- Tao bảo đảm với mầy, đi rừng, mầy chỉ có lời chớ không có lỗ. Lần nào khác thì mầy từ chối, còn lần này thì mầy nghe tao. Sao, mầy đồng ý đi chớ Linh?
Đức, thằng bạn thuộc loại "mầy tao" của tôi cứ nài nỉ ỉ ôi như thế. Tôi và nó là bạn đồng nghiệp nhà báo, cũng có thể gọi là thân nhau. Chúng tôi còn trong tuổi "tam thập nhi lập", thích chơi chung. Anh em gọi nó là Đức Đen, còn tôi là Linh Trắng. Đó là gọi theo nước da. Một đứa bưng biền, một đứa "kẻ chợ". Đức Đen bao giờ cũng hướng về chiến trường, về rừng. Còn tôi đam mê cuộc sống phong lưu thành thị. Tôi đã từ chối nó nhiều lần, hoặc đã hứa suông nhiều lần. Nhưng lần này thì tôi không thể tìm được lý do chính đáng. Đành phải nói với nó:
- Thôi được. Sáng mai mầy cứ ghé xe lại nhà tao.
Tôi vừa hứa xong thì quên ngay. Tôi có thói quen cái gì không thích, không nhớ. Đó là cách làm vệ sinh vỏ não tốt nhất. Với lại thật sự tôi chẳng thích thú gì với rừng. Ở rừng chẳng qua là trường hợp bất đắc dĩ trong chiến tranh, đâu có gì là ghê gớm. Vì thế mà tôi đã xác định từ lâu là đừng bận tâm với rừng. Tôi đã luyện nghề chuyên môn là chỉ viết về thành thị, về hòa bình. Chiến tranh là đề tài tôi vừa không thạo vừa không ưa. Trong đời người, chiến tranh bao giờ cũng có tính chất tạm thời, hòa bình mới là cái vĩnh cửu. Tuy là bạn thân, nhưng Đức hoàn toàn khác với tôi về điểm này. Nó thì lúc nào cũng nhắc đến rừng, tưởng chừng như thành phố này chỉ là nơi tạm trú. Trong kháng chiến, nó làm phóng viên chiến trường, cũng có viết được cái gì đó, bây giờ không ai nhắc tới. Tôi cũng muốn nó quên những thành tích xưa cũ. Nó không chịu nghe.
- Mầy nhắc để làm gì? - Tôi cố ý mè nheo nó - Những chuyện anh hùng của mầy viết tao cho là được lúc ấy, chớ còn bây giờ thì ma nó đọc. Bây giờ phải viết cái gì trí tuệ, mầy cứ rừng với rú làm gì.
Đức nghe giọng đầy trách móc của tôi, chỉ cười trừ không trả đũa, không tranh luận. Nhưng dù thế nào, nó cũng không bỏ được rừng. Và lần này, nó lại còn cố lôi tôi theo cho bằng được.
Mới năm giờ sáng, nó đã đến nhà và bấm chuông liên hồi. Tôi đã quên mất lời hẹn, nên chỉ bực mình vì bị phá giấc ngủ đang ngon. Nhưng Đức đã lên tiếng: "Nhanh lên, ông Linh ơi".
Vợ tôi ngủ say trong bộ áo mỏng như khói, đã choàng dậy. Biết tôi đi rừng với Đức, cô ta tuôn ra hàng trăm lý do thống thiết để giữ tôi lại:
- Anh không có quyền đi như thế. Ai đưa con đi nhà trẻ. Tuần này phân phối dầu hỏa, xếp hàng mua thịt. Lại còn đại hội chi bộ, anh vắng mặt cho người ta tha hồ nói xấu anh sao?
Vế sau của câu nói làm cho tôi lo thật sự. Nhưng tôi cũng tỏ ra cứng rắn, xứng đáng là đàn ông, là chỗ dựa của đàn bà. Tôi nói, cố gắng thuyết phục được vợ tôi:
- Đi rừng như đi mặt trận, anh ít đi người ta đánh giá anh thấp, cái đó còn nguy hiểm hơn.
Đàn bà rất nhạy cảm, tôi được đồng tình ngay. Trong khi tôi bảo Đức tiếp tục chờ, vợ tôi thu xếp mọi thứ đồ đạc cần thiết. Cô rối rít tay làm, miệng hỏi: Phải đem cả hai đôi vớ để chống lạnh và muỗi, cả đôi bốt để anh chống rắn chàm quạp, gối cũng rất cần, không thì anh kê đầu vào đâu.
Tôi mang một túi du lịch to tướng, căng phồng ra xe. Vợ tôi chạy lạch bạch theo sau, mang thêm một ôm nào áo khoác, nón, áo mưa, mắt kính. Xe vọt đi, cô còn gọi phải dừng lại:
- Anh ơi còn quên cái này…
Đó là một cuộn giấy vệ sinh. Đức chỉ nhìn chúng tôi một cách lặng lẽ và cười vô tư lự. Nó vẫn như thế, hiền như cục đất, thậm chí hơi khờ về sinh hoạt, lối sống tiện nghi. Nó đơn giản đến thái quá, lúc nào cũng phong phanh bộ quân phục màu cỏ úa cũ, chẳng hề mang túi xách, trong người độc một quyển sổ nhỏ, cây bút chì, một chiếc khăn tay. Ngay đến chuyến đi vào rừng ma thiêng nước độc này, nó chỉ mang theo tay nải hành lý nhỏ bằng cái bắp chân. Vật quý giá duy nhất của Đức là khẩu súng hơi. Lần này nó mang lỉnh kỉnh cả bộ đồ nghề đi săn, gồm có đèn đội và bình điện. Nó hứa sẽ đãi tôi một trận thịt rừng ngay căn cứ Đồng Rùm. Nó mê săn bắn, câu cá, đặt lờ. Tám năm sống ở thành phố mà nó hãy còn sốt rét, run bần bật, vẫn nghèo khó như một ông đạo sĩ tu tiên. Tôi đã mắng nó: Mầy còn hăng đánh giặc thì ra Lạng Sơn mà lập chiến khu, ở đây làm gì… Nó cũng chỉ cười trừ.
*
* *
Xe đi từ khuya, đến trời sáng trắng, chỉ được một phần đường. Tám năm qua, lần đầu tiên tôi đi con đường nổi tiếng này. Đường về Tây Ninh, về chiến khu C. Đức gần như tín ngưỡng, tôn thờ những địa danh này. Tôi thử kiếm những chi tiết hấp dẫn dọc đường về chiến khu, nhưng chẳng thấy nó đâu. Xóm làng làm kinh tế nông nghiệp lèo tèo, đơn điệu một màu xanh cây cối. Thị tứ bẩn thỉu, xô bồ, đang san bằng để xây dựng lại. Tôi nhìn những tháp nước cổ lỗ, những phố chợ ám khói, kể cả những công trình xây dựng mới dở dang mà buồn lòng.
Còn Đức thì khác. Nó bô bô với bác lái xe đủ thứ chuyện hay ho về vùng kinh tế mới. Nó nói: Bác Ba biết không, trước đây chỗ này là vùng trắng, nay nó xanh um rồi. Chao ôi, dây bầu sao mà mắn con, tới trăm trái là ít. Lại còn giếng nước nữa. Cần vọt cao như một cái cần cẩu, chắc là nước trong lắm. Lại còn có nhà ngói, đây là hình bóng của sự khang trang.
Đức có cường điệu quá chăng? Làm như chỉ một mình nó biết yêu đất. Tôi nói gắt gỏng. Nhưng Đức phớt tỉnh như không. Nó nói rằng đây là đất của xương máu và kỷ niệm. Tôi buộc phải chua chát: Mầy lên gân vừa thôi, Đức. Nó làm thinh.
Cái nóng bức tháng tư và bụi bặm làm tôi khó chịu. Đáng lẽ Đức phải chọn chiếc xe du lịch có kính chắn gió bụi. Đằng này, bao giờ cũng thế, nó cứ chủ trương xin xe khiêm tốn nhất: Lađalat, vừa ít tốn xăng, vừa đi được đường khó, nhất là nó không hào nhoáng làm người khác chú ý. Mọi ý nghĩ của Đức giống như của một vị thánh. Đâu đến nỗi nào phải như vậy. Khối người cứ xả láng trên xã hội này, có sao đâu. Tại sao phải tự ép mình như những vị tăng già?
Đến ngã ba Đồng Pan, nơi mà Đức thấp thỏm chờ đợi từ lúc khởi hành, thì tôi không sao chịu được nữa. Tôi đã thành con bọ hung trong cơn bão cát ở sa mạc B52. Tôi phải mím chặt môi lại để ngăn bụi vào miệng. Áo khoác, nón trùm đầu, kiếng mát mang theo đều được việc trong lúc này. Giá mà vợ tôi biết trước, cô sẽ không quên soạn sẵn cho tôi một chiếc khẩu trang. Tôi ngột ngạt và nóng bức. Còn Đức và bác lái xe thì sao? Họ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Cứ nói cười tự nhiên trong bụi bặm như hai con dế nhủi.
- Đố bác Ba biết cây gì da mốc meo bên đường. Hãy nhìn theo tay cháu chỉ đây nè, đó cái cây lá to, thân thẳng.
- A, tôi biết rồi, cây nhàu ngâm rượu phải không?
- Đúng bác là dân thợ mà. Cây làu táu đó. Thằng này coi dong dãi dứa mà ruột gan mềm èo, mọt ăn một đêm là rã hết.
- Bác Ba nhìn kìa, cái cây da sần màu sẫm, thân thẳng đuột, lá giống như cái tai trâu đó. Đố bác Ba là cây gì?
- Giống như cây sa kê , mà không … - Bác Ba ngập ngừng.
- Bác Ba đúng là dân đường nhựa rồi. Cây tai nghé đó ông già ơi. Đức thích chí cười ngặt nghẽo. Cây này mà đốn, rồi róc vỏ, làm thanh giường hoặc đòn dông nhà thì chắc phải biết.
