"Lập thân tối hạ thị văn chương", với một người bình thường lập thân đã khó, với một người tật nguyền lại càng khó hơn. Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1979 tại Thanh Hoá. Các tác phẩm xuất bản: Trăng rằm, Như ánh sao rơi, Nỗi buồn cho em, Mắt đá (thơ) Bến đợi (truyện ngắn) Có vơi niềm đau, Phu bòn (Tiểu thuyết). Nhân tập thơ Liên quan gì đến tôi vừa xuất bản, Nxb Hội Nhà văn 2005, Lan đã trò chuyện.
- Lan có một tuổi thơ thầm lặng, u buồn, vì không được mạnh khoẻ như bạn bè. Nhưng có được cảm giác “yêu” từ rất sớm. Vì yêu cho nên thấy vui, luôn luôn hồi hộp và xúc động… Tuổi thơ có nhiều ám ảnh, cặm cụi đi mãi trên một con đường, lội mãi qua một dòng sông, đi trong sương mùa đông, trong đêm tối, đi một mình qua nghĩa địa để tới trường, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Và Lan sớm làm những câu thơ buồn, về làng xóm, mái trường và về mối tình đầu. Có thể nói chính tuổi thơ đã cho Lan tình yêu đối với văn chương.
- Viết văn là nghề “xa xỉ”, có thể nổi tiếng ngay hôm nay, có thể là ba trăm năm sau? Chờ được không... Lan?
- Ao ước nổi tiếng chỉ là sự hứng chí nhất thời của họ thôi. Còn nói về chờ, tôi có thể chờ được. Chỉ có điều là chờ đợi cái gì. Khi không có thì chờ đến mấy vẫn không có; khi có mà không chờ thì vẫn có! Hiện tại của Lan cũng là khởi điểm của lan. Lan luôn luôn nghĩ là như vậy. Mỗi người khi viết xong một cái, dù hay dù dở, cũng phải làm lại từ số không, bắt đầu lại từ đầu, mà phải quên những gì mình đã đọc, đã viết. “Bắt đầu thai nghén, hồi sinh… Đứa con khôn lớn bỏ mình mà đi”.
- Trong truyện ngắn Khi em cất tiếng hát viết về một cô bé tật nguyền, Lan đã viết: “Khi em cất tiếng hát em sẽ biết vì sao chim hót / đời cỏ cây hạnh phúc là hoa”. Khiến người đọc có sự liên tưởng giữa tác giả và nhân vật, còn khi viết Lan có nghĩ về mình trong đấy không?
- Có chứ, nhất là khi Lan mới chập chững cầm bút. Nhưng trong truyện này, Lan muốn kiến giải về một thân phận tật nguyền, tiên cảm một chút gì đó về định mệnh của mình. Định mệnh như con chim hót mãi trong nỗi vô vọng, trong nỗi yêu đời. Khi hót, con chim ấy sẽ nhận được nhiều niềm an ủi.
- Cũng trong tập này, Lan viết: “Ta yêu ông hoàng trong vương quốc xa xôi/ nơi tôi nghĩ chẳng bao giờ đến được”, rồi Lan lại viết: “Đến bây giờ em đã đến yêu anh / thương anh chàng lực điền trong ngõ vắng”. Như vậy, Lan yêu ai, và dành cho ai hơn?
- Một triết gia từng nói về tình yêu dành cho kẻ xa xôi miên viễn và tình yêu dành cho kẻ láng giềng đồng loại. Trong mỗi con người, ai cũng có hai thứ tình yêu đó, suốt ngày nó giằng xé, nên mới khổ! Mà nghệ sĩ thì rất đa tình. Như Hoàng Nhuận Cầm nói “Tôi đi qua tất cả mối tình câm, mối tình nói rồi mối tình bỏ dở…” Lan nghĩ, viết như trên thì không phải là sự mâu thuẫn, mà là sự phát khởi và thích nghi. Đa tình không có tội, mà là tài sản của người làm thơ. Mặc dù, nếu được lựa chọn, Lan sẽ yêu “ông hoàng”, vì đã từng nghe có câu danh ngôn, đại thể là “Một tình yêu trong tuyệt vọng, đó mới là tình yêu đẹp nhất”.
- Đọc bản thảo Phu Bòn, nhà văn Tạ Duy Anh rất khen ngợi, có thể cho bạn đọc biết “nguồn cơn” nào Lan viết cuốn này, và những kỳ vọng của Lan?
