Dưới chân núi Đen. Trưa. Mưa vừa tạnh. Khách du lịch gò lưng leo núi, đông không kể xiết. Trên lưng chừng núi là Điện Bà. Người ta lên đó để cầu phước, cầu lộc, cầu thọ. Còn tôi, đi chơi cho biết. Lúc này, cạnh tôi là một ông lão bán chim. Một đống lồng chim với vài con chào mào, mấy con chim ri đá, hai ba con khướu, con két, độc nhất một con nhồng. Ông lão bán chim hầu như đã già lắm rồi. Tôi nói vậy bởi vì không thấy được khuôn mặt ông, bởi chiếc nón sùm sụp che mất đến nửa khuôn mặt. Vả lại, cách ăn mặc của ông rất xưa : chiếc quần ống sớ rộng thùng thình, chiếc áo mấy thân rộng không kém. Mà cũng chẳng hiểu quần áo ông rộng hay tại ông quá gầy guộc. Chốc chốc ông lại đảo qua, đảo lại mấy cái lồng chim. Đưa con khướu ra ngoài, đưa con chào mào vào trong. Rồi ngược lại. Ném quả chuối chín rục, vỏ thâm xì cho con này, quẳng củ mì tươi cho con kia; lúc chu mỏ huýt sáo, chuyện với con khướu, khi lầm bầm nguyền rủa con két . . .
Người ta xúm lại quanh ông chỉ chỏ, bàn tán, khua khua cho mấy con chim bay loạn xà ngầu trong lồng và cười khoái trá. Có cả mấy cậu con trai, mấy cô con gái xán lại, coi chim thì ít, bỡn cợt nhau, cấu chí nhau thì nhiều.
Người càng đông thì lão bán chim càng dẻo miệng. Ông tán đúng như con khướu :
- Nào, bác nào hỏi mua con két đó. Kìa, sao bác chê nó già ? Còn non choẹt à ! Két non mới hiền, mới dễ nuôi, mới dậy nó tập nói được chớ. Tôi bán con chim là đời thứ ba rồi đó. Bác không tin tôi sao ? Cái giống mỏ vàng, chân vàng này mới quý. Chớ cái giống mà bác mới nói đó, mỏ đen, chân đen ấy mà, ác lắm ! Nó mà mổ cho bác một cái cứ gọi là đứt lìa ngón tay ấy chớ. Bác không mua ạ ? Tiếc quá, tôi lấy rẻ thôi mà. . . Bớt bác năm ngàn đó, được không ? Không, giá đó làm sao em bán. Hay là bác lấy con họa mi này ? Bạn em mới đưa từ Bắc vào để lại cho em đó. Đúng năm trăm , cả lồng. Vậy là bác chưa biết chơi chim rồi ! Có người mua con họa mi đến cả triệu đấy nhé. Nó biết hót nè, biết đá này. Nghe bác nói em biết bác là người khá giả rồi. Vâng, cho nó uống sữa, ăn thịt, nó là chim quý tộc mà.
Nghe ông nói tôi cũng mê. Người ta sinh ra quả là có một cái tài. Tôi cam đoan rằng quả là ông lão bán chim này nhất định chẳng được qua trường đào tạo nào hết, nhưng khoa nói của ông thực đáng kính phục.
Ông khách mập ù, chật ních trong bộ đồ xám tro đến bên ông gìa :
- Con khướu này bao nhiêu, người anh em ?
- Dạ thưa, một trăm cả lồng. Không có lồng thì chín chục. Mua đi ông. Khướu bạc má loại hót hay nhất rừng xanh đó ông. Mà ông mua về đâu ?
- Tôi mua về Đà Nẵng.
- Vậy à ? Xa quá hén. Nhưng không sao. Tôi đưa ông miếng vải đen, ông che cho kín. Mang về ông sẽ thấy tiền chả là cái gì hết. Mỗi buổi sớm mai, nó hót lên, ông sẽ được lên chín tầng mây xanh ấy chớ !. . .
- Nhưng mắc quá hà.
- Gì mà mắc, ông ? Trăm, mua được mấy ký thịt, ông nói coi. Mà mấy ký thịt, ông ăn, hoặc nhậu được mấy bữa ? Đằng này, con chim nó hót, ôi chao nó hót, tuyệt vời . . .
Con khướu hình như biết người ta đang nói về mình, nghếch ngược cặp mắt tròn khoáy lên, láo liên, nhìn hết bên này sang bên khác. Rồi bất ngờ nó hót lên một tiếng, đúng có một tiếng khiến ông lão bán chim sướng muốn phát điên :
- Đó, đó, đó, ông nghe thấy chưa, nghe thấy chưa ? Tôi biết là ông sẽ thích mà. Mua đi ông. Trời đất ơi sáu chục . . . sáu chục, ông nói thiệt sao ? Thôi cũng được, tôi để cho ông. Coi như mất không cho ông cái lồng vậy. Dọc đường ông nhớ mua con moi cho nó ăn, dấp dấp cho nó tí nước. Dạ, đổi lồng ạ ? Ông lấy cái lồng này cho chắc nghe.
Ông già lùa tay vào lồng. Bấy giờ tôi mới biết mắt lão ta kém lắm. Con chim ở góc này, lão quờ tay góc kia, khiến con chim bay loạn lên, hoảng hốt. Túm được cái đầu, hoảng quá, lão thả ra. Con chim đập cánh phành phạch, tưởng chết đến nơi. Lão túm được mấy sợi lông đuôi, con chim mổ vào tay lão. Lão lại buông tay, rồi chụp ngay được cái cổ. Lần này, con chim phóng giò, búng cả mấy cái móng nhọn hoắt vào bàn tay sần sùi gân guốc của lão. Lão đổ quạu :
- Trời đất ! Muốn thoát khỏi tay tao hả ?
Lần này thì lão chộp. Thực lạ, lão chộp cái một, ngang lưng con chim. Lão lôi tuột nó ra khỏi lồng, và nhét nó qua cửa lồng kia, không hề thương xót khi con chim kêu lên chóe chóe.
- Đây, gởi ông. Sáu chục, rẻ quá . . .
Tôi bỗng giận lão bán chim quá. Hẳn ông không nhìn thấy không chỉ con khướu bị ông chụp bắt, mà trong cả mấy cái lồng kia, những con chim cũng sợ nháo nhác bay loạn xạ. Chúng tìm những khe hở để chui ra. Nhưng ra làm sao được !
- Này bác ơi, tội nghiệp lũ chim quá hà. Hay thả nó ra đi . . .
- Trời đất, bác định giