Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.115
123.162.967
 
Bước ra từ cuộc đấu giá
Bích Ngân

Chùng chình mãi, cuối cùng vì chìu thằng con trai, Sáu Thới cũng có mặt ở cuộc đấu giá.   

Phòng họp gần như kín chỗ. Sáu Thới vào, nhiều người quay lại chào hỏi và một người đứng lên đưa ông đến một chiếc ghế còn bỏ trống.

 

Ngồi vào ghế, Sáu Thới quan sát một lượt. Hầu hết là những gương mặt quen biết. Nhiều người cũng đã hưu trí như ông và chiếm đa số là trẻ, lớp con cháu. Ba Nhu, người đậm thấp, có gương mặt hồn hậu của anh nông dân luôn gặp vận may trên mảnh ruộng của mình, bước một mạch lên bục nói. Thay mặt ban tổ chức cuộc đấu giá, anh ta đằng hắng lấy giọng rồi cất tiếng:

- Thưa các bác các chú các anh các chị, để tránh sự căng thẳng đáng tiếc có thể làm ảnh hưởng sức khỏe của những người cao tuổi như lần đấu giá trước, lần này chúng tôi chọn hình thức bỏ phiếu kín, ai đặt mua cao nhất, người đó sẽ thắng!

 

Lần đấu giá trước, Sáu Thới không có mặt và ông cũng chưa từng có mặt ở bất kỳ cuộc đấu giá nào. Ông chỉ thấy trên một vài chương trình tin tức thế giới và trong mấy bộ phim truyện nước ngoài. Người ta đấu giá mua tranh, mua đồ trang sức, mua bình cũ, bàn cũ, ghế cũ, mua sợi dây đàn đã đứt của một nhạc sĩ lừng danh và mua cả chiếc cái váy lót của một ngôi sao tiếng tăm. Người điều khiển ở các cuộc đấu giá thường có bộ mặt lạnh của kẻ canh giữ kho báu. Gã nhìn thẳng xuống cử tọa, từ từ giương búa lên và chậm rãi nện xuống mặt bàn sau khi nghe một cái giá, một số tiền được xướng lên. Và hình như những người điều khiển ở các cuộc đấu giá đều mang kính. Những chiếc kính với những cái gọng lạ lẫm, nếu không nói là lập dị. Có cái giống như kính một tròng của đại văn hào Sê-khôp và cũng có cái kính gọng to sáng chói như kính của tiến sĩ Panos Deloukas, người góp phần giải mã xong nhiễm sắc thể thứ 20 của người và với thành công này, Sáu Thới còn nghe nói, các nhà khoa học có thể chữa trị được chứng bệnh tiểu đường mà ông đang mắc phải.

 

Cuộc đấu giá bắt đầu. Trước tiên là chiếc xe 15 chỗ ngồi. Có đến hơn chục người muốn được mua chiếc xe này. Cứ sau mỗi lần nghe xướng họ tên và số tiền đặt mua của từng người (dĩ nhiên là người sau đặt cao hơn người trước) thì tiếng ồ, tiếng xuýt xoa lại nổi lên. Cuối cùng, chiếc xe thuộc về người mua với cái giá gần gấp 3 lần so với cái giá mà hội đồng thanh lý đưa ra. Chiếc xe thứ hai, chiếc peugeuot cũng được bán với cái giá gần gấp đôi, rồi chiếc thứ ba, thứ tư cũng được bán với cái giá cao ngoài dự đoán của ban tổ chức. Ba Nhu mặt mày nở nang, xăng xái bước tới bước lui, vồn vã mời mọi người tiếp tục cuộc mua bán.

 

Một bàn tay nắm lấy cánh tay Sáu Thới và một cánh tay nữa choàng kéo ông đứng lên. Chẳng hiểu ất giáp gì, ông lẳng lặng bước theo họ ra khỏi phòng họp, đến trước một chiếc bàn đặt ngoài hành lang. Lúc bấy giờ, ông mới nhận ra một trong hai là Hà, tay kế toán của cơ quan mà ông đã từng là thủ trưởng. Chính ông đã ký quyết định thu nhận anh ta. Căn cứ vào hiệu quả công việc, Sáu Thới không chút băn khoăn về sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, có cái gì đó ông không thể yên tâm về tay kế toán này. Anh ta ăn nói trơn tru, bàn tay quá mềm, cái nhìn  gian gian, đôi mắt xếch ít khi nhìn thẳng vào người đối diện. Hà nhắc ghế mời Sáu Thới ngồi và lật đật đặt vào tay ông một mẩu giấy hình vuông, một cây viết, hấp tấp  nói :

- Sắp đến lượt chiếc xe mà chú, cháu và anh bạn này (anh ta vỗ vai người thanh niên cao to như một vận động viên bóng rổ đang khom người chỏi tay xuống cạnh bàn) cùng đăng ký mua - Hà kề miệng sát tai Sáu Thới- để giá xe đừng bị đẩy lên quá cao, chú ghi vào đây cái giá mua là...

