Bất ngờ vào một buổi làm việc, tôi nhận một phòng bì dày cộm. Mở ra, giật mình. Tập bản thảo của Cảnh Trà. Cả trăm bài. Hai tập được đóng bìa hẳn hoi. Còn vài bài lẻ cũng gởi kèm. Thế mà có lúc tôi cứ ngỡ Cảnh Trà đã gác bút, đã yên phận với công việc của xã Hoà Thạnh ( Châu Thành- Tây Ninh). Thậm chí có lúc còn nghĩ tệ hơn: ông này lo làm ăn còn biết gì đến thơ với phú nữa. Thế mà cả trăm bài. Có ý đồ hẳn hoi. Tập bản thảo thứ nhất anh dành để viết về quê hương, về những người thân quen, ruột thịt mà anh nhớ đến. Tập thứ hai, anh dành cho nơi anh đang sống, cùng với một số bài nhớ về những ngày chiến đấu xưa, khi anh còn là một anh lính trụ bám ở đất lửa Vĩnh Linh. Những bản thảo rời là những bài mới viết. Thì ra thế, cái người đã vướng vào nghiệp văn chương rồi thì dễ gì mà bỏ cho được, nhất là với Cảnh Trà, người đã một thời cận kề với khốc liệt chiến tranh mà vẫn làm thơ. Những bài thơ đã lọt vào con mắt tinh tường của Hoài Thanh, một trong những nhà phê bình hàng đầu của Việt nam, rung động mà viết một bài giới thiệu khá dài có cái tên rất ấn tượng: CẢNH TRÀ, MỘT TIẾNG THƠ TỪ TUYẾN LỬA VĨNH LINH. Đó là vào những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Ngay từ ngày ấy, thơ Cảnh Trà thực sự đã có vị trí trong làng thơ Việt Nam rồi. Còn hôm nay, sau gần hai chục năm trời, thêm một tập thơ mới của Cảnh Trà: NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG, là những bài thơ chắt ra từ những bản thảo vừa nói ở trên.
Thơ Cảnh Trà hôm nay có rất nhiều cái khác so với thời anh ở tuyến lửa. Sự hoài niệm trong anh trội hẳn lên. Quê hương và những người thân lần lượt xuất hiện trên từng trang bản thảo của anh. Vẫn cứ chân chất giản dị như ngày xưa, song có lẽ cái chân quê của xứ nơi anh sinh ra nó thấm vào anh mà thành thơ anh. Về cha, mẹ, về anh, về bà nội, bà ngoại, về những đứa trẻ một thời, cả những chú, những o… Những bài thơ ấy là phần đậm đà nhất trong thơ Cảnh Trà. Khi anh nhớ về cha là cả một nỗi đau của con mất cha:
Đây không phải nỗi đau
Của đinh đâm dao cắt
Không phải nỗi đau
Của búa đập lửa nung
Nỗi đau của cô đơn
Nỗi xót xa nhớ người thân trong Cảnh Trà càng xót xa hơn, khi anh viết về mẹ. Người mẹ tảo tần, trông cậy vào gánh hàng rong để nuôi các con. Có điều có thể viết ra, nhưng cũng có những điều không thể, nhưng bên trong những con chữ của anh có thể thấy được số phận một con người:
Vai gầy quẩy gánh hàng rong
Đè lên tóc rối tang chồng, tang con
Ruộng vườn nhà cửa không còn
Ngẩn ngơ không hiểu vì cơn cớ gì?
Cơn cớ gì đây, để:
Tre thưa tiền lọt xuống sàn
Gió qua nhà trống phổi khàn tiếng ho
Đêm đêm tiếng mẹ kêu đò
Ngỡ như tiếng vạc, tiếng cò
Mẹ ơi.
Có cơn cớ đấy, song đâu cần phải nói ra, chỉ biết đã có người mẹ một đời lam lũ, một đời nổi trôi thân phận vì thay chồng nuôi dậy con lớn khôn. Đau mất cha, buồn nỗi gian truân đời mẹ mà những câu thơ trở nên day dứt, day dứt đến đứt ruột.
Không chỉ thế, khi khắc họa về một người thân khác, trong bài KHÔNG ĐỀ, ( tặng chú Văn) thơ Cảnh Trà bỗng đột ngột chuyển giọng:
Gió cứ thổi mù trời
Sa mạc tình người
Nhục
Và
Đói
Gối mỏi
Mắt hoa
Đường còn xa
Dặm dài
Thăm thẳm
Hiệp sĩ vẫn đi
Lẳng lặng
Lầm lỳ
Giữa hiểm nguy
Lê từng bước nặng
Cảnh Trà đã tạc vào không gian, vào lòng người một hình ảnh đậm nét về một con người trải qua hết mọi gian nan khổ cực, trước hết vì sự tồn tại của mình. Bão giông, sấm chớp và cái chết cận kề, nhưng rồi cũng phải khuất phục con người kên cường kia. Nhất là khi : cõng trên lưng mười mấy mạng người, và khi: khơi bếp lửa giữa rừng thiêng thảo dược. Con người ấy đã:
Từ
Bùn
Than
lệ đắng
máu tươi!
mà đứng dậy, làm người cho mình và làm người cho mọi người.
Chất bi trong bài thơ này đậm bao nhiêu, thì chất hùng càng thêm sâu sắc.
Mỗi một bài thơ là một kỷ niệm dào dạt của Cảnh Trà, đến ngủ ở nhà bà nội thì được nghe bà dạy: giàu không hà tiện, khó liền tay, khó không hà tiện khó ăn mày”. Bây giờ còn nghe tiếng bà ngoại la “ trốc trần”, khi lo cháu con đội nắng mà lâm bệnh. Một đọi cơm rang của bà mự ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào, vì trong hạt cơm rang ấy chứa đựng cả tình người. Mỗi một người thân xuất hiện trong thơ Cảnh Trà là một nỗi niềm. Chị thì già nua yếu đuối, gặp em thương lắm “ nói” bằng tay. Anh trai mất vợ, các em xúm lại đi hỏi vợ mới cho anh. Bà o xưa đẹp nhất nhì làng, gặp cháu là vui. Đi tìm anh trai thất lạc đâu đó. Đi viếng người đã chết. Tình quê cứ hiện dần trên những dòng thơ của Cảnh Trà. Nhưng nếu chỉ một chút riêng tư thôi thì chưa phải là thơ Cảnh Trà. Với những người thân, Cảnh Trà muốn nói lên tất cả sự day dứt của người xa quê, nhưng lại yêu quê hương tha thiết. Hiềm một nỗi cuộc sống không cho phép anh trở về với miền quê yêu dấu của mình. Lấy người thân làm cái cớ để anh nói được lòng mình. Những Gôi, chợ Liệu, rào Cả, Truông,Bố Đức, Hoành Sơn, Vạn Rú, chợ Rồng, chợ Vực, chợ Ngang, Rú Hốc… lần lượt được Cảnh Trà gọi ra trong thơ, như gọi trong tiềm thức những kỷ niệm không sao quên được. Rồi “ đọi cơm rang”, “ đĩa dưa muối quả cà, thìa tương ngọt mặn, trái khế chua ít cọng đọt rau lang”, “ bánh đúc đỏ, bún ốc, ruốc…” tất cả cũng được sống dậy trong tiềm thức của anh mà thành thơ anh hôm nay. Rõ ràng ra một miền quê nghèo nhưng chan chứa tình đời, tình người. Trai thời chiến, mười tám đôi mươi vào bộ đội, đi chiến trường, rồi đi làm báo, làm đài, rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước tính ra đã gần năm chục năm trời mà hôm nay khi viết về quê hương, anh vẫn viết:
Đàn bò bước chênh vênh ngoạm lá cỏ cằn
Xác xơ trên kẽ đá
Những bụi sim gồng mình trong nắng lửa
Lá rung rinh gió thổi phì phào
Rồi cũng gần năm chục năm trời xa quê vẫn nhớ cả câu hát đồng dao của bầy trẻ ngày xưa:
“ Bọ bò phần cha
bạc da phần mẹ
bẹ bé phần em
lọm lem bỏ mồm”
Mới thấy Cảnh Trà còn nặng lòng với quê mình biết mấy. Nhớ đến quay quắt, nhớ đến nao lòng cái xứ Nghệ chan chứa yêu thương kia.
NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG không chỉ có như vậy. Dăm ba bài nghiền ngẫm sự đời. Dăm ba bài trải hồn mình ra với trăng, sông, núi, mây mưa. Lại có dăm ba bài khác cho người đọc thấy cảnh cô đơn của người cầm bút, trước bao biến động của xã hội, trước bao đổi thay của lòng dạ con người. Đặc biệt là những bài được viết về hồi ức trong chiến tranh. Một đứa trẻ ngây thơ thấy trái bom ổi, ngỡ là trái ổi nhặt lên. Trái ổi nổ, thằng bé chết. Chiến tranh lùi xa rồi mà đến hôm nay tiếng nổ vẫn cứ còn và người cứ chết như trong chiến tranh. Người đàn bà cho đến hôm nay, trong lúc chợt thiếp ngủ vẫn còn mơ thấy người yêu xưa, người từng thề non hẹn biển trước lúc lên đường đi chiến đấu rồi mãi mãi không về. Trong giấc mơ ấy là lời trách cứ:
Sao ngày ấy anh không chịu nghe em
Xin thày mẹ cho làm lễ cưới
Hay vụng trộm trong lùm, trong bụi
Để lại cho em đứa con?
Những việc ấy sao anh không làm?
…
Lòng thủy chung của người đàn bà đâu có cần phải lên gân, lên cốt, bấy nhiêu lời trách cứ cũng để nói lên tình yêu trong sáng ngày xưa, và tình yêu ấy cứ vấn vương trong người đàn bà sau mười năm nhận giấy báo tử của người mình yêu.
Tôi không muốn trích nhiều thơ của Cảnh Trà trong một bài viết như thế này mà chỉ muốn giới thiệu đôi ba điều cảm nhận của riêng mình sau khi đọc thơ anh, chỉ nêu những gì ấn tượng nhất khi đọc anh từ bản thảo. Và trước mặt tôi còn cả bài viết của nhà phê bình Hoài Thanh về thơ Cảnh Trà khiến tôi cũng băn khoăn khi viết về thơ anh, sợ mình viết không tới những gì mà anh có. Cuối cùng chỉ trích một câu thơ của anh đã nổi tiếng từ những ngày cách đây hơn 20 năm:
Trên đất này
Chờ bom dứt chỉ là điều mơ mộng
Tất cả đều là trong báo động
Tất cả như là trong báo yên.
Bạn đọc thử ngẫm xem, hình như ngay cả bây giờ câu thơ ấy vẫn còn là thời sự đấy. Nhưng bây giờ không bom, không đạn, cuộc chiến cũng cam go khôn cùng. Báo động, báo yên ngay trong mỗi một con người…