Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.148.395
 
Sơn Nam – Mấy độ qua đường phố,nghiêng mình nhớ đất quê.
Trần Hữu Dũng

   Lúc trước nói theo cách đùa tếu, nhà văn Sơn Nam là vua đi bộ ở đất Sài  Gòn ( có lúc mệt đứt hơi thì ông leo lên xích lô ). Năm 2006, ông vừa trải qua ca phẫu thuật xương chậu nên đi  đứng càng khó khăn hơn, phải tập vật lý trị liệu mới đủ sức đi loanh quanh trong nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng. Các bạn viết văn trẻ tuổi thường gọi là “bố già” mỗi khi lai rai ba sợi với ông ở một vỉa hè, quán cóc quạnh hiu nào đó.

 

   Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tày, sinh ngày 11.12.1926 ở làng Đông Thái, thuộc vùng rừng U Minh tỉnh Rạch Giá. Hồi nhỏ ông học trường trung học Cần Thơ (sau là trường Phan Thanh Giản), rồi làm công chức vài tháng, sau bỏ về quê. Bắt đầu viết nhiều khi tham gia kháng chiến chống Pháp tại miền Nam, từng đoạt giải văn chương Cửu Long với truyện ngắn Tây đầu đỏ, các tác phẩm chính : Chuyện xưa tích cũ, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam….

 

   Ông tự kể trong một cuộc phỏng vấn : “Viết văn vì ham thích, từ lúc còn học trung học. Bút hiệu Sơn Nam có nghĩa là người Việt Nam ở trong xóm có nhiều người Miên (họ Sơn của người Miên). Năm 1945, tôi từ Rạch Giá lên Sài Gòn. Trong các nhân vật lịch sử Việt Nam, tôi  ngưỡng mộ chí  sĩ Nguyễn An Ninh. Bài diễn thuyết Những cao vọng của thanh niên ngày nay của ông (hồi 1922) vẫn là áng văn cô đọng mà tôi đọc tới đọc lui và thấy có giá trị lớn.

 

   Tôi không hề nghĩ tới việc bỏ bút. Ở không tức là thất nghiệp, thì tôi nghiên cứu phong tục, sử địa. Nhưng nghiên cứu, tìm tài liệu lại đòi hỏi số vốn tài chánh tối thiểu như tiền ăn, tiền di chuyển xe cộ. Cứ viết rồi để đó, chẳng lẽ tình hình bế tắc và bi quan như vầy mãi đến năm 1975 hay sao ?

 

   Tôi ao ước có dư tiền – dư ở mức tương đối – để viết mỗi năm một cuốn tiểu thuyết chừng 400 trang, hoặc một cuốn biên khảo về miền Nam. Mỗi năm một cuốn đủ rồi, hoặc hai năm một cuốn. Viết xong chừng bốn năm cuốn như vậy tôi có quyền hưởng nhàn, khi được 60 tuổi.

 

   Khí hậu ở xứ mình độc lắm, già thì yếu, dễ sinh ra lẩm cẩm. Thương hại cho người già gần 60 tuổi mà còn cầm bút vì sinh kế “.(1)

 

   Bài phỏng vấn trên ông trả lời lúc 48 tuổi, giờ nghiệm lại nhiều điều vận vào “số mệnh” của chính ông. Bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn viết để kiếm sống. Tôi hỏi đùa : “Làm sao bố già biết năm 1975 là giải phóng miền Nam mà trả lời ngon ơ  vậy ?”. Ông cười mím chi cọp, nheo nheo đôi mắt cận một cách thú vị !.

 

   Tôi nhìn nhiều bức ký họa chân dung ông, cái lỗ tai to; cặp mắt kiếng cố hữu; mũi lân; mặt sần sùi góc cạnh không lẫn vào đâu được dù là họa sĩ Chóe hay thậm chí Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Trịnh Công Sơn…vẽ.

 

   Thật ra sau nầy tôi mới biết ông còn làm thơ và vẽ nữa. Có lần ông vui vẻ tiết lộ : “Ba cái hình gác kèo ong trong tập Tìm hiểu đất Hậu Giang là do tôi vẽ đấy”. Còn về thơ thì quả tình ông là nhà thơ rất mực dân gian. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt viết : “Trong quyển Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam chứng tỏ là nhà thơ lớn, dù chỉ có một bài, có hơi hướng cổ phong thi, có hơi hướng của thần thoại Hi Lạp Homère nữa. Cần nhắc lại các nhà phê bình văn học, nên lưu tâm đến quyển Hương rừng Cà Mau, với bài thơ Vô đề ấy :

 

   Trong khói sóng mênh mông

   Có bóng người vô danh

   Từ bên này sông Tiền

   Qua bên kia sông Hậu

   Mang theo chiếc độc thuyền

   Điệu thơ Lục Vân Tiên

   ………………………………

   Chướng khí mù như sương

   Thân không là lính thú

   Sao chưa về cố hương ?

   Chiều chiều nghe vượn hú

   Hoa lá rụng, buồn buồn

   ……………………………..

   Hơi vọng cổ vương bờ tre bay vút

   Điệu hò …. ơ theo nước chảy chan hòa

   Năm tháng trôi qua

   Ray rứt mãi đời ta

   Nắng mưa miền cố thổ

   Phong sương mấy độ qua đường phố

   Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (2)”

 

   Cái thú chính của ông vẫn là chơi cây kiểng, hòn non bộ. Ông là hội viên Hội cây cảnh Phú Nhuận một cách tự nguyện và kết thân với nhiều nghệ nhân nổi  tiếng. Hồi đó sáng sớm ông ra khỏi nhà đi lòng vòng các nơi hoặc quá giang kè kè với một người bạn trẻ ghé bất cứ chỗ nào tạm gọi là có “không khí” để trò chuyện. Ông gọi đây là cách “xâm nhập thực tế” và “nạp thêm năng lượng” để làm đầy vốn sống viết tiếp. Có lần ông nói : “Đừng tưởng Bùi Giáng lang thang Sài Gòn – Chợ Lớn là vô cớ, ông đang rong chơi và tham quan đời sống đấy mà…”. Chiều tối Sơn Nam về nhà đóng cửa viết lách. Khổ thân năm 2003 ông bị tai biến mạch máu não, nằm ở bệnh viện Chợ Quán cả hai tháng, chữa lành bệnh lại có hiện tượng nhũn não mất trí nhớ dần dần. Năm 2005 đi xe ôm, lại bị xe khác đụng gãy xương chậu, chịu phẫu thuật giờ đi lại rất khó khăn.

 

   Ông viết nhiều : truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu phong tục tập quán, hồi ký….nhưng tất cả đều xoay quanh cái trọng tâm muôn thuở – miệt vườn, châu thổ sông Cửu Long. Gần đây nhà văn Sơn Nam ký kết với NXB Trẻ độc quyền cung ứng tác phẩm với tác quyền cả trăm triệu đồng giúp cho ông có đầu ra để an tâm viết lách. Những bài  ông viết thường khúc chiết, mạch lạc, dù bàn về văn hóa dân tộc hay một chuyện bâng huơ về bài nhạc Trái tim ngục tù do ca sĩ hải ngoại Don Hồ hát. Ông cộng tác với Arnauld làm cố vấn phong tục cho phim Người tình, viết lời  tựa cho người bạn trẻ làm thơ, nói về kẹo kéo trên ti vi….đều toát ra vẻ tinh tế, có duyên ngầm. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh có phóng tác truyện ngắn của ông dựng thành phim Mùa len trâu rất thành công, đoạt nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế, chứng tỏ sức sống truyện ngắn Sơn Nam còn lan tỏa trong cuộc sống rất mạnh mẽ, có âm hưởng dai dẳng.

 

   Thú thật tôi vẫn nghĩ “tinh chất” nhất của ông là những truyện ngắn trong Hương rừng Cà Mau. Trong một buổi  hội thảo về “Đề cương văn hóa Việt Nam” tại Hội Nhà văn Thành phố, ông Lý Chánh Trung có nhắc lại lời một vị tiến sĩ nước ngoài là nhớ vô cùng bài học vỡ lòng Quốc văn giáo khoa thư qua truyện ngắn “Tình nghĩa giáo khoa thư” của nhà văn Sơn Nam, có lẽ vì lý do nầy NXB Trẻ mới tái bản cuốn Quốc văn giáo khoa thư lại, bán hết vèo.

 

   Nhà văn Sơn Nam quan niệm về truyện ngắn : “Mỗi loại đều có cái khó riêng. Truyện ngắn khó viết vì  cần cốt truyện. Nhập đề phải gọn và nhanh, kết thúc đúng nơi, đúng lúc trong phạm vi  năm ba hàng mà thôi.

 

   Có thể so sánh với người vẽ tranh tứ bình, vẽ đóa hoa, vài chiếc lá để cho người xem thấy cả một vũ trụ. Hoặc so sánh với người họa sĩ trang trí cho cái chén trà nhỏ, phải gọn, nét rõ rệt và phạm vi hoạt động lại hạn chế” (3). Chính ông chọn truyện ngắn “Tình nghĩa giáo khoa thư” là truyện ông thích nhất : “Tôi suy nghĩ rất kĩ, nghiền ngẫm mơ hồ để rồi vài năm sau mới viết ra. Lúc bấy giờ, viết cho tuần báo Nhân Loại, viết một mạch tại tòa soạn, cả 14 trang giấy học trò với tiền nhuận bút là 200 đồng, đâu vào những năm 1957-1958. Hồi ấy 200 đồng là nhiều lắm…”(4).

 

   Khi tôi viết những dòng nầy thì  ông nằm tại nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng – Bình Thạnh cứ mỗi tuần phải tập vật lý trị liệu hai, ba lần với sự hướng dẫn của một cô y tá. Cái tuổi già hạt lệ như sương ấy, ngẫm lại sao mà long đong quá thể. Một đời viết lách thật đa đoan, cực nhọc “thương cho người già gần 60 tuổi mà còn cầm bút vì sanh kế”. Năm nay ông 80 tuổi  vẫn gắn bó lấy nghề văn, viết lách và lận đận nỗi đời  cùng các bạn đồng nghiệp. Thương sao suốt đời ông lao động dẻo dai như cây đước già cắm rễ thật chặt xuống mảnh đất phù sa miền Tây đồng bằng sông Cửu Long.

 

(1)Phỏng vấn “Tay đôi” – Thời Tập số 12,1974.

(2)Tác giả – Tác phẩm, 1973, trang 47,48,49.

(3), (4) Những truyện ngắn hay nhất quê hương chúng ta, NXB Sóng, 1974.
Trần Hữu Dũng
Số lần đọc: 5369
Ngày đăng: 17.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lại thêm một người viết "về Huế" - Lê Văn Lân
Cần giữ gìn sự trong sáng vốn có của ngôn ngữ nam bộ ! - Nguyễn Hữu Hiệp
“Muốn ăn bánh ít lá gai …” - Mai Thìn
Đinh Quang Tốn với trăng suông, rượu nhạt - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn Sơn Nam – Nhà nam bộ học - Hùynh Công Tín
Thăm đất Bến Tre - Hùynh Công Tín
Nguyễn Ngọc Tư càng khẳng định mạnh mẽ hơn những gì mình đang viết và sẽ viết - Lê Chí
Người đọc và đổi mới thi ca - Mai Văn Phấn
Sự thật về "Cánh đồng bất tận" - Lê Chí
THIÊN HÀ đứa con của HƯƠNG RỪNG CÀ MAU - Sơn Nam
Cùng một tác giả
An Giang (thơ)
Du hành (thơ)
Mưa (thơ)