( Đọc tập thơ SÓNG SÁNH MẸ VÀ ANH, Trương Gia Hoà- NXB Văn Nghệ- 2005)
Trần Hoàng Vi mang đến cho tôi một tập thơ và bảo: “ Cô bé này người Gia Bình, Trảng Bàng, Tây Ninh, nhưng đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cô không gặp được nên mẹ cô gửi anh tập thơ này”.
Trương Gia Hoà, cái tên còn lạ với làng thơ Việt Nam và còn lạ cả với làng thơ ngay tại đất Tây Ninh này. Có thể vì lạ mà người ta dễ có cảm giác biếng đọc. Vì bây giờ, người làm thơ quá đông. Tìm cho ra được một giọng thơ dễ cảm hơi khó. Nhưng tôi đã đọc Trương Gia Hoà, đọc “ sóng sánh mẹ và anh”.
“ Sóng sánh”, trước hết bởi hai chữ này trên trang bìa mà tôi chú ý. Sóng sánh, có cái nghĩa ắp đầy. Sự ắp đầy rất dễ xao động. Một làn gió, một cái búng tay, một viên sỏi nhỏ và có thể chỉ là một tiếng thở dài, cũng làm cho cái ắp đầy kia sóng sánh. Mẹ, là một đề tài muôn thuở. Tình yêu cũng là một đề tài muôn thuở. Trương Gia Hoà đã mang sự ắp đầy của lòng mình để trở lại với đề tài muôn thưở ấy nên cả tập thơ, chỗ nào cũng thấy sự nghẹn ngào, thổn thức. Thổn thức với mẹ:
Người ta phụ con cứ đến đến không ngờ
Chiều nay ngẩn ngơ con thấy mình bật khóc
Gia- tài- Mẹ- tình- yêu con trao hết
Người ta nhận thật nhiều rồi lặng lẽ ra đi
Thổn thức với cha:
Ba trở trăn giấc ngủ bùn lầy
Gia tài cho con luống cày xanh cỏ
Bước về thôn nhỏ
Sáo lưng trâu bỏ bạn bay rồi
Thổn thức với người yêu:
Tôn giáo trong em chỉ là tình yêu
Không mùa thời gian, chỉ mùa chờ đợi
Thắp nén hương tình
Lạy hạnh phúc mùa sau!
Thổn thức với ai thì cuối cùng cũng là thổn thức với chính mình. Thơ có một cái thế rất mạnh mà không có bất cứ bộ môn văn học nào sánh được, đó là người thơ có thể bày tỏ cho hết tấm lòng mình. Hỷ, nộ, ái, ố tất cả biểu lộ ra trên từng con chữ, mà đó là sự biểu lộ chính mình. Có nhiều nhà thơ cứ trải mình ra khắp cùng trời, cuối đất, yêu cái người ta yêu, ghét cái người ta ghét, ca ngợi cái người ta thường ngợi ca, để rồi tự đánh mất chính mình bằng những câu thơ sáo rỗng, xói mòn. Còn người thơ lấy chính tâm trạng buồn vui của riêng mình để khơi nguồn sáng tạo thì bao giờ cũng có những nét rất riêng. Nỗi niềm Trương gia Hoà trải suốt chín chục trang thơ là những nỗi niềm riêng không trùng với ai và luôn ắp đầy cảm xúc. Đúng với tên của tập thơ, những gì Trương Gia Hoà viết ra đều chất chứa những tình cảm dành cho những người thân yêu của mình. Không sa vào than thân trách phận, không đi phải con đường kể lể những chuyện xót xa thường gặp, Trương Gia Hoà bày tỏ cả cách nhìn nhận những sự thể khách quan quanh mình. Có đắng cay đấy, có mất mát đấy, nhưng mất mát ấy đắng cay ấy là cái chung có trong cuộc sống đời thường. Thơ không thể vực dậy một con người, nhưng nó có thể sưởi ấm lòng người trong một tiếng nói chung, cảm giác chung. Trương Gia Hoà đã làm được điều đó.
