Tôi đọc thơ của bạn bè không nhiều, bởi chủ yếu là đọc trên các báo và tạp chí; tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một vài tập thơ mới của bạn bè gởi tặng. Đó là tất cả vốn liếng thơ đồng bằng châu thổ sông Mê Kông mà tôi có.
Thơ là một hiện tượng độc đáo của văn học, ở cơ chế vận hành bộ máy ngôn ngữ mà tất cả nhân loại trên hành tinh đã sử dụng. Sự giàu có về chủng tộc và dân tộc trên hành tinh làm nên sự giàu có về ngôn ngữ thơ, phong cách thơ. Mọi hệ thống ngôn ngữ đều có những nét phổ quát chung, và có những nét đặc trưng riêng, do ảnh hưởng bởi những tập quán, những truyền thống sinh hoạt và những đặc điểm riêng về loại hình ngôn ngữ. Chẳng hạn, hệ thống ngôn ngữ đa âm tiết và hệ thống ngôn ngữ đơn âm tiết, đều có những nét phổ quát chung giống nhau, nhưng cũng có những nét đặc trưng rất riêng biệt. Nước Việt Nam ta có chiều dài lịch sử 4000 năm và chiều dài địa lý đường biển hơn 2.600 km, điều đó đã làm nên sự giàu có và phong phú của đặc điểm ngôn ngữ ba miền.
Tôi nhớ, lúc còn học phổ thông hệ 10/10 ở miền Bắc, tôi rất thích ba câu thơ của Lê Anh Xuân:
Nước ròng
Gặp em đi xúc cá
Tưởng lại về nấu canh chua
Bấy giờ, tôi chưa có khái niệm về nước ròng, nước lớn, nước kém, nước rong, nước đứng, nước dổ, nước son, cũng như tôi chưa hình dung ra hình ảnh đi xúc cá; với tôi, chỉ có đánh cá, câu cá, kéo cá, bắt cá. Bởi vậy, mấy câu thơ ấy in đậm vào trí nhớ của tôi. Và tôi nghĩ rằng: Thơ là một hình thức tổ chức ngôn ngữ hết sức “quái dị”, nó buộc người đọc phải nhớ, phải cảm, và phải suy nghĩ. Nếu thơ không gây được dấu ấn thì người đọc không thể nhớ được; mà không nhớ thì lấy gì để cảm, để suy nghĩ về những ý tưởng mà bài thơ muốn đem lại cho người đọc.
Khoảng năm 1991, họa sĩ Tín Đức đem đến cho tôi mấy bài thơ của một tác giả trẻ ở Vĩnh Long, nhờ tôi giới thiệu tại đêm thơ của thư viện khoa học tổng hợp Vĩnh long. Tôi đọc đi đọc lại mấy lần mà chẳng hiểu được gì cụ thể, nhưng lại rất thích. Thích bởi vì nó lạ đối với thói quen tư duy của tôi. Lâu quá, tôi không còn nhớ được nữa- mà đúng hơn, lúc bấy giờ tôi cũng không nhớ được- đại loại nó có diện mạo như thế này:
Chị về cỏ rối leeng keeng tóc
Dậu nát mòn tênh xẫm cuối chiều
Hỏi thì Tín Đức nói: ai muốn hiểu sao thì hiểu, ăn thua là có cảm dược không. Rồi Tín Đức bật mí: tay này mới hai mươi tuổi, vừa được báo tuổi trẻ giới thiệu là một gương mặt thơ trẻ, có giọng điệu riêng. Ra là vậy. Tôi đưa thơ anh ta cho vợ tôi đọc. Bà xã đọc xong thì phì cười: “Anh sống ở miền Nam từ 1972 đến giờ mà không biết, trước giải phóng, kiểu thơ này thiếu gì”. Sau này tôi đọc cuốn “Văn học miền Nam trong lòng Mỹ – Ngụy” của Trần Trọng Đăng Đàn mới biết, qủa là ở miền Nam từng tồn tại rất nhiều dòng thơ khác nhau. Kiểu như:
Cúc ơi Cúc
Cho anh rúc
Vô lút
Hay:
Đôi khi ta muốn lên cung quảng
Đái ngay một bãi xuống mặt trăng
Điều đó khiến tôi nhớ tới thơ của Hoàng Hưng: “Em đi đùi ấm, vú ấm; kẽ xanh rêu”. Năm 2000, tôi gặp Nguyễn Đức Hạnh tại Trại viết Thăng Long, bấy giờ nhà thơ trẻ này đang về Hà Nội chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ văn học, có tên gọi là: “Ảnh hưởng của ca dao Việt Nam trong thơ Việt Nam hiện đại”. Biết anh ta từng được tặng giải nhì về thơ của tuần báo Văn nghệ trẻ, tôi lôi ngay hai câu thơ mà tôi thích nhất trong một bài thơ rất hay của Hạnh ra mà chê, rằng: “Thơ của thằng quái nào quái đản tới không chịu nổi, vậy mà nghe đâu được Hội đồng thơ trao giải”. Hạnh nói: “Ừ, thơ bây giờ quái đản lắm! Đọc như bị đấm vào tai cũng có, đọc như bị hiếp dâm cũng có, đọc lục cục lòn hòn như bánh xe luna chạy trên mặt trăng cũng có. Đâu, ông đọc thơ nó nghe xem nào!”. Tôi đọc hai câu thơ của Hạnh:
Người về cỏ mọc lối cà sa
Nắng vẫn gầy khô dưới bí bầu
Hạnh nghe xong, tròn mắt nhìn tôi, nói:
- Ông đếch biết cảm thơ. Hay như thế mà ông đếch biết. Chắc ông chỉ thích thơ như vè chứ gì. Phải hiệp vần này. Phải cân phương câu cú này. Phải rõ ràng mạch lạc này. Năng lượng thơ tiềm ẩn trong ý tưởng, ông biết chưa! Tối nay, chịu khó thức đọc “Marahatta đã nói như thế” của Nigch đi!
Hạnh đưa cho tôi cuốn sách của Nigch, và không quên nói rằng, cả Hê ghen, cả Các mác cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của nhà triết học cổ đại Đức này. Tôi đọc hùng hục cả đêm, rồi dựa vào ý tưởng về thơ của Nigch, tôi viết một bài thơ. Ngay sáng hôm sau tôi đem bài thơ ấy tặng cho nhà văn Phạm Như Bình.
ĐIỀU VÔ LÝ CHƯA THÀNH THƠ TẶNG EM
Hồ Tĩnh Tâm
(“sự thật đôi khi rất vô lý như chính tồn tại của nó”)
Chỉ cần một ngày hay một buổi,
có khi chỉ cần một giờ,
hay một phút hoặc một giây
sống hết mình đã đủ giúp ta
say tới tận cùng
muôn ngàn ý tưởng,
……….
Và có khi hơn cả một ngày,
cả triệu ngày,
cả triệu năm ánh sáng
cũng không đủ để cho ta thét gào điên loạn;
em hãy giết ta đi bởi vì ta cần sống
gã ăn mày hành khất giữa cô đơn.
Hà Nội, tháng 8 năm 2000
Như Bình đọc xong, nhìn tôi nói:
- Cái này mà là thơ à? Đồng ý, muốn xây cái mới thì phải phá cái cũ. Nhưng anh với Như Bình, ai là trái xanh, ai là trái chín?
Tôi cười mà trả lời:
- Văn xuôi còn thành thơ nữa là văn vần. Tôi chỉ muốn nói, trái chín thì phải rụng; bởi có rụng xuống đất thì mới có điểm tựa để mọc mầm cho cây mới. Vậy thôi!
