1. Điểm nổi bật của bản sắc văn hóa Việt Nam là tinh thần yêu nước. Hơn thế nữa, nó trở thành một thứ chủ nghĩa yêu nước, yếu tố cốt lõi của hệ tư tưởng Việt Nam. Quy luật hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam và quốc gia Việt Nam là dựng nước và giữ nước. Do vậy, dựng nước và giữ nước là biểu tượng của lòng yêu nước Việt Nam. Ý chí dựng nước và giữ nước ấy lại nảy sinh và phát triển trong cái khung xã hội Việt Nam cổ truyền, đó là Nhà - Làng - Nước, trên nền tảng kinh tế - xã hội: nông dân - nông thôn - nông nghiệp. Chính trong cái môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử ấy đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với nhiều sắc thái biểu hiện mang tính đặc thù.
Một trong những sắc thái biểu hiện mang tính đặc thù ấy là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được linh thiêng, tâm linh hóa, thành một thứ "tín ngưỡng". Ở đây, lòng yêu nước không còn chỉ là một thứ tình cảm, tư tưởng thuần túy, mà chừng nào đó đã trở thành một phạm trù thiêng liêng, nó vượt lên trên thế giới thường nhật, trần tục, thành cái để người ta phụng thờ, mà một thời trong nhân dân đã xuất hiện thứ bàn thờ Tổ quốc, đặt phía trên bàn thờ tổ tiên. Các vị thần thánh được thờ ở các ngôi đền – đình phần lớn đều là những nhân vật lịch sử, những người có công với dân với nước. Trong số 600 vị thành hoàng tỉnh Bắc Ninh đã thống kê, có 496 là nhân thần, trong đó đại đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hóa. Ở Hà Tây, trong số 185 vị thành hoàng là nhân thần thì khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Riêng ở Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo đã được thờ ở 400 làng, xã.
Mỗi gia tộc dòng họ người Việt đều thờ cúng tổ tiên, thì cả dân tộc đất nước có Quốc tổ Hùng Vương, hằng năm vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) cả dân tộc đều tổ chức cúng lễ, tưởng nhớ người khai quốc: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Nếu như mỗi gia đình chúng ta có cha mẹ, thì cả dân tộc cũng có cha sinh, mẹ dưỡng: Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng nở thành trăm con là cội nguồn của dân tộc. Để rồi ta có: "tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ". Như vậy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ gia đình, quê hương và mở rộng ra cả dân tộc, đất nước, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được "gia tộc hóa". Từ đó hình thành một thứ ứng xử theo kiểu "thân tộc hóa" các quan hệ xã hội. Đó là nét biểu hiện độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở nước ta xưa kia vẫn tồn tại hai thứ lịch sử, một thứ lịch sử bằng văn tự, tồn tại trên sách vở, văn tự ghi lại các triều đại, các chiến công, còn có một thứ lịch sử khác, của những người nông dân, tồn tại qua các hồi ức lịch sử, được thể hiện trong truyền thuyết, cổ tích, qua đền miếu thờ cúng, qua lễ nghi, lễ hội... thứ lịch sử đó vẫn còn "sống" trong lòng dân chúng, nuôi dưỡng chủ nghĩa yêu nước của người nông dân Việt Nam. Tới lượt nó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành cái trục chính của hệ ý thức Việt Nam, nó sản sinh và tích hợp các giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, trở thành cốt cách của văn hóa Việt Nam.
2. Tính cộng đồng của xã hội Việt Nam: Văn hóa Việt Nam cổ truyền cơ bản là văn hóa của nông dân, văn hóa xóm làng, văn hóa dân gian. Đó là nền văn hóa gắn chặt với cộng đồng gia đình, gia tộc, dòng họ, làng xã và từ đó mở ra cả cộng đồng dân tộc, quốc gia. Các nhà nghiên cứu đang quan tâm tới cái gọi là "văn hóa gia đình", "văn hóa dòng họ” với tư cách như là một thực thể xã hội mang tính huyết thống, thâu nhận và biểu hiện văn hóa dân tộc phù hợp với truyền thống xã hội riêng của mình. Mô thức văn hóa này đã được người xưa gọi là "gia phong". Ngày nay, nhiều gia đình và dòng họ đang quan tâm tới việc phục hồi gia phong và coi đó là môi trường xã hội và văn hóa tốt để giáo dục con người và góp phần vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Văn hóa làng cũng là mô thức văn hóa rất cơ bản của văn hóa Việt Nam. Trước nhất, văn hóa gia tộc, dòng họ không đối lập và phá vỡ tính thống nhất và đặc thù của văn hóa làng, mà luôn hòa quyện và hội nhập vào với văn hóa làng theo truyền thống "trong họ ngoài làng" và tới lượt nó, văn hóa làng trở thành mô thức cơ bản nuôi dưỡng và củng cố tính bền vững và thống nhất của văn hóa dân tộc.
