Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
750
123.239.175
 
Vương vấn Đồng bằng
Bích Ngân

1.

Có những lúc thật khó chú tâm làm được việc gì. Cứ muốn đi đâu đó cốt để thoát khỏi cái không gian quen thuộc của thành phố lúc nào cũng ồn ĩ, khói, bụi và nắng. Nắng đến cháy da nếu không bịt kín mặt mũi chân tay. Nắng đến ngột ngạt. Nắng khiến nôn nao thèm một không gian trong lành có thể tháo khăn bịt mũi mà thoả thê hít thở. Nắng khiến tôi vội vã mua một chiếc vé xe tốc hành về Cần Thơ với ý định rủ Hồng Hạnh, một đồng nghiệp, một đứa em thân thiết, cùng đi tìm… gió đồng bằng.

 

Biết được ý định của tôi, Hạnh hào hứng: “ Mình đi Long Xuyên bằng… Honda đi, chị!”. Hạnh không biết đi xe, tôi lại chưa tự lái xe trên đoạn đường dài như thế, nhưng nhìn vẻ mặt hào hứng của Hạnh, tôi cũng đâm phấn chấn: “Ừ, đi thì đi!”

 

Sau khi ăn sáng, uống cà-phê, rề rà nhìn ngắm phố xá, lúc chị em tôi ra khỏi thành phố Cần Thơ, đã hơn chín giờ. Nắng mênh mang. Nắng vàng như mật loãng. Thứ nắng ngòn ngọt, âm ấm. Hạnh vốn không lúc nào chịu đội nón, cứ để mái tóc ngắn tung bay trong gió. Còn tôi cũng để chiếc nón nằm im trong túi, không bịt mặt, không găng tay, chỉ mang cặp kính đen.

 

Điều khiển chiếc Future chạy trên 40 km/h, tôi không thể gỡ bỏ cặp kính, dù thấy ấm ức vì cái màu tôi tối vướng víu tầm mắt. Có lẽ Hạnh cũng có cảm giác như tôi nên qua kính chiếu hậu, chốc chốc tôi thấy Hạnh gỡ mắt kính ra, nhìn cánh đồng lênh bênh nước trải dài theo quốc lộ. Hạnh đưa tay chỉ về phía đám cây trổ bông vàng lao xao ở xa xa, nói: “Ít có loại bông nào mong manh, dẻo dai và thân thuộc với người dân vùng lũ bằng bông điên điển”, rồi Hạnh chợt hỏi: “Bao lâu rồi chị chưa được nhìn thấy chúng?”. Tôi cho xe chạy chầm chậm: “Thấy bông còn trên cây trên cành như thế này thì lâu lắm rồi, còn bông điên điển bây giờ ở đâu cũng có bán. Bông điên điển còn có mặt trong nhiều siêu thị của thành phố, cái gì ở đồng bằng có là thành phố có!”. Hạnh cười cười: “Có những cái đồng bằng có mà Thành phố không thể có, tỷ như cái gió như  thế này!”

 

Gió phóng khoáng, gió mát lành, gió mang hơi thở khoẻ khoắn của đất, của nước, của cây, của cỏ, của những giề lục bình trổ bông tim tím, của những bụi bông súng trắng rưng rưng, của đám bông điên điển vàng hơn nắng… Gió đồng bằng, cái gió không riết róng như ở biển, cũng không se sắt như ở vùng cao. Gió đồng bằng, thứ gió mênh mang mà đằm thắm, mà tiếc nuối ngẩn ngơ khi ta bỏ mất cơ hội được tiếp xúc, được tắm gội trong cái hơi thở nồng nàn ấy. Có lẽ cũng cùng cái cảm giác như  tôi, Hạnh vỗ vỗ vào hông tôi: “Mình dừng lại bên đường một chút đi, chị!”

