Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
783
123.239.269
 
Buổi chiều của Họa Mi
Ngô Thị Hạnh

Trong căn phòng nhỏ và tĩnh lặng, chỉ còn Họa Mi và cái quạt trần quay tít. Gió, không phải gió từ phía sông, làm mái tóc đen nhánh của Họa Mi chạm vào đôi vai trần. Họa Mi giật mình: “Ô hay, tóc vẫn còn là tóc của mình ư?”.

 

Họa Mi nhớ cách đây không lâu mình đã quyết định cho anh mái tóc này rồi thì phải. Mi lắc lắc cái đầu, sao giờ nó còn nằm ở đây? Cô đưa tay vuốt tóc và định lại tinh thần. Bàn tay bé nhỏ ấy cảm nhận được độ mềm của tóc. Bất chợt Họa Mi hoảng hốt, đôi tay này lẽ ra phải đang ở nhà để giúp mẹ. Trong cái quán tạp hóa nhỏ bé ấy, đôi tay cô làm lụng không ngớt, nào quét sàn nhà, nào lấy đồ cho khách, nào sắp xếp lại rau quả cho ngay ngắn… Rồi Họa Mi còn phải ghi lại những món đồ mà mẹ đã bán hết, để ngày mai mẹ đi chợ mua đồ khỏi quên. Đôi tay bé nhỏ ấy còn nấu cơm, nấu canh cho ba mẹ, và hai em. Phải rồi, Họa Mi tiếc nuối kêu lên! Cô đã hứa với cô em út rằng cô sẽ đan cho em cái túi len có hình chú mèo dễ thương ngộ nghĩnh. Cái túi ấy vẫn ở đâu đấy trong không khí vì cô chưa đan. Vậy thì tại sao đôi tay của mình còn ở đây? Họa Mi cảm thấy bất bình với chính mình. Ôi, những lời hứa và sự thật! Mình có còn là mình như mình vẫn nghĩ hay không? Bất chợt Họa Mi lại nghĩ: có lúc nào mình được nghỉ ngơi đâu. Không, đó không phải là lí do, đó là một lời biện hộ. Họa Mi bất chợt nhảy xuống đất. Chiếc giường kêu lanh chanh như nước đá vỡ.

 

Họa Mi xỏ đôi chân trần nhỏ bé vào đôi dép để dưới giường.

- Bàn chân, sao nó còn ở đây?

Cô thốt lên trong hậm hực. Sao vậy, hôm qua khi điện thoại cho anh, mình đã hứa hôm nay sẽ cùng anh đi dạo kia mà? Trời ơi, chắc là anh giận lắm khi chờ mãi mà không thấy mình đến. Anh yêu, hãy tha lỗi cho em nếu em có làm anh đợi. Họa Mi cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Có lẽ anh đang nhìn đồng hồ.

 

Nơi hẹn của hai đứa thương là nơi vắng người, đặc biệt là vào những buổi chiều. Ở đấy có những chiếc lá ngày đêm reo hát. Tiếng hát du dương, hồn nhiên đến không yêu không được, như tuổi mới lớn vừa biết mộng mơ vậy. Những cô gái ấy, xinh xắn đến không thể không yêu. Họa Mi yêu những âm thanh ấy, thứ âm thanh của hồn nhiên và rộng mở. Thế nhưng, không phải không có lúc thứ âm thanh ấy đã làm cho Họa Mi khó chịu. Những giai điệu lập lại, điều đáng ghét vô cùng của nghệ thuật. Hai cái áo có thể giống nhau nhưng hai bài hát thì không thể được. Gió ngày hôm qua khác, hôm này khác, làm sao mà có thể có chuyện những giai điệu giống nhau! Hay là do người trồng cây, hàng ngày họ tưới nước và bón phân cho cây với một lượng bằng nhau. Tầm phào, không thể có sự cân đo đong đếm ở đây! Chẳng lẽ trong tình yêu, cho bao nhiêu thì chỉ được nhận bấy nhiêu, còn mọi sự hơn thua và ngạc nhiên trên đời này không còn nữa.

