Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.218
123.152.701
 
Đọc tập thơ XUỐNG NÚI- Hồ Chí Bửu- Nxb Văn nghệ 2005 : Từ trong tĩnh lặng..
Nguyễn Đức Thiện

Leo hết hai tầng lầu, Hồ Chí Bửu vửa thở, vừa bắt tay tôi rồi trao vào tay tôi một tập thơ khá dày dặn. Đó là tập HẠNH NGỘ do Nhà xuất bản VĂN NGHỆ, thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Tập thơ in chung hơn chục tác giả, trong đó Hồ Chí Bửu  được chọn in gần chục bài. Anh có vẻ rất vui. Vui cũng phải, bấy lâu nay thầm lặng làm thơ để bây giờ liên tục in thơ  khi đã gần lục tuần. Anh làm thơ từ những ngày trước giải phóng. Anh đóng góp mình cho thơ Tây Ninh  cùng với những cái tên khá quen lúc bấy giờ như: Phan Phụng Văn, Lê Trường Hận( Sa Lệ Chi), Trần Minh Nguyệt, Trần Duyên Tưởng… Sau này khi đất nước hoà bình, có thêm những người làm thơ khác ở Tây Ninh, dù Hồ Chí Bửu không ra tập thơ nào, không in nhiều trên các báo, nhưng anh em văn nghệ sĩ Tây Ninh vẫn nhắc đến anh như một người làm thơ rất quen thuộc. Cho nên hôm anh tặng tôi tập HẠNH NGỘ, tôi không mấy ngạc nhiên, và trước đó, khi anh tìm tôi tặng tập XUỐNG NÚI tôi cũng xem đó như một người đã bao năm cầy sâu, cuốc bẫm, để hôm nay thu hái những hạt mẩy, thơm tho. HẠNH NGỘ là tập thơ in chung nên không thể tách riêng ra để bàn chỉ xin nói về XUỐNG NÚI, tập thơ riêng của Hồ Chí Bửu.

 

XUỐNG NÚI, tập hợp gần 40 bài thơ mà Hồ Chí Bửu đã làm trong gần hai mươi năm qua. Rõ ra là một người làm thơ có nghề. Hai mươi năm,  những bài thơ không lệ thuộc sự kiện, không lệ thuộc không gian, thời gian, lúc nào cũng thấy mới. Tôi nói như thế là bắt đầu từ bài: SAU MƯƠI NĂM THƠ GỞI NGƯỜI XA XỨ. Bài thơ này Hồ Chí Bửu viết sau ngày Tây Ninh giải phóng được mười năm.  Anh muốn kể với nhửng người bỏ xứ ra đi khi cơn lốc giải phóng tràn về, về quê hương Tây Ninh của mình. Những người xa xứ ấy có thể vẫn có cái nhìn không mấy sáng sủa về quê hương Tây Ninh dưới một chính thể mới. Thậm chí còn có cả cái nhìn đen tối về quê  hương Mình. Hồ Chí Bửu đã làm cho quê hương Tây Ninh sáng bừng lên :

 

Ngừơi có thấy trên trời cao vời vợi

Một mặt trời đang chiếu sáng khắp nơi

Một ánh hồng đang vươn mình phơi phới

Nghìn câu thơ vẫn không nói hết lời

 

Thời điểm mười năm sau giải phóng, chúng ta chưa bắt đầu cho một cuộc đổi mới, còn trăm nỗi khó khăn, ngàn đường gian khổ. Nhất là Tây Ninh, sau giải phóng còn chịu thêm mấy năm nữa trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, thì buồn vui xen lẫn là chuyện đương nhiên, không chỉ là của người thơ mà còn là của những người bình thường khác. Nên mới có cái sự ảm đạm ở cuối bài.

 

Phần đậm nhất của tập thơ là cảm xúc của Hồ Chí Bửu với những cuộc dong chơi. Nói là nói vậy, người thơ dong chơi cũng có cái công tìm ra những nét riêng đặc thù mà thanh thơ mình. Ở Sài Gòn: Sài gòn mưa vội vã/ cuốn bóng em trên đường/ cuốn hồn ta mệt lả/ theo chân người mình thương. Ơ Hà Nội: chiều Hồ Gươm sao nghe mình run rẩy/ hay tại em đơn độc dưới mưa chiều/ biết muộn màng nên gì cũng thấy yêu/ vì Hà nội với ta xa xôi quá. Ở Miền Tây: tội nghiệp người miền Tây hoang dã/ bìm bịp kêu nước lớn, nước ròng/ mùa xuân về người đi hái lộc / người chống xuồng hái giữa thinh không… Với những miền quê Hồ Chí Bửu đến ( hoặc là đến thật, hoặc là đến qua gặp gỡ bạn bè) bao giờ anh cũng để lại một sự vấn vương qua thơ của mình. Khi thi bâng khuâng, khi thì luyến tiếc, khi thì ao ước… tất cả giống như một cuộc hẹn hò, đến rồi đi, đi rồi lại đến khiến người đọc thấy khó rời gót ra đi thanh thản hoặc vô tình được.

