Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.231
123.153.758
 
Một nơi tôi đã đến
Trinh Công Sơn

Không hiểu từ bao giờ và do đâu người ta tin rằng tình yêu xuất phát từ trái tim.

Ai cũng có một trái tim nhưng có kẻ chỉ có khả năng chất chứa trong đó lòng thù hận, sự ganh ghét và đố kỵ. Có lẽ không có gì buồn cho bằng anh đến một xứ sở mà ở đó chỉ bắt gặp những cái nhìn lạnh nhạt và những trái tim thiếu nhiệt tình. Ở những nơi chốn như thế khách lạ khó có thể dừng chân lâu dù cảnh vật có đẹp đến đâu chăng nữa.

 

Trong những dịp đi qua nhiều thành phố, nhiều thị trấn khác nhau, có lần tôi nghe ra ở một vài nơi lời mời gọi âm thầm từ những con người, từ những góc phố, từ quán xá, và cả trong những phiên chợ. Lời mời gọi không ầm ĩ mà ẩn dấu đằng sau những nụ cười, những cái bắt tay và hình như đã từ lâu lắm, nó biến thành nếp sinh hoạt tự nhiên của đời sống. Đến những nơi chốn như thế tôi có cảm giác là một lề đường, một cây cầu, một cột đèn cũng có tình cảm. Và thường thường, trong những trường hợp ấy, trong tôi bỗng nảy sinh rất nhanh lòng tin cậy và sự yên tâm kỳ lạ. Nếu cần phải có một cái tên để gọi chung những thành phố loại này thì có thể tạm gọi là: Thành phố mời gọi.

 

Khi đứng ở đỉnh cao nhìn xuống vực thẳm con người thường có khuynh hướng bị hút xuống vực thẳm. Hiện tượng này người Pháp có chữ có thể  tạm dịch là: tiếng gọi của vực thẳm. Tiếng Anh có một chữ ghép được dùng nhiều trong những sách báo đầy hình ảnh lõa lồ có nghĩa là tiếng gọi của dục tính. Đó cũng là những lời mời gọi nhưng để đưa con người đến chỗ huỷ hoại. Thành phố mời gọi, ngược lại, làm thức tỉnh trong con người những tình cảm nhân hậu đối với cuộc sống và khiến con người yêu thích đời sống hơn. Nó mở riêng thêm những bờ cõi của hạnh phúc được làm người và được có mặt giữa đời này.

 

Với tôi, An Giang là một trong những nơi chốn mời gọi. Tôi vào An Giang bằng cổng chính là thị xã Long Xuyên. Tôi đã gặp những con người cần phải gặp và cả những ngừơi gặp gỡ tình cờ. Người cần gặp và ngừơi gặp gỡ tình cờ không khác gì nhau. Uống với nhau một ly rượu chưa hẳn là bạn. Uống với nhau một chai rượu cũng chưa hẳn đã thiết lập một tình bằng hữu. Chính cái cung cách hoặc một cái gì đó sôi nổi gần như tình bạn lâu ngày gặp lại làm thành một dạo khúc thân mật, ấm áp dẫn con người đến với ly rượu. Con người An Giang nói chung có cái cung cách ấy. Và cung cách ấy được biểu lộ một cách tự nhiên, chân thật, ở những con người có những nghề nghiệp rất khác. Từ nghề chân tay đến nghề trí óc. Hình như cứ gặp con người là đã quý. Gặp người đồng điệu lại càng quý hơn. Rồi từ đó, qua ly rượu, câu chuyện mỗi lúc rộn rã thêm. Và cứ xoay quanh cái trục chính là chuyện tình nghĩa ở đời. – “ Ở đời lấy tấm lòng ăn ở với nhau mà chú hai, anh ba, dượng năm ! “v…v…

 