Dừng bên đường tức là ghé vào một quán nước bên đường. Gọi là “quán” nhưng thực ra đó là một ngôi nhà ba gian rộng rãi, nằm trên một miếng vườn trồng ổi trồng xoài, trồng chuối và có một cái quầy bán nước uống. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân trồng toàn cây trứng cá, chỉ cần có một ngọn gió lùa là trái trứng cá lợt đợt rơi khắp mặt sân. Giữa những cây trứng cá là những chiếc võng mắc ngang mắc dọc dành cho khách ngả lưng khi vào uống nước. Hạnh chọn một chiếc võng, tôi cũng một chiếc; hai chiếc võng nằm cạnh nhau. Nước dừa xiêm ngọt lịm, mát rượi tọt qua cổ họng thấm vào ruột gan, ngước mắt nhìn bầu trời xanh qua kẽ lá, thấy lòng chùng xuống, chùng xuống… chạm mặt đất thấm đẫm mồ hôi của cư dân xứ sở. Hạnh lên tiếng: “Nhiều lúc không ai chở thì em thuê một chiếc xe lôi máy, đi như thế tha hồ hít thở hơi hám đồng bằng!”

 

Cái thời buổi một bước là có xe hơi máy lạnh mà có kẻ tự nguyện “đày” mình như thế xem ra cũng là chuyện lạ. Tuy nhiên, với Hạnh, cái “sự lạ” ấy có sợi dây ràng rịt suốt gần hai mươi năm làm báo ở đồng bằng. Hạnh là một nhà báo nữ hiếm hoi không chỉ của đồng bằng. Một năm 365 ngày thì Hạnh chỉ ở nhà với chồng với con ở con số lẻ. Rừng U minh cháy, có Hạnh. Tôm Năm Căn chết, có Hạnh. Muối Bạc Liêu mất mùa, có Hạnh. Mùa nước lũ tràn về, Hạnh như con thoi, khi Mộc Hoá, khi Tân Châu… Hạnh không chỉ bám sát các sự kiện thời sự mà còn hiểu khá rõ đất đai và con người đồng bằng với sự đổi thay không ngừng của nó. Hạnh gắn bó với vùng đất ấy không chỉ bằng trách nhiệm nghề nghiệp mà còn bằng cái khao khát âm thầm muốn bù đắp phần nào cái mặc cảm của đứa con xa xứ. Sinh trưởng ở cố đô Huế nhưng đã lâu rồi Hạnh không còn nói giọng Huế và như Hạnh nói dù muốn nói cũng không được nữa rồi. Hạnh bảo, chính mẹ chồng Hạnh, một người phụ nữ Nam bộ chịu thương chịu khó đã giúp Hạnh xóa dần cái khoảng cách vời vợi của đứa con rời xa nơi chôn nhau cắt rún.

 

Hạnh không nằm đu đưa trên võng nữa mà ngồi bật dậy, chỉ cho tôi thấy  buồng chuối sai quả đeo quằn cả bụi chuối nằm cách đầu võng độ năm bước chân, nói: “Mẹ chồng em thường nói, cây chuối cũng có tình mẫu tử”. Hạnh bảo tôi thử để ý xem, cây chuối không bao giờ trổ buồng vào hướng có những mụt chuối con đang đâm chồi. Có lẽ  vì vậy mà mẹ chồng Hạnh không bao giờ cho các con mình đốn chuối vào ban ngày. Bà căn dặn, đợi đến tối hãy đốn, để cho cây chuối được sống thêm một ngày, được thêm một ngày hứng nắng, hứng gió…

Tôi và Hạnh lại lên xe. Hạnh xiết eo tôi một cái, nói: “Chạy chậm chậm đi, chị!”. Tôi giảm tốc độ,  hít thở thoả thê ngọn gió đồng bằng.

 

2.                  

Sau gần ba giờ đồng hồ rong ruổi trên chiếc xe gắn máy đi vừa ngắm nhìn cảnh vật và nằm đu đưa kẽo kẹt trên chiếc võng mắc tòn ten dưới vườn cây ven đường, tôi và Hạnh đến thị xã Long Xuyên trong cái nắng như đổ lửa. Chị em tôi chọn một phòng nghỉ tại khách sạn Đông Xuyên.