 

Mi cuống cuồng thay đồ, có lẽ giờ này anh đang đợi. Mấy giờ? Cô lục đồng hồ trong giỏ xách. Bàn tay cô bỗng chạm phải một xấp bản thảo. Sao thế này? Họa Mi bồn chồn nhìn xấp bản thảo: mình đã hẹn ngày mai phải đem thành phẩm đến cơ quan. Sao mình lại chưa nhập dữ liệu nhỉ? Bản thảo chi chít những dấu vết gạch xoá. Biết làm sao bây giờ? Và Mi đã quên mất mình đang tìm đồng hồ. Cô ngồi vào bàn và khởi động máy.

 

Những tiếng lạch cạch của bàn phím vang lên. Những tiếng lạch cách của bàn phím – cái âm thanh ấy vọng lên bốn bức tường vuông vắn màu xanh nhạt. Trên tường có treo tranh của Van Gogh. Và Van Gogh nhìn cô mỉm cười. “Cô đang làm gì vậy? Bỏ quên một cuộc hẹn để làm nô lệ cho công việc ư? Trong công việc ấy cố có nhìn thấy niềm vui?” Rồi hoạ sĩ nghĩ: “ta đã từng làm nô lệ trung thành cho nghệ thuật nhưng cuối cùng ta cũng chẳng làm gì được cho chính ta và Theo. Theo – em trai ta có một đứa con trai khau khỉnh và ngộ nghĩnh. Còn con của ta? Những đứa con mang màu vàng chanh mà cả thế giới đã tôn thờ, chúng chẳng làm được gì cho ta khi ta con sống. Mà con người chỉ có thể được hưởng thụ khi còn thở. Còn khi chết đi rồi, ta không được hưởng thụ gì cả ngoài việc có thể tự hào cho những đứa con của mình đã được chu du khắp thế gian này. Âu cũng là điều tốt. Nhưng lúc nào ta cũng phải làm lại từ đầu, như một đứa bé bắt đầu với cục đất trong tay vậy. Đôi khi cũng biết mỏi, nhưng lòng hăng say của cậu bé thì có cũ bao giờ. Còn cô gái kia, cô có còn cái lòng hai say của một cậu bé. Ôi, cô làm việc mà trông cô kinh kiếp quá! Cứ như thể là cô đang đày đọa bản thân cô. Sao, con người không còn nhận thức được rằng mục đích của làm việc là để tìm đến sự rảnh rỗi hay sao? Mà biết làm sao được. Con người vốn dĩ mang nhiều sai lầm. Ta thông cảm cho tất cả và thông cảm cả cho ta.

 

Thôi thì con người cứ chìm đắm trong cái sự tìm kiếm của mình. Dù không tìm thấy gì nhưng cứ đi tìm đã là điều hạnh phúc.”

 

Van Gogh mỉm cười một cái cười độ lượng khi Họa Mi buông bàn phím. Cô thở dốc và đặt một tay lên ngực mình. Cô biết trái tim mình đang đập mạnh.

- Sao những con chữ lại rời rạc thế này? Nó vô hồn. Mà đã là thứ vô hồn thì không thể nào chịu nổi.

 

Họa Mi tự vấn lại mình trong một nỗi lo sợ mơ hồ và bứt rứt. Làm sao có thể như thế được? Lúc viết những dòng trên tờ bản thảo này mình đã có rất nhiều cảm xúc. Cô không thể chịu đựng được khi cô biết mình làm việc chỉ là để cho xong chuyện. Con người, không phải là cái máy. Huống hồ đây lại là công việc đem lại niềm vui tinh thần cho con người. Vậy thì sao? Mình là kẻ… mình là người…

 

Họa Mi lại thở dốc một lần nữa. Thế rồi, cô bấm ctrl + A rồi delte.