Suốt một đoạn đường dài, qua những dãy rừng thưa còn sót lại trong chiến tranh, Đức cứ trò chuyện về những loại cây hoang dại. Tôi cố nhớ để sau này trêu chọc cái anh chàng gác rừng bất đắc dĩ này, nhưng không sao thuộc hết những cái tên nôm na mách qué: cù đèn, mật cật, cây sầm, cây lọ nồi của Đức.
- Bác Ba biết không, hồi cháu mới lên rừng, cháu cứ tìm cây nào suông sẻ thì cưa. Anh em miền
- Đông thấy vậy cười bò ra, cháu chẳng hiểu chuyện gì hết. Sau này mới biết, toàn thứ cây làm mồi cho mối mọt.
- Thế anh ở rừng chỉ chuyên làm nhà thôi à. Bác Ba hỏi.
- Đâu có. Nhưng làm nhà và đào hầm là công việc tối thiểu, quan trọng lắm. Mình mà không thạo thì khổ thêm cho anh em khác. Để người ta lo cho mình, trong khi tự mình có thể làm được, đó là một tội lỗi.
Đức cứ dán mắt vào những chòm rừng lưa thưa. Bỗng nó reo lên: Đây rồI ! Nó lầm thầm như một người mộng du. Đây rồi, tưởng như đã hết mà vẫn còn. Anh chàng chắc lưỡi liên hồi, như vừa phát hiện ra dấu hiệu của một mỏ vàng.
- Cái gì vậy Đức ? Bác Ba như bị thôi miên, hỏi thảng thốt.
- Bác thấy không, lá trung quân chưa bị diệt chủng. Đây là ngói của chiến khu.
- Anh nói sao ? Ngói à ?
Cả tôi cũng ngạc nhiên. Tôi không im lặng nữa. Những chiếc lá to bằng chiếc lá mù u (đúng như vậy, tôi có biết rõ về chiếc lá mù u) thế mà cũng gọi là ngói. Tôi chưa bao giờ thấy Đức cường điệu quá mức như thế.
- Sao lại không là ngói ? Đức to tiếng, ngói quá đi chứ. Bác Ba biết không. Trong chiến khu, chỉ có lá này là lợp nhà tốt nhất. Khi lá khô, màu nó đỏ như ngói. Lửa đốt chỉ làm trùn đi chớ không cháy, kể cả lửa napan. Như vậy không phải là ngói thì là cái gì ?
Tôi đuối lý, làm thinh. Bỗng Đức lại reo lên lần nữa. Lần này nó nói với tôi:
- Đên nay ta cắm trại tại đây, tao sẽ đãi mầy nồi cháo cheo. Cụm rừng này rất nhiều cheo. Chỉ cần đội đèn đi mươi phút là có thể kiếm được vài con.
- Thôi đi ông. Tôi bực bội, không cần giấu giọng cáu gắt. Ông im cái mồm cho tôi được nhờ. Chúng ta định đi tới đâu kia? Tôi không phải là người đi thám hiểm lục địa Xan-nhi-côp. Tôi cũng chẳng muốn làm Robinson. Tôi cứ nói bừa cho hả giận.
- Rừng là đây chớ còn gì nữa. Bây giờ Đức mới nói với tôi. Cậu biết không, năm sáu mươi, đây còn là rừng đại ngàn, mưa nhỏ không qua nổi mái lá, nắng nhạt không lọt được vòm cây. Thế mà nay, chỉ còn là một thảo nguyên.
Đức lơ đãng, không đi thẳng vào câu hỏi gay gắt của tôi. Gương mặt anh chàng nhăn nhó, thoáng buồn. Từ đó đến hết đoạn đường, nó không nói lời nào nữa. Tôi biết cử chỉ lạnh lùng giả vờ này Đức dành riêng cho tôi chớ không phải cho rừng chiến khu.
*
* *
Xe dừng lại trên con lộ ủi mới tinh, bên cạnh nông trường trồng mía có vẻ khang trang. Nhiều đoàn xe đủ các loại bảng số đã đến đây tự lúc nào, đậu chật cả một bãi rộng. Đức cho tôi biết, phải đi bộ một đoạn đường nữa mới tới căn cứ Đồng Rùm, một trong những nơi đóng đại bản doanh của cấp lãnh đạo . Đây là khu di tích truyền thống cách mạng, nơi sẽ diễn ra cuộc viếng hôm nay. Thật không thể hiểu nổi tại sao người ta lại chọn cái ngày mùa khô, nắng đổ lửa này, để đi trở lại một khoảng rừng đã xơ xác. Bao nhiêu việc cần phải hướng tới, vậy mà người ta vẫn cứ mất sức để ngắm nghía dĩ vãng. Thế mà tôi cũng đã đến đây để chuốc lấy sự phiền muộn. Lòng tôi nặng trĩu. Nhìn quanh quất, thấy toàn là cỏ tranh và hố bom. Đây đâu cũng là môi trường của vi trùng têtanốt, của rắn chàm quạp và sâu bọ. May mà vợ tôi đã nhắc tôi, mang theo đôi ủng. Tôi mang ủng vào và cảm thấy yên tâm hơn.
Trái lại, Đức vẫn phong phanh, đầu trần chân dép. Nó như một con nai rừng hòa nhập ngay vào dòng người đi qua trảng tranh. Anh chàng hầu như đã quên sự có mặt của tôi, cứ bước nôn nao, vội vã, đi ngang tắt trong rừng, không kể gì đến bom mìn chưa nổ. Bước chân anh ta thoăn thoắt như con sóc. Anh chàng chỉ dừng lại khi có một loại cây, cái lá nào đó rủ rê.
- Lá kim cang đây. Đức reo lên và hái những lá non cho ngay vào miệng. Nhiều người bắt chước theo anh ta, làm như đi hái lộc mùa xuân.
Tôi không ngờ đã chọn được một thằng bạn "sùng tín quá khứ" đến mức đó. Lúc này, có mấy cháu nhỏ từ đâu chạy đến trước mặt tôi. Chúng nhìn tôi kinh ngạc và kêu lên:
- Ý, coi thằng Mỹ ngộ ghê nè tụi bây ơi.
Tôi giận run lên, xông tới véo tai thằng bé. Nó la oai oái, làm cho mọi người phải dừng bước ngại ngùng nhìn tôi. Đức thấy vậy quay trở lại, kéo tôi đi. Mầy giống một tên pilốt Mỹ bị bắn rơi thật. Nó chỉ nói cho riêng tôi nghe.
Lúc ấy, tôi mới giật mình. Trang bị trên người tôi, đôi bốt, mũ ni che tai, kiếng mát, áo bludông… quả là không giống ai ở đây. Mọi người đi trở lại chiến khu đều mặc đồ đơn giản. Tôi bắt gặp vài nhân vật lãnh đạo mà tôi biết, chỉ mặc quần áo bộ đội màu cỏ úa, hoặc áo bà ba. Tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Rừng chiến khu trở nên xa lạ với tôi hơn. Nhưng tôi đâu còn cách nào biến dạng ngay được. Tôi giận mình và giận Đức, nó đã đưa tôi vào ngõ cụt.
- Đức. Phải Đức Đen không ?
Trong đoàn người có tiếng gọi lớn. Nhiều cặp mắt đổ dồn vào Đức. Một vị tướng một sao, người to cao đẫy đà, xô đến bên Đức. Ông ta dang rộng tay, ôm gọn Đức vào lòng. Giống như cha tìm lại được đứa con thất lạc ba mươi năm, vị tướng xoa nhẹ vào lưng Đức, nói oang oang cho mọi người cùng nghe:
- Đức Đen đây, nhà báo dũng sĩ đây mà.
Người ta nhìn Đức bằng ánh mắt trìu mến đến khó hiểu. Còn Đức thì xúc động, mắt đỏ hoe. Trước sau Đức chỉ kêu được một tiếng: Anh Sáu. Vị tướng vẫn chưa rời khỏi cái củ măng đen trũi ấy, ông hỏi:
- Nè, bây giờ cậu làm gì hả Đức. Vẫn…
- Dạ, tôi vẫn còn theo nghề phóng viên chiến trường.
- Chiến trường nào?
- Biên giới!
- Ồ, tôi cũng chiến trường biên giới. Sao mình không gặp nhau hả?
- Tôi được biết anh ở quân đoàn. Nhưng tôi thì quen ở với đại đội, quen viết về lính.
Đức cũng hóm hỉnh ra trò. Tôi thấy nét mặt vị tướng thoáng tư lự. Đôi mắt ông bâng khuâng nhìn lướt qua bộ quân phục vải thô màu cỏ úa của Đức. Ông nói như người có lỗi:
- Mình không ngờ cậu vẫn thế, Đức Đen. Vẫn như hồi ở mặt trận, ở rừng. Cuộc sống cần phải biến đổi, tiến lên. Nhưng cậu thì vẫn..vậy.
- Có gì đâu anh, tôi hiểu người lính, viết về họ tôi quen hơn.
- Thì cậu đã là lính…
Nói tới đây, trực nhớ điều gì, vị tướng liền khoác tay Đức cùng đi vào khu di tích. Dòng người trôi chầm chậm trong nắng trưa. Bước chân mọi người đều ung dung, hào hứng. Riêng tôi, cứ mỗi bước đi tôi càng thêm lúng túng. Tôi đâm ra sợ những cái nhìn mặc dù ai cũng cố tránh cái nhìn dò xét về phía tôi. Tôi giận mình kém thông minh. Mọi sự chẳng qua là cái vỏ về ngoài. Tôi có thừa sức tạo ra cái vỏ bề ngoài và một bộ mặt thích hợp với tất cả mọi người. Nhưng hiện giờ khó mà thực hiện được. Tôi đào đâu ra bộ quần áo cỏ úa và đôi dép râu ? Tôi ném đi đâu những thứ mà người ta cho là pilốt Mỹ ?
Đức vẫn đi cặp kè với ông tướng. Tôi nghĩ rằng anh ta sẽ bám mãi con người bề thế ấy để ra oai với tôi. Đây là lần đầu tôi được biết Đức đâu chỉ là người hiền lành, đơn giản? Anh chàng cũng biết cách tự giới thiệu mình, cũng ác ý ra trò. Thảo nào anh ta chẳng đeo dính rừng chiến khu và quyết bắt tôi cùng đi. Một con hổ đã trở lại chốn sơn lâm!