Tôi đến Long Xuyên lần đầu vào mùa nước lớn. Những kinh rạch no căng bởi con nước rong. Lên một chiếc “ tắc ráng” có gắn máy chạy lạch xạch trên mặt nước đầy mà bên bờ xa ngút mắt như biển dễ có cảm giác như lòng ngực mình cũng như rộng rãi thêm. Mùa nước lớn cũng là mùa hoa điên điển mọc chen nhau thành một vùng khá rộng. Có thể gọi đó là vườn hoa trên nước. Phải nói là đẹp lạ lùng. Thỉnh thoảng một đám lục bình như chiếc bè bằng lá trôi xuôi chiều sông Hậu mang theo trên mình nó những hoa bèo tím mỏng manh. Hình ảnh ấy dễ làm nhớ lại những mùa lụt ở Huế. Cũng màu hoa đó, cũng những cánh bèo xanh thẩm, cũng trôi đi cái màu nước đục ngầu phù sa, nhưng mỗi thứ đều ở một kích thước nhỏ nhắn hơn. “Tắc ráng” cứ thế đi xa hơn và nếu bỗng tình cờ quay lại thì cái nhìn sẽ ngỡ ngàng trước một khuôn mặt mới lạ hẳn của thị xã. Cái nhìn, thoạt đầu sẽ dừng lại một chút ở lớp tàu, ghe, thuyền rồi bị cuốn ngay vào cái mảng màu trắng kéo dài từ trái sang phải của phố nhà. Ở hai đầu được cắt thẳng xuống bởi hai mảng màu xanh của lá cây. Lên cao hơn là một rừng cột ăng-ten ti vi trông xa như một ngày hội diễn. Cũng trên cái chiều cao ấy có hai cánh tay khổng lồ màu xám vươn lên ôm lấy cái thánh giá của nhà thờ khá lớn ở trung tâm thị xã. Nhìn trong bức tranh thị xã vừa quay lại đã thấy ngay mình đang lạc vào giữa rừng cây cao. Đây đó vài cái nhà sàn lợp bằng lá dừa nước, những dáng vòng cung của những vai cầu nhỏ. Thế giới chung quanh bỗng mộng mị hẳn đi vì thấy mình phút chốc được sống giữa trời nước mênh mông mà cũng có đủ hoa, quả và cây cao bóng mát. Cũng tre, cũng dừa, cũng xoài, cũng mít. Được sống giữa một khung cảnh như thế không phải nơi nào cũng tìm thấy được.

Dạo ấy trở về tôi tự hứa với mình thế nào cũng tìm cơ hội trở lại. Thế rồi trở lại thật. Lần này tôi về thăm An Giang giữa mùa hè. Lần trước về thăm như một người khách nhưng lần này trở lại như một người bạn. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này kiểm tra lại những tình cảm buổi đầu của mình đối với An Giang. Và đợt kiểm tra này đã mang về cho tôi một mối lợi lớn, không chỉ những điều tôi nghĩ về An Giang đúng mà thêm vào đó vòng tròn thân hữu lại được nới rộng hơn nữa. Vòng tròn ấy được nối từ Long Xuyên qua Mỹ Luông rồi kéo về tận Châu Đốc. Nói là xã Mỹ Luông nhưng khi đến nơi lại thấy nó lớn như một huyện ở miền Trung. Lớn và giàu. Kiểu nhà sàn ở đây tạo cho Mỹ Luông một khuôn mặt đặc biệt không thể trùng với bất cứ nơi nào. Đi vào Mỹ Luông như đi trong một khu vườn mênh mông có nhà cửa. Trên đầu lúc nào cũng có sẵn một vòm lá rậm che mát. Nếu có người gọi Châu Đốc là Phố Chùa thì cũng có thể gọi Mỹ Luông là vườn nhà sàn.

 

Mùa hè ở An Giang mưa đến sớm. Mưa cùng lúc ở Long Xuyên, ở trong những khu vườn xanh mướt của Mỹ Luông, ở trên con kênh Vĩnh Tế của Châu Đốc.

