Người vợ đặt tờ giấy lên bàn, trước mặt người chồng và buông xõng một câu :
- Anh ký đi.
Người đàn ông nhìn lướt trang giấy với cặp mắt mệt mỏi và trống rỗng, rồi cầm bút ký vào.
Người vợ cầm lấy tờ giấy vẻ khinh thị:
- Anh đọc kỹ chưa mà đã ký?
- Đọc rồi.
- Anh chấp nhận mọi điều khỏan ?
…..
- Tự nguyện hay bắt buộc ?
- Hòan toàn tự nguyện. – Người chồng kiên nhẫn trả lời.
- Hóa ra anh bỏ tôi dễ dàng như vất một mẩu thuốc lá.
- Tôi làm theo yêu cầu của cô.
Người vợ kéo chiếc ghế ngồi đối diện với chồng. Căn nhà vắng vẻ, im ắng. Đứa con đi xem phim.Máy thu thanh, thu hình không bật. Một ngọn đèn treo trên trần tỏa sang xuống hai người và hắt bóng họ ra hai phía đối nghịch. Người vợ giơ tờ giấy ra trước mặt đọc chậm rãi, rành rọt như cô giáo đọc bài cho học sinh chép.
… Tôi tự nguyện nhường quyền sự dụng căn nhà và toàn bộ tài sản cho vợ tôi gồm….- Anh nghe rõ chứ ?- nghe rõ. Tiếp : - Mỗi tháng tôi đóng cho vợ tôi số tiền để nuôi con bằng giá trị năm mươi ký gạo…- Anh nghe rõ chứ ? – Tôi sẽ đóng đủ từng đồng. Được rồi, nghe tiếp : Tôi chỉ được gặp đứa con trai khi vợ tôi cho phép.- Điều khỏan này anh không phản đối chứ ? – Không. – Mắt người đàn bà ánh lên một tia giận dữ và dằn giọng : - Tôi thêm một điều khỏan này nữa, nghe cho rõ…Tôi muốn lấy vợ mới phải được vợ cũ cho phép. – Anh rõ chưa, cả điều khỏan này cũng không phản đối chứ ? – Cả điều khỏan ấy tôi cũng chấp nhận.
Người chồng trả lời và tin rằng không có một cuộc hôn nhân nào nữa đến với anh.
Người đàn bà đấm xuống bàn hét tướng lên :
- Như vậy là bỏ được tôi thì có phải nhảy vào lửa anh cũng nhảy.
Người đàn ông chợt tỉnh cơn mê:
- Điều đó cô cho tôi được suy nghĩ thêm.
- Có thế chứ ! – Người đàn bà đứng dậy. – Tôi không dại gì mà bắt anh nhảy vào lửa đâu.Tôi muốn tận mắt nhìn thấy anh cầu bơ cầu bất, tả tơi như một thằng ăn mày…để anh biết thế nào là sự thay lòng đổi dạ. Anh nên biết rằng mọi người đứng về phía tôi : chính quyền, tòa án, công an…anh không thể chuồn khỏi thành phố này. Mọi chuyện đến đây coi như đã xong. Bây giờ chúng ta nói chuyện với nhau như hai người dưng.
Người đàn bà lại ngồi xuống ghế và rót ra hai chén nước.
- Anh định làm gi khi ra khỏi nhà này với hai bàn tay trắng?
- Tôi biết chữa xe đạp. Mỗi đêm tôi cũng có thể làm được vài ba cuốc xích-lô, người đàn ông nói giọng bình thản như lời tâm sự.
- Anh muốn làm người lao động chân chính đấy
- Tôi chỉ làm để kiếm sống.
- Được rồi, khi nào gặp khó khăn, anh cứ đến, tôi sẽ giúp đỡ anh, anh có thể tin tôi.
Người đàn ông chỉ muốn nhanh chóng chấm dứt mọi chuyện, anh chưa kịp nghĩ gì đến tương lai. Bởi vì, nói cho cùng, anh là người có lỗi, từ thời trẻ, với mối tình đầu mà anh lựa chọn này. Anh sẵn sàng trả giá cho những lỗi lầm ấy, Tranh chấp hơn thua lúc này chẵng có ý nghĩa gì, hơn hai mươi năm như thế là quá đủ. Anh không thể cải tạo được người vợ và cũng không thay đổi được chính bản thân mình. Bây giờ, tuy đã muộn còn hơn không, anh mong được yên tĩnh trong tâm hồn cho những ngày còn lại. Một người bình thường về mọi mặt như anh, như thế cũng là đủ.