Tôi gần như rên rỉ trong cảnh trớ trêu và có ý định lẩn trốn. Nhưng khu di tích rộng rãi nằm lọt trong cụm rừng đại ngàn sống sót, mát rượi đã cứu tôi. Người ta chỉ tập trung ngưỡng mộ khu căn cứ điển hình với những ngôi nhà lá trung quân, những hầm trú ẩn và làm việc, những đường hào chiến đấu kể cả những tiện nghi đời sống chiến khu như giếng nước, lò Hoàng Cầm nấu không khói. Tất cả những gì đã đi vào dĩ vãng đang cuốn hút mọi người. Người ta đốt hương trên các nấm mộ chiến sĩ vô danh. Những đồng đội cũ gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Bao nhiêu nụ cười, bấy nhiêu nước mắt. Tất cả mọi người đang hướng về cánh rừng truyền thuyết thiêng liêng của họ. Và họ bỏ qua tôi. Tôi coi như mình được trả tự do và gấp rút thay hình đổi dạng. Tất cả những gì gọi là "pilốt Mỹ" tôi đã cho vào túi. Còn trơ lại một thằng tôi chân đất, đầu trần, quần zin, áo lót. Tôi thở dài ngao ngán, không biết phải làm gì tiếp theo.
- Linh !
Tôi co người lại e sợ khi nghe gọi tên tôi. Hóa ra là Đức. Nó đã đến bên tôi, im nhẹ như một con beo.
- Tao đem quần áo cho mầy mặc tạm. Mầy mặc kiểu đi chơi rừng thông Đà Lạt coi chừng bốc cháy đấy. Mặc vải thô ở rừng dễ chịu hơn.
Tôi đành phải ngoan ngoãn thay quần áo. Bộ quân phục cỏ úa nhẹ như không, tuy nhầu nát nhưng mát rượi. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi mặc bộ quần áo này. Cảm giác ngỡ ngàng thoáng qua óc tôi. Song, tôi cả thấy dễ chịu thật sự. Đức nhìn tôi, thằng bạn dễ bảo lần đần đầu, ánh mắt Đức long lanh.
- Mầy đẹp trai, mặc đơn giản càng đẹp.
Đức sửa cổ áo cho tôi và nói giọng thành thật. Nhưng tôi vẫn còn lúng túng với đôi chân không. Lớp da chân vốn mềm mỏng của tôi co rúm lại vì sợ gai góc và côn chùng. Đức liền tháo nhanh đôi dép râu nó đang mang ném cho tôi.
- Mầy đi vừa lắm đấy.
- Không. Tôi sẽ đi chân không. Úi cha.
Một cái gai mây đâm vào gót chân tôi, bác bỏ ngay lời tuyên bố gượng gạo vừa rồi.
- Nghe tao. Chân mầy da non mướt, mầy không bước nổi bước nào trong đường rừng này đâu.
Câu nói làm tôi đau hơn bị gai đâm. Nhưng tôi tin rằng Đức không có dụng ý công kích tôi. Tôi thật lòng, cũng có lo cho bàn chân của Đức.
- Còn mầy ? Mầy đi bằng cái gì ?
- Kệ tao. Tao vẫn đi chân không ở thành phố. Đi không cho mát bàn chân.
Tôi không thể nào nhịn nổi cái giọng phớt đời của Đức. Nhưng nó nhe răng cười làm lành. Đức ngồi xuống gò mối, đưa bàn chân lên cho tôi thấy.
- Mầy coi đây. Da chân tao, tao đã "thuộc" kỹ rồi, dày như đế dép. Hồi trong rừng, mối càng kẹp vào như kẹp phải đá, cuối cùng phải bỏ càng lại mà tháo chạy.
Đức nheo mắt nhìn tôi, dò xét phản ứng. Thấy tôi làm thinh, nó nói tếu:
- Với lại, tao có đôi mắt cá chân rất sáng, biết nhìn. Ban đêm đi rừng đâu có cần đèn pin.
*
* *
Tôi cùng đi với Đức vào khu di tích. Bộ quân phục màu cỏ úa đã biến tôi thành một người khác. Mặc cảm cô đơn, xa lạ với mọi người bỗng chốc lắng dịu. Tôi sánh vai với Đức và cảm thấy có sự gần gũi mới mẻ, không giống như tình bạn đồng nghiệp đã có. Tôi từ nước ngoài về một năm sau giải phóng, sau khi đã tốt nghiệp ngành báo chí. Phải nói rằng, nhờ có bằng đại học ngoại, tôi đã không khó khăn gì khi tạo được một chỗ đứng trong một tờ báo thành phố. Tờ báo này, đa số cây viết là người từ chiến khu về, trong đó có Đức. Con người này có cách sống hoàn toàn khác tôi. Tôi thích sống như một người trung bình, không có tham vọng, hay đúng ra là không dám bộc lộ những tham vọng. Trái lại, Đức thật thà đến thô lỗ, không biết giấu mình, không biết né tránh bao phiền phức ở đời. Nó sống như một ông thánh, thường gánh vào thân những chuyện không đâu. Tám năm sau giải phóng nó vẫn độc thân với cái ba lô và cái giường chiếc trong tập nhà tập thể. Nó thông minh, viết được và có khi viết hay, nhưng lại không biết tính toán. Bài nào cũng gồ ghề, va chạm. Trong nội bộ thì thẳng đuồn đuột, cứ choảng tới, nên chẳng ai dám nhận Đức là người của cánh mình. Anh chàng cô đơn thường tìm đến tôi. Tôi lấy hết nhiệt tình và kinh nghiệm sống ra để khuyên can, an ủi nó. Nó mắng mỏ tôi: Mầy khôn vặt, ích kỷ, chỉ biết mình.