Chưa dám nói gì về phong cách thơ Trương Gia Hoà, nhưng có thể nhận ra một cách trực diện là: Trương Gia Hoà thiên về biểu lộ nội tâm bằng sự giằng xé chính mình, vì thế ngay cả câu chữ cũng thể hiện được sự giằng xé trong cõi lòng người thơ. Trương Gia Hoà ít mắc phải chuyện xính dùng chữ, dùng chữ để làm xiếc khi làm thơ. Trương Gia Hoà đã biết cách dùng chữ để tải tâm trạng. Một chữ được dùng là mỗi sự đắn đo. Phải vật vã lắm mới có thể viết được:
Gia tài của mẹ là giọt máu cơn đau
Con nuốt vào no tròn chữ hiếu
Hay :
Mẹ suốt năm loay hoay
Giữa mâm cơn sớt chia ngà ngọc
Chồng và con
Lệch hẳn đói nghèo
Với tình yêu, Trương Gia Hoà cũng có cách nói rất riêng, lúc ngọt ngào thủ thỉ, lúc lại dồn nén giận hờn:
Thông gào lên tiếng thủy chung
Mà đau rạc cả tiếng chùng của tơ
Hoặc:
Từ con suối này ta lạc mất nắng mưa
Niềm tin yêu
Kiêu hãnh tình người
Chiếc lá vàng bay
Rách bóng chiều đẫm nước
Ai sẽ thay ta
Vá víu bầu trời
Có một bài thơ thật hay trong tập sóng sánh mẹ và anh, đó là bài GIA TÀI CỦA MẸ. Chưa vội bàn đến câu, đến chữ trong bài thơ này, mà hãy nói đến một sự thật đến xót lòng. Mẹ sinh ra con gái. Mẹ ấp iu chiều chuộng, lo cho con. Mẹ không mong gì nhiều, chỉ mong con có một tấm lòng trong trắng, mong một ngày kia con khôn lớn, tấm băng trinh được gửi nơi xứng đáng với ước ao của mẹ. Vì lẽ đó mà mẹ mất rất nhiều: máu và nước mắt. Thế nhưng. Một ngày kia…
Chao ôi cái một ngày kia thật chẳng đáng nói ra, đời con gái của mẹ không đến được nơi mẹ mong mẹ đợi. Cái gia tài mà mẹ chắt chiu gìn giữ cho con, bỗng mất đi bởi một kẻ vô tình. Đời có những chuyện như thế thật, nhưng ít ai nghĩ rằng cái mà mình mất đi ấy lại là gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài ấy là cả một đời con gái trắng trong. Sự bội bạc trong tình yêu nhiều người làm thơ đã nói đến, nhưng chưa ai nói đến sự bội bạc đau đớn như Trường Gia Hoà. Khóc cho sự nhẹ dạ cả tin của ngừơi con gái thì ít, mà khóc vì mình đã phụ lòng mẹ nhiều hơn. Mấy ai hiểu được như thế và cũng mấy ai nói ra được như Trương Gia Hoà.
Xưa mẹ sống bằng tình yêu của bố
Sao giờ con đau vì tình phụ của người
Cao hơn cả là sự ước ao được trọn vẹn một lần trao gửi. Trọn vẹn một lần yêu thương và cống hiến cả một đời cho tình yêu chung thuỷ. Phụ nữ ai mà không mong như thế, nhưng đời có cho như thế hay không. Gia tài của mẹ có phải bỗng chốc mà cho, mà gửi.
Thê nhưng trong một bài thơ khác Trương Gia Hoà lại có sự cảm thông:
Em lặng ngồi bên nỗi buồn của anh
Tê buốt chân mình giữa sa mạc cát
Cứ đau đi rồi bầu trời sẽ khác
Trăng bên thềm đâu khóc mãi hoàng hôn
Đọc Trương Gia Hoà, gây cho ta một cảm giác lạ. Lạ trong cấu tứ, lạ trong dùng chữ, lạ cả trong cách diễn đạt những chuyện tưởng như rất bình thường. Nhưng lạ nhất, chính là sự ắp đầy trong thơ Trương Gia Hoà. Sự ắp đầy ấy khiến Trương Gia Hoà có thể làm cho mọi chuyện đụng cựa trong thơ của mình và nó khắc được vào lòng người đọc một cảm tình. Nếu có tiếc thì chỉ tiếc một điều, trong thơ Trương Gia Hoà vẫn có lúc dùng những chữ xem ra có vẻ là thời thượng, nhưng thực ra nó đã cũ xưa rồi như : tình lừa, tiếng cười thủy tinh, hoan ca, tình phụ… Chính cách dùng từ này khiến cứ bị gợn gợn khi đọc và rất có thể có người sẽ bỏ qua không đọc đến những bài thơ đó nữa. Ngoài ra cũng phải kể đến những bài có chút ít ảnh hưởng của sóng thơ trẻ hiện nay. Đó là sự ngoa ngoắt, làm tới thêm những cảm xúc, khiến người đọc cứ bị chờn vờn vì câu, vì chữ và cứ phải đoán xem tác giả muốn nói gì, cuối cùng cũng chẳng được cái gì. VÁY HOA là một bài có xu thế như thế.
Với những gì Trương Gia Hoà thể hiện trong sóng sánh mẹ và anh cho chúng ta hy vọng trong làng thơ Việt Nam có thêm người bạn đồng hành.