Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.710
 
Nơi có vùng tâm bão đi qua …
Trần Xuân Linh

Có những cơn bão vô hình không thổi qua mặt đất, nhưng cường độ và sức tàn phá của nó không hề kém hơn so với những cơn bão thiên nhiên. Những cơn bão vô hình ấy đã từng đi qua trái tim của những người mẹ, để lại những mất mát, đớn đau mà nỗi niềm da diết nhớ mong con mãi còn âm ỉ trong lòng… Những cơn bão vô hình như thế lặng thầm đi qua chiến tranh, và những nỗi buồn để lại phía sau lưng sau ba mươi năm chiến tranh là những điều rất thật…

    

Cuộc sống bộn bề trong cái tất bật hàng ngày của cuộc sống mới dễ làm cho người ta ít để ý rằng thời gian vẫn âm thầm, lặng lẽ trôi qua những vết thương đau buồn của chiến tranh.  Niềm vui còn lại nho nhỏ của những người mẹ có những đứa con nằm xuống trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ sau ngày đất nước thanh bình là được thăm viếng, thắp những nén nhang - sự chăm sóc lặng thầm, sau cùng và tận cùng của mẹ - vào những ngày lễ, Tết. Và có nhiều mẹ, hôm nay không còn đủ sức để hưởng trọn vẹn niềm an ủi ngọt ngào ấy.

    

Mẹ đã già hơn... Ba mươi năm chiến tranh đã đi qua, bất chợt giật mình, chiều nay  nghe ai đó da diết trong lời ca bằng tất cả nỗi niềm: "Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi"…

  

Má tôi, thường những khi đốt nhang trên bàn thờ, nhất là những ngày cúng quảy, có đông vui con cháu như hôm nay thì bà hay nói chuyện lầm thầm một mình, thật ra là nói chuyện với người đã chết mà cứ như là người đó còn đang đứng trước mặt mình. Ví dụ như: " Mấy đứa nó bữa nay về đủ mặt rồi kìa, bây về uống miếng rượu với nó cho vui, nghe! Hùng ơi! "  Có khi lại là: " Mấy đứa nó kêu má lên tỉnh khám bệnh lại, chắc mai má phải lên tỉnh một chuyến mới được! ".  Nếu ai đó không phải là người quen thuộc thường dễ nghĩ là má đã già nên lẫn. Tôi không nghĩ vậy, ban đầu, tôi vẫn nghĩ là do má sống một mình nên cô đơn, thỉnh thoảng lại nói chuyện một mình. Không có ai chuyện vãn thì má nói với người đã mất, cho vui! Nói với người đã mất thì  không phải chờ câu trả lời.

 

Bữa nay lại khác, sau khi cúng quảy, ăn uống xong rồi, nhiều người đã đi nghỉ, má ngồi đang lúc têm trầu gợi chuyện nói với tôi. Má kể câu chuyện mới bắt đầu bằng câu chuyện cũ, rằng:

 

… Thằng Hùng hôm đó trên đường công tác xin phép ghé tạt qua nhà thăm má, đúng vào ngày này. Không dè! tụi lính sư đoàn bất ngờ đổ quân từ phía sau vườn.  Bà con tản ra chạy tứ tán. Lúc đó má biểu thằng Hùng lẹ lẹ theo tốp thanh niên trong xóm chạy vô chùa đi, mà nó không chịu nghe. Tụi lính ngụy làm hùm làm hổ vậy chớ mấy lần ruồng bố qua đây không dám vô chùa bắt người. Thằng Hùng nhỏ lớn thuở giờ không dám cãi má một lời. Chỉ lần đó không nghe lời má, và trong khoảnh khắc ngắn ngủi, chẳng ai ngờ, nó hy sinh!

 

Tới bây giờ má vẫn còn tiếc một điều, lúc thằng Hùng chết má không khóc được, lúc đó má đâu còn biết thứ gì nữa trên đời! Nhớ lại mấy đêm liền phân vân trước khi quyết định cho nó theo anh Tám làm giao liên, nằm một mình đêm đêm má đã từng thử nghĩ đến tình huống tận cùng này. Má muốn thử sức mình coi có chịu đựng nổi hay không nếu có một ngày, không may má nghe tin dữ. Nhiều khi nghĩ đến lúc nó hy sinh, má khóc. Những lúc như vậy thì khóc, khóc ngon lành mà tới khi  nó chết thật rồi lại không khóc được. Thương con đứt ruột, đứt gan mà thù hận dằn dặt trong lòng không để mình rơi nước mắt. Lối xóm xúm lại lo hết mọi chuyện giùm má, ai cũng nghĩ là má sẽ phải thành người điên loạn, chớ làm sao chịu nổi, hả con? Mà thật ra má điên cũng không được. Điên được trong lúc đó chắc là sẽ ít đau khổ hơn nhiều, có lần má đã nghĩ như vậy. Đứng trước những bất ngờ lớn lao quá, buồn đau, uất hận, tâm trí mình vừa như người tỉnh lại giống người mê!