- Đồng chí Đức Đen đâu nhỉ?
Có tiếng gọi đi gọi lại của vị tướng từ khu triển kãm. Nhiều người chuyền miệng với nhau "Đức Đen đâu" và cùng đảo mắt tìm kiếm. Tôi thấy Đức Đen thu người lại như muốn lẩn trốn, nhưng vị tướng đã phát hiện được và tiến đến kéo Đức về với mình. Vị tướng đang đứng trước những bức ảnh trưng bày. Các bức ảnh đen trắng đã ngả màu vàng. Ông đẩy Đức vào đứng trước một bức ảnh rất to:
- Cậu hãy xem cái gì đây nào. Có phải anh chàng Đức Đen không nào?
Mọi người hết sức ngạc nhiên vây quanh bức ảnh, dán mắt vào nhân vật trong ảnh và so sánh với Đức. Đức ngượng nghịu không cựa quậy, hai vành tai rám nắng ửng tím. Vị tướng chỉ vào một khuôn mặt đen nhẻm gầy gò đang đứng trên chiếc xe tăng, tay cầm khẩu B40. Mọi người ồn lên:
- Đúng rồi.
- Thật là lý thú, người dũng sĩ vẫn còn đây.
- Bây giờ trẻ hơn xưa khoảng mười tuổi.
Có người còn chưa thấy rõ. Vị tướng nắm cánh tay Đức đẩy ra giữa phòng triển lãm để cho mọi người cùng thấy.
- Trường hợp đồng chí Đức Đen bắn chiếc xe tăng "pháo đài thép M48" này rất lý thú. Vị tướng nói lớn, ngập ngừng vì xúc động. Hồi đó, cách đây mười lăm năm, bộ đội chủ lực miền Đông của chúng ta phải đương đầu với cuộc hành quân chiến lược của quân viễn chinh Mỹ. Nơi chúng ta đang đứng đây, diễn ra cuộc tấn công mạnh của địch và cũng tại đây, pháo binh ta đã đánh một trận quyết định. Lúc bấy giờ tôi là chính ủy sư đoàn. Chính tôi đã giới thiệu nhà báo này xuống trung đoàn Một. Anh nhà báo lủi xuống thẳng ở đại đội. Rủi ro đã xảy ra. Địch có "pháo đài thép", còn ta thì hết cả đạn B41. Trung đội hy sinh một nửa trong đó có khẩu đội ĐKZ. Anh nhà báo đã ra tay làm xạ thủ. Và kết quả là "pháo đài thép" đã bốc cháy.
Ông ngừng một giây, nhìn lướt qua mọi người, nụ cười đôn hậu, nói tiếp:
- Bức ảnh này không được đẹp vì nó do tôi chụp. Tất nhiên là chụp sau khi mọi sự đã xong rồi. Tôi muốn ghi lại để làm kỷ niệm.
Nói đến đây thì vị tướng ngưng rất lâu. Tôi ngạc nhiên nhìn lên, thấy ông tháo kính và lau mắt. Giây lâu sau ông mới nói tiếp, giọng lạc đi:
- Tất cả những đồng chí đó không còn nữa. Tất nhiên là trừ một người, đó là đồng chí Đức Đen đây. Như vậy đồng chí là người còn lại… là người… thay mặt…
Vị tướng xúc động không nói thêm lời nào nữa. Ông dang rộng hai tay ôm lấy Đức thật lâu như không muốn buông ra. Những người đứng xung quanh lặng đi. Những người khách tham quan là phụ nữ đều sụt sịt khóc. Tội nghiệp Đức, anh đứng như pho tượng, thật khó mà đoán được Đức xấu hổ hay là sung sướng. Tôi không hiểu vì sao như vậy. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy dễ chịu trước vinh quang lớn lao của người bạn này.
Mọi người vẫn đứng yên như mặc niệm những chiến sĩ đánh xe tăng. Cánh rừng bằng lăng đầy thương tích đã trút hết lá và đứng im. Những bó nhang cắm rải rác trên các nấm mồ vô danh đã cháy quá nửa. Khói hương thoang thoảng lan tỏa trong khu rừng im gió. Tiếng ve mùa hè râm ran.
Tôi đã thấy lần đầu trong đời, giây phút thiêng liêng, đã nghe giai điệu bất tuyệt của rừng. Tôi đã bị chôn chân tại chỗ, người rạo rực, bồi hồi trong tình cảm lạ, tưởng như mình đang nóng chảy và hòa tan vào cánh rừng thưa và những con người trở về. Còn Đức không hiểu sao, nó vẫn giữ nét mặt phiền muộn. Nó ra hiệu cho tôi, hãy tìm cách lẩn đi. Và chúng tôi đã ra khỏi khu di tích.