 

Gương mặt của Hà quá gần. Sáu Thới ngửi được mùi nước hoa và mùi keo xịt tóc anh ta dùng. Không kịp nghĩ ngợi, không kịp né tránh, như kẻ bị thôi miên, Sáu Thới ghi vào mẩu giấy đúng số tiền mà tay kế toán ướm cho ông. Anh ta lẹ làng gấp mẩu giấy làm tư và kéo người bạn trở vào phòng họp, bỏ mặc Sáu Thới với chiếc ghế, mặt bàn và vạt nắng vàng như mật đổ tràn lên mái tóc ngả màu mây.

 

Trước vẻ khuất tất của Hà, Sáu Thới lờ mờ nhận ra cái gì đó không minh bạch trong hành vi vừa rồi của anh ta và của chính mình. Ông đứng lên, quay vào đến cửa liền chạm mặt Hà. Anh ta chặn Sáu Thới lại, kéo ông trở ra, không dừng lại chỗ chiếc ghế và cái bàn lúc nãy, đi hết hành lang, bước xuống cầu thang và vài phút sau đứng trước vườn hoa nhỏ giữa cái sân đầy nắng và bóng cây trước cơ quan, nơi ông gắn bó cả một quãng đời, Hà dừng lại:

- Chiếc xe của chú cháu mình xong rồi. Lần này chú nhường cho cháu, lần sau xe tốt hơn là cái chắc!

Nói rồi hắn dúi vào tay Sáu Thới một xấp tiền:

- Phần chênh lệch này là của chú!

Sáu Thới khục khặc ho. Một cơn ho ập đến, bất ngờ, tức tưởi như bị sặc; nhột nhạt như cái móng tay cào cào nơi cổ họng khiến ông cúi xuống ôm lấy bụng mà ho. Ho ra nước mắt, nước mũi. Ho quặn đau gan ruột.

 

Khi cơn ho quỷ quái buông tha, thấy Hà vẫn đứng cạnh với bộ mặt sòng phẳng nhơn nhơn thì Sáu Thới không còn giữ được bình tĩnh. Cơn giận không ngứa ngáy nôn nao như cơn ho mà đột ngột bùng lên như ngọn lửa.

 

Sáu Thới thấy mình bị xúc phạm, bị làm nhục. Ông không coi thấp đồng tiền. Nhưng ông biết đặt phẩm giá cao hơn và cũng chính vì giá trị đó mà ông sống, làm việc, hết lòng, tận tụy. Sáu Thới hài lòng với điều mình chọn lựa, ngay cả khi rời khỏi chức tước, rời bỏ cái thế giới vàng thau lẫn lộn và rũ sạch cái ảo tưởng thường ngự trị ở những người giữ nhiều trọng trách.

- Cậu dám làm điều đó với tôi à? – Sáu Thới nói như nghẹn.

- Có gì đâu chú, chuyện bình thường mà, ai cũng làm thế. Hơn nữa, giờ chú cũng chỉ là một người bình thường nên cũng không thể khước từ những nhu cầu bình thường của một người bình thường - Hà phân bua và cố tình lập lại cụm từ người bình thường - tuy số tiền không lớn nhưng cũng hơn một năm lương hưu của chú và với số tiền này...

- Cậu làm ơn đi cho khuất mắt tôi!

 

Cơn giận làm Sáu Thới xây xẩm mặt mày. Cái huyết áp trồi sụt thất thường không bỏ lỡ những dịp như thế. Bệnh tật cũng giống như lòng tham, nó riết róng tóm bằng được cái thời cơ thuận lợi để có thể quật ngã con người. Ông nhấc mấy bước, ngồi xuống chiếc ghế đá đặt dưới tàng phượng xùm xòe, cạnh lối đi.

 

Sáu Thới cảm thấy hạ nhiệt khi dựa lưng vào thành ghế, thở đều.Trước mặt ông và cách ông mấy bước là vườn hoa.

