Qua mấy chặng xe khách, xe ôm, đò ngang và hơn vài trăm cây số đường đi, Tân mới có mặt tại ngôi nhà của ông bác, người cao tuổi nhất trong cánh họ. Chuyến đi này do “lệnh triệu tập” mà Bác Hai viết sau lưng một tờ giấy lịch: “Cần gặp cháu, cháu về gấp có được không”, chứ thực ra công việc ở cơ quan hồi này đang rất bận rộn.
Ông lão đã hơn tám mươi tuổi, rưng rưng nước mắt khi gặp đứa cháu từ xa về khiến Tân cũng bất ngờ với tình cảm thân thiết mà mình chưa bao giờ để ý đến.
- Mừng quá, cháu có ở với Bác được vài ba bữa không?
Trong ánh nắng buổi hoàng hôn, Tân ngắm ngôi nhà ngói cũ nhỏ đang hồi xuống cấp nghiêm trọng và khu vườn từ lâu chẳng ai sửa sang cải tạo. Cảnh quan ấy cho anh cảm nhận một không gian cư trú cằn cỗi, bất di bất dịch đúng như hoàn cảnh của bác Hai
- Cháu coi, chỉ có hai đứa con gái, thì một đứa theo chồng làm ăn vất vả ngoài Trung, còn con Thắm nhà ở Chợ Vàm. Tuy gần nhưng công việc đâu bỏ được. Đứa lớn của nó là con Lài phải về ở đây đi học để chăm sóc ông ngoại.
Hoàn cảnh của bác thật neo đơn, mà sức khỏe xem ra cũng không tốt lắm, vì bác phải dồn nén cơn ho trong lúc nói chuyện. Nhưng ở tuổi này mà bác Hai đi lại được chút đỉnh trong nhà, mắt vẫn chưa mờ nhiều, trí óc còn minh mẫn là đáng quý lắm rồi. Nhớ lời cha mình lúc còn sống hay dặn dò giúp đỡ bác, Tân thấy rằng đây là dịp tốt để mình mạnh dạn bày tỏ ý kiến:
- Nhà bây giờ đơn chiếc quá rồi. Lần này cháu nhất quyết rước bác Hai về Sài Gòn để nghỉ ngơi trị bệnh một thời gian dài mới được. Hai vợ chồng cháu cũng có nhà riêng, rộng rãi bác à. Sáng mai bác cháu ta cùng lên đường.
Nhưng ông già chậm rãi nhìn Tân, tỏ ý không đồng tình:
- Không, bác không đi đâu hết cháu! Tuổi già rồi thì còn đi với đứng gì nữa. À, bác mừng khi anh em cháu đều làm ăn khắm khá. Đó cũng là nhờ phước đức của ông bà cha mẹ để lại. “Sống để đức thì về sau con cháu không sức mà ăn” là vậy. Ừ, ba cháu cũng là con út mà.
Có thể Tân không hẳn đồng quan điểm với bác Hai khi cuộc sống đòi hỏi phải vã mồ hôi, sôi nước mắt và tranh đấu không ngơi nghỉ mới có cái ăn cái mặc, có trình độ, địa vị đàng hoàng, nhưng dù sao lời bác Hai cũng là điều đáng suy gẫm.
Con Lài năm nay học lớp chín trường trung học trong xã vậy mà đã đảm đang lắm rồi. Nó lo cho ngoại từ miếng ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa bếp núc đâu ra đó, giờ rảnh còn phóng xe đạp về tận Chợ Vàm phụ mẹ buôn bán rồi đem lương thực về để ông cháu cùng sống. Nó là niềm an ủi duy nhất của bác Hai hiện nay.
Vừa lo ăn chiều cho ngoại tươm tất, con Lài còn tiếp đãi người cậu họ một cách chu đáo khiến Tân có phần ái ngại, lúc đi gấp quá nên chẳng có chút quà gì cho nó cả. Tân thầm nghĩ:
- Thôi được, về nhà sẽ gửi con Lài cả một đống tập vở cũng chẳng muộn.
Bên ngoài trời tối lại mưa lất phất, Lài học bài nơi nhà dưới. Ở nhà trên hai bác cháu sum hợp tâm tình. Tân chẳng nghĩ đến việc đi loanh quanh đâu nữa, vì sáng mai anh đã phải về rồi.
Bác Hai giải thích:
- Hồi chiều, chắc cháu cũng thấy nhà cửa, vườn tược không ai lo. Là bởi vì mai mốt này ở đây sẽ chẳng còn gì nữa cháu à.
Tân hốt hoảng:
- Ồ, sao lại thế bác Hai? Chuyện gì xảy ra?
Bác Hai chậm rãi:
- Theo kế hoạch nhà nước phóng con đường nhựa băng qua đây về tới Chợ Vàm. Vùng này rồi sẽ sung túc cho mà coi. Có điều phần lớn vườn tược và ngôi nhà bác phải giải tỏa.
Tân sốt ruột:
- Vậy bác Hai tính sao bây giờ?