Trên đường trở về thành phố, bác Ba cho xe chạy chầm chậm trong nắng chiều. Con đường mù mịt bụi vì có quá nhiều xe đi về. Cả ba chúng tôi đều im lặng, nét mặt người nào cũng đầy ưu tư. Bộ quân phục màu cỏ úa của Đức, tôi vẫn còn mặc bị phủ một lớp bụi đầy. Xe trở lại con đường cũ, qua những cây tai nghé cứng cỏi, cây làu táu và cù đèn được cái mã thẳng thớm, những chùm lá trung quân đong đưa tít trên thân cây cao không làm cho Đức thôi tư lự. Nó đã quên bẵng đi cái thú đi săn cheo trong vùng "ngói chiến khu" này. Khẩu súng săn dựng trong xe nghếch nòng ngay trước mặt, Đức cũng không ngó tới. Bộ đèn treo trên mui xe lắc lư buồn bã. Nó vẫn để đôi dép cho tôi đi, vẫn bằng lòng với đôi chân da thuộc và có con mắt biết nhìn. Tôi đã nhớ lại trên đường đi, mỗi một ý bâng quơ của Đức đều nhắm vào tôi. "Chân mầy da non, mầy không bước nổi trên con đường rừng đâu". Chính cái đó (chớ không phải cái gì khác) đã làm tôi điên lên. Nhưng không hiểu sao, lúc này, khi nhớ lại, tôi chỉ buồn. Đức không chân thật đến thô lỗ như tôi tưởng. Cũng không phải là người đơn giản dễ hiểu. Một chiến công diệt "pháo đài thép" lớn lao, có thể mang về cho cá nhân nhiều may mắn hơn trong cuộc đời, Đức vẫn cố tình giấu kín. Nghĩ đến đây tôi buột miệng thốt lên:
- Mầy giấu chiến công làm gì hở Đức?
Đức giật mình quay sang tôi, nhìn tôi không chớp mắt, làm như nó chưa hiểu được câu hỏi của tôi. Nó trầm ngâm hồi lâu, nói bằng giọng rầu rầu:
- Đâu phải là chiến công của mình - Đức đã đột ngột chuyển cách xưng hô - Mình không bao giờ dám nhận một chiến công to lớn quá sức mình như vậy.
- Sao? - Tôi cũng đổi cách xưng hô - Tại vì anh cố tình làm cho khác người đi chớ gì? Tôi định nói thêm rằng, tôi đã hiểu chán chê điều này qua bảy năm chung sống với người lập dị. Nhưng tôi đã kịp im lặng.
- Không đâu. Trong trường hợp của mình ai cũng sẽ phải làm như vậy. Đức ôn tồn giải thích - Trận đánh ác liệt đó đã làm cho mình phải bỏ nhiều vị trí. Mình chạy và sau cùng phải bị động nương tựa vào trung đội một. Trung đội này đã thương vong gần hết. Mình đã mất chỗ dựa cuối cùng. Nhưng không, anh em khẩu đội ĐK đã kêu mình đến. Các chiến sĩ rất quý nhà báo, trong chiến tranh người lính xem nhà báo là thứ tài sản cần được bảo vệ an toàn, nhà báo không có nghĩa vụ hy sinh (!). Lúc bấy giờ, một chút ý thức làm đồng đội với các chiến sĩ khẩu đội này mình cũng không có.
Nói đến đây, giọng Đức thêm cay đắng:
- Mình đến với họ là vì mạng sống của mình. Chớ đâu phải vì trận đánh, mình chỉ là một đồng đội bất đắc dĩ, một loại tầm gửi bám vào người khác.
- Nhưng vị tướng đã nói gì. Ông ta xúc động vì anh đã bắn cháy pháo đài thép? Chẳng lẽ ông ta cường điệu?
- Đồng chí thiếu tướng đó không hề cường điệu. Mình quý trọng một vị tướng lĩnh nhân hậu như thế. Nhưng mình có công nhận vinh quang đó hay không là thuộc phần mình. Sự thật là như thế này. Chuyện chỉ xảy ra trong vài giây, nói là một giây cũng đúng. Khi mình nhào vào công sự tròn của các xạ thủ ĐKZ, mọi động tác chuẩn bị của các xạ thủ đã xong xuôi. Chiếc M48 chồm tới, một phát đạn pháo tự hành nổ ngay giữa khẩu đội. Ba xạ thủ hy sinh hai lần. Một lần là hy sinh cho Tổ quốc. Hai là hy sinh cho mình. Chính vì phải lo cho mình mà các xạ thủ đã để lỡ một giây. Trong cái tích tắc đó, các đồng chí đã lọt vào vòng ngắm của khẩu pháo một trăm ly trên xe bọc thép. Quả đạn pháo nổ. Mình nghe máu nóng trên vai. Mình lấy hết sức còn lại để vùng dậy trước sức nặng của ba xạ thủ. Thì ra, ba đồng đội đã nằm đè lên lưng mình. Không có cái công sự người này thì còn gì làm mình nữa.