Trở lại vấn đề thơ của đồng bằng, tôi nhớ năm 1987, tôi có viết một bài cho Đài phát thanh Vĩnh Long, nhân dịp ngày quốc khánh 2 tháng 9, nói về cái mới. Trong bài ấy, tôi có nhấn mạnh rằng: cái mới là cái ở phía trước, luôn luôn ở phía trước; khi ta đã có nó, thì nó là cái cũ, cái nền tảng để ta tiếp tục vươn tới cái mới. Trong bài này, tôi có dẫn mấy bài thơ của một tác giả trẻ ở Vĩnh Long, là Huỳnh Thanh Hồng.
Tôi xin dẫn ra đây vài đoạn thơ của anh.
Đường gập ghềnh đạp xe không biết mỏi
Bởi nhớ thương nên về với ngoại ô
Ăn cơm trắng với canh bông so đũa
Bàn tay em tôi mắc nợ suốt đời
(Tr. “Với ngoại ô”)
Tôi chưa từng đi qua chiến tranh
Thuở quê hương gồng gánh nỗi đau
Tôi lớn lên từ những khúc dân ca
Khoan nhặt tiếng đờn kìm đêm đêm
Thời gian đi qua, năm tháng đi qua
Bom đạn mấy mươi năm
Bông súng trắng trên đồng
Mẹ nuôi con giãi dầu năm tháng
Lặn lội thân cò quãng vắng đồng xa
(Tr. “Cám ơn đất nước”)
Có người nghe xong, nói với tôi: “Thơ gì toàn cơm, canh, nghe xưa như trái đất”. Tôi không dám tranh luận về vấn đề này, bởi tôi sống từ nhỏ bằng cơm và canh; còn anh ta, biết đâu anh ta ăn bánh mì với súp của người Châu Âu, Châu Mỹ. Đã không cùng tiêu chí thì không thể tranh luận được. Tôi chỉ mừng rằng, anh ta chưa chê đoạn thơ sau của Thanh Hồng, tất cả có chín câu mà chỉ có một câu kết bằng thanh trắc; lại chẳng chú ý gì đến sự hiệp vần cả. Bởi nếu anh ta đụng vào vấn đề này, thì chúng tôi lại phải rắc rối bàn về học thuật. Mà như vậy thì khổ lắm. Huỳnh Thanh Hồng có dùng học thuật để làm thơ đâu. Bài thứ nhất anh ta viết tặng cô bạn gái. Bài thứ hai anh ta viết tặng mẹ, tặng tổ quốc.
Tôi nhớ, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương có bài thơ chỉ 16 chữ, đọc xong là nhớ được luôn; và cũng bởi dễ nhớ nên tôi thích.
Lời như bông bí
Nói rồi héo khô
Tình như không khí
Trong veo mơ hồ.
Tôi nghĩ, với thơ là phải nhớ, phải cảm và phải nghĩ. Trong ba mục đích ấy, nhớ là đầu tiên và quyết định. Bởi vì, đọc xong mà ta quên ngay hình thức diễn đạt của thơ thì lấy gì mà cảm, mà suy nghĩ. Hình thức diễn đạt là chỗ dựa của trí nhớ. Hơn 20 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ hai đoạn thơ ấy của Thanh Hồng, là bởi nó dễ nhớ, chứ không phải vì nó có hiệp thanh, hiệp vần hay không, nó có tuân theo quy tắc của một thể loại thơ nào hay không. Cảm xúc do thơ gây nên rất khác so với cảm xúc do văn xuôi gây nên; đồng thời nó cũng không hề giống với cảm xúc từ thực tế cuộc sống. Bông súng, bông so đũa, cây đàn kìm, bát cơm trắng và con cò là thực tế hiện diện trong cuộc sống, nó đem lại cho tôi cảm xúc khác; khi vào thơ của Thanh Hồng, những thực tế ăm ắp ấy đem đến cho tôi cảm xúc mới hơn, mãnh liệt hơn, bởi vậy mà tôi thích. Còn vì sao tôi nhớ, là vì nó gần gụi với cuộc sống thật của tôi. Chẳng hạn, chỉ vài câu thơ của nhà thơ Lê Chí, mà nó giúp tôi cảm được rất sâu sắc về đường bít bùng tường cao ngang dọc, chia cắt và trói buộc địa ngục trần gian Côn Đảo cả trăm năm.