Họa Mi buông mình xuống cái giường sắt, cái giường lại kêu những tiếng cót két, kì dị mà nghe như tiếng võng của mẹ. Họa Mi muốn tâm tư mình thành trắng xóa. Trắng xóa! Họa Mi ước ao. Tâm tư thành trắng xóa như cát trắng nơi biển không người.

 

“Đi về phía không người

Phủ định mình

Em muốn

 

Biển thét gào

Không biết có tên em

Biển hát

Ngàn năm vẫn thế

Có gì mới đâu!”

 

Họa Mi ước mình quên mình biết hát, quên mọi gánh nặng và đi về phía không người. Phía không người… Họa Mi miên man nghĩ. Phía không người…

 

Bất chợt có tiếng rao nơi vỉa hè réo rắt. Cái giọng rao ở cái hẻm nhỏ nơi đô thị này làm lòng Mi đau nhói. Tại sao? Chính cô cũng không thể nào hiểu nổi. Trong phòng mọi vật đều lên tiếng. Mọi vật nhìn Họa Mi chằm chằm như thể dỗi hờn.

- Các ngươi định bỏ rơi ta ư?

Họa Mi nước mắt đầm đìa thốt lên. Trong cơn nức nở của cô, tiếng rao vẫn réo rắt. Tiếng dao không hề biết có một Họa Mi trên đời. Một Họa Mi đang cô đơn, điểm tựa của cô thì đang lang thang mãi tận nơi nào. Cô không biết. Gương mặt cuống cuồng sợ hãi của Họa Mi nhìn chằm chằm vào chính mình trong giương.

- Ai trong gương kia? – Họa Mi thầm hỏi.

 

Một buổi chiều, không nhận ra mình là ai. Thật là bất hạnh.

Họa Mi khát nước. Bàn tay chạm vào cái bình nước đá đặt ở cuối phòng. Cái bình nước đá ấy hình như cũng không nhận ra cô. Cô không phải là chủ nhân của chiếc bình. Nó đã được anh mua trong một lần hai đưa đi chùa Bà. Lúc trở về, anh định bỏ cho hành lí bớt nặng. Nhưng cô đã không đồng ý với anh. Nó không chỉ là cái bình đựng nước. Nó sẽ là kỉ niệm của mai sau. Nó làm cho người ta nhớ lại những khoảnh khắc tươi vui của cuộc đời. Để làm gì ư? Điều đó chắc ai cũng biết. Thế nên, Họa Mi đã đòi đem nó trong suốt hành trình về nhà.

 

Hành trình về phía nào? Về nhà có nghĩa là về nơi hạnh phúc. Đây có phải nhà cô? Nơi cô đang ở, một căn hộ được cho thuê. Gầy gò và mỏng manh như một cô gái ôm yếu, không bao giờ dám bước chân ra ngoài. Cô ở đây với một vài người bạn. Buổi chiều họ đi vắng cả. Họ đi vắng cả, càng hay! Nơi đông người chưa hẳn là đã thoát được nỗi cô đơn. Con người vẫn cô đơn, mặc dù làm nhiều hơn ăn và suy nghĩ nhiều hơn ngủ.

 

Đôi tay Họa Mi run lẩy bẩy, cái nắp bình nước đá rơi xuống đất. Họa Mi lại hốt hoảng vì chính tiếng động do mình tạo ra. Đôi khi, và lần này thì còn vì một âm thanh khác. Vì tiếng dày nện xuống hành lang.

 

Có tiếng gõ cửa. Cố gắng lắm Họa Mi mới có thể cầm bình nước đá lên. Không biết để ở đâu. Mắt cô dáo dác nhìn quanh. Mi nhìn xuống đôi chân trần của mình. Lạnh, lạnh giữa một buổi chiều mùa hè có nắng. Tiếng gõ cửa lại dồn dập. Tiếng gõ cửa lại vang lên. Mi biết mình không cài chốt. Nếu là các bạn gái của cô thì tự họ sẽ mở cửa để vào. Hoặc thì đã hét ầm lên để đánh tiếng là mình về, đôi khi làm thế để cảm thấy mình được thoải mái hơn khi về nhà. Vậy thì là ai? Ai đang gõ cửa? Mẹ ư? Không! Họa Mi như thảng thốt nhìn vào trong gương. “Mẹ mà thấy mình bất ổn như thế này chắc mẹ buồn lắm!” Mẹ luôn chắc rằng con gái mẹ ngoan và luôn biết giữ gìn sức khoẻ. Mi là chị lớn của hai đứa em! Ôi, là chị mà như thế này ư? Xanh xao quá! Vàng vọt quá!

 

Tiếng gõ cửa lại vang lên, mạnh và dồn dập hơn trước. Không, mình chắc là không phải mẹ! Mẹ không gõ cửa to như thế! À, Họa Mi chợt nhớ ra, mẹ không có thói quen gõ cửa. Mi ở trong phòng của mình, cửa kép hờ thì mẹ đẩy vô, còn cài chốt thì me gọi. Mẹ là người luôn coi những người thân là sở hữu của mình. Với mẹ, không có khái niệm cá nhân. Mẹ sống hết cho người thân và mẹ luôn nghĩ trong nhà ai cũng thế, cũng như mẹ cả. Yêu người thân như mẹ thì mẹ đâu còn biết đến cái riêng của mình.

 

Vậy thì ai đang gõ cửa. Tiếng vọng ấy vang lên, mạnh bạo, pha thêm phần lo lắng. Là anh! Họa Mi reo lên trong tiềm thức. Cửa mở.

- Em bệnh đấy ư? Cưng, ngoan nào!

Anh ôm Họa Mi vào lòng như để che chở cô. Mi cảm nhận được hơi ấm từ anh lan tỏa và Mi dần dần bình tâm trở lại.

- Em, - giọng anh cất lên như giận hờn, cái giận của người đang yêu, nhẹ như là hơi thở. – Em lại làm việc cố sức đấy ư?

- Em không biết em đang làm gì! Em làm tất cả và cũng không làm gì cả.

- Rồi sẽ ổn thôi! Đừng khóc, khóc sẽ làm em ngộp thở mất. – Anh âu yếm lau nước mắt cho cô. – Anh đã chờ em rất lâu. Nhưng không sao, dù gì thì anh đã ở bên em.

Họa Mi đáp lại cái nhìn của anh bằng một nụ cười nhẹ, và có phần bối rối. Mắt cô đã bắt đầu sáng lên, đẹp lạ thường trong mắt anh. Như chợt nhớ ra điều gì rất hệ trọng. Họa Mi nói:

- Em nhớ ra rồi, em đang khát nước.

 

Anh mỉm cười – một cái cười độ lượng và cảm thông sâu sắc. Một cốc nước lạnh cho Họa Mi. Cô uống như một người vừa trở về từ sa mạc.

Anh không muốn Họa Mi ra ngoài.

- Em đang yếu và anh muốn em được nghỉ ngơi.

Họa Mi nhất định không đồng ý. Cô muốn được hít thở không khí trong lành ở ngoài trời – nơi gió thổi về từ một nhánh sông.

 

Họ đến một quán cà phê bên sông Sài Gòn. Chiều, gió táp vào mặt, âu yếm và giận hờn. Những cây lục bình trôi về phía biển. Biết có đến được với biển hay không? Mà cuộc đời này cần chi điều đó. Chỉ cần biết mình đang trôi cũng đã là hạnh phúc rồi.