 

Phần thứ hai đậm không kém trong tập thơ là sự  tìm về với tĩnh lặng. Từ trong cái tĩnh lặng thông thường để buông thùa niềm đam mê khát cháy trong thơ.  Trong thơ lâu lâu lại thấy bình bát, vô thường, không không sắc sắc… khiến người ta liên tưởng đến thơ thiền. Nhưng không phải thế. Hồ Chí Bửu tìm ra sự tĩnh lặng nơi cửa thiền để bắt đầu cho một cái khác đó là sự đam mê chẳng thiền một chút nào.  Thiền thế nào được khi vẫn còn: “Ta lén đi tìm màu áo lụa/ Ngậm ngùi trông nhớ bóng ai…” (MỘT NGÀY Ở HÀ ĐÔNG). Ngay cả những kỷ niệm xa vời, đôi lúc vẫn còn về lay động: “Xa xa lắc- cái thời áo trắng/ Có ngã ba, ngã bốn trong hồn/ Ta trơ trọi nghèo nàn hy vọng/ Em mỉm cười- Tay vẫy đi luôn…”( XƯA LẮM RỒI HUỆ ƠI).

 

Vậy thì trước sau gì cũng đến lúc: “Ta cởi bỏ áo sồng không luyến tiếc/ Lỡ yêu rồi thì yêu đến lâm chung”. ( XUỐNG NÚI)

 

“Đi khất thực mà không mang bình bát/ Nên gặp nàng ta đâu dám hoá duyên/ Chắc em hiểu cúng dường ta ánh mắt/ Làm ta về thao thức đến vô biên…”

 Đời có quê hương, nơi ấy: “Có mây hồng trên đỉnh Bà Đen/ Chiều xuống chậm. Vàm Cỏ Đông phớt gió/ Trâu về chuồng gõ nhịp leng keng…” (SAU MƯỜI NĂM THƯ GỬI NGƯỜI XA XỨ). Quê có con phố xưa, đọc lên thấy đẹp nhưng buồn : “Về thăm phố, thấy vườn xưa đã úa/ Bóng hoang vu đang phủ xuống trong hồn/ Em vẫn thế sắp đẩy ta vào lửa/ Nên một mình mang nỗi nhớ đi chôn…” (VỀ THĂM PHỐ XƯA).

 

“XUỐNG NÚI” có nhiều bài được tác giả ghi là tặng bạn. Bạn đây là những con người, có tên cụ thể. Ngỡ rằng thơ ấy chỉ nói chuyện riêng tư. Đâu ngờ, thơ tặng bạn cũng ngậm ngùi thế sự. Mà, mảng thơ này lại có lắm bài hay. Đấy là “VỀ THÔI” tặng Hồ Thi Ca. “THƠ GỬI NGƯỜI MIỀN TÂY” tặng Phù Sa Lộc. “SÔNG HỒ” tặng Vũ Đức Sao Biển vv… Những bài thơ tặng của Hồ Chí Bửu cũng giống như những lời tự tình vậy. Thế mà đột nhiên có bài chao chát lạ kỳ.  “AI MUA THƠ” tặng Chu Ngạn Thư là một bài như thế. “Bây giờ tôi bán thơ tôi/ Bán luôn một nửa cái thời chơi ngông/ Thơ này có tự hư không/ Bay bay rớt lại mấy dòng phù du/ Mua đi có một cụm từ/ Không không sắc sắc phù hư ta bà!”

