Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.155.183
 
Vũ Trọng Quang với trò chơi sắp đặt
Phạm Lưu Vũ

Tôi mới hân hạnh được làm quen với thi sĩ Vũ Trọng Quang (vốn cùng họ... người dưng nước lã với cố nhà văn lớn Vũ Trọng Phụng), nhưng tôi biết ông làm thơ khá sớm, tương đương với cỡ... Léc - Môn - tốp ở nước Nga xa xôi, nghĩa là bắt đầu từ năm mười bẩy, mười tám tuổi gì đó. Có điều Léc - Môn - tốp chỉ mất khoảng chục năm để nước Nga phải gọi ông là thi hào, rồi ông cũng lập tức chia tay với cõi đời này ở tuổi hai mươi tám, không thèm sống dai thêm làm gì cho mệt. Riêng Vũ Trọng Quang thì đã gần gấp đôi cái số tuổi ấy rồi, song vẫn còn rất loay hoay với trò chơi sắp đặt của mình.

 

Còn nhớ có lần tôi đã bắt chước một ngạn ngữ của người Ý để “chế” thành câu đùa: “mọi con đường đều dẫn tới... thi ca”. Nay “xem” (xin lưu ý, “xem” chứ không phải “đọc”) đến dòng thơ “sắp đặt” này của Vũ Trọng Quang, thì có lẽ câu ấy là thật chứ không phải đùa nữa. Tôi ngắm nghía bài thơ có tên: “Đường ray” của ông mà buột mồm thốt lên: “Sao mà nom nó giống một khúc... đường ray thế”. Bạn không tin ư? Xin được “vẽ” ra đây:

 

                              ĐƯỜNG    RAY

 

                                  tay      tay

                                  vẫy      vẫy

                                   xa      xa

 

                                  cây     cây

                                    rũ      rũ

                                  hoa     hoa

                                   rầu     rầu

 

                                trùng     trùng

                                   vút     vút

                                 mau     mau

 

                                 song    song

                                   mãi    mãi

                                   nào    nào

                                    qui    qui

 

Ấy là tôi lại nảy ra ý muốn bắt chước người xưa đấy. Này nhé, Khổng Tử ngày trước từng thốt lên: “Cái chữ “khuyển” () kia, sao mà nom nó giống con chó thế!”. Lời của Thánh nhân thì không thể bỏ qua. Câu ấy về sau được đưa vào sách Luận Ngữ, được các bậc hậu Nho “tán” thành hẳn một chương dài. Té ra cổ nhân chế ra chữ “khuyển” không chỉ để tượng hình con chó mà thôi. Nguyên chữ “đại” ( - nghĩa là to lớn, vĩ đại), vẽ thêm cái lưỡi (một nét chấm) ở góc đông bắc, tựa như sơ ý đánh rơi giọt mực xuống, thế là thành chữ “khuyển”. Cái chữ đơn giản mà thâm nho ấy còn mang những ý nghĩa gì nữa của cuộc đờI ? Phải chăng cổ nhân muốn ngụ ý, rằng cái khoảng cách từ “đại”, đến... “khuyển” là rất mong manh? Kẻ càng làm lớn (đại), càng phải hết sức giữ gìn, tuyệt đối không sơ ý thì mới mong khỏi bị biến thành... “khuyển”. Chả thế mà chữ “khuyển” kia xưa nay được sử dụng rộng rãi trong cả văn chương lẫn... khẩu ngữ, song không phải bao giờ cũng chỉ con chó. Và cái âm “khuyển” hay “chó” ấy một khi ai đó đã thốt lên, là lập tức làm cho khối người phải giật mình mà cảnh giác, đề phòng, không cẩn thận rất dễ hiểu lầm dẫn đến gây gổ, choảng nhau như chơi...

 

Nói gì thì nói, riêng về mặt tượng hình thì Khổng Phu Tử quả có con mắt tinh đời. Mấy nghìn năm rồi, mà mãi tới gần đây, tình cờ bắt gặp một con chó vĩ đại đang đứng thè lưỡi (ấy chết đang ngồi, vì giống chó vốn ngồi cao hơn đứng), tôi mới giật mình thấy nó y hệt cái chữ “khuyển” nhạy cảm và đời đời... bất diệt ấy.