 

Má còn nhớ cái bộ dạng sau cùng của nó mà má nhìn thấy được. Nó nằm cong queo, mặt úp nghiêng một bên tựa trên bờ mương nhỏ. Hai tay sãy rộng, những ngón tay còn bấu trên mặt đất để lại những vết hằn sâu. Cũng mùa này, bây ơi! gió chướng thổi sòng, hàng so đũa trước nhà bông rụng trắng bờ sông… Máu đã đổ xuống mảnh đất một thời chính cha con nó đổ mồ hôi. Cái chết của thằng con trai duy nhất sau khi chồng vừa mới hy sinh được mấy năm đối với má là mất mát vô cùng to lớn, đớn đau là đến tột cùng. Má nhớ thằng Hùng ngày trước có cái tật là ngủ hay nằm sấp, cũng cái bộ dạng này đây. Nó chùi vô mùng, tay sãi dài như con chim đang cất cánh, đầu nghẻo một bên trên cái gối ôm… Vô mùng, đôi khi bị má rầy la chuyện gì, nó không dám trả lời mà cứ nhìn đôi bàn tay nó thì biết. Hai tay nó bấu riết xuống bộ vạt nghe rin rít… Má biết, thằng này nữa cứng đầu như cha nó chớ chẳng phải chơi!

 

Mình vẫn có quan niệm rằng con mất trước cha mẹ thì mang tội bất hiếu. Chinh chiến loạn lạc kiểu này, chuyện sống nay chết mai đã là chuyện bình thường. Nếu chọn một trong hai điều hệ trọng, má vẫn nghĩ rằng, thà rằng bất hiếu chớ có bất trung!

 

Thằng Hùng đã được xã đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh ở Láng Dài mấy năm nay, gần nhà, tới lui cũng tiện. Năm nào gần Tết, hay thanh minh má lên nghĩa trang cúng thằng Hùng. Tính ra thì mỗi năm chỉ còn gặp con hai ngày đó. Những lần như vậy chị Tám cũng đi theo. Chị Tám nói đi chơi với má có bạn, bữa cúng thanh minh mà ở nhà một mình, buồn lắm. Đó! nhà chị Tám đó, cũng một cảnh neo đơn như má. Tội một nỗi, thằng Bình, con chị Tám hy sinh trong một trận công đồn, biết nó hy sinh mà không tìm ra thân xác. Cùng một cảnh cắt ruột chia ly mà mỗi người đau một cảnh!

 

Chị Tám năm nào đi theo má lên nghĩa trang liệt sĩ cúng thanh minh cũng chuẩn bị nướng một ổ bánh bò. Bánh bò nướng của chị Tám ở chợ Vĩnh Mỹ này, mấy mươi năm trước ai mà không biết! Nhìn chị Tám xách giỏ đi cúng thanh minh tao đứt ruột tới hai lần! Cũng cái giỏ, cũng nhang đèn, chai rượu, thuốc hút, nước trà và cái bánh bò nướng… Tới nghĩa trang, chị cắt cái bánh bò ra từng miếng nhỏ, thằng Hùng bao giờ cũng một miếng trước tiên. Lúc còn sống, chị Tám thương thằng Hùng lắm, nó là bạn cùng chơi với thằng Bình từ thuở nhỏ, hai đứa trên đồng, dưới mương lặn ngụp bên nhau tối ngày. Thằng Bình thoát ly trước thằng Hùng đâu chỉ gần một năm. Cắt bánh cho thằng Hùng rồi sau đó là những anh em nằm gần gần dãy mả chung quanh. Chị rót rượu, thắp nhang, mỗi mả một cây, đều khắp cho đến cây nhang cuối cùng trong bó nhang mang theo…

 

Xong, chị Tám ngồi ăn trầu nhìn người qua lại, nhiều người là người quen, nếu chẳng biết tên cũng là quen mặt. Một năm hai bận, gần Tết và thanh minh, năm nào chị Tám cũng có mặt ở nghĩa trang này. Dường như chị cũng thường ngồi dưới gốc cây bã đậu. Trong ánh mắt, chị như muốn kiếm tìm con trong cõi hư vô bên những anh linh quần tụ trong ngày họp mặt vui vẻ này. Nhiều người tới mời chị qua bên này, bên kia ăn, uống cho vui, chị lắc đầu, cảm ơn. Có người không biết, vô tình hỏi thằng nhỏ chị nằm đâu, chị cũng lắc đầu, cười để một mình má rơi nước mắt…

 

