Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.157.273
 
Nhớ hai nữ sĩ họ Đoàn
Phan Hoàng

Nếu như việc Đoàn Thị Điểm dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra Quốc âm đã được bàn luận nhiều thì chuyện gia thế, nhất là bi kịch hôn nhân của nữ sĩ ít người biết đến. Và nếu như danh tính Đoàn Thị Điểm từ lâu đã được sử sách nhắc đến nhiều thì còn một nữ sĩ họ Đoàn khác tài hoa không kém nhưng ít được đề cập tới, dù bà đã được công nhận là một trong những danh nhân Hà Nội. Đó là nữ sĩ Đoàn Lệnh Khương.

 

Từ cầu hôn đến… bắt cóc!

 

Đoàn Thị Điểm (1705-1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh quán ở Hưng Yên. Gia thế bà vốn họ Lê, tổ phụ là Lê Công Nẫm, một quan võ của nhà Lê, được ban tước Thiêm Hòa tử. Cháu nội của Lê Công Nẫm là Lê Doãn Nghi thi đỗ Hương cống nhưng thi Hội bị rớt nên đi dạy học, nhân nằm mộng thấy có “thần nhân” bảo đổi sang họ Đoàn thì sẽ vinh hoa phú quý, ông đã làm theo, thành Đoàn Doãn Nghi. Đó chính là thân phụ của Đoàn Thị Điểm.

 

Đoàn Doãn Nghi vốn đã có vợ, khi trọ học ở phường Hà Khẩu của Thăng Long đã yêu thương và kết hôn lần thứ hai với một cô gái họ Vũ- con của một võ quan cao cấp. Họ đã sinh hạ được hai con, một trai một gái: Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm.

 

Sớm nổi tiếng là cô gái tài sắc, nên khi lớn lên Đoàn Thị Điểm được nhiều người đến cầu hôn, trong đó có nhiều bậc danh sĩ đương thời như các tiến sĩ Nhữ Đình Toản, Nguyễn Công Thể.v.v. đều là quan đầu triều Lê Trịnh. Tuy nhiên, Đoàn Thị Điểm đều từ chối. Từ năm 16 tuổi, tiếng đồn về tài sắc của Đoàn Thị Điểm đã đến tai quan Thượng thư Lê Anh Tuấn (cũng là thầy học của cha bà- Đoàn Doãn Nghi), nên quan thượng nhận bà làm con nuôi và dự định tiến cử bà vào phủ chúa Trịnh, nhưng bà cũng từ chối, bỏ Thăng Long xuống Hải Phòng theo cha dạy học. Sách “Đoàn thị thực lục” chép rằng, Đoàn Thị Điểm thường mang theo bên mình cái túi vải quý trên đó có thêu rất đẹp hai câu thơ của thi hào Lý Bạch:

 

“Đãn sử chủ nhân năng tuý khách

Bất tri hà xứ thị tha hương”

 

Có nghĩa: miễn được chủ nhân hay đãi rượu cho khách, thì chẳng nơi đâu là chốn tha hương.

Đó là không chỉ là khẩu khí mà còn biểu hiện cho tính cách của một phụ nữ dám vượt qua mọi trói buộc “cương thường” bất công của xã hội đương thời.

 

Trong vòng 6 năm, Đoàn Thị Điểm phải hứng chịu hai cái tang: cha mất năm 1729 và anh ruột là Đoàn Doãn Luân mất năm 1735. Bà phải về Hưng Yên làm nghề bốc thuốc giúp chị dâu nuôi hai cháu nhỏ là Đoàn Doãn Y và Đoàn Lệnh Khương. Ở độ tuổi hai mươi xuân sắc, Đoàn Thị Điểm lại buộc phải liên tục “đón” nhiều đấng nam nhi đến cầu hôn, đàng hoàng có, mà mưu đồ đen tối cũng có: ấy là khi bà phải đối phó với bọn gia nhân của cậu ruột hai chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh đến tận nhà dự định “bắt cóc” bà.v.v. Nhằm tránh phiền phức, Đoàn Thị Điểm nhận lời vào cung của một bà phi làm gia sư dạy học. Sau đó, bà từ chức gia sư, mang gia đình đến làng Chương Dương (Hà Tây) bên bờ sông Hồng tự mở trường dạy học, mà trong số học trò của bà có người đã đỗ đạt cao, tiêu biểu là Đào Duy Doãn đỗ Tiến sĩ năm 1763. Hồng Hà nữ sĩ đã đánh một dấu son trong nền giáo dục của dân tộc: lần đầu tiên lịch sử có một phụ nữ mở trường dạy học!