 

Vườn hoa như bị cắt vụn bởi kiểu bày trí khá ôm đồm với nhiều loại bonsai và những luống hoa.Tuy vậy, ông vẫn còn nhận ra cội mai quen thuộc. Mới cuối đông mà lá chồi mơn mởn. Những cái nụ lúp xúp hứa hẹn những bông hoa vàng mơ rưng rưng trong gió xuân nhè nhẹ.

Nhà Sáu Thới năm nào cũng mua chậu mai đặt giữa phòng khách. Cháu con ông thường mắc vào cành lủng lẳng những tấm thiệp chúc xuân của bè bạn, của những cơ quan ông đã từng làm việc. Nhiều lúc nhìn vào chậu mai óng ánh sắc màu, Sáu Thới thấy vui vui vì ít ra ông vẫn còn trong trí nhớ của nhiều người. Tuy vậy, tần ngần ngắm nghía hoài một cây mai trang sức lại khiến ông nhớ và buồn.

 

Dù xa lắc xa lơ, cái tuổi thơ côi cút lại rón rén quay về. Ông không còn nhớ rõ gương mặt của người cha nhưng lại nhớ như khắc ngôi mộ mẹ. Mộ mẹ phủ cỏ và hoa, loại hoa mười giờ sống cuộc đời thật ngắn, như mẹ. Bà trúng gió độc lúc đang gặt và ra đi đột ngột, không một lời trăn trối, không kịp nhìn mặt chồng con, mấy rẻ nếp thơm còn nắm trong tay. Bàn tay mẹ còn ấm thật lâu, mắt không chịu nhắm, cứ nhìn hoài khoảng trời tràn nắng, gió và tiếng sáo. Ông vẫn còn nhớ bầy sáo ấy. Chúng đậu kín hết các nhánh cây quanh đó, chốc chốc lại sà xuống mặt ruộng. Ông cũng chưa quên những tối tháng chạp se se lạnh, nghe hàng xóm quết bánh phồng đón tết, cậu bé nôn nao nhớ mẹ, tức tửi khóc thầm và lặng lẽ chạy ra mộ mẹ...

 

Ngần ấy thời gian, ngần ấy tuổi tác, trí nhớ mai một nhưng ông vẫn không quên được ngôi mộ nhỏ nép dưới bờ dừa và tiếng quết bánh phồng. Ngôi mộ đã dời đi, được xây cất chỉn chu nhưng ông biết linh hồn mẹ vẫn còn quanh quẩn nơi bà đã gởi gắm tình yêu, mồ hôi, nước mắt và hơi thở cuối. Còn tiếng quết bánh phồng vẫn đâu đó, có lúc nghe thật rõ. Những âm thanh khoan thai mà như dội vào lòng đất, âm sâu, vang xa. Nó khiến trái tim bồi hồi, đất trời xao xuyến; mái ấm càng ấm và cảnh đơn độc càng quạnh quẽ.

 

Nỗi nhớ đằm đẵm khiến ông ngồi rủ rỉ cùng ly rượu. Ông nhấm nháp từng chút một, cố gắng tập trung ánh mắt và suy nghĩ vào một điểm nào đó: khi là đường phố ồn ả ngược xuôi, khi là vạt nắng kéo theo một đám bụi mịt mờ, khi là mấy tờ lịch treo tường với những cô gái xinh tươi và mấy con ngựa tơ co giò phi nước đại và bao giờ ông cũng dừng lâu hơn nơi chậu mai đang bị che khuất bởi những tấm thiếp chúc xuân. Ông bước tới chậu mai, gỡ bớt vài tấm thiếp. Sáu Thới biết, khi cần đến các thứ bày biện tô vẽ cùng lời chúc tụng là lúc con người đã bước tới cái ngưỡng của sự biết sợ. Sợ bị bỏ lại phía sau, sợ tuổi tác, sợ bị lãng quên, sợ thành kẻ vô dụng, sợ không còn cần cho ai. Ba ngày tết, những lúc vắng khách, con cháu kéo đi hết, Sáu Thới khoá cửa, giao nhà cho hương hồn người vợ quá cố. Ông leo lên chiếc Honda 50 chạy tà tà, rảo tới rảo lui vài vòng, nhìn phố xá, nhìn thiên hạ và tạt vào cơ quan cũ để ngắm gốc mai già. Ông tìm thấy vẻ quyến rũ tươi non mới mẻ của nắng, của gió, của thời gian, của đất, của trời tựu trong lớp vỏ, trong lá, trong chồi và trong những cánh hoa vừa kiêu hãnh e ấp vừa lặng lẽ bùng nở. Những lúc như vậy, ông lại thấy thèm cái kiếp cỏ cây.

