Cuối cùng thì Thi cũng có mặt. Vừa ngồi xuống ghế, cầm đũa chưa kịp gắp, chiếc mobile trong túi réo lên. Thi nghe, dạ liên tục. Xong, cô chống đỡ những ánh mắt vừa thương vừa tức của lũ bạn bằng câu phân bua cũ mốc: “Khả vẫn thế, ghen kinh khủng !”. Hà nhìn chiếc di động mới cảo trong tay Thi, khích bác: “Điện thoại thì đổi liên tục, còn cái lẽ ra phải đổi lại không chịu đổi!”. Thi độp lại: “Đồ cổ mới quý!”. Lệ bĩu môi: “Đồ cũ thì có, cũ quá rồi, bỏ quách đi!”. Cả bọn nhao nhao: “Đúng, bỏ quách đi ! Hắn hành hạ mày như thế còn ít sao ?” Quyên đế thêm: “Ác nhất là hắn không cho mày có một đứa con !”.
Thi ngừng đũa, nước mắt chực trào ra. Cả bọn luýnh quýnh, thấy mình đùa ác, vội an ủi, dỗ dành. Sợ làm cả hội mất vui trong cái dịp lẽ ra phải được vui thoả sức, dịp họp mặt nhớ ngày cả bọn rời giảng đường, ngày bốn đứa nấn ná bên nhau với bao háo hức âu lo; Thi lấy khăn lạnh chườm lên mặt, hít sâu thở mạnh, rồi bỏ khăn ra, nói cười liếng thoắng và cầm đũa gắp một miếng gỏi. Quyên lấy tay bóc lớp giấy bạc bọc quanh con cá hấp và gắp miếng cá bốc khói bỏ vào chén Thi: “Ăn cá cho đẹp da !”. Thi cho miếng cá vào miệng, ngắc ngứ, không thể nuốt mà cũng không dám nhả ra. Cô vụt đứng lên, chạy về phía buồng vệ sinh. Chưa kịp chốt cửa, Thi đã nôn thốc nôn tháo. Thứ gì cô nuốt vào dạ dày đều dốc ngược ra. Nôn đến lả người, Thi sụm xuống nền gạch. Lệ đẩy cửa vào, hốt hoảng: “Mày sao thế ?”. Thi gượng đứng lên, bước tới bên vòi nước, súc miệng, vỗ vỗ lên trán, mỉm cười gượng gạo: “Tao hơi mệt, một chút là khỏi !”. Lệ săm soi thần sắc Thi: “Hay là mày có mang!”
Dấu hiệu có mang thì Thi biết rõ. Tuy nhiên, ngoài người có mang thì chỉ có Khả, người duy nhất được biết. Quyên, Hà, Lệ, ba đứa bạn thân, thân như ruột thịt, điều gì cũng có thể chia sẻ trừ bí mật này, bí mật chỉ của hai người yêu nhau, của nhau, thuộc về nhau. Thi không chút e dè cho Khả nhìn thấy, cảm thấy những dấu hiệu cấn thai. Trước tiên là hai bầu vú. Chúng đã bắt đầu căng lên như sẵn sàng tích sữa. Mỗi khi đôi tay Khả chạm vào bầu vú mân mê là mỗi lần Thi có cái cảm giác đau nhức sung sướng của một thân cây nhú mầm, một cơ thể đang khai hoa, một người đàn bà sắp được làm mẹ.
Sắp được làm mẹ, cảm giác đó, khao khát đó căng lên trong mỗi tế bào, mỗi mạch máu của Thi. Tuy nhiên, lần nào Khả cũng có lý do để ngăn trở khao khát của Thi. Với Khả có một ngàn lẻ một lý do: Anh chưa có sự chuẩn bị để làm cha, làm chồng; anh chưa thể từ bỏ được những thói quen xấu của kẻ sống độc thân; anh sợ sự nhàm chán của cuộc sống lứa đôi; anh không tin vào tuổi thọ lâu bền của một cuộc hôn nhân; hay đơn giản hơn, anh sợ em không chịu nổi tiếng ngáy như sấm của anh v.v…và bao giờ cái lý do thuyết phục để Thi phải từ bỏ những đứa con khi chúng mới vừa tượng hình là Khả sợ chúng không lành lặn, sợ chúng khuyết tật, vì : “Lúc đó anh có rượu hoặc em đang uống thuốc ngừa thai”. Mỗi khi thấy Thi đau đớn, câm lặng; Khả thường xoa xoa chỗ bụng cô, nói: “Nếu em có đủ can đảm nuôi đứa con có thể thiếu tay thiếu mắt thì đừng đi…giải quyết”.
Tai Thi nổ lùng bùng. Cô thấy ghê sợ và căm ghét hai từ “giải quyết”. Là rung cảm, là hoa trái của những xúc cảm chỉ của hai tâm hồn thuộc về nhau sao Khả có thể gán ghép bừa bãi hai cái từ khô khan, lạnh lùng chỉ dành cho các vụ việc hành chính, lầm lẫn, hay ngộ nhận. Nhiều lần Thi muốn gào lên, muốn cào cấu cho da thịt Khả bật máu, làm cho Khả thật đau để Khả ngộ ra mình quá hời hợt và vô tâm khi gán ghép hai từ vô cảm kia. Nhưng Thi đã không làm nổi cái điều cỏn con đó, dù chỉ làm người mình yêu xây xát thịt da. Như con mèo ngoan, cô thu hết móng vuốt, ngồi thu lu dưới cái bóng dềnh dàng của Khả. Bởi cô sợ mất Khả. Sợ mất cái cảm giác được yêu. Cái cảm giác bồng bềnh thiên sứ choáng ngộp và bóp nghẹt nỗi khát khao được làm mẹ. Cô lại ngoan ngoãn leo lên xe, ngồi sau lưng Khả, vòng tay ôm bụng Khả, cò cọ đầu mũi vào lưng Khả, hít hít cái mùi mồ hôi riêng biệt của Khả, bất kể việc Khả khư khư trên sóng mũi cặp kính đen, cho dù lần nào trước khi bước vào cổng bệnh viện phụ sản, cô cũng muốn Khả gỡ bỏ cặp kính ra để cô được nhìn vào đôi mắt mà chiều sâu của nó dường như cô chưa bao giờ thấu được.
Khi thấy Thi thoa chút son ở má ở môi và bớt bèo nhèo, Lệ nói nhỏ vào tai bạn: “Có mang thì để nuôi, lỡ sau này…”. Thi lẩn tránh: “Thôi đừng tưởng tượng lung tung, hơi mệt, tao về trước, tui bây ở lại vui vẻ !”. Lệ chưng hửng nhìn Thi vội vã quay lưng, bước đi một mạch ra bãi gởi xe. Lúc dắt xe ra, quay lại, thấy cả ba đứa bạn nhìn theo, đưa tay vẫy vẫy, Thi thấy mình có lỗi. Cô không rõ vì sao mình lại lẩn tránh tình thân. Biết đâu, nếu thật lòng với chúng…
Trước mặt Thi nhộn nhạo người xe. Sau lưng cô nhộn nhạo xe người. Thi thấy trơ trọi, lạc lõng. Bất chợt, chiếc mobile trong túi quần rung lên. Cô dừng xe, áp điện thoại vào tai. Khả sốt ruột: “Tiệc tùng xong chưa ? Sao không gọi cho anh ?”. “Em đang trên đường đến chỗ anh !”. “Nhanh lên, anh chờ !”.
Như mọi khi, Khả vồ vập, cuồng nhiệt và nôn nả thụ hưởng thứ hạnh phúc vô tư của bản năng. Phải dùng cả hai tay ẩy Khả ra, Thi mới rứt khỏi nụ hôn đắm đuối. Khả cụt hứng: “Em sao vậy?”. Thi giữ đôi tay háo hức của Khả: “Anh có yêu em?”. Khả sừng sộ: “Không yêu mà như thế này à?”. Thi nhìn vào đôi mắt không vướng tròng kính đen: “Em từng tin mình được yêu và em đã sống vì tình yêu mà mình có được. Nhưng…hình như em ngộ nhận. Dường như anh chỉ yêu cảm giác của anh!”. Khả chồm lên người Thi: “Em suy diễn lung tung gì thế? Không yêu em thì anh yêu ai?”. Thi hất tay Khả, bật dậy: “Nếu thực sự yêu thì anh đã không chối bỏ đứa con của tình yêu!”. Khả buông Thi, ngã người đè lên mấy chiếc gối xếp nghiêng nghiêng dựa vào thành giường. Thi cũng đặt đầu lên một chiếc gối. Hai người nằm cạnh nhau, hít thở, nghĩ ngợi, xê dịch, kiếm tìm...lại không chạm vào nhau.
