Trong kho từ vựng Hán Việt, từ có nghĩa nội hàm chỉ đôi lứa khá nhiều. Đôi lứa là sự cân xứng, hài hoà tốt đẹp của nam và nữ. Từ Hán Việt chỉ đôi lứa mà chúng tôi khảo sát dưới đây là những từ chỉ về sự đẹp đôi trong mối duyên hoà trai gái.
Đôi lứa thì phải cân xứng âm dương, có âm có dương mới thành đôi lứa. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa những từ chi đôi lứa là sự ghép đôi các tự (chữ) chỉ về chim trống và chim mái. Hay ít nhất cũng là những thứ thường xuyên gắn bó, kề cận bên nhau như cầm sắc, bạn loan, trúc mai… Hoặc cúng là sự gắn kết duyên nợ thường xuyên qua nhiều đời như Châu Trần, Tần Tấn…
Loại từ Hán Việt chỉ đôi lứa gồm những từ do ghép tên các loài chim là phổ biến nhất. Nó thường xuất hiện như những câu chúc tụng giai ngẫu cho mối duyên hoà đôi lứa, và được sử dụng quen thuộc như là thành ngữ. Chẳng hạn, khi đôi tân lang giai nhân mới cưới người ta hay chúc câu Loan phụng hoà minh (Chim loan, chim phượng cùng hót), Loan phụng hoa chúc (Đuốc hoa loan phượng, là ngọn đèn thấp trong đêm động phòng)… Hoặc khi chồng vợ chia ly thì người ta cũng dùng hình ảnh chia lìa của chim để nói, như Loan phiêu phụng bạc (Chim phượng chim loan tách rời tan tác), Bắc nhạn nam hồng (Ta thường dịch là Én bắc nhạn nam, thực ra hồng là con chim nhạn lớn [Hán Việt tự điển - Thiều chửu] )…
Loan phụng (phượng) thể hiện rõ nhất cho sự gắn bó, hài duyên đôi lứa. Loan là con chim phượng mái, thuộc âm nên chỉ chung cho con gái; phụng là con chim phượng trống, thuộc dương nên đại diện cho con trai. Loan phượng là hình ảnh biểu trưng cho sự hài hoà, cân xứng và đẹp đôi của trai và gái. Vì thế nên người ta mới dùng hình ảnh chim loan, chim phượng cùng hót (Loan phượng hoà minh) để chỉ cảnh xum vầy, hoà thuận và hạnh phúc của vợ chồng. Gần nghĩa với từ loan phượng ta thấy từ phượng hoàng cũng có nghĩa nội tại tương tự. Phượng là con chim phượng trống, hoàng là con chim phượng mái, có trống có mái là có cảnh ấm êm chồng vợ. Nhưng từ phượng hoàng chỉ dùng để nói về loài chim phượng nói chung, ít thấy đề cập đến hàm nghĩa chỉ đôi lứa. Uyên ương cũng là một từ hay dùng để chỉ sự vầy duyên trai gái. Nếu như loan phượng gặp nhiều trong thành ngữ và dân gian như Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan (Ca dao) thì uyên ương lại xuất hiện phổ biến trong văn chương.
Uyên ương thuộc loài chim nước, con trống gọi là uyên, con mái gọi là ương. Chúng đi đâu cũng có đôi có cặp, không khi nào rời nhau nên người xưa dùng hình ảnh uyên ương để ví với cảnh vợ chồng hoà mục. Yến oanh (anh) cũng là một từ chỉ đôi lứa khá phổ biến trong văn chương. Thực ra đây là hai loài chim khác giống, yến là chim yến, một giống chim nhỏ, oanh là chim hoàng oanh (vàng anh). Hai loài chim này có cùng đặc điểm nhỏ nhắn, hay lượn hót nên người ta hay dùng để chỉ cảnh vui vẻ, khoái lạc của gia đình: Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai (Truyện Kiều). Ngoài ra, cũng rất thú vị khi bắt gặp từ thư hùng trong kho từ Hán Việt. Thư là con chim mái, hùng là con chim trống. Nếu như những từ loan phượng, uyên ương có trống có mái để chỉ cảnh xum vầy hạnh phúc của gia đình thì từ thư hùng ở đây hoàn toàn trái ngược. Trống mái ở đây là sự được mất, thắng bại, tồn vong của hai thái cực khác nhau. Trận thư hùng là trận đấu sống mái, mất còn chứ không hề có sự dung hoà âm dương như các từ Hán Việt trên kia, mặc dù thư là mái còn hùng là trống!
