Sân trước ngôi nhà của vợ chồng nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo Trương Minh Đạt và Nguyễn Phước Thị Liên là quán cà phê mang tên “Ty la”của chính chủ nhân – đã tồn tại gần ba mươi năm tại thị xã Hà Tiên. Cái tên quán thoạt nghe “rất Tây” này lại xuất phát từ hai câu trong truyện thơ “Bích câu kỳ ngộ”: “Nhà lan sum họp bạn mai. Đã trong tần tảo lại ngoài ty la”. Ý chỉ đây là nơi luôn sẵn lòng đón tiếp khách đến thăm. Ở ngôi nhà đậm đặc không khí văn chương và sách vở này, vào một buổi chiều mưa tháng ba, tôi được gặp nhà nghiên cứu – được mệnh danh là “nhà Hà Tiên học” Trương Minh Đạt trong một buổi ông họp mặt bạn văn ấm cúng.
Tôi được ông Trương Minh Đạt gởi tặng bài viết “Những điều cần biết thêm về Tao Đàn Chiêu Anh Các” mà ông vừa hoàn thành cuối tháng 3-2006, để trả lời lại ông Nguyễn Quảng Tuân trên tạp chí Kiến thức ngày nay về vị trí di chỉ, nhân sự, hoạt động văn học của Tao đàn Chiêu Anh Các. Ông đã so sánh, đối chiếu sử liệu, thơ văn trong ít nhất 10 quyển sách bằng chữ Hán, Nôm, Pháp và quốc ngữ. Ông phản bác ý kiến cho rằng Tao Đàn Chiêu Anh Các không hề có di chỉ, chỉ là nhóm nhỏ tập họp đôi ba người yêu văn chương sinh hoạt tại một mái hiên trong dinh trấn thự Hà Tiên. Bằng những sử liệu và lập luận sắc bén, ông viết: “Thụ Đức Hiên tại đền Khổng Tử là Chiêu Anh Các. Sách “Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn Mạc thị Gia phả” của Võ Thế Dinh, tờ 4a chép: Ông (ý chỉ Mạc Thiên Tích) tính tình trung hậu lương thiện, dựng Chiêu Anh Các để thờ tiên thánh, cũng là nơi ban phát lễ vệ hậu hĩ, mời gọi các bậc tài giỏi đều cùng đến đây tụ họp. Theo đó, chỗ thờ Tiên thánh là đền Khổng Tử, nơi có Thụ Đức Hiên. Chính nơi này Mạc Thiên Tích viết lời tựa tập thơ Hà Tiên Thập Vịnh”. Bằng nhiều sử liệu qua so sánh từng chữ ở hàng chục cuốn sách, ông chứng minh Thụ Đức Hiên tại Đền Khổng Tử xưa qua bao biến cố nay chính là nơi tọa lạc chùa Phù Dung. Rất nhiều tư liệu từ xưa được ông sắp xếp mạch lạc, vẽ lên cho người đọc bức tranh toàn cảnh về Tao Đàn Chiêu Anh Các một thời dập dìu tao nhân mặc khách.
Hoàn toàn khác với văn phong hăng hái, trẻ trung, nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt gần như đứng không vững, phải có người dìu hoặc lần theo tường mỗi khi bước đi. Mái tóc bạc trắng, một bên tay ông hiện nay gần như không cử động được. Đó là hậu quả của một cơn tai biến mạch máu não cách đây mấy năm. Vậy mà, dù đã 72 tuổi, ông vẫn viết đều dù phải chậm rãi gõ từng chữ trên bàn phím máy tính với cánh tay còn cử động. Gặp ông, khi tôi nhắc đến chuyện Tao Đàn Chiêu Anh Các và những câu chuyện mà bản thân không biết là lịch sử hay huyền sử về đất Hà Tiên, ánh mắt và giọng nói của ông linh hoạt và khỏe khoắn hẳn lên. Chỉ trong một buổi chiều, tôi gần như đã được ông vẽ lại cho xem toàn bộ về đất và người của “Một cõi biên thùy, một cõi thơ”. Những gì ông nói đều được chứng minh cụ thể, có so sánh một số khác biệt so với sử sách. Đó cũng là điều đáng quý nhất ở một người dày công nghiên cứu và mạnh dạn công bố các kết quả khảo cứu, dù có đi ngược lại quan điểm hiện nay và những điều sách vở hay viết về Hà Tiên. Ông gọi đó là việc “đính chính” lịch sử – một công việc không hề dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh ông ở tận Hà Tiên xa xôi.
Thầy giáo - nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt bắt đầu công việc biên khảo từ câu hỏi mà nhà thơ Đông Hồ đã đặt ra trong bài viết “Hà Tiên Mạc Thị Sử” năm 1926 trên tạp chí Nam Phong: “Ngôi nhà Chiêu Anh Các ở đâu?”. Bởi vì hầu như không còn vết tích gì về di chỉ Tao Đàn Chiêu Anh Các – một trong các thi đàn được lập sớm nhất ở Miền Nam do Sùng quận công Mạc Thiên Tích khởi xướng vào đầu thế kỷ 18.