Những con đường
xẻ dọc xẻ ngang
lổn ngổn
đá xanh đá trắng
những ngày thu ít nắng
lá bàng rơi trong gió
lặng trang
…
Những con đường
như hình dấu hỏi
trải dài
xa suốt đời ta…
(“Những con đường lặng im” – Lê Chí)
Chính vì cảm được điều ấy mà tôi nghĩ: cuộc sống qủa là có những bất ngờ ta thấy mà không biết, vì thế nó đáng yêu đến tận cùng máu thịt.
Năm 1988, nhà thơ Nguyễn Bá gởi tặng tôi một tập thơ mới xuất bản. Tôi đọc xong, suốt mấy ngày liền, không hiểu tại làm sao lại cứ nhớ tới dòng sông Santa mà tôi chưa hề biết.
Santa ơi, con sông gầy nhỏ nhất
Chảy rưng rưng trong góc ngoại ô nghèo
Sự quay quắt buộc tôi phải đạp xe đi tìm. Chẳng có gì thơ mộng cả. Chỉ có hai câu thơ ấy là luôn cựa quậy trong ngực tôi. Buộc tôi phải nghĩ về ngôn ngữ thơ. Sông nhỏ là sông gầy chứ còn gì nữa. Vậy thì sông cạn phải viết là sông mỏng. Vấn đề ở đây là ngôn ngữ thơ được sử dụng như thế nào.
Tôi xin dẫn ra đây bài “Ngã ba nắng xế” của nhà thơ Kim Ba.
Bần thần nơi ngã ba nắng xế
Tôi biết tôi chờ đón điều gì?
………..
Trên đường, bóng chiếc xe đò đến trễ
Như hiện thân chính nỗi nhớ của tôi đang lặng lẽ
kéo lê qua ngay trước mắt mình!
Xét về ngôn ngữ thơ, dường như Kim Ba sử dụng thuần túy ngôn ngữ nói thường ngày, rất ít thấy xuất hiện mỹ từ. Nhưng tại sao lại là mỹ từ? Từ ngữ đứng độc lập đều bình đẳng, chỉ đến khi chúng được tập hợp thành hệ thống văn bản để chuyển tải nội dung dưới hình thức nào đó, bấy giờ chúng mới phát huy giá trị của chúng trong chỉnh thể văn bản. Như vậy, với thơ, phải xem xét ngôn ngữ trong chỉnh thể văn bản hoặc siêu văn bản, mới thấy hết nghĩa hiển thị và nghĩa biểu đạt của ngôn ngữ trong văn bản. So với thơ tiền chiến, Kim Ba đem lại một cách viết mới, rất đời thường trong sinh hoạt ngôn ngữ. Giá trị của bài thơ chính là ý tưởng mà anh muốn biểu đạt thành lời, truyền dẫn thông tin, cũng như gởi thông điệp đến người đọc bằng chính ngôn ngữ nói của anh. Sự chinh phục nằm trong sự giản dị và dễ hiểu.
Có lẽ hiện nay, rất nhiều tác giả thơ ở đồng bằng đang sáng tác theo chiều hướng này. Nó là một diện mạo khá đặc trưng, rất cần được khẳng định.
Xin dẫn ra đây bài “Lục Vân Tiên thọ nạn” của nhà thơ La Quốc Tiến.
Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn
Lục Vân Tiên
trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu
ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
………..
Lão già mù vẫn khàn giọng ngân nga
Gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm một điều gì như là oan ức
Cô gái vẫn tiếp tục soi gương
như cố khám phá một điều gì đang lẫn trốn trên khuôn mặt
Đứa bé gái đã ngủ
chiếc chong chóng vẫn xoay
Bà già thọt chân vẫn ngồi than thở
Gã đàn ông vẫn làu bàu với kẹo cao su
Những con gà tơ đã ngủ gà ngủ gật
Sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng
…
Không có ai
cam đoan là không có ai hay tin
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Thơ viết dung dị nhưng ngồn ngộn hiện thực, chồng chất các tầng lớp thông điệp, hiện đang là một thế mạnh của thơ đồng bằng châu thổ. Nhiều khi, mới thoạt nhìn, mới đọc, ta tưởng đó là sự ghi chép. Nhưng càng đọc, càng nghiền ngẫm, ta càng thấy óng lên những ý tưởng mới và đẹp. Nhà thơ trẻ Trần Thế Vinh ở An Giang cũng là một cây bút khẳng định được thế mạnh ấy.
NHẬT KÝ MÙA LŨ ĐỒNG BẰNG – 1991
Trần Thế Vinh
1.
Mồng năm tháng năm…
Con nước sông Tiền đỏ ngàu chảy xiết
Trông lên Thất Sơn
Mây giăng như cánh chim. Biền biệt
Tín hiệu bồn chồn trên sóng mắt hạ lưu!
……..
Rác rưỡi bên lề đường
Theo con nước lộng hành trôi.
………..
Cầm ngọn gió mơn man. Se đông
Mới nôn nao nhớ
Mùi hương rạ đồng vàng chín vụ
1991 – 1993
Một thế mạnh của thơ đồng bằng là phản ánh khá sắc nét cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, từ góc độ nhìn của người trong cuộc, ngay trên mảnh đất phương Nam đầy nắng và gió. Theo tôi, đây vẫn là một đề tài rất lớn mà chúng ta cần phải tiếp tục khai thác, tiếp tục nâng cao lên, để nhân loại hiểu hơn về một thời đại của những người anh hùng, thời đại của những đau thương tột đỉnh mà dân tộc ta đã gánh chịu, đã vượt qua. Các nhà thơ Nguyễn Bá, Lê Chí là những nhà thơ tiêu biểu. Chính ngọn lửa của cuộc chiến tranh thần thánh đã thổi sức nóng vào thơ của họ, làm nên máu thịt và linh hồn thơ của họ. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu biết khai thác đề tài này, chúng ta sẽ còn gặt hái rất nhiều bội thu cho thơ. Xin dẫn ra đây bài “Có mười sáu cuộc chiến tranh” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín.
CÓ MƯỜI SÁU CUỘC CHIẾN TRANH
Nguyễn Trọng Tín
làng xóm đã xanh một màu cây trái
trẻ con lớn lên thành những đôi trai gái
dấu vết chiến tranh ngỡ chỉ còn sót lại
những hố bom – những bàu sen đưa hương
……..
và thật tình cờ cho tôi nhận ra
xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
có mười sáu người đàn bà
sau chiến tranh chồng không về nữa
có mười sáu ngọn gió giọt mưa đêm đêm đi gõ cửa
trong đó có nhà má tôi
có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
dù đã mười năm giặc giã qua rồi.
Cà Mau, 1985
Gần đây, thơ đồng bằng châu thổ có một dấu hiệu vui, là càng ngày càng xuất hiện những cá tính sáng tạo khá độc đáo, mà hầu hết các tác giả đều tự khẳng định được phong cách thơ của mình. Chẳng hạn như tập “Ký ức” của Trịnh Bửu Hoài, xuất bản tháng 11 năm 2002.
ĐƯA BẠN VỀ BẮC ĐUÔNG
Trịnh Bửu Hoài
-nhớ Phạm Hữu Quang
Bạn trở về. Về với Bắc Đuông
Nơi dòng sông chảy qua lời ru của mẹ
Nơi câu thơ xanh màu lá trẻ
Ngọn đèn dầu soi sáng những trang văn
Quyển vở vàng thơm mùi rạ đồng bằng
Tiếng dế gáy theo vào giấc ngủ
Cha mất sớm mẹ lìa quê lam lũ
Chị theo chồng thui thủi bóng ven sông
…….