Rất trầm tĩnh, bác Hai chầm chậm tiếp:
- Đây là điều phải suy nghĩ. Con Thắm định rước về Chợ Vàm, phần vườn còn thì bán luôn để lấy tiền dựng căn nhà nhỏ cho bác ở. Nhưng…
Tân thấy cần góp ý ngay:
- Chị Thắm tính vậy theo cháu là khá ổn. Ở Chợ Vàm còn có bệnh viện, chợ búa, trường trung học, chứ ở đây thì quá xa.
Bác Hai lặng lẽ đáp:
- Nhưng quen chỗ rồi cháu à! Bác về sống ở đây hơn năm chục năm rồi còn gì?
Tân cố thuyết phục:
- Thưa bác, cháu thấy bác về Chợ Vàm gần con cháu là tiện nhất.
Ông bác thận trọng:
- Cháu nói vậy thì cũng phải, nhưng điều băn khoăn lớn của bác là ba cái sách vở, sẽ không có ai lo...
Tân ngạc nhiên:
- Thưa bác sách vở? Con Lài khi đi tất sẽ mang theo thôi.
Bác Hai thở dài:
- Không, đó là những sách chữ Nho bác gói ghém để cả trên đầu tủ.
Tân bật cười:
- Ôi trời! Bác Hai ơi, giờ này ba cái sách chữ Nho thì ai còn dùng mà quan tâm làm chi cho mệt hả bác?
Bác Hai có vẻ buồn:
- Cháu nói đúng. Chữ Nho mai một rồi. Thế hệ trẻ bây giờ không ai đọc được cho nên sách chữ Nho cũng hóa ra vô dụng.
Tân hồ hởi đồng tình:
- Thưa bác, hiện nay chữ Nho chỉ là linh hồn của sự hoài cổ mà thôi. Thực nực cười khi đi tham quan ở Huế mình ngắm cảnh chứ không thể hiểu bất cứ thứ gì ghi trên câu đối, liễn hay văn bia. Cũng ngộ là ở địa phương không ai chịu cho một bản dịch, để khách tham quan hiểu chút ít ý nghĩa tiền nhân đã viết. Hay là bây giờ họ cũng đều bị mù chữ cả?
Bác Hai gật gù:
- Ngày trước chữ thánh hiền là phổ biến, được quý trọng lắm. Mỗi lần cầm bút là phải nghiêm túc “tâm bình, khí hòa”, chữ viết là để tải đạo, đọc sách để trao dồi học hỏi. Sách chữ nho chính là môi trường duy nhất rèn luyện nên người. Chẳng trách kẻ học giỏi sách thánh hiền thì đỗ đạt làm quan, an bang tế thế được.
Tân còn định góp ý thì bác Hai tỏ vẻ quan trọng:
- Cháu biết không, cánh họ nhà mình ngày trước thuộc dòng dõi đỗ đạt làm quan. Có người là đại quan trong triều đình nữa.
Tân phải ngạc nhiên thú vị cho vừa lòng ông bác:
- Có thật vậy không, thưa bác?
Bác Hai hồ hởi:
- Điều này ghi rõ trong gia phả mà bác giữ gìn cẩn thận từ sáu bảy chục năm rồi. Cha cháu vì mất sớm nên cháu không rõ điều ấy. Số sách vở kia là phần cốt lõi của sự học, tiền nhân lưu truyền lại cho con cháu mình đó.
Sự việc có vẻ đi vào khúc quanh quan trọng, khiến Tân phần nào linh cảm được ý nghĩa mà bác Hai gọi mình, nhưng giả bộ ngây thơ:
- Cái thời xưa thì đã xa quá rồi. Bây giờ tất cả đã thành vô nghĩa phải không bác.
Bác Hai không đồng tình:
- Không đâu, những bộ sách đó là kinh điển của người đi học đỗ đạt làm quan, gồm đầy đủ sách tứ thư, ngũ kinh, kinh dịch, sách tham khảo, sách truyện, sách thuốc, sách học làm người…
Liên tưởng “sách học làm người” của cụ Nguyễn Hiến Lê, Tân vui vui hỏi tới:
- A, cũng có sách học làm người nữa à?
Bác Hai nghiêm trang:
- Có chứ, rất nhiều câu chuyện hay dạy dỗ khuyên răn con người về trung hiếu, tiết nghĩa, tình huynh đệ, đạo vợ chồng. Ừ… ừ… trong đó có quyển: “Mài gươm dạy vợ”, “Giết chó khuyên chồng” hay lắm cháu à!
Tân đột ngột bật cười, khôi hài:
- Bây giờ mà làm như vậy thì có thể bị bắt.
Bác Hai lại ân cần giải thích:
- Cháu à, cách áp dụng mỗi thời có khác nhưng ý nghĩa giáo dục còn nguyên vẹn, đó là tinh hoa của sách. Đến thời bác thì tất cả là ba trăm mười hai quyển, nhưng trải qua những lần chiến tranh, gởi nơi này nơi nọ, bị mối mọt, mất lần hồi nay còn rất ít, chỉ một trăm hai mươi quyển. Sách này mỗi năm bác đem ra phơi nắng, chăm sóc ba bốn lần, mỗi lần đều có đốt nhang khấn vái ông bà chứng giám.