Nói là nói chuyện của năm, bảy năm về trước, chớ bây giờ chị Tám già rồi, đi đứng đã khó khăn. Mấy năm nay chị Tám và cả má nữa không còn đi cúng Tết, cúng thanh minh trên nghĩa trang liệt sĩ nữa, chỉ cúng ở nhà thôi.  Nhà chị Tám ở cạnh bờ sông, trừ những ngày mấy đứa con nuôi ở cơ quan trên tỉnh về thăm, hoặc giả ngày cúng cơm của anh Tám, thằng Bình, còn lại, chị một mình với một khoảng trống mênh mông…  Chị Tám ngồi trên bộ vạt bên khung cửa sổ, dõi nhìn theo con nước lớn ròng. Chờ mỗi bận đò về coi có đứa nào quen, gọi má! Dường như phần lớn trong cuộc đời của chị Tám là sống trong nỗi đợi chờ. Tưởng chừng như không có bà con, không có xóm làng, không có bạn bè, anh em, đồng chí , chị một mình đã hóa đá từ lâu…

 

*

Ít nhiều, mỗi năm cũng có vài cơn bão đi qua. Nhiều người mẹ, trong đời đã phải đứng trước bao nhiêu lần bão tố. Ba mươi năm, bao nhiêu trận cuồng phong, bao lần bão tố? Tâm bão, nơi mà cường độ mãnh liệt nhất của sự tàn khốc đi qua để lại phía sau lưng và trong đời của mỗi người trong cuộc tất cả những hoang tàn, khổ đau, mất mát. Có những cơn bão không đi qua những vật thể đời thường, nó đã lặng thầm đi qua trái tim của những người mẹ nên những mất mát đớn đau ấy, lặng thầm và không cách gì đong đếm được…

 

Nhưng sau đó, lạ lùng thay lại là một sự yên lặng. Từ trong tâm khảm, sự yên lặng đến lạnh lùng, khó hiểu. Cái bình yên bất chợt cũng như cơn bão bất ngờ làm cho người trong vùng tâm bão đi qua chưa kịp bình tâm. Có điều gì đó còn âm ỉ, xót xa dù cho nó đã xảy ra từ hơn ba mươi năm về trước. Cứ mỗi lần nhắc lại là cứ mỗi lần như mới vừa xảy ra, còn có thể hình dung, nhìn thấy được. Sự cô đơn, vắng lặng sau mấy mươi năm hừng hực lửa chiến tranh, đau thương mất mát làm cho người ta hẩng hụt trong phút giây ấm cúng của sự bình yên khi  vừa mới bắt đầu.

 

Chắc cũng là chuyện tất nhiên thôi - đơn giản là vậy, chiến tranh - cơn bão lớn đi qua, còn để lại đến bao giờ những đau thương, mất mát? Chiến tranh là điều rất thật. Mất mát, thương đau cũng là điều rất thật, nó hiển hiện trong mỗi gia đình, trong từng số phận của những người còn lại, dai dẳng với thời gian cho đến tận bây giờ. Cơn bão sẽ qua đi. Cuộc đời của mỗi người rồi cũng sẽ qua đi. Chỉ có điều khác biệt là khi cơn bão qua đi, chỉ có nỗi buồn ở lại. Còn cuộc đời của các mẹ, dẫu khi đã qua đi, bên cạnh nỗi buồn không cách gì nguôi ngoai được ấy còn có niềm vui, niềm hãnh diện trong ánh sáng vinh quang của niềm tin ngày tất thắng vẫn còn ghi đậm nét và sống mãi với thời gian…

 

Má ơi! Để con thay má, thay bác Tám Tết này đốt ba nén nhang cho hương hồn các anh trước tượng đài ở nghĩa trang liệt sĩ…
Trần Xuân Linh
Số lần đọc: 2537
Ngày đăng: 09.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đang tiếp tục hành trình * - Vinh Huỳnh
Hỏi nhà văn Vũ Bão về câu chuyện Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư và Những vụ án trong làng văn - Hà Nguyễn
Tần ngần giữa chợ - Nguyễn Ngọc Tư
Rơi một chiếc hài - Huỳnh Kim
Kể chuyện ngoài văn chương - Nguyễn Ngọc Tư
Tản mạn đời văn - Vinh Huỳnh
Văn nghệ sĩ ở hải ngoại và một vài kỷ niệm - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những điều phiền muộn... - Nguyễn Ngọc Tư
Buồn thay, nguyên mẫu vẫn cứ nhiều..Một tác giả cùng đọat giải Văn học tuổi 20 tâm tình với Nguyễn Ngọc Tư và chúng ta. - Nguyễn Thị Thu Hiền
Em ơi ! đừng lấy chồng xa… - Trần Xuân Linh
Cùng một tác giả
Happy… (tạp văn)
Bến nước (tạp văn)