Bạn đã về. Mãi mãi Bắc Đuông
Dòng sông xưa hát lời ru của mẹ
Những câu thơ bây giờ lặng lẽ
Kết thành sao soi một kiếp người
Dừng bước giang hồ. Bạn đã thảnh thơi
Chuyện áo cơm cũng thành sương khói
Cồn Nguyễn Du gió mùa vẫn thổi
Không còn ai bên máy chữ gọi thơ về.
Thơ đồng bằng không thể thiếu hơi hướng đồng bằng, tức là không thể không đề cập đến những đặc trưng cá tính người đồng bằng châu thổ, không gian đồng bằng châu thổ, thời gian đồng bằng châu thổ… tức là tất cả những gì đã làm nên tiến trình phát triển lịch sử của đồng bằng châu thổ- kể cả tiến trình phát triển và sức sống mảnh liệt của ngôn ngữ đồng bằng châu thổ. Bản thân tôi rất trân trọng những bài thơ như vậy.
MỘT GÓC TÂN CHÂU
Hồ Thanh Điền
Lâu lắm mới về thăm Tân Châu
Đất lở thành sông nhà em đâu
Nước chảy một dòng đua sắc đỏ
Phù sa ghé lại bãi bồi nào
..........
Một thời thơ bé đã xa dần
Một phần ký ức hóa phù vân
Đất lở lộ lở phố chợ lở
Người về hóa tượng sóng chôn chân
Ta không thể lấy thơ của người này ra so sánh với thơ của người khác, cũng như không thể lấy thơ của miền văn hóa này so với miền văn hóa khác; bởi vì, “mọi sự so sánh đều khập khiểng”. Nhưng điều đáng mừng, là trong trong tiến trình phát triển của mình, thơ đồng bằng châu thổ có sự vận động đi lên rất mạnh, nhưng rất ít tác giả bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa xa lạ. Tuy nhiên, không hề vì điều đó mà thơ đồng bằng không có những cách tân đáng kể, để vươn tới những tầm vóc thơ hiện đại.
Bản thân tôi rất thích thơ của Vi Thùy Linh. Mạnh mẽ, bạo liệt trong ý nghĩ. Thơ Linh đọc nghe như cháy lên bùng bùng những suy tưởng dữ dội không thể cầm lại được.
CHÂN DUNG
Vi Thùy Linh
* Chỉ cô độc mới làm bật tác phẩm – ai đó nói – không phải tôi
Để sống trong sa mạc của sự cô độc, thiếu phụ ngủ với cô độc. Giấc ngủ – không gì khác –
Là huyễn hoặc khi con người đánh thuốc mê vào cơn cùng quẫn.
* Bình minh gióng lên
trống ngực
vượt những chóp núi bằng ngọn bút – không thể khác –
Những câu thơ dồn nhau không kịp ý nghĩ
Bật máu
Bóng tối, là cô gái – mang thành phố đi lang thang – cho đêm ngắn lại
Trở về – thiếu phụ. Nước lạnh biến thiếu phụ thành thiếu nữ. Thiếu nữ chạy trốn – Tới khi tay không giữ nổi bút.
*Khỏa thân trong chăn
Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi
Mình ôm lấy anh ôm mình
Biết sự bình yên của mặt đất
Trong chăn
Những câu nói mê
Tỏa hơi nước
Đầu rỗng
Tôi tập chết
Để – biết – mình – đang – sống.
* Nói gì cũng hàm ngôn
Mắt hàm ngôn những điều ngoài tiếng nói
Không phải ai cũng dám yêu người như thế!
.........
* Một đêm căng tròn muốn vỡ
Phát điên nhớ cái hôn phát điên…
Tiếng nói mê(từ những – ngày – thủy – triều – dâng)
kéo ngã mấy sợi tóc bạc.