Sau nhiều năm cần mẫn đọc và đối chiếu rất nhiều sách, ông Trương Minh Đạt công bố bài viết “Khẳng định nền nhà Chiêu Anh Các xưa tại chùa Phù Dung hôm nay” với những tư liệu chứng minh đầy thuyết phục. Cũng vì bài viết này mà ông phải viết thêm bài trả lời những nghi ngờ của ông Nguyễn Quảng Tuân. Một cuộc “bút chiến” như vậy đã đưa không khí văn chương của thời xưa gần với hiện tại hơn. Ông cũng đã chờ sáu năm mới có được quyển sách “Nam hành ký đắc tập” của Phạm Nguyễn Du (1739-1787), để đính chính lại chi tiết: rất nhiều sách viết rằng Nguyễn Cư Trinh gởi thư “chê” thơ Mạc Thiên Tích khiến họ Mạc cảm thấy tự thẹn. Ông đã chứng minh bức thư này chính là viết cho con trai cả của Nguyễn Cư Trinh, lúc đó đang giữ chức Hiệp trấn Hà Tiên, tước hiệu Anh Đức Hầu, tên là Nguyễn Cư Dật. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt có được những phát hiện này nhờ ông đọc và đối chiếu 2-3 bản khác nhau của cùng một tựa sách. “Tạp chí Hán Nôm”, “Nghiên cứu lịch sử”, “Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn”… được ông lưu giữ cẩn thận, trật tự, đầy đủ đến mức có cả những số báo đầu tiên, thời các tạp chí này còn lưu hành nội bộ. Nhờ nguồn tư liệu quý và phong phú, nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã công bố nhiều bài viết quan trọng: “Phân giải điều ngộ nhận đáng tiếc về ngày sinh của Mạc Thiên Tích”, “Một trường hợp lộng giả thành chân trong nghiên cứu lịch sử”, “Vai trò lịch sử của Hà Tiên trong tiến trình mở đất phương Nam”, “Niên đại lịch sử trong sách Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả có thật đáng tin”, “Có chăng một viên tham tướng họ Mạc bị giết ở Cần Thơ”… tất cả đã được ông tập họp in thành sách “Nhận thức mới về đất Hà Tiên”, xuất bản năm 2001.
* * *
Tôi đến thăm nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt ngay lúc ông đang bàn luận với các giảng viên Trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh về cố thi sĩ Lư Khê – vốn là anh ruột của ông Trương Minh Đạt. Ông Lư Khê là một trong những nhà thơ, người làm công tác xuất bản thuộc thế hệ đầu tiên của miền Nam, bạn văn cùng thời với nhà thơ Đông Hồ (hai ông lấy bút danh là hai địa danh trong “Hà Tiên thập cảnh”), chồng của nữ sĩ nổi tiếng Manh Manh. Ông Trương Minh Đạt nói: “Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh em tôi có được nền tảng học vấn là nhờ hai cụ thân sinh đã không quản ngại cực khổ, cày sâu cuốc bẫm để anh em chúng tôi được đi học. Tôi chưa bao giờ quên những thân hữu, bạn bè ở Hà Tiên đã giúp đỡ chúng tôi trong những ngày khó khăn đó”. Có lẽ đó là lý do ông chọn công việc dạy học ở Hà Tiên sau khi hoàn thành việc học tại Sài Gòn. Cho dù hoàn cảnh đẩy đưa khiến ông bị chuyển đi Phan Rang, Phan Thiết, nhưng cuối cùng, vào vài năm trước giải phóng, ông lại trở về quê nhà và định cư đến nay.
Nhìn hai vợ chồng nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và nhà giáo – nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên cùng nhau đọc chung một quyển sách mới xuất bản của bạn văn, hình ảnh đẹp đó đã nói lên sự đồng điệu và hạnh phúc viên mãn của mối tình gần nửa thế kỷ. Cả hai ông bà đã trải qua những ngày tháng rất khó khăn để nuôi tám người con ăn học. Có lúc, cả gia đình làm nghề kéo xe nước ở miền biên giới Hà Tiên. “May mắn là các cháu đều ngoan ngoãn và hiếu thảo. Đó có lẽ là phước đức tổ tiên để lại”, ông Trương Minh Đạt mãn nguyện nói. Truyền thống gia đình họ Trương được giữ gìn, tiếp nối và phát triển: cả tám người con nay đều thành đạt, trong đó có đến bảy người tốt nghiệp Đại học, một người là thạc sĩ. Mơ ước lớn nhất còn lại hiện nay của vợ chồng ông là có thể xuất bản tập “Hà Tiên địa phương chí”. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nói: “Đó là tâm nguyện cuối đời của tôi. Nhưng chưa biết đến bao giờ mới có thể hoàn thành”.
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và vợ - nhà giáo, nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên. Bài, ảnh: Tường Vi