 

Mối tình Đoàn Thị Điểm- Nguyễn Kiều

 

Nguyễn Kiều (1695-1771) hiệu là Hạo Nhiên, người Thăng Long, nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, đỗ Giải nguyên năm 18 tuổi ngay trong lần đầu đi thi, đến năm 21 tuổi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan trấn nhậm ở Tuyên Quang và Nghệ An. Từ năm 1742-1745, Nguyễn Kiều còn được cử làm Chánh sứ sang triều cống nhà Thanh. Ông là tác giả tập thơ “Hạo Hiên thi tập” và là đồng tác giả bộ “Sứ Hoa tùng vịnh”- tập thơ xướng họa cùng Phó sứ Nguyễn Tông Quai khi sang phương Bắc.

 

Thời điểm Nguyễn Kiều chuẩn bị đi sứ thì cũng là lúc Đoàn Thị Điểm đang dạy học ở Chương Dương. Do địa điểm này ở gần kinh thành Thăng Long nên nhiều bậc nam nhi tài trí hâm mộ Hồng Hà nữ sĩ cũng đã tìm cách đến làm quen, cầu hôn. Tiến sĩ Nguyễn Kiều là một trong số ấy. Ông vốn có người vợ đầu tiên là con gái của quan đại thần Lê Anh Tuấn, bị mất sớm, nên ông cưới người vợ thứ hai là con gái quan đại thần Nguyễn Quý Đức, nhưng bà này cũng mệnh bạc qua đời. Trước khi đi sứ phương Bắc, Nguyễn Kiều nhờ người mai mối đến “đặt vấn đề” với bà Đoàn Thị Điểm. Dù nữ sĩ không đồng ý, nhưng ông vẫn kiên trì giữ mối quan hệ, rồi một này đích thân viết thư chính thức cầu hôn nữ sĩ với lời lẽ thống thiết, “đánh” vào tâm lý tình cảm chị em của bà với người vợ đầu tiên của ông (con gái quan Thượng thư Lê Anh Tuấn- cha nuôi Đoàn Thị Điểm). Thư có đoạn: “Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày lên đường. Việc nhà không ai coi sóc và cai quản, tôi nghĩ rằng phu nhân cùng nội trợ tôi xưa có tình chị em, có phận keo sơn. Nếu phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thực là may cho cả nhà tôi đó”.

 

Trước tấm chân tình của Nguyễn Kiều, một phần có lẽ cũng vì quan hệ chị em với người chị nuôi, mà cuối cùng Đoàn Thị Điểm đã chấp nhận. Đó là năm 1742, lúc này nữ sĩ đã 37 tuổi. Đám cưới diễn ra tại kinh thành Thăng Long. Ai ân ấm nồng mới hơn một tháng, Chánh sứ Nguyễn Kiều phải chia tay người vợ tài sắc để lên đường đi sứ phương Bắc. Mãi ba năm sau nữ sĩ mới đón đức lang quân trở về. Trong thời gian “phòng không lẻ bóng” ấy, Đoàn Thị Điểm vừa thay mặt chồng quán xuyến việc nhà, vừa tận lực dịch tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra Quốc âm. Nỗi lòng của Hồng Hà nữ sĩ đợi chồng như hòa quyện nỗi đau của nàng “chinh phụ”:

 

“Quân đưa chàng duổi lên đường

Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng”…

“Nỡ nào đôi lứa thiếu niên

Quan san để cách hàn huyên sao đành”

 

Đợi ba năm chồng đi sứ về. Hương nồng lửa đượm được ba năm nữa thì Nguyễn Kiều nhận lệnh triều đình vào Nghệ An làm Đốc đồng, Đoàn Thị Điểm cũng theo chồng xuôi sông Nhị rời Thăng Long. Tuy nhiên, chẳng may trên đường đi bà đã lâm trọng bệnh, rồi qua đời vào ngày 11-9 (Am lịch) năm 1748, thọ 44 tuổi. Nguyễn Kiều đưa người vợ tài sắc của mình về làng Phú Xá, Thăng Long an táng song song với hai người vợ trước và sống như vậy cho tới cuối đời.