Tân không khỏi thán phục:
- Bác tốn quá nhiều công phu. Mà đến mấy mươi năm rồi sao?
Bác Hai ôn tồn:
- Thì vậy. Đây là chút di sản tổ tiên, phải quý trọng cháu à. Mình tuy không còn dùng, nhưng nó truyền lại gương thành đạt, ý chí và tấm lòng mà các thế hệ trước muốn trao cho con cháu đời sau kế tục.
Nhưng rồi bác Hai tỏ vẻ buồn:
- Cháu xem trong cánh họ mình bây giờ đâu còn ai đâu nữa, những người lớn tuổi đã lần lượt mất hết. Thế hệ tiếp nối thì ở bác là con gái, lại ít học. Các nhánh khác sống rải rác cũng tương tự, hoặc quá nghèo, chạy ăn còn chưa đủ thì việc chữ nghĩa của tổ tiên giữ gìn làm sao được.
Ngừng một chút, bác dứt khoát:
- Bác gọi cháu về đây cũng không ngoài mục đích này… Cháu là người xứng đáng nhất, tuy ngánh út nhưng học cao, có tài đức, con cái đề huề, gia đình mẫu mực, bác ưng ý để cháu tiếp nối gìn giữ di sản tổ tiên mình. Cũng thật trớ trêu khi di sản chỉ là mớ sách vở suôn này. Bác biết cháu cũng sẽ không ruồng rẫy chúng. Có thế bác mới yên tâm mà nhắm mắt. Tuổi tác này thì cũng chẳng còn bao lâu...
Tân cảm thấy thẹn bởi lời tán tụng:
- Thưa bác, thật ra về tài năng, cháu cũng chẳng có gì đâu…
Bác Hai tự hào “phán”:
- Cháu từng xuất dương du học phải không? Xét trong dòng họ mình thì cũng chưa ai bằng!
Tân không ngờ lại được họ hàng quan tâm “ngưỡng mộ” bèn chống chế thêm:
- Ối, bác Hai ơi! Chẳng qua công ty cử cháu đi Mỹ tu nghiệp bốn năm về phần mềm thôi...
- Phần mềm, phần cứng thì bác không biết, nhưng dòng họ nhà mình nay chẳng lẽ không có ai xứng đáng để gìn giữ di sản tổ tiên sao?
* * *
Sáng hôm sau Tân lên đường về nhà với hai bao bố sách. Con Lài đảm đương mọi việc thật chu đáo để chúng nằm ở chiếc ghế bên cạnh Tân trên chuyến xe đi Sài Gòn. Nhớ lại hồi nảy, nếu không có con Lài thì chúng đã bị quẳng cả xuống sông lúc sang đò. Bây giờ ngẫm nghĩ, Tân thấy mình thật quá đáng dù sao đây cũng là di sản của tổ tiên mà bác Hai có lúc đem thân ra để bảo vệ. Nó quan trọng đến thế sao? Ừ, mà sao mình chẳng hề để tâm lắm tới dòng họ, trong lúc bà con xa gần lại hết lòng ngưỡng mộ mình? Nói như bác Hai thì đây là phần thưởng chứ chẳng phải của nợ. Mà nếu hiểu là của nợ thì chắc cũng không…
Có giọng phàn nàn của một khách trên xe:
- Bao tải thì để trên mui chứ… hóa ra còn hơn người nữa à?
Bất bình Tân lớn tiếng bênh vực:
- Đây là hai bao đựng sách quý..đó.
Thực tình Tân không định nói vậy, nhưng bởi đang bối rối như tơ vò trong lòng khi nghĩ đến ngần ấy sách mình phải làm gì. Sau cùng Tân nhẩm tính với một tủ kính vừa vặn, thật đẹp anh cho tất cả sách vào là ổn.
Tân chép miệng sung sướng:
- Bây giờ chỉ còn tìm chỗ đặt tủ sách nữa là xong.
Nhưng lại sa vào vấn đề hóc búa khác: đặt tủ sách chỗ nào? Nếu để nơi phòng khách thì chắc chắn là Hồng sẽ rất buồn, bởi nàng hay quan tâm và hãnh diện về việc bài trí ở đây, bây giờ thêm khối sách cũ kỹ đen ngòm vô tích sự thì làm sao được. Dù sao, Tân vẫn phải nghĩ đến việc đặt tủ ở một nơi vừa trân trọng, vừa thuận tiện cho sinh hoạt gia đình. Anh lại cảm thấy rối rắm.
Nhưng trước hết còn phải giải thích với vợ ra sao khi mang về nhà, chẳng lẽ thuyết phục “cô nàng” rằng đây là sách Tứ thư, Ngũ kinh hoặc “tiếp thị” hơn, đó là sách “Mài gươm dạy vợ”, “Giết chó khuyên chồng”?!