- Sao anh ngồi đây? - một bàn tay mạnh mẽ vỗ vào vai Sáu Thới. Quay lại, bắt gặp nụ cười hiền lành của Ba Nhu, Sáu Thới nói:

- Mình nghỉ chân một lát.

- Sao anh không vào phòng khách, máy lạnh, trà nóng có sẵn – Ba Nhu  lấy làm áy náy, nói.

- Ngồi đây hít thở khí trời khỏe hơn!- Sáu Thới tỏ ra khỏe khoắn – Sao, xe cộ chú đã bán hết rồi chớ?

- Còn mỗi chiếc Vonga!

- Chú có rảnh dẫn tôi đi coi một chút – Sáu Thới chợt đề nghị.

 

Hầm để xe cách vườn hoa không xa. Sáu Thới và Ba Nhu đi sóng đôi và lướt qua những chiếc xe đã có người mua. Cả hai đi vòng vèo hết hai lượt mà vẫn chưa thấy chiếc xe không ai chịu ngã giá. Hỏi người bảo vệ, mới biết là chiếc Vonga không có trong hầm xe. Sáu Thới, Ba Nhu ra khỏi khoang hầm. Cả hai bị chói mắt. Nắng tràn trên lối đi, trên bãi cỏ. Sáu Thới chợt sững lại như kẻ bước hụt khi thấy chiếc Vonga lù lù trước mặt. Cái màu đen tuyền của nó đã thành màu tro. Chỉ có hình dáng quen thuộc là không lẫn vào đâu được. Nó nằm khiêm nhường mốc meo trên bãi cỏ, trông giống như cái mu con rùa bị vứt ở đó, lãng quên ở đó đã ngót trăm năm... 

- Loại xe này ăn xăng kinh khủng lại còn ồn và nóng; trời này mà chui vào chiếc Vonga chẳng khác gì ngồi trên lò nướng.

- Vậy sao chú mày còn đưa nó vào danh mục bán đấu giá?

- Vì trước sau gì nó cũng phải được thanh lý!

 

Sáu Thới im lặng. Ba Nhu cũng không nói thêm lời nào dù nhiều ý nghĩ chộn rộn. “Một tấm gương quá trong như ông anh chẳng ma nào nó thèm soi, bởi bộ mặt cuộc đời này rằn rịt lắm!”. Ba Nhu muốn nói toạc ý nghĩ đó cho Sáu Thới nghe. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt sâu, trầm tư trên gương mặt vuông điềm đạm gần gũi của người thủ trưởng cũ, Ba Nhu thấy dội.

 

Sáu Thới bước thật chậm. Ba Nhu cũng bước chậm, có ý chờ. Lúc hai người bước cạnh nhau, Ba Nhu quay sang Sáu Thới và nhận ra thứ ánh sáng trong trẻo u buồn trong cái nhìn chăm chú của Sáu Thới vào một điểm vô định nào đó, cái nhìn thường chỉ soi rọi cái thế giới tâm tưởng của chính mình. Lúc đến trước vườn hoa, cội mai, góc sân, khoảng trời, toà nhà với những ô cửa đóng kín, tất cả đều quá đỗi thân quen, Sáu Thới dừng lại tìm nắm bàn tay Ba Nhu, xiết chặt:

- Có những tài sản không thể coi nó chỉ có giá trị vật chất. Nếu đánh đồng mọi thứ với đồng tiền thì chúng ta thật nghèo nàn cho dù cậu hay tôi có sở hữu được những chiếc xe sang trọng nhất.

Chia tay với Ba Nhu, Sáu Thới quay lưng bước đi. Ông bước chầm chậm, khòm khòm, lặng lẽ. 
Bích Ngân
Số lần đọc: 2864
Ngày đăng: 28.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhuế Dương ơi - Vân Anh
Tiếng dương cầm trong đêm - La Thị Ánh Hường
Sáng Thế Ký - Cổ Ngư
Hối muộn - Nguyễn Văn Ninh
Bồng bềnh thiên sứ - Bích Ngân
Anh cũng sẽ về - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hoang đường - Nguyễn Ngọc Tư
Những chiếc lá rách - Ngọc Thủy
Tình cuối - Trần Huyền Trang
Tứ Bình - Cổ Ngư
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)