Chiếc xe Pho chạy vun vút trên đường nhựa hơn một tiếng đồng hồ thì rẽ vào một con đường đất gồ ghề, hai bên là ruộng lúa. Xe đảo tới đảo lui nhiều lần, chúng tôi mới tìm được bến đò. Cả ba bước xuống xuồng tam bản và người chèo xuồng đưa chúng tôi luồn sâu vào một khu kinh rạch điệp trùng. Trong nhấp nhô những hàng dừa, đu đủ, chuối, xoài, John đã nhận ra từ xa mái nhà của bác Hai Tâm theo ngón tay chỉ của một người nông dân đứng tuổi. Xuồng cập bến, John bước lên bờ, anh đeo túi xách lên vai, rồi đi thẳng vào ngôi nhà trước mặt, tôi và giáo sư Thông bước vội theo sau.
- Chú Cao Cao! Trời! Chú Cao Cao!
Tiếng kêu vừa dịu dàng vừa kinh ngạc của cô gái trong sân làm chúng tôi đứng sững lại. Bao lúa rơi từ trên vai xuống nền gạch. John bước đến rồi ôm chầm lấy cô gái. Đó là Lan Chi, con gái út của bác Hai Tâm - một gia đình nông dân mà cách đây đúng mười tám năm, John thường ghé chơi, cho hạt giống và đùa nghịch, cõng Út trên vai, chạy trên bờ kinh hóng gió. Gia đình bác Hai Tâm đã đón tiếp John nồng ấm như một người con ở xa về. Bữa cơm trưa thân mật quây quần cả gia đình, có mặt cả Tư Kiên và đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Trong câu chuyện và trong khi ăn, John thường hay làm dấu thánh. Anh nói rằng, suốt hai mươi năm, đêm nào vợ anh cũng cùng các con quỳ trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện cho anh. Chính Chúa Jêsu đã cứu sống anh để anh có được ngày trở về Việt Nam, về lại Vị Thanh, bởi vì đoàn cố vấn quân sự của anh mười người thì chín người bị bắn chết, chỉ một mình anh sống sót. Lần này anh trở lại Việt Nam, vợ và các con anh rất hoang mang.Khi ra sân bay tiễn anh, cả gia đình đã cầu Chúa ban phước lành cho anh.
Đồng chí Phó chủ tịch huyện nãy giờ ngồi lắng nghe chăm chú. Khi John nói xong, ông cầm xị đế rót đầy ly rượu, uống cạn một hơi, đưa tay chỉ về phía bàn thờ và chậm rãi nói:
- Đó, cái ngày mà ông đến đây cho hạt giống thì chính tôi đang nằm dưới cái bàn thờ này. Tôi được lệnh cùng với Tư Kiên theo dõi và đã nhiều lần nòng súng của tôi chĩa thẳng vào ngực ông, nhưng khẩu súng chính nghĩa bắn làm sao được người lương thiện. Cả nhà anh chị Hai Tâm tôi đây ai cũng quý mến ông,nhất là con Út. Chúng tôi đã nhiều đêm bàn bạc: Lẽ nào một người thương yêu trẻ con như ông lại là người xấu? Khi tôi báo cáo cho lãnh đạo về thái độ và tình cảm của ông đối với gia đình anh chị Hai Tâm, chúng tôi được lệnh không bắn ông. John nghe đến đây thì hai hàng nước mắt chảy xuống. Thì ra chính là tấm lòng của anh đã cứu sống anh. Khi chúng tôi từ biệt ra về, John lấy ra từ trong túi xách một con búp bê và một gói quà đưa tặng Lan Chi. Cả nhà ai cũng khóc. Đó là con búp bê mà John hứa tặng Út cách đây mười tám năm về trước, lúc Út tròn sáu tuổi. Nhưng rồi sau đó anh đột ngột rời khỏi Vị Thanh không một lời từ giã. Trên đường về, dường như hiểu được ý John, anh lái xe chạy chậm hơn. John đưa mắt nhìn quang cảnh. Những sóng lúa xanh rờn chạy dài hai bên lộ,hương lúa phả vào buồng xe ngào ngạt và xa xa... một đàn cò trắng đang vỗ cánh êm ả, nhịp nhàng... Đó là tất cả những gì tận mắt tôi nhìn thấy, còn đây là bức thư của chính John Alexander gửi từ nước Mỹ sang: Texas, February 27th,...
Tôi rời Việt Nam trước ngày tàn chiến cuộc, mang theo nhật ký về một cuộc chiến tranh buồn bã, nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm nồng ấm, bởi vì những ngày đó ngoài chức năng của một trung úy pháo binh là gọi máy bay B.52 ném bom, tôi còn đi giao cho nông dân trồng thử các giống lúa mới, bởi vì lúa gạo là một mặt chiến lược trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Những hạt giống IR20 ngày đó người ta quen gọi là Thần Nông, nhưng giờ đây, Tư Kiên gọi nó là "giống Honda", bởi vì nó là giống ngắn ngày, tăng vụ, ít bị sâu, nông dân trồng nó thu hoạch cao, sắm xe Honda đi chơi cho nên gọi là "giống Honda".
Vâng, Tư Kiên đây rồi, chúng tôi nhận ra nhau ngay; nhìn thẳng vào mắt tôi, Tư Kiên nói, làm tôi sửng sốt nghe như chuyện hoang đường bay trong gió thoảng: "Hồi đó, với tư cách chính ủy của khu kinh rạch này, phục trong ghe tam bản, tôi chỉ cách ông không đầy cây số, ông thường cải trang làm dân thường,nhưng làm sao qua mắt được tôi, nhưng tôi đã không giết ông, chỉ vì biết rằng, ông rất thật lòng cố đem các giống lúa mới đến cho nông dân tôi".