 

Anh kể cho Họa Mi nghe và những sinh hoạt của mình trong một tuần qua. Nào công việc, nào gia đình và cả những dự dịnh trong tương lai anh điều cởi mở với Họa Mi. Anh kể cho Họa Mi về việc một người đồng nghiệp vừa bị đuổi việc vì vấn đề đạo đức. Đạo đức cũng chỉ là do con người đề ra và được số đông chấp nhận lâu ngày. Mà số đông chưa hẳn là đã đúng. Anh ta có tài về chuyên môn và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cơ quan giao phó, nhưng anh ta lại bỏ một bà vợ làm đại lý vé số để lấy một cô phóng viên còn trẻ và có tài.

 

Họa Mi lơ lãng nhìn ra phía sông. Anh sợ cô không hiểu ý anh nói nên anh đã phải giải thích lại một lần nữa cho cô hiểu. Tất nhiên là Họa Mi hiểu anh, thế mà cô vẫn lơ lãng thế. Đến lúc anh hỏi về việc cô sống như thế nào trong tuần vừa qua thì cô đã kể cho anh nghe những cảm xúc mà mình đã trải qua. Lại đến lúc cô sợ anh không hiểu mình sau khi cô đã nói với anh một cách hồ hởi và tươi vui. Anh có vẻ hơi ngạc nhiên về những cảm xúc mơ hồ của cô. Họa Mi nhạy cảm hiểu được nên cô thôi không nói nữa. Cả hai im lặng nhìn bèo trôi trên sông. Bèo trôi mỗi lúc một nhanh. Cảm giác mình đang một mình lại trở về với Họa Mi. Trời chiều vẫn còn những mảng mây màu đỏ đang chặn đuổi nhau. Có một nét gì đó thực thực ảo ảo như một bức tranh màu nước.

 

Họa Mi muốn về. Anh muốn chở cô đi ăn tối nhưng cô không muốn vì thấy chưa đói. Khi chia tay họ hôn nhau. Sự va chạm thịt da đã làm cho họ vui vẻ và tin tưởng trở lại. Nhưng chỉ một lát sau khi rời khỏi nhau, không hiểu vì sao họ lại cảm thấy một nỗi cô đơn dày đặc.

 

Một mình lên cầu thang, Họa Mi cảm thấy tức tối. Tại sao họ lại “phân thân” khi ở bên nhau. Mi nghĩ về những vấn đề khác ngoài anh: như công việc, gia đình và quyển sách còn đang đọc dở ở nhà. Còn anh, không biết nghĩ điều gì mà cũng có vẻ rất trầm tư.

Phân thân! Họa Mi nguyền rủa từ ấy. Người ta đã đến lúc không thể cởi mở hết mình và sống hết mình với người khác hay sao?!! Ngay cả với người mà mình yêu dấu! Ngay cả thơ mà người ta còn muốn triệt tiêu cảm xúc thì…

 

Ước gì tâm tư mình trắng xóa, ước gì dù chỉ một lát thôi.

Họa Mi mở cửa phòng. Cô muốn có các bạn gái đã chở sẵn ở nhà. Nhưng cô lại cảm thấy như thế cũng vô nghĩa. Cô muốn một mình với cái quạt trần xoay tít.

Trong phòng không có ai. Họa Mi rơi xuống chiếc giường kêu cọt kẹt

Ngoài trời, chiều cũng buông mành.

Ngô Thị Hạnh
Số lần đọc: 2310
Ngày đăng: 02.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba người nữ trên xe đò - Triệu Từ Truyền
Cơm bình dân - Nguyễn Văn Ninh
Về hưu - Huỳnh Mẫn Chi
Trăng treo trên toa tàu - Tiến Đạt
Người đi về phía rừng - Thu Trân
Ân ma - Tâm Đào
Bước ra từ cuộc đấu giá - Bích Ngân
Hồng Hạnh - Hư Thân
Mùa sẽ còn dài - Mường Mán
Cỏ Xanh - Nguyễn Ngọc Tư