam – Nhà nam bộ học - Hùynh Công Tín
Thăm đất Bến Tre - Hùynh Công Tín
Nguyễn Ngọc Tư càng khẳng định mạnh mẽ hơn những gì mình đang viết và sẽ viết - Lê Chí
Người đọc và đổi mới thi ca - Mai Văn Phấn
Sự thật về "Cánh đồng bất tận" - Lê Chí
THIÊN HÀ đứa con của HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - Sơn Nam
Nhà thơ Vũ Trọng Quang: Người đi bộ trong giấc ngủ… - Ngọc Anh
Văn học hiện đại dân tộc Mường : Những khuôn mặt - Nguyễn Thị Thu Hiền
Người hoài cổ - Trọng Huân
Chung quanh bài thơ "GIANG HỒ" của PHẠM HỮU QUANG - Trần Hữu Dũng
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)