Ngôi nhà chôn sức nặng
Căn phòng trên cao, còn khỏe
Thiếu phụ
Hai mươi tuổi.
8.3.2000
Trái với cá tính sáng tạo của Vi Thùy Linh, thơ của nhà thơ Thu Nguyệt, cũng rất mạnh mẽ về cá tính sáng tạo văn bản, nhưng dịu dàng, đằm thắm, trầm tỉnh và sâu lắng. Thơ của chị như những viên ngọc qúy ẩn sâu dưới biển thẳm. Đem soi vào nắng trời sẽ thấy lóng lánh- lóng lánh bật sáng tầm vóc tư duy mạnh đến không thể ngờ được.
NÓI VỚI BIỂN
Thu Nguyệt
Biển lại gần ta nói biển nghe
Sóng dữ dội rồi cũng tan bờ cát
Sâu cạn đục trong vẫy vùng phiêu bạt
Biển rộng đến đâu cũng không thoát nổi bờ.
..........
Biển lại gần đây để cùng ta vui
Cùng ta buồn, cùng ta suy gẫm
Ta nói nhỏ một điều thật lắm:
Ta có thể rời khỏi trái đất này…
còn biển thì không!
Bên cạnh những nhà thơ đã được khẳng định, gần đây, lực lượng sáng tác thơ của đồng bằng sông Cửu Long chúng ta, càng ngày càng được bổ sung thêm nhiều cây bút trẻ rất có năng lực, rất có triển vọng. Đó là vốn qúy của sự kế thừa trong dòng chảy thời gian của thơ đồng bằng. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải trân trọng họ, nâng niu, vun xới cho họ. Bởi vì xét trên thực tế, họ đã gặt hái thật sự nhiều tác phẩm rất có giá trị về phong cách thơ mới- thơ đồng bằng, thơ trí tuệ của tầm vóc tư duy mới.
CHỊ VẮNG NHÀ
Văn Triều- Trà Vinh
(Tặng chị tôi)
Chị đi
Chợt vắng hương bồ kết
Nép bóng hiên nhà lá trúc rơi
Lối nhỏ hanh hao chiều nắng đọng
Đầu rào xanh ngắt dậu mồng tơi.
..........
Chị đi
Bờ sông mênh mông con nước lớn
Tiếng bìm bịp trôi lênh đênh
Người ấy chợt chiều nay sang hỏi
Đò qua. Sông vắng. Nắng mênh mông…
1993
TRÒ CHƠI ?
Nguyễn Xuân Quang- Vĩnh Long
Có người chơi chữ thành danh
Còn ta sắp chữ thành anh thợ quèn
Thị trường chữ nghĩa bon chen
Nên sang cũng đấy nên hèn cũng đây
…….
Có người chơi chữ nên sang
Còn ta sắp chữ thẳng hàng mà đi !
Khi tôi gặp Mặc Tuyền ở Long An, anh nói với tôi: “Đồng bằng sông Cửu Long đang thời bội thu của các tác giả thơ trẻ. Lực lượng này khá hùng hậu, tư duy nhanh nhạy, có chiều sâu ý tưởng, năng lực phản ánh nhanh. Họ đang là niềm tự hào của thơ đồng bằng châu thổ”. Nghe vậy, tôi hỏi: “So với các tác giả trẻ ở phía Bắc, anh thấy thế nào?”. Mặc Tuyền nhìn tôi và cười: “Tôi thích cá tính phương Nam. Nhìn chung là dung dị, hồn hậu; nhưng cũng đầy bản lĩnh”. Rồi anh khề khà đọc hai câu thơ của một nhà thơ viết từ lúc còn trẻ, nay đã qúa cố.