 

Thế còn khúc đường ray kia của Vũ Trọng Quang thì sao ? Nó có “nghĩa” gì không ? Cũng có hẳn hoi đấy. Này nhé, có sự chia ly (tay vẫy xa), có nỗi buồn, héo (cây rũ hoa rầu), có sự vun vút ( trùng vút mau ), có sự đi mãi không biết bao giờ trở lại (song mãi nào qui ). Tất nhiên phải đọc lần lượt từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, thì mới thấy những tiết tấu trập trùng của con tàu đang chạy, thông qua tuyền những âm lặp, mà lại là tiết tấu của bốn câu... lục bát mới ghê. Xin được viết theo kiểu “chính tắc” cổ điển ra đây:

 

tay tay vẫy vẫy xa xa

cây cây rũ rũ hoa hoa rầu rầu

trùng trùng vút vút mau mau

song song mãi mãi nào nào qui qui

 

Viết như thế này đọc lên thấy tiết tấu, song không thấy đường ray. Vì thế mới phải dụng công... sắp đặt ? Chữ “qui” cuối cùng hẳn là từ Hán Việt, có nghĩa là trở về. Không phải tôi cố ý “tán” ra đâu. Bởi cái khúc ray ấy, bao nhiêu con tàu đã trập trùng vút qua. Những con tàu chứa bao sự chia ly, nỗi buồn, những cuộc ra đi không hẹn ngày về... ( “Có chi vương vấn trong hơi máy / Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau ” – Tế Hanh ). Và đường ray kia như một cái băng từ, hẳn đã ghi vào trong từng phần tử của nó tất cả những thông tin trĩu nặng ấy. Điều này thì khoa học ngày nay đã chứng minh được rồi. Các nhà khảo cổ chẳng đã giải mã được vô số thông tin chứa trong những chiếc rìu đá, những mảnh đồ gốm... tưởng chừng vô tri vô giác của ngưới xưa đó sao? Thế thì thơ này có lẽ phải định nghĩa là thơ... “ tối tân ” mới xứng, không chỉ là “ hiện đạI ” mà thôi đâu. Và hàng nghìn, hàng vạn năm sau, nếu con cháu chúng ta đào được một khúc ray của thời này, biết đâu họ cũng sẽ giải mã ra nhiều điều, trong đó có cả chính những điều mà Vũ Trọng Quang vừa viết?

 

Thế là Vũ Trọng Quang đã nhân những nỗi buồn ( cũng tức là những thông tin ) chứa trong đường ray, mà vừa “giải mã”, vừa “vẽ” ra cái khúc ray ấy. Thơ sắp đặt loại này có thể gọi là thơ tượng hình được chăng? Cũng như người xưa nhân con chó và cái sự chó má của cuộc đời mà chế ra chữ “khuyển” kia từ chính chữ “đại” vậy.

 

Một bài thơ khác, Vũ Trọng Quang đặt tên là: “ Kí hiệu liên tưởng ”. Ông này vốn người thật thà, có mỗi nụ cười là hơi ăn gian một tí vì nó trẻ và đẹp hơn cái tuổi của ông rất nhiều, thậm chí còn có nét... hồn nhiên nữa mới lạ. Ông không biết đánh đố, càng không biết làm thơ đánh đố như nhiều nhà thơ “ sắp đặt ” khác, nên mới đặt tựa cho cái “thơ” ấy như thế. Toàn bộ “hình thù” của nó như sau:

 

                          KÝ HIỆU LIÊN TƯỞNG

 

                               hôm    sau

                               sao     hôm

                               sao     mai

                               mai     sau

                               mau    say

 

                        ex : say  ~  nghiêng

                               say --> bến

                               say  ko  $

                               Say  O  Sao

                               Sao  O  Say

                                     SOS

 

Vì ông đã ( thật thà ) gợi ý trước là “ kí hiệu liên tưởng ”, nên tôi ( bèn ) liên tưởng ngay tới cái... ly bia. Đây là triết lý, là những thông tin giải mã từ cái ly uống bia. Thời buổi tràn ngập nhậu nhẹt này, người ta say không chỉ đến hôm sau, mà say từ sao hôm đến sao mai, say cho đến tận mai sau, sống chỉ cốt được mau say mới sướng (bài “thơ” dùng lối nói lái, đảo từ để tận dụng hết nghĩa của mọi trật tự, vừa tiết kiệm chữ, vừa có tác dụng “vơ vét” để nhấn mạnh ý tưởng). Chà! Cái cuộc đời này chán đến thế kia ư? chiều chiều đi dọc các con phố, đâu đâu cũng bắt gặp những chợ nhậu, những đám đông nhậu say sưa, hoành tráng, kiên cường như những cuộc... biểu tình ngồi. Những ly bia sủi bọt kia trải qua bao nhiêu cái mồm ghé vào, hẳn đã ghi âm vào trong mỗi phân tử thuỷ tinh hay nhựa của nó được khối chuyện? Tôi lại xin viết lại theo kiểu “chính tắc” ra đây, trừ cái phần sủi bọt (hay bốc hơi) đã nói ở trên. Bạn sẽ thấy, toàn những thứ rỗng tuếch, vô hồn:

 

ếch-xì! say ngả nghiêng

say tới bến

say không tiền

Say Không Sao

Sao Không Say

SOS

 

Một cái ly lăn lộn giữa cuộc đời, trải bao nhiêu con người nâng lên hạ xuống, tưởng phải lưu lại những thông tin gì ghê gớm lắm. Vậy mà giải mã ra chỉ được có chừng ấy. Hỏi con người thời có được bao nhiêu giá trị ? Câu cuối cùng (SOS) là kí hiệu cấp cứu, là lời kêu cứu. Không phải cứu những kẻ say, mà hãy cứu cái cuộc đời đang lao vào những cuộc say sưa bất tận kia.

 

Xem đến đây, tôi chợt nghĩ có lẽ phải kêu gọi mở một chiến dịch, thủ tiêu cho bằng hết những cái ly trong cuộc đời này, kẻo mai sau con cháu chúng ta đào nó lên mà giải mã được đoạn thơ trên, thì chúng sẽ nghĩ về ông cha của chúng ra sao ?

 

Có lần Vũ Trọng Quang từng nói, đại ý đọc thơ ông, người chưa biết ông cứ tưởng ông là một nhà thơ trẻ. Tôi chả dại mà tin điều đó. Song trẻ hay già đâu phải quan trọng. Vấn đề là thơ “ có cái gì ” hay không chứ ? Có những bài thơ vừa viết ra đã cũ, song cũng có những bài đọc lúc nào cũng thấy mới thì sao ? Tư duy “sắp đặt” của Vũ Trọng Quang về một mặt nào đó, đã gần với tư duy triết học của... người xưa rồi đấy. Bằng chứng là kinh Dịch ra đời cách đây năm nghìn năm cũng chính là một bộ sách sắp đặt. Từ bát quái (tám quẻ đơn) đến lục thập tứ quái ( sáu mươi tư quẻ kép ), toàn thị là những sự sắp đặt, sắp đặt của hai loại kí hiệu: dương (vạch liền) và âm ( vạch đứt ). Sự sắp đặt ấy, người xưa gọi là vạch quẻ (chắc bây giờ phải gọi là... giở quẻ). Sắp đặt tạo nên “ tượng ” ( hình tượng, tưởng tượng...). Từ “tượng” suy ra “lý” ( nội dung, qui luật...) và ngược lại. Ví dụ quẻ “tỉnh” – “tượng” là cái giếng nước, quẻ “đỉnh” – “tượng” là cái vạc dầu...

 

Hai bài thơ trên của Vũ Trọng Quang quả là từ “tượng” (đoạn đường ray, ly uống bia) mà suy ra cái “lý” (nội dung) bên trong của nó (  như đã “tán” ở trên). Có cả “ tượng ” lẫn “ lý ” như thế, đó là những sắp đặt thành công. Còn có bài chỉ thấy “tượng”, mà chưa thấy “lý” đâu (hoặc “lý” mờ nhạt) thì chưa thể gọi là thành công được. Ví dụ bài: “design” sau đây:

 

DESIGN

 

chính em từ chối thơ tôi khó chịu

chính em từ chối thơ tôi khó

chính em từ chối thơ tôi

chính em từ chối thơ

chính em từ chối

chính em từ

chính em

chính

 

Đây là sự sắp đặt theo kiểu “ thượng thách hạ thu ”, hoặc “ đầu voi đuôi chuột ” hoặc “ trên loe dưới tóp ”... Nom như cái nón lộn ngược hay cái phễu, hay khúc giữa của... võ sĩ thể hình... Sắp đặt này chỉ cốt lấy “tượng” ( design mà ), không quan tâm đến “lý” ( nội dung ) lắm. Bạn cứ tha hồ tưởng tượng nó là cái gì tuỳ theo trạng thái cảm xúc của mình. Xin đừng để ý đến nghĩa của những câu chữ giật lùi trong đó. Thi sĩ cũng phải có lúc “ lảm nhảm ”, thậm chí “ thần kinh ” một tí chứ. Có một câu ( không hay ) mà cứ nhắc lại mãi, song vì sức tàn lực kiệt, hay vì đau nỗi thất tình quá nên cứ đuối dần, đuối dần...