 

Trời đột ngột đổ mưa, lất phất rồi rào rạt. Hạnh ngồi bật dậy, mở tung cửa sổ, rạng rỡ như một thiếu nữ được yêu: “Mưa lớn lắm, chị lại đây xem, vô số bong bóng dưới mặt đường kìa!”

 

Những chiếc bong bóng phập phồng như hơi thở thường gợi những ký ức đẹp và buồn. Tuổi thơ Hạnh và tôi, người ở đất Thần kinh, người ở mỏm đất tận cùng đất nước nhưng lại gặp nhau ở những khoảnh khắc dầm mưa, mê mải chạy theo những chiếc bong bóng, nâng nó trong lòng tay và tiu nghỉu khi nó vụt biến mất. Và rồi những khoảnh khắc chơi vơi ấy lại ám ảnh, thứ ám ảnh phập phồng, tức ngực. Hạnh rời cửa sổ, lấy khăn lau nước mưa trên tóc, trên mặt. Chợt Hạnh thốt ra lời: “Mưa là trời đất đèo bòng lẫn nhau…”. Tôi ngạc nhiên. Hạnh cũng còn nhớ thơ và lại là thơ của thi sĩ họ Bùi. Lâu nay tôi cứ tưởng Hạnh chỉ mê văn chương của những bậc hiền nhân như Phi Vân, Phúc Vân, Bình Nguyên Lộc… và đọc  các loại sách khảo cứu  ăm ắp những cứ liệu khoa học về con người, về vùng đất Nam bộ và đặc biệt là về đồng bằng sông Cửu long. Hạnh đọc, dè dặt, kỹ lưỡng, cái kiểu đọc không chỉ để thưởng thức mà cái chính là tìm hiểu, khám phá để viết hay hơn, sâu hơn về một vùng văn hoá còn bao bọc bởi một lớp u minh. Tuy dân miền Tây chính gốc nhưng so với Hạnh, cái vốn sống của xứ sở trong tôi quả là nghèo. 

 

Với Hạnh, sự giàu có không chỉ là cái vốn sống gom nhặt được từ những chuyến đi thực tế triền miên của một nhà báo lúc nào cũng cảm thấy mắc nợ với cả cọng rau con cá của đồng bằng. Tài sản ấy còn là sự gặp gỡ và cảm nhận được từ cái tâm cái hồn của những con người chết sống với tâm nguyện phải làm được cái gì đó có ích cho xứ sở vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi hậu quả chiến tranh, bởi thiên tai, bởi sự thiếu hụt về chiến lược đầu tư trí tuệ… Thầy Xuân (GS-TS. Võ Tòng Xuân) là một trong những người bạn lớn của Hạnh. Hạnh bảo, những khi sức ép công việc đè lên vai hay những bức xúc ray rứt chất chứa trong lòng chỉ cần được trao đổi trò chuyện với thầy Xuân, cảm thấy như trút đi gánh nặng và được tiếp thêm nghị lực.

 

Dứt mưa, sau khi đi loanh quanh vài con phố vừa ráo nước, chị em tôi tới nhà thầy Xuân. Thầy vừa từ trường đại học An Giang về. Trông vẻ mặt hiền lành của thầy tràn hạnh phúc, thứ hạnh phúc của một người luôn dồn tâm lực cho công việc và thấy được hiệu quả từ niềm say mê ấy. Thầy đến bên người vợ đang ngồi trên xe lăn (cô Lệ đang hồi phục sau cơn nhũn não) hỏi cô có nhận ra chúng tôi không. Không rõ có nhận ra khách không nhưng cô vẫn gật đầu rồi ngước nhìn thầy, cái nhìn thật âu yếm, thật nồng nàn. Nhìn ánh mắt ấy, tôi cảm nhận được giữa thầy và cô có một tình yêu lớn lao, tình yêu giúp cô và thầy vượt qua bao trở lực, tình yêu tiếp nguồn sáng tạo không mệt mỏi nơi thầy.