 

Có bài thì buồn đến nao lòng: “Đi thật rồi hở Trương?/ Một chuyến đi xa mà cũng rất gần/ Một thoáng quạnh hiu bên bờ mạc khải/ Hôm tiễn đưa người như ta đưa ta/ Ly rượu bây giờ nhạt hơn hôm xưa…”.( thơ tặng Trương Công Hiểu)

 

Và bởi, anh chỉ bán buôn một nửa cái thời chơi ngông, nên cái giọng ngông vẫn còn đây trong “MÙA XUÂN VỚI NGƯỜI TRỒNG RỪNG” tặng Vũ Ngọc Giao: “Người ở phố phường nhiều gái đẹp/ Nhà lầu giường nệm thật là sang/ Ta ở phương này ta rìu thép/ Đắc chí chỉ trời ca hát vang…”

 

Thật chẳng thể ngờ, cái người có thể chỉ trời ca hát vang như thế lại có những bài lục bát nền nã và có duyên đến thế. Như  “CHỢ ĐỜI” thật tâm trạng với cả sự ám ảnh: “Lỡ mai ta bỏ cuộc chơi/ Gió trăng còn đọng bên đồi trăng xưa”. Hoặc trong “ MẮT TÍM BUỒN” lại có: “Sáng nay sương rụng trúng vai/ Tưởng như nước mắt của ai khóc mình”. Nhờ thế, tập “ XUỐNG NÚI”, dù chỉ có gần 40 bài nhưng lại là một tập hợp đa thanh, nhiều giọng điệu. Dù có câu, có đoạn có thể còn hơi tự nhiên chủ nghĩa như “ Sáng tờ báo ly cà phê. Quá đã/ Đêm đêm về ta thắp nến làm thơ…” thì “XUỐNG NÚI” vẫn là một tập thơ hay và đáng đọc. Dẫu đã chuốt trau hay còn xù xì thô ráp, thì vẫn ánh lên vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt thông qua lăng kính một đời người. Một đời mà như chính tác giả thú nhận trong bài “CHIỀU MƯA UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH”:     

 

Ta khốn khổ nên cả đời quanh quẩn

Bên cối xay chữ nghĩa đã rã rời

Không vượt được cái bóng mình bé nhỏ

Không tự mình bứt phá cuộc rong chơi…”

 

Có một điều  muốn bàn với Hồ Chí Bửu : trong một tập thơ có gần 40 bài mà tôi đếm được tới 23 bài thơ tặng. Như trên đã nói: là thơ tặng nhưng vẫn có những cái dành cho cuộc đời. Song nếu ở cương vị người đọc họ sẽ chẳng mấy thích thú khi đọc thơ tác giả tặng cho người khác. Thơ vốn là cảm xúc riêng, tiếng nói riêng của người làm thơ. Người đọc có thích, có muốn, có ham đọc những cái riêng của tác giả hay không là do tài của tác giả. Nay lại vừa phải chấp nhận cái riêng của tác giả vừa phải chấp nhận thêm cái riêng của người được tác giả tặng thơ. Biết đâu có người nói ngông: thơ anh tặng người ta, tôi đọc làm gì. Hình như quá nhiều thơ tặng mà Hồ Chí Bửu đã tự tạo ra cái rào cản vô tình giữa thơ mình với bạn đọc. Khi làm thơ bắt đầu từ tĩnh lặng để tìm đến sự đam mê thì hãy để bạn đọc cùng ta đam mê, đừng nên để niềm đam mê bị ngắt ngang khi phải đọc những chữ đề tặng. Nên chăng trong những tập thơ khác Hồ Chí Bửu khắc phục được điều này, thơ anh dễ đến với đông đảo bạn đọc hơn.
Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 4259
Ngày đăng: 14.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng sánh mẹ và anh,một giọng thơ cảm xúc - Nguyễn Đức Thiện
Với XUÂN SÁCH và... - Phạm Lưu Vũ
Thu Nguyệt với triết lý “CẢ ĐỜI LÀM MỘT CUỘC RƠI KHÔNG THÀNH” - Phạm Lưu Vũ
Vũ Trọng Quang: Cuộc sống vào thơ - Từ Nguyên Thạch
Lời, Từ trong nhạc TRỊNH CÔNG SƠN - Hùynh Công Tín
Tình xa xứ : Tấm lòng một người Việt xa quê. - Triệu Xuân
Nguyễn Ngọc Tư – Nhà văn trẻ Nam bộ - Hùynh Công Tín
Đọc TRĂNG SUÔNG – nói gì với Đinh Quang Tốn ? - Dương Kiều Minh
“Anh dắt em qua cánh đồng ...” - Nguyễn Văn Ninh
Cần tôn vinh những người có công với nền văn hóa dân tộc như Ông VŨ ĐÌNH LONG - Triệu Xuân
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)