 

Tôi vừa (lạm) bàn đến cái gọi là “tượng” và “lý” trong phép sắp đặt (còn gọi là... giở quẻ) của Vũ Trọng Quang. Những sự sắp đặt trên dù là có “lý”, hay cái “lý” của nó mờ nhạt thì đều thuộc loại: “tượng hư, lý thực”, nghĩa là cái “tượng” của nó buộc người xem phải tưởng tượng mới đoán ra, còn nội dung (lý) thì đã có sẵn (sâu sắc, mờ nhạt hoặc... bằng không). Vũ Trọng Quang còn thể nghiệm một loại sắp đặt khác, ngược lại với những kiểu trên mà tôi xin phép được gọi là: “tượng thực, lý hư”. Tiếc rằng tôi không thể trích ra đây được vì nó rõ ràng là những hình vẽ, thậm chí là những ảnh chụp hẳn hoi. Sắp đặt kiểu này người xem không phải đoán “tượng” nữa (vì “tượng” đã rõ ràng rồi), mà phải tự đoán lấy nội dung (cái lý hư) của nó.

 

Ví dụ một sắp đặt có tên là “tự huỷ”. Đó là một tấm ảnh chân dung bị xé làm nhiều mảnh, cố ghép lại mà không trọn vẹn. Nhìn tổng thể đường viền thì lại thấy hình một cái... sọ người. Đó là “tượng” ( tượng thực). Còn “lý” thì tuỳ người xem tìm hiểu lấy (lý hư).

 

Hay là một sắp đặt khác có tên “phía bên dưới”. Trên là một biển báo giao thông (đường cấm) đỏ loét, dưới là hình một cái chai màu xanh bị... vặn ngoéo cổ móc trên một hàng rào mờ ảo. Đây cũng là một sắp đặt kiểu “tượng thực, lý hư”.

 

Một sắp đặt nữa mang tên thần ái tình eros vẽ một chú bé có cánh (thần ái tình theo thần thoại Hy lạp) cầm cung tên. Sau một loạt mũi tên bay là hình một trái tim (đen) bị xuyên thủng. Sắp đặt này lại chính là kiểu “tượng hư, lý thực” bởi cuối cùng có dòng chữ: “xa nhà nhớ chị dâu” (rõ là một trái tim đen).

 

Nói thế thôi, nếu không thật sự cần thiết, xin bạn đọc đừng đau đầu với những “giở quẻ” ấy làm gì. Có những điều rất quan trọng do con người phát hiện ra, mà cuộc sống vẫn trôi đi như không hề biết đến những quan trọng ấy. Thì đã sao?

 

Và ở một nơi nào đó, thi sĩ Vũ Trọng Quang vẫn đang miệt mài sắp đặt, làm thơ. Hy vọng tới đây, ông sẽ cho ra những sắp đặt “kinh hoàng”. Ông dẫu “kiếm ăn bằng nhiều nghề khác”, song vẫn “làm thơ để được nhẹ lòng mình”. Có nghĩa là lòng ông ( may mắn thay ) giờ vẫn còn... “nặng” lắm.

 

Tháng 6/2006

Ghi chú: Thơ sắp đặt dẫn trong bài rút từ tập “hôm qua, hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang – NXB Đà nẵng tháng 1/2006
Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 4178
Ngày đăng: 06.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Mang” cùng Phan Trung Thành - Nguyễn Tý
Lửa Tây Sơn , Thiên anh hùng ca bi tráng : Đọc tiểu thuyết lịch sử: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác. - Lê Hoài Lương
Thơ đồng bằng vẫn tiếp tục khởI sắc - Hồ Tĩnh Tâm
Trần Thị Ngọc Lan – Khi em hát em biết vì sao chim hót - Nguyễn Văn Ninh
Một chút tình si trong thơ Ma Trường Nguyên - Nguyễn Đức Thiện
Đáu đáu một cái nhìn : Đọc Lập Thiền của Nhuỵ Nguyên - Nhà xuất bản Thuận Hoá tháng 4-2006. - Nguyễn Nguyên An
Đồng quê ngân khúc hát :Đọc tập thơ Khúc sơn ca của Mai Thìn, NXB Hội Nhà Văn, 5-2005. - Lê Hoài Lương
Đến với Lục bát nhớ thương của Huỳnh Duy Lộc - Nguyễn Nguyên An
Những cây bút thơ Tiền Giang - một cõi đi về - Võ Phúc Châu
Da diết hương quê :Đọc tập thơ NHỮNG CỌNG RAU TẬP TÀNG của CẢNH TRÀ-NXB HỘI NHÀ VĂN 2006 - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)