 

Thầy Xuân đưa cô Lệ ra phòng khách, khoe với chị em tôi về những dấu hiệu phục hồi sức khỏe của người vợ yêu và nhắc lại kỷ niệm thời trẻ giữa hai người. Thầy giữ chị em tôi ở lại ăn cơm “có thịt bò thầy mua ở Nhật”.

 

Bữa ăn quây quần dưới mái hiên và lộp độp tiếng mưa rơi. Thịt bò nướng, rượu Bordeaux loại 200ml, có lẽ là những chai rượu thầy không uống trong những chuyến bay công cán thường xuyên và rau sống, rất nhiều loại rau sống, nào cà chua, cà phổi, đậu bắp, chuối chát, cải xanh… Khi cuốn rau, thầy chợt nói: “Bà con nông dân mình, chỉ cần trước sân hoặc sau hè mỗi nhà chịu trồng một liếp rau, mấy bụi chuối, mấy cây cà, mấy cây đậu là con cái họ không sợ suy dinh dưỡng”.

 

Thầy Xuân là vậy đó. Ngay trong bữa ăn ấm áp của của gia đình, thầy vẫn không quên cái ăn cái ở của những người tay lấm chân bùn. Ở đâu, lúc nào, thầy cũng luôn dốc tâm lực để biến cái sự lo nghĩ ấy thành công việc cụ thể, thiết thực, trước mắt và lâu dài. Câu chuyện trong bữa ăn giữa thầy Xuân với chúng tôi lại chuyển hẳn sang đề tài mà ông luôn trăn trở là không chỉ góp phần làm tăng sản lượng lúa gạo cho người nông dân mà còn là lợi tức, và muốn tăng lợi tức cho nông dân nhất thiết phải “đô thị hóa nông thôn” theo một hướng mới. Và cách mới mà thầy theo đuổi và dồn sức thực hiện, trước nhất ở trường đại học An Giang (nơi thầy đang giữ cương vị hiệu trưởng) là đào tạo lớp thanh niên “hai trong một”-lớp thanh niên “nông thôn-thành thị”; họ sẽ là những nhà quản trị thực thụ biết bàn bạc tính toán cùng nhau trồng cây gì, nuôi con gì, xuất đi đâu…

 

Nghe thầy Xuân nói và nhìn ngọn lửa tâm huyết nơi mắt thầy, tôi biết Hạnh, tôi và nhiều thế hệ sinh viên đã tìm thấy một điểm tựa tinh thần; điểm tựa vững chãi ở nhân cách, ở tài năng của một trí thức lớn.

 

Trời vẫn chưa dứt mưa. Tôi và Hạnh cùng nhìn ra mặt sân. Có những chiếc bong bóng chưa kịp phập phồng đã vội tan đi, không lưu lại một dấu vết.

 

Tôi thoáng rùng mình. Cuộc đời hữu hạn của con người cũng mong manh, mong manh  như những chiếc bong bóng kia. Và càng mong manh hơn, ngắn ngủi hơn khi ta không đau khổ, yêu thương và dâng tặng.

Bích Ngân
Số lần đọc: 2865
Ngày đăng: 01.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hư ảo rồi tan... - Nguyễn Ngọc Tư
Mùa xuân Chiêu Anh Các - Hà văn Thùy
Buổi chiều đầu năm với nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Huỳnh Lê Nhật Tấn
Chuyện khảo về Huế-phần 3 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện khảo về Huế-phần 4 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện khảo về Huế-phần 5 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện Khảo Về Huế-phần 1 - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyện Khảo Về Huế-phần 2 - Trần Kiêm Ðoàn
Cô đơn thời hiện đại - Nguyễn Thị Thu Hiền
Một nơi tôi đã đến - Trinh Công Sơn
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)