- Hồi học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, Lan có dịp đọc qua nhiều kiệt tác văn chương thế giới đã được dịch ra tiếng Việt, tôi rất “kinh sợ” những thiên tài đó. Họ có đủ tri thức và tầm nhìn xuyên thế giới, xuyên thời gian. Lan bức xúc bởi ý nghĩ: phải viết một cái gì đó, khác trước, lệch chuẩn, dù nó thất bại, nhưng phải bắt đầu thôi! Cả hàng thế kỷ, hàng trăm hàng nghìn nhà văn vẫn cần mẫn kể chuyện về số phận con người, mà theo Lan con người là vấn đề không thể giải quyết, là bí mật… Lan sẽ tiếp tục kể chuyện cô Mơ cô Mận cô Hồng ư, về cánh đồng, con cò, con trâu, con lợn ư? Không, Lan sẽ kể về Phu Bòn, một miền đất không có thực, về thân phận Phu Bòn, về định mệnh Phu Bòn, về thời đại Phu Bòn, về một sự vô nghĩa giữa ngàn vạn sự vô nghĩa. Có nhiều người viết về sự có nghĩa rồi thì cũng phải có ai đó viết về sự vô nghĩa chứ! Lan thích ví Phu Bòn như là một bài ca về sự vô nghĩa, nó là sự không gì cả!
- Phu Bòn. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nói rằng: “Trong cuộc đời viết văn rồi làm biên tập, tôi được đọc hai cuốn tiểu thuyết của hai tác giả nữ còn trẻ mà đã có sự dấn thân rất mạnh trong thi pháp, họ chỉ lấy bối cảnh một làng quê mà viết rất rộng, đọc khó nắm bắt”.
- Được một nhà văn khả kính phán bảo một lời như vậy tôi rất lấy làm mừng, nhưng cũng không ít nỗi lo. Chính Lan không hiểu được sự bứt phá trong thi pháp của mình. Lan chỉ biết viết, thế thôi, rồi rụt rè đưa ra, sẵn sàng nhận một lời hắt hủi. Nhưng may là Lan đã gặp được những nhà biên tập rất tâm huyết với văn chương, vì vậy họ đã chấp nhận và khích lệ Lan với tình thân ái dành cho lớp trẻ. Đúng là trong bản thảo này, Lan không định kể chuyện về các nhân vật, các sự việc, các lời nói. Lan mơ hồ trên mọi sự, chẳng có đầu mà cũng chẳng có cuối, chẳng thế này mà cũng chẳng thế khác, chẳng gì cả. Còn “cái” tinh thần dẫn dắt và nuôi dưỡng Lan đi đến dòng cuối cùng, đó là tình yêu, là nỗi đau đối với một cái gì gọi là “Phu Bòn”.
- Viết văn, lấy đích là hội viên hội nhà văn, có người nói “Đi hết mùa thu, chưa về tới đích”. Còn Lan đang ở mùa nào, chặng nào?
- Cái đích của người viết, theo Lan đó là tác phẩm. Còn hội viên chỉ là một danh hiệu. Khi đã có một cái đích, thì đi hết một mùa thu cũng đã thấm vào đâu?…
- Tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, Lan đều viết được và có những thành công riêng trong từng thể loại. Mỗi lĩnh vực sáng tác có những tư duy khác nhau, Lan có bị ảnh hưởng tư duy thơ khi viết tiểu thuyết và tư duy tiểu thuyết khi viết truyện ngắn?
- Rất lạ, là khi viết văn xuôi Lan lại luôn luôn bị ám ảnh bởi giai điệu và sự linh cảm ngôn ngữ của thơ. Còn những bài thơ thì chúng luôn ngốn ngấu hết đề tài văn xuôi của tôi. Lan nghĩ cái gì mà không có giai điệu thì cũng không làm người khác sảng khoái cho lắm. Vì vậy, Lan cũng hơi băn khoăn. Có lẽ chỉ chú tâm vào một thứ thôi.
- Phía trước còn dài, là những chuỗi ngày “nhọc nhằn thống khổ tạo tác”(chữ của Uyliam Phuốcnơ). Lan cần tìm một “bờ vai” nào đấy mà nương tựa?..
- Quả thực, cũng thấy lo lắng. Nhưng tôi sẽ gắn bó với văn. Văn chương đã cứu vớt tôi, cho tôi những niềm vui và sự tri âm khác lạ trong đời. Tôi thấy may mắn.
-Xin cảm ơn Lan!