Và tất cả đã là sự thật, những con kinh sắc nước đục ngầu, trường học, chợ búa, quán hàng mọc lên, nhưng tôi vẫn còn nhận ra được kia là tàn tích của sở MAG-V73, đây là cơ sở của Cords.
Khi tôi bước vào khu vườn cũ, lũ trẻ ùa vào, tôi chờ đợi chúng hét ầm lên âm thanh còn đọng lại trong đầu: "Ông Mỹ! Ông Mỹ! OK SALEM!". Nhưng không, chúng chỉ lặng lẽ nhìn rồi chạy ra chơi, ca hát ầm cả một góc trời, khi lững thững bước ra bến nước, tôi mới chợt nhận ra rằng, mình rời khỏi nơi này vào lúc chúng đang còn đâu đó trong cơ thể mẹ cha, các em là một thế hệ khác, hoàn toàn khác, những bé Việt Nam dưới bầu trời cuồng vọng của chính phủ nước tôi. Chưa hết, tiếng một cô gái vừa chạy vừa reo lên nỗi vui mừng thảng thốt: "Ông Cao, Ông Cao Cao lại về". Tôi quay lại chưa kịp định thần, thì người mẹ trẻ tay dắt tay bồng giải thích: "Ủa, phải rồi, làm sao mà ông nhận ra tôi được, tôi là bé Chi, Huỳnh Lan Chi đây, hồi đó ông về, những ngày không ra ruộng ông thường cõng tôi đi chơi bên bờ kinh, vì ông cao, cho nên chúng tôi gọi là ông Cao".
Tôi rất muốn cúi xuống cõng con của người mình đã cõng thêm một lớp nữa, nhưng vì nóng lòng, còn vào gặp bác Hai Tâm. Và đây, người nông dân mẫn cán và quả cảm, bác Hai Tâm nay tuổi đã ngoài bảy mươi, bước ra phơ phất chòm râu. Chúng tôi bồi hồi xúc động, nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, tưởng không bao giờ còn lại trong hiện thực, thế mà nay chúng tôi đã ngồi lại bên chiếc bàn cũ kê ngoài sân, nơi chúng tôi thường ăn cơm gạo mới với cá đồng, uống ba xị đế.
Tôi nhắc chuyện tôi cùng một người bạn Philíppin Green Ormandy, đã lén lút giấu giống IR20 để đem đến sớm nhất cho ông trồng thử và kết quả rất tốt: những hạt giống đó đã kéo tôi ra khỏi lưỡi hái của tử thần và giờ đây, cũng chính nhờ những hạt giống mới, đã giúp tôi được trở về với cảnh cũ người xưa, một chiến trường quá buồn bã nhưng cũng là một tình trường tươi thắm.
Bà Hai Tâm tuy đang bệnh cũng gượng dậy ra chụp với chúng tôi tấm hình kỷ niệm. Khi ra nơi bàn trà, Tư Kiên nói đó là dì ruột của Tư, chính bà là người đã báo cáo đầy đủ và trung thực về tôi cho Tư Kiên, vốn là chính ủy của vùng kinh rạch này. Tôi bỗng nhớ rằng mình có mang theo thuốc uống và đã đến tận giường biếu bà, một người đàn bà hiền từ, đôn hậu, làm lụng bình thường, nhưng lại còn là người tham dự,một phần quan trọng về số phận của tôi, cùng sự nghiệp chinh phục đồng chua lau lác.
Tôi lại nhớ đến hình ảnh của một người tôi tạm đặt cái tên giả là bà Sương, vì người và tên thật còn sống sót ở Mỹ, nhưng chính bà ta kể như đã chết, vì đã qua tay bốn toán cướp biển Thái Lan, vẫn còn rất rõ nét trên những cánh đồng mặn chát mùa nước nổi mà tôi không thể nào quên.
Chương Thiện, tôi luôn nghĩ về Việt Nam, nhất là về Chương Thiện, như về một người nữ, một người đàn bà già dặn, quyến rũ, bí ẩn và luôn luôn giận dữ,hằn học bởi vì đã gặp nhiều dối gạt, nay thì sai hẳn, dòng kinh, đồng lúa, chợ búa, trường học... Chương Thiện thơ mộng, trữ tình.
Và đây Vị Thanh - cái tên của Chương Thiện bây giờ - nơi tôi và Tư Kiên đã bao lần trực diện đối thù. Thế mà nay chúng tôi đã bắt tay nhau, uống chung một ly rượu nếp, cùng lo cho bát cơm, màu xanh của ruộng lúa, đó mới là ý nghĩa đích thực và đáng kể. Tôi cảm ơn lúa gạo đưa tôi đi đây đó, cứu tôi sống và thầm nhớ ơn tình người du kích, nông dân, nay họ vẫn còn đó, nắm giữ công quyền, đón tôi trong một nghĩa tình sau trước, vẫn như ngày nào, chốn này đây.
Con kinh màu xanh trải dòng hun hút, nhớ lại những hình ảnh đậm nét, những ý tứ sâu xa, những tình cảm dạt dào, tôi bỗng cảm thấy mình như mới bắt đầu... Trong gió thoảng xa xôi tôi nghe như lời dặn của bác Hai Tâm hai mươi năm về trước vẫn còn vang vọng:
"Hột gạo tức Phật".
Vâng, bây giờ tôi đã hiểu.
Khi giã từ chốn cũ, lối ba mươi người đã tiễn chân tôi ra tận bến nước, họ đã khóc và tôi cũng đã không ngăn được dòng lệ nóng, chảy ra từ đôi mắt của một người đàn ông sinh trưởng trên miền Texas khô khốc...