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Chợt khói cơm sôi đã nhớ nhà
Nghe hai câu thơ vừa cũ vừa mới ấy, tôi biết rằng nó đã sống rất lâu rồi trong tâm khảm của hết thảy bạn bè ở Nam Bộ; bởi vì nó rất thật mà lại đầy khẩu khí. Máu giang hồ dường như thấm đẫm trong tính cách của khá nhiều tác giả phương Nam, như Phạm Thường Gia, như Tô Nhược Châu, như Lê Bá Diệp, như Vĩnh An, như Nguyễn Hữu Tân, như Nguyễn Như Nhiên…
Vắt cạn máu đời lên nghiên mực
Giận mình không viết được câu thơ
Quẩn quanh giữa trận đồ hư thực
Trang giấy buồn hiu cứ đợi chờ
(“Không đề” – Tô Nhược Châu)
Đó chính là một phần hình thành nên tính cách của thơ đồng bằng: Thật mà dữ dội và mãnh liệt đến tận cùng cảm xúc. Đó là cảm xúc chín từ trong cuộc sống phóng khoáng, bao dung, nhân hậu, trọng nghĩa khinh tài; sẵn sàng đối mặt, sẵn sàng hứng chịu, sẵn sàng ăn thua đủ; nhưng cũng sẵn sàng bỏ qua tất cả để khẳng định giá trị con Người viết hoa của con người, trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào. Điều đó khiến tôi nhớ lại bài “Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân.
rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại
bạn bè ơi khi ấy có còn nhau
cơn lốc đời chưa đẩy bạn về đâu
ta ngoái lại nhìn nhau, e mất dấu
………
trái tim héo, nụ cười xưa dẫu héo
chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin
dẫu mong manh vụn vỡ chẳng nguyên lành
xin hãy có một ngày nhen nhúm lại.
Khi cùng La Quốc Tiến, Đậu Viết Hương và vài người bạn tri tửu ở Tiền Giang, xuất bản mồm về thơ của bạn bè ở đồng bằng châu thổ, La Quốc Tiến chợt nói một cách ngẫu nhiên: “Lóng rày cánh nửa thế giới của đồng bằng đang lũ lượt lên ngôi trong văn, trong thơ; họ đem lại cho văn thơ đồng bằng một vẻ đẹp vừa hồn nhiên, tươi trẻ, vừa mặn mòi như nắng gió phương Nam”. Nếu điểm danh theo an pha bê, đồng bằng châu thổ qủa là đang có rất nhiều nhà thơ nữ đã thành danh trên nhiều lĩnh vực: Trần Thị Hoàng Anh Trịnh Thị Thanh Bình, Huỳnh Thị Đằng, Nguyễn Lập Em, Lê Giang, Nguyễn Thị Trà Giang, Song Hảo, Thái Hồng, Nguyễn Thị Nguyệt Hồng, Trầm Hương, Châu Thị Cẩm Liên, Võ Kim Liên, Lê Thanh My, Thu Nguyệt, Hải Triều, Ngọc Phượng, Phạm Thị Qúy, Văn Lệ Trinh, Dương Thị Thu Vân, Đinh Thị Thu Vân… Danh sách các nhà thơ nữ này, tới hôm nay đã kéo ra rất dài, nếu chúng ta chịu khó ngồi ghi chép tên của họ trên các tuần báo, nhật báo, tạp chí và các tuyển tập, các giải thưởng, cũng như trên các phương tiện thông tin khác.
Để kết thúc, tôi xin dẫn ra mấy câu thơ đầy chất Nam Bộ của một nhà thơ nữ đã thành danh ở đồng bằng.
Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Có chú lìm kìm cắn khúc ca dao
Mười năm qua không đắp, không đào
Lá tre rụng, con mương sâu thành cạn.
…
Vịt có chết chìm đâu? – Tôi buồn tôi hát…
Sao cá lìm kìm cắn mãi trái tim tôi…
(“Hát về con mương nhỏ” – Thu Nguyệt)
Vĩnh Long, ngày 4 tháng 8 năm 2003