Văn hóa làng là một mô thức thể hiện văn hóa dân tộc mang tính đặc thù, nó gắn liền với môi trường sinh thái của làng, dân cư và truyền thống lịch sử, từ đó hình thành nên hệ thống các đặc trưng về nếp sống và tâm lý, về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội, các sinh hoạt ăn mặc, ở, đi lại, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật... Đặc biệt, hội làng là hiện tượng văn hóa tiêu biểu, thể hiện sức mạnh cố kết của cộng đồng làng xã. Tính cộng đồng của làng xã vừa là sự kết tinh vừa là sự biểu hiện của tính cộng cư (cùng cư trú), cộng hữu (cộng đồng sở hữu đất đai, tài nguyên) cộng mệnh (gắn bó vận mệnh vào các vị thần linh cùng thờ cúng) và cộng cảm (cùng cảm nhận và hứng khởi trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của làng). Ngày nay, văn hóa làng đang được phục hồi và phát huy, nhất là các phương diện phong tục tập quán, lễ hội, hương ước, sự cố kết cộng đồng... góp phần vào việc ổn định, lành mạnh hóa xã hội và làm phong phú hơn đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ngoài ra, các mô thức văn hóa mang tính đặc thù khác gắn với từng nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng cư dân cũng được phát huy, một mặt tạo ra chất kết dính cố kết cộng đồng, mặt khác góp phần bảo tồn tính đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam.
3. Ứng xử trọng tình thương và đạo lý: thậm chí còn khái quát hơn thành lối sống duy tình, coi đó như là một bản sắc nổi bật của con người Việt Nam. Biểu hiện của bản sắc văn hóa này qua vô vàn sắc thái văn hóa khác nhau, như trong các nguyên tắc sống "thương người như thể thương thân", "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống như chung một giàn", "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"...; trong đạo lý: "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"...; trong chuẩn mực ứng xử của cộng đồng gia tộc "anh em như thể chân tay", "tay đứt ruột xót", của cộng đồng làng xã láng giềng: "tối lửa tắt đèn có nhau", "lá lành đùm lá rách"; trong cung cách xưng hô mang tính thân tộc đối với toàn xã hội: "cha", "mẹ", "chú", "bác", "anh", "em", "cháu"... làm cho làng xóm, thậm chí toàn dân tộc như là một thứ gia tộc mở rộng, theo kiểu "tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" hay "chúng ta con một cha nhà một nóc" (Tố Hữu).
Lối ứng xử duy tình này nó có tác dụng tạo nên sức mạnh của cố kết cộng đồng, nếp sống chan hòa, cởi mở của con người Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái của nó, đó là tình cảm chủ nghĩa (nặng tình nhẹ lý), gia đình chủ nghĩa, xuề xòa, tùy tiện "chín bỏ làm mười", "dĩ hòa vi quý", "đóng cửa bảo nhau", "đừng vạch áo cho người xem lưng".