Ngoài việc dịch “Chinh phụ ngâm” thì Đoàn Thị Điểm còn một số thơ văn viết bằng Hán văn mà đa số bị lưu lạc. Đặc biệt, theo Phan Huy Chú, bà còn là tác giả của “Tục truyền kỳ” còn gọi là “Truyền kỳ tân phả” gồm 6 truyện: Bích Câu kỳ ngộ, Hải Khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, Hoành sơn tiên cục, An Ap liệt nữ, Yến anh đối thoại và Mai Huyễn, mà trong bài văn tế vợ của Nguyễn Kiều có nói đến:

 

Làm tỏ chuyện Chế Thắng xưa (Hải Khẩu linh từ)

Nêu cao danh trinh liệt mới (An Ap liệt nữ)

Ngụ đấu tiên trong Vân Cát thần nữ

Thuận tình nhà trong Đối thoại Yến anh

 

Nữ học sư Đoàn Lệnh Khương

 

Đoàn Lệnh Khương (1726-1800) chính là cháu ruột và là học trò của Đoàn Thị Điểm. Cha của Hồng Hà nữ sĩ là ông

Ông Đoàn Doãn Luân đỗ đầu xứ Kinh Bắc, nối nghiệp cha xa chốn quan trường sống bằng nghề dạy học, chẳng may qua đời sớm khi mới 30 tuổi, để lại hai đứa con nhỏ được Đoàn Thị Điểm bảo bọc nuôi dạy khôn lớn. Đoàn Lệnh Khương thông minh hiếu học lại được cô chỉ dạy chu đáo nên sớm bộc lộ tài năng văn chương ứng đối. Nghe tiếng Đoàn Lệnh Khương, có một cung phi muốn tiến cử cô gái họ Đoàn vào cung làm vợ hoàng tử Duy Kỳ (tức vua Lê Cảnh Hưng sau này), nhưng cô một mực từ chối, chỉ muốn nối gót tổ phụ làm nghề dạy học.

 

Chẳng những từ chối việc tiến cung mà Đoàn Lệnh Khương còn từ chối nhiều mối mai với các đấng mày râu khác. Tuy nhiên cuối cùng, gần giống như số phận của người cô ruột Đoàn Thị Điểm, năm 31 tuổi Đoàn Lệnh Khương đã chấp nhận mối tình với nho quan Nguyễn Xuân Huy. Về làm vợ kế cho viên Đốc đồng trấn Sơn Nam chưa tròn bảy năm thì chồng bị bạo bệnh qua đời, khi trước đó vài ngày người con riêng của ông Nguyễn Xuân Huy cũng bệnh mất. Đoàn Lệnh Khương đau xót khôn nguôi và đã viết đôi câu đối khóc phu quân:

 

“Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử

Mộng trung đối thoại, thùy vị thiếp vô phu”

(Dưới suối vàng vui vầy, biết chàng có con

Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng)

 

Sau đó, Đoàn Lệnh Khương về Thăng Long nối gót người cô Đoàn Thị Điểm mở trường dạy học ngay tại làng mà ngày xưa ông bà nội của cô đã sống với nhau ở phường Hà Khẩu, nằm trong khu vực phố Hàng Buồm ngày nay. Nghe tiếng Đoàn Lệnh Khương, học trò từ các nơi về học rất đông, nhiều người đỗ đạt. Đương thời, bà được nhân dân kinh thành Thăng Long yêu mến, trân trọng gọi là Nữ học sư.

 

Năm 2006 này kỷ niệm 280 năm ngày sinh của Đoàn Lệnh Khương. Mới đây, trong công trình khoa học “Danh nhân Hà Nội” do Giáo sư Vũ Khiêu chủ biên đã xem Nữ học sư Đoàn Lệnh Khương là một trong những nhà giáo dục nổi tiếng nhất của Thăng Long từ thời dựng nước đến thế kỷ XIX, bên cạnh các danh nhân Chu Văn An, Lương Thế Vinh, Nguyễn Văn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý... Tấm gương của hai nữ sĩ họ Đoàn đáng để con cháu muôn đời học tập!

Phan Hoàng
Số lần đọc: 4368
Ngày đăng: 02.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gã giang hồ lương thiện - Võ Ðắc Danh
Đi tìm muà len trâu - Võ Ðắc Danh
Làng Dơi ở Đồng Tháp Mười - Bùi Văn Bồng
Những Đứa Trẻ Bị Ruồng Bỏ - Nguyễn Nguyên An
Họa sĩ CHÓE - HÍ HỌA, VAI HỀ ở SÂN KHẤU BI KỊCH - Trần Hữu Dũng
Tháng sáu trời mưa - Triệu Xuân
Kỷ niệm một chuyến đi - Nắng Xuân
Nhà văn Vũ Bão như tôi biết - Nguyễn Thị Thu Hiền
Khám lớn Sài gòn và cuộc giảI thoát “PHAN XÍCH LONG HOÀNG ĐẾ” - Phan Hoàng
Về trong nỗi nhớ… - Đinh Thị Như Thuý
Cùng một tác giả