Căn phòng thân thuộc và đầy ắp hơi hướm ái ân bỗng chốc trở nên hững hờ, xa cách. Hơi thở êm êm của chiếc máy điều hòa nhiệt độ cũng có cái gì đó thất thường. Chúng nín câm một hồi rồi thở dồn dập. Ánh trăng trong tấu khúc của Beethoven tràn ngập căn phòng. Không gian trở nên chật hẹp và dường như không còn đủ sức lưu giữ ánh trăng. Tay nắm cánh cửa rung lên và như sắp sửa mở ra. Khả bật dậy, phóng tới chỗ đầu máy, tắt nhạc. Ánh trăng đột ngột vỡ ra, tắt lịm. Căn phòng bồng bềnh thứ ánh sáng bị che khuất. Giữa Khả và Thi cũng tràn bóng tối.
“Em về đây!”. Gắng lắm, cuối cùng, Thi cũng thốt thành tiếng. Âm thanh kéo níu ấy lọt vào tai Khả. Khả giật mình, cố vùng vẫy thoát khỏi khoảng cách mịt mùng giữa họ. Khả thì thào: “Đừng bỏ anh, anh cần có em!”. Thi bước về phía cửa: “Em không còn đủ sức chờ đợi. Em muốn có đứa con này!”. Khả chạy theo, ôm chặt Thi trong vòng tay: “Được, mình sẽ có con nhưng để lần sau!”. Lần sau, lần sau, lời hứa hẹn quá quen nhưng cảm xúc được yêu, với Thi lúc nào cũng mới, cũng nồng cháy và cô lại tự nguyện làm con thiêu thân.
Đúng 6 giờ rưỡi sáng, Khả đã có mặt trước cửa nhà Thi. Cũng như mọi khi, Thi khép nép leo lên yên xe, vòng tay ôm bụng Khả. Tuy nhiên, khác với mọi khi, Khả nói liên tục và hỏi Thi: “Em có thấy anh mập ra không? Lưng quần anh hình như hơi chật”. Thi vỗ nhẹ vào bụng Khả: “Em sẽ nới nút ra cho anh !”. Khả cười: “Anh không muốn đời mình ngắn vì dây thắt lưng dài. Anh phải thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi thói quen...”. Thi ngắt lời: “Cả thói quen có em?”.
Dừng xe trước cổng bệnh viện, Khả dặn: “Chừng nào xong, a lô cho anh!”. Dứt lời, Khả lấy ngón tay nâng cặp kính đen trên sóng mũi rồi rồ máy lao đi. Thi chới với. Khả quay ngoắt, vội vã như thể anh ta vừa vứt Thi vào một bãi rác khổng lồ chứ không phải là bệnh viện, nơi mà tất cả đàn bà con gái đến đây, trừ những người được hạnh phúc làm mẹ, còn lại, họ không chỉ chịu đựng đớn đau về thể xác mà còn đeo đẳng sự tổn thương nơi tâm hồn bởi những giọt máu mà họ không thể cưu mang.
Thi tái nhợt, vội tìm một chỗ ngồi trên băng ghế cho khỏi ngã. Khi trấn tĩnh, cô biết mình vừa trải qua một cơn mê. Gương mặt rất đàn ông với cặp kính đen của Khả chờn vờn, chờn vờn rồi mất hút. Cả Lệ, Hà và Quyên cũng ở nơi đâu đó thật xa với lũ con của chúng. Thi đứng dậy, bước ngược ra cổng, thấy trào thương cái sinh linh đang bám chặt máu thịt mình.
Nha Trang, 8.6.2003