4. Một nét bản sắc của văn hóa và của con người Việt Nam: tính cởi mở, khả năng tiếp nhận và dễ hòa nhập để từ đó bản địa hóa các nhân tố ngoại lai. Cốt cách này của văn hóa và con người Việt Nam được tạo nên có lẽ là do "số phận" lịch sử của dân tộc và đất nước Việt Nam nằm ở ngã tư con đường giao lưu và hội nhập chủng tộc và văn hóa. Trong các giai đoạn phát triển kế tiếp của ba nền văn hóa: Đông Sơn - Đại Việt và Việt Nam, thì có hai giai đoạn chuyển tiếp văn hóa mang tính bản lề: giai đoạn Bắc thuộc (từ thế kỷ I - X), giao tiếp giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Hán để sau đó ra đời văn hóa Đại Việt và giai đoạn Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX đến năm 1945), giao tiếp giữa văn minh Đại Việt với văn hóa phương tây mà đại diện là văn hóa Pháp, từ đó ra đời nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Sau mỗi giai đoạn chuyển tiếp ấy, nền văn hóa bản địa không những không co lại, bảo thủ mà luôn mở cửa, hội nhập. Do vậy, nền văn hóa đó không những không bị đồng hóa mà lớn mạnh lên, đạt tới đỉnh cao mới, nền độc lập dân tộc được khôi phục. Sau năm 1945 đến nay, văn hóa Việt Nam còn mở rộng giao lưu với văn hóa Nga, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác.
Trong điều kiện giao lưu văn hóa sống động như vậy, đã tạo nên ở con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam một thái độ ứng xử mang tính tích cực: không đóng kín, chối từ, mà cởi mở, tiếp nhận, hòa nhập. Khả năng tiếp nhận cái của người khác, biến đổi nó (bản địa hóa) thành cái của mình, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, là bản sắc và sức mạnh của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Điều này tạo ra tính mềm dẻo, năng động, dễ thích nghi của văn hóa Việt Nam, cũng như mặt trái của nó, là tính tùy tiện, nửa vời trong tiếp thu và học hỏi; tâm lý trọng ngoại trong nếp nghĩ và lối sống.
5. Bản sắc văn hóa dân tộc trước hết bắt nguồn từ văn hóa dân gian: Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, một mặt, chúng ta không thể hồ đồ quy tất cả về văn hóa dân gian, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của văn hóa dân gian đối với việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Vai trò ấy có thể nhận thấy trên các phương diện sau:
Nếu không thể đồng nhất văn hóa dân gian với các nền văn hóa khảo cổ thời nguyên thủy, thì ít nhất ta cũng có thể nhận thấy, như quan điểm của giáo sư Hà Văn Tấn, "Văn hóa dân gian có cội nguồn từ văn hóa nguyên thủy. Ở các xã hội tiền giai cấp thì có thể đồng nhất văn hóa nguyên thủy với văn hóa dân gian". Như vậy, văn hóa dân gian gắn liền với thời kỳ sớm nhất của quá trình hình thành văn hóa dân tộc. Với lịch sử Việt Nam, đó là thời kỳ văn hóa Đông Sơn - Hùng Vương dựng nước, thời kỳ sinh thành tộc người Việt Cổ, hình thành quốc gia, tạo lập nền tảng văn hóa Việt Nam, thời kỳ "nhất thành" để sau đó "vạn biến". Nhiều giá trị văn hóa mang tính chất là bản sắc Việt Nam cũng đã khởi nguồn hình thành từ giai đoạn mở đầu này.
Văn hóa dân gian là "văn hóa gốc", "văn hóa mẹ", điều đó có nghĩa văn hóa dân gian là khởi nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức văn hóa khác của văn hóa dân tộc, trong đó bao gồm cả văn hóa chuyên nghiệp, bác học, văn hóa cung đình... Do vậy, trong việc tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta không thể không bắt đầu từ văn hóa dân gian.
Văn hóa dân gian là "văn hóa gốc", "văn hóa mẹ" còn có nghĩa là văn hóa dân gian về cơ bản vẫn tồn tại dưới dạng chỉnh thể nguyên hợp, tức chúng chưa chia tách giữa các thành tố, bộ phận (nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, tín ngưỡng, phong tục và lễ hội...), sau này, cùng với sự phát triển xã hội, sự phân công lao động xã hội, thì các bộ phận văn hóa - nghệ thuật mới chia tách ra và tồn tại dưới dạng chuyên ngành như ngày nay.
Văn hóa dân gian là văn hóa của quần chúng lao động và do quần chúng sáng tạo. Do vậy, nó mang tính cộng đồng cao. Tất nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển văn hóa dân gian chịu sự tác động của dòng văn hóa chuyên nghiệp, bác học, văn hóa cung đình, nó góp phần vào việc nâng cao và định hình văn hóa dân gian. Là văn hóa của quần chúng, do vậy, văn hóa dân gian chứa đựng các giá trị phổ quát của bản sắc văn hóa dân tộc, như lòng yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cần cù và sáng tạo trong lao động, tình thương đồng loại...