 

Đứng từ trên sân thượng một cao ốc ở Long Xuyên cái nhìn mới quán xuyến được hết toàn cảnh thị xã. Mùa hè có hoa phượng nở đây đó từng chùm đỏ tươi. Sông Hậu đưa một cánh tay mềm mại vào giữa lòng thị xã làm thành con sông nhỏ chia thị xã thành hai khu vực. Cái rừng ăng-ten từ sông nhìn vào như bầy diều giấy, trong mưa như thu mình lại thành những cánh chuồn chuồn mong manh. Xa hơn, ở phía chân trời có bóng dáng lờ mờ của núi Sam, núi Sập muốn nhìn thấy Bảy Núi thì phải về tận Châu Đốc. Khi chiều chuyển qua đêm, hai cánh tay khổng lồ ôm lấy thánh giá trên nóc nhà thờ biến thành ông cha xứ khoác áo choàng rộng, đội mũ phớt đứng im lìm.

 

An Giang có đủ sông, núi, kinh, rạch, cù lao. Nhưng phải ghé chân thăm Chợ Mới thấy được hết sự sung mãn của đời sống nơi này. Chợ Long Xuyên, Chợ Mới ở Mỹ Luông, hoặc chợ Châu Đốc đều đầy ắp, la liệt những thực phẩm trần gian. Chợ luôn luôn tiết lộ cho ta tất cả sự phồn thịnh của đời sống của một xứ sở.

 

Để hiểu An Giang hơn nữa thì phải cần trở lại nhiều lần mới đủ. Tôi chưa hiểu được hết cái xã Mỹ Luông giàu có và được thiết kế gọn gàng như một làng kiểu mẫu. Tôi có ghé thăm nhà bè nhưng còn hẹn dịp khác sẽ về ăn cá vớt từ dưới sàn nhà bè nổi bồng bềnh trên mặt sông. Tôi chưa nhìn thấy chợ trăn mà cứ vào tháng tám người ta cuốn vào mình từng con trăn lớn đen bày bán ở Châu Đốc. Và còn biết bao nhiêu điều chưa hề biết đến nữa. Tuy nhiên tôi có cái may mắn được nhìn An Giang từ nhiều phía khác nhau được gặp cả hai mùa khô, ướt được đi qua nhiệt tình của những con người. Hiếu khách vốn là đức tính chung của người Nam Bộ nhưng phải đi vào cụ thể từng con người mới thể nghiệm được hết sự hồn nhiên và chân thật của loại tình cảm này.

 

Ở một xứ sở mà con người luôn luôn biết gìn giữ trái tim mình để yêu cuộc sống và con người một cách chân thật thì nơi đó có điều kiện tốt cho một nền văn nghệ đẹp đẽ phát triển.

 

Tháng 11 – 79

(Tập san Văn nghệ An Giang, do Ban vận động thành lập Hội văn nghệ An Giang xuất bản năm 1979 )

Trinh Công Sơn
Số lần đọc: 2948
Ngày đăng: 10.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi có vùng tâm bão đi qua … - Trần Xuân Linh
Người đang tiếp tục hành trình * - Vinh Huỳnh
Hỏi nhà văn Vũ Bão về câu chuyện Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư và Những vụ án trong làng văn - Hà Nguyễn
Tần ngần giữa chợ - Nguyễn Ngọc Tư
Rơi một chiếc hài - Huỳnh Kim
Kể chuyện ngoài văn chương - Nguyễn Ngọc Tư
Tản mạn đời văn - Vinh Huỳnh
Văn nghệ sĩ ở hải ngoại và một vài kỷ niệm - Nguyễn Thị Thu Hiền
Những điều phiền muộn... - Nguyễn Ngọc Tư
Buồn thay, nguyên mẫu vẫn cứ nhiều..Một tác giả cùng đọat giải Văn học tuổi 20 tâm tình với Nguyễn Ngọc Tư và chúng ta. - Nguyễn Thị Thu Hiền