"Dạ Cổ" là nghe tiếng trống, "Hoài Lang" là nhớ chồng. Đêm năm canh, nằm sầu thắt, tiếng trống đây là tiếng trống sang canh. Bài "Dạ Cổ Hoài Lang" ra đời từ năm 1920. Tính đến nay đã hơn 75 năm. Lúc đầu chỉ có 2 nhịp, bây giờ trở thành 128 nhịp. Lúc đầu ca bằng giọng Bắc, bây giờ biến thành giọng Nam pha hơi "oán." Lúc đầu đờn bằng dây Bắc chắn, bây giờ đờn bằng dây Bắc oán. Và quan trọng hơn hết bài " Dạ Cổ Hoài Lang " đa đổi tên thành "Vọng cổ Hoài Lang," tức là đợi tiếng trống sang canh, nhớ chồng. Nói lên tâm sự của người vợ, đêm đêm nhớ chồng, thao thức năm canh, đợi sáng. 75 năm, từ 2 nhịp, trở thành 128 nhịp, bài vọng cổ đã bước những bước khá dài. Trên cuộc hành trình này, bài vọng cổ đã được lưu lại tên tuổi của những tài danh.
LỜI BÀI DẠ CỔ HOÀI LANG
Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đường
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng thêm đau
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó sum vầy?
Duyên sắc cầm đừng lợt phai
Là nguyện cho chàng
Hai chữ bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi
(Trích trong bài của Bùi Trung Tín, Báo Bông Sen tháng 8 – 2000)