Là văn hóa lâu đời của quần chúng lao động, mang tính bản địa cao, nên văn hóa dân gian có khả năng tiếp nhận và bản địa hóa các ảnh hưởng ngoại lai, tạo nên sức tự cường và bền vững của văn hóa dân tộc. Thí dụ, lòng yêu nước của con người Việt Nam bắt nguồn từ tình yêu gia đình, quê hương, đất nước đã tiếp nhận tư tưởng Nho giáo, để từ đó hình thành và nâng cao thứ chủ nghĩa yêu nước, một bản sắc, giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam. Trong thời kỳ hiện đại tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Cũng như vậy chúng ta có thể nhìn nhận nhiều hiện tượng văn hóa khác, như tục thờ cúng Tổ tiên, Đạo, Mẫu, thờ Tứ Pháp... đều là kết quả quá trình bản địa hóa các ảnh hưởng văn hóa ngoại lai.
6. Bảo tồn, phát huy, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc: Bản sắc văn hóa, mà những biểu hiện của nó là sắc thái văn hóa luôn biến đổi, có mất đi, có sinh sôi. Bởi vậy chúng ta cần phải tạo điều kiện để bản sắc và các sắc thái văn hóa luôn phong phú và đa dạng hơn, phù hợp nhu cầu xã hội mới, tức phải luôn "làm giàu" bản sắc văn hóa thông qua các sắc thái biểu hiện của nó.
Việc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian và văn hóa truyền thống. Bởi vì bản sắc văn hóa dân tộc hình thành, tồn tại và phát triển từ môi trường của văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống. Do vậy, nếu môi trường văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống mai một đi thì bản sắc văn hóa dân tộc cũng không thể giữ gìn, làm giàu và phát huy.
Thực tế hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa dân gian cũng như văn hóa truyền thống đang bị tiến công và có những nét văn hóa bị mất đi từng ngày. Sự mất mát đó có thể ví như những cánh rừng còn sót lại đang bị con người và thiên tai tàn hoại, mà đối với chúng ta cần phải có biện pháp "chữa cháy" để cứu lấy những di sản văn hóa dân tộc đang bị mai một, bị cướp đi. Sự mất mát này, nếu không kịp thời cứu lấy thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Chúng tôi cùng tự hỏi vì sao một loài vật, một giống cây trước nguy cơ tiệt chủng, chúng ta có sách đỏ để bảo vệ chúng, vậy trước một số di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mất đi vĩnh viễn, tại sao chúng ta lại không có biện pháp cấp cứu tương tự.
Bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân gian các dân tộc có thể thông qua nhiều phương thức khác nhau, như thúc đẩy các chương trình điều tra cơ bản, kiểm kê các di sản văn hóa truyền thống để có kế hoạch và biện pháp bảo tồn; thông qua hệ thống bảo tàng, làng văn hóa - du lịch từ địa phương đến trung ương; thông qua các chương trình Ngày văn hóa các dân tộc... Tuy nhiên, biện pháp mấu chốt vẫn là nâng cao nhận thức toàn dân về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, trả lại những giá trị văn hóa cổ truyền về cho nhân dân để nhân dân tự bảo tồn và phát huy nó trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
Có một thực tế là, nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống hiện nay trong đời sống nhân dân không chỉ mai một, mà chúng đang ở trong tình trạng tách rời khỏi chủ nhân, tức người nông dân đã sáng tạo và kế thừa các di sản văn hóa đó. Do vậy, một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải xã hội hóa các sinh hoạt văn hóa dân gian, tức trả nó về với chủ nhân là quần chúng nhân dân để nó được bảo tồn, làm giàu và phát huy trong môi trường xã hội hiện nay. Bởi vì, suy cho cùng, chỉ có nhân dân với sự chỉ đạo và giúp đỡ của Nhà nước, mới là người có thể bảo tồn, giữ gìn, làm giàu và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của mình.
Bài do TS Nguyễn Đình Thống chuyển