Khi mình ngồi dậy được và tựa lưng vào công sự thì cái pháo đài thép cũng ào đến. Tiếng rú của động cơ và tiếng xích sắt nghiến lên mặt đất nghe ghê rợn. Bóng đen của nó đã trùm lên một khoảng trống trên công sự. Trong một giây, nó sẽ nghiền nát tất cả cái gì nằm trong vòng xích, trong đó có mình. Thế là mình phải nổ súng. Bạn nghĩ mà xem, phát đạn đó mình nổ cho ai?
Có điều gì quá đáng trong câu chuyện đầy tâm tư này. Nhưng tôi chưa nhận ra đó là điều gì. Tôi định tranh luận gay gắt với Đức như chúng tôi vẫn thường tranh luận. Nhưng thật đột ngột, Đức bật khóc rưng rức. Mắt đỏ hoe, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt sạm đen nắng gió và bụi đường.
Tôi bắt đầu thấy xốn xang trong lòng. Có một cái gì lớn lao được khuấy động lên trong lòng Đức, cả trong lòng tôi. Bộ quân phục màu cỏ úa mà Đức đưa cho tôi mặc tạm đây đã từng là đầu đề cho nhiều cuộc tranh cãi giữa hai đứa. Chỉ trừ một vài trường hợp tiếp tân, Đức không bao giờ mặc cái gì khác ngoài bộ áo quần này. Tôi không chịu nổi khi nó bèo nhèo quá, lam lũ quá. Đức có thể sửa soạn thành một chàng trai không đến nỗi nào. Nhưng nó bảo thủ, nhất định không nghe. "Ai mà không thích làm đẹp. Tao cũng thích. Nhưng hiện nay thì chưa được. Hoàn cảnh của mầy có khác. Mầy mặc như thế nào tao có phản đối đâu. Hãy tôn trọng tự do cá nhân của tao". Tôi hoàn toàn không tôn trọng tính lập dị. Tôi tuyên bố như thế. Nó chỉ cười hề hề. Cái vỏ mộc mạc ấy che giấu một thế giới nội tâm bên trong mà mãi đến hôm nay, tôi mới nhận ra sự tỏa sáng..
Xe đi qua hết vùng chiến khu, ra đường nhựa, vào sâu trong thành phố. Cả ba chúng tôi đều im lặng. Mãi cho đến tận đường vào nhà tôi Đức mới nói:
- Năm sáu mươi, tôi có một chiến công: bắn hụt một thằng tề ấp, bị coi là ác ôn, bị kết án tử hình. Sau khi nó thoát chết, chi bộ mới xác minh được, nó bị nội gián vu oan. Trời! Thất hú hồn hú vía cho tôi. Đức lại đổi cách xưng hô. Đó mới là chiến công, là cái tôi làm ra. Còn chiến công đánh pháo đài thép này là của những xạ thủ, những người đã lắp đạn nhưng chưa kịp bắn. Chiến công này thuộc về những người đã đổ xương máu, đã chết trước lúc bình minh. Chúng ta đã về đến đích của cuộc chiến, được hưởng hòa bình, đã hưởng thụ công lao xương máu rồi, tại sao lại tranh công làm gì với những người hãy còn nằm lại trong rừng chiến khu?
- Nhưng ai đã bảo cậu tranh công với họ? - Tôi bực mình kêu lên.
- Tôi. Chính tôi đã kết tội tôi như thế. Chính cái bức ảnh vinh quang đó. Nếu như hôm nay, tôi không gặp lại hình ảnh này thì coi như vết thương không còn nhức nhối nữa. Tôi sẽ dắt bạn về một cánh rừng tôi quen thuộc và chúng ta đi săn.
Xe dừng lại ngay trước cửa nhà tôi. Bác Ba, như thường lệ, bóp còi báo hiệu cho vợ con tôi biết là chúng tôi đã về. Mọi khi, trong những chuyến đi về, tôi là người nhảy xuống xe đầu tiên. Vợ tôi sẽ chạy ra ríu rít, vòng tay thơm tho ôm chặt lấy cổ tôi. Còn tôi, lẽ dĩ nhiên đã chuẩn bị cho giây phút này ngay từ bữa ra đi, những chuyến công tác được chọn lựa khá kỹ, cần phải đạt tiêu chuẩn sang trọng như đi du lịch. Trên đường trở về, đôi khi, tôi dừng lại ở đâu đó để rửa mặt, chải tóc cho cuộc hội ngộ thêm phần lãng mạn.
Nhưng lần này sẽ không giống như vậy nữa. Tôi ngồi lặng im hồi lâu trong bộ quân phục màu cỏ úa bám đầy bụi đường của Đức với tất cả nỗi ưu tư. Lần đầu tiên, tôi muốn giữ mãi chút lưu luyến về một cuộc hành trình nhiều lúc xúc động nhất trong cuộc đời. Một cái gì vừa sụp đổ và có một cái gì nữa mới mẻ đang hình thành trong con người tôi, trong bộ quân phục này. Có cái gì trăn trở trong tôi mà tôi chưa biết gọi tên.
1-1981