Anh sắp được tự do, riêng điều ấy đang làm cho anh bối hồi xao xuyến, đến nỗi anh ngước cặp mắt nhìn vợ không hề có chút oán hận mà trái lại đầy vẻ biết ơn.
Nhưng anh lại sai lầm một lần nữa. Anh không hiểu được cái trực giác nhạy cảm của người đàn bà. Họ có hể mù mờ trong nhiều việc, nhưng hết sức tinh quái khi chạm đến quyền lợi thiết yếu. Người vợ tiếp nhận cái nhìn của chồng bằng cái nhếch mép, chị ta cẩn thận gấp tờ giấy ly hôn bỏ vào túi, rồi nói :
- Tôi sẽ đưa lá đơn này ra tòa khi nào tôi muốn, hôm nay, ngày mai hay vài tuần, vài tháng nữa là do anh có làm tôi thảo mãn một điều kiện cuối cùng mà tôi sẻ nói ngay đây, anh đồng ý chứ ? Tất nhiên là tôi không bắt anh nhảy vào lửa hoặc một điều kiện nào tương tự như thế.
- Tôi xin nghe.- Người chồng chống hai tay xuống bàn, cầm đặt lên hai bàn tay đan chéo các ngón, chờ đợi.
Mắt người vợ lần nữa loé lên tinh quái:
- Kể từ giờ phút này, mối quan hệ giữa chúng ta hoàn toàn đổi khác. Có nghĩa là anh vẫn sống bình thường hàng ngày đến cơ quan làm việc, mỗi tháng anh không phải nộp hết mọi khỏan tiền cho tôi như trước đây, tôi để lại cho anh một phần ba để anh tiêu, tiêu gì tùy ý anh. Tôi nhắc lại, anh tiêu gì tùy ý thích. Để bù lại, ở nhà này, tôi nói gì anh không được cãi, tôi bảo làm gì anh cũng phải làm, nhưng anh đừng lo, tôi không tàn nhẫn như anh nghĩ ,những công việc rất vừa với sức anh. Nghĩa là anh trở thành người chồng hoàn hảo theo ý tôi. Và đế lúc nào tôi thấy hài lòng tôi cho anh được tự do. Tôi sẽ đưa đơn ra tòa và chỉ một tuần sau,anh sẽ được như ý muốn. Thời hạn ấy dài hay ngắn là do anh.
Mình đã chịu đựng hai mươi năm, người đàn ông nghĩ thầm, thêm một vài tháng hay cùng lắm là một năm nữa có là bao. Trong thời gian đó, có thể mình cũng chuẩn bị được gì đó cho cuộc sống sau này.
Tôi đồng ý, tôi mong rằng thời gian đó không dài.
- Rồi anh sẽ được như ý muốn.- Người vợ đứng lên và đưa tay xao nhẹ lên mái tóc bù xù của chồng, như cử chỉ an ủi cho kẻ phạm lỗi, sau khi y đã xưng tội.
Câu chuyện xảy ra cách đây đã mười năm và bây giờ cái tờ đơn xin ly hôn kia người vợ vẫn cất kỹ trong hầu bao. Người chồng vẫn kiên nhẫn thực hiện đúng như lời giao ước, trở thành người chồng ngoan ngoãn, gần như một người câm lặng, hoàn toàn làm ưng ý người vợ và chờ đợi ngày được tự do. Thậm chí nhiều lúc anh quên bẵng là mình đang chờ đợi cái gì và bao giờ cái đó sẽ đến. Đối với xung quanh thì gia đình họ trở thành một gia đình hòa thuận hiếm có. Không to tiếng, không va chạm, người vợ ngày càng tươi tỉnh béo tốt, còn người chồng mái tóc đã hoa râm, đi về như cái bóng. Số tiền một phần ba mà vợ để cho tiêu riêng hàng tháng, hầu như anh không tiêu gì và đã gom lại thành một số tiền khá lớn, đủ để trang trải mọi khỏan phí tổn kể cả xây lăng mộ cấp ba nếu như không may anh từ giã cõi đời. Có thể lúc ấy người ta khằc trên bia mộ một dòng:
“ Mộ của một người chờ đợi tự do”