Loại từ Hán Việt thứ hai chỉ về đôi lứa là sự gắn bó thường xuyên giữa các đồ vật. Chẳng hạn như các từ cầm sắt, trúc mai, bạn loan, giao loan… Cầm là đàn cầm, có bảy dây; sắt là đàn sắt, có hai mươi lăm dây; hai cây đàn này phải đi đôi với nhau thì cung điệu nhạc mới hay lên được. Nên người ta thường dùng từ này để chỉ về mối duyên hoà hảo hợp. Nguyễn Du rất tài hoa khi sử dụng từ này trong Truyện Kiều: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ. (Cầm sắt: tình cảm lứa đôi; cầm kỳ: đàn và cờ - tình bạn). Trúc mai cũng là một từ thường xuất hiện trong văn chương để chỉ về đôi lứa. Đây là từ ghép tên cây mai và cây trúc.
Bạn loan cũng thấy xuất hiên trong văn chương: Còn chờ bói phượng, chưa vầy bạn loan (Quan Âm Thị Kính). Bạn là bè bạn, bạn hữu; loan là keo của chim loan, một loại keo rất chắc, chặt không đứt, bứt không rời. Ở đây chỉ sự gắn bó keo sơn bền bĩ của vợ chồng. Tương tự từ bạn loan, giao loan cũng là từ chỉ sự kết nối tình duyên trai gái, nghĩa nội hàm của nó là nối lại tình duyên: Keo (giao) loan chấp mối tơ thừa mặc em (Truyện Kiều). Ngoài ra ta còn thấy xuất hiện từ Cầm loan. Cầm là đàn cầm, loan là keo của chim loan, khi đàn cầm đứt dây có thể dùng keo của chim loan nối lại, khi nối lại dây thì đàn vẫn y như lúc chưa đứt. Gương vỡ lại lành, cầm loan là từ biểu hiện sự tan vỡ gia đình nhưng lại chấp nối được và hạnh phúc lại đến với họ như xưa: Một dây bạc mệnh dứt cầm loan (Thơ cổ).
Từ Hán Việt chỉ đôi lứa có có dạng là sự kết thân với nhau quan nhiều thế hệ. Châu Trần và Tần Tần là hai trường hợp tiêu biểu nhất. Châu Trần là hai họ đời đời kết hôn với nhau (có sách viết là hai thôn). Từ này do câu: Châu Trần nhị tính, thế thế hôn nhân. Ở đây nêu lên hàm nghĩa sự kết đôi cân xứng giữa hai họ. Tấn Tần (Tần Tấn) là hai nước thời Chiến Quốc. Do quan hệ chính trị, hai nước này thường gả công chúa qua lại cho nhau. Vì vậy nên người ta hay nhắc đến điều này như là một điển cố dùng để chỉ mối duyên chồng vợ.
Như vậy, đa số các từ Hán Việt chỉ đôi lứa sự ghép đôi tên hai đối tượng có tính tương đồng. Hoặc con trống con mái của một loài chim, hoặc là sự xuất hiện liền kề thường xuyên của hai vật, hay là sự kết nối thông gia của hai nhà qua nhiều thế hệ. Nhìn chung, mỗi cặp từ là một đôi hoàn chỉnh vẹn vẻ cả ở nguyên nghĩa của nó lẫn nghĩa chỉ về lứa đôi đang dùng. Và những từ Hán Việt này đã trở nên quen thuộc từ lâu trong tiếng Việt, vì dù cho cả những người không có chút kiến thức Hán ngữ nào cũng dễ dàng nhận biết nó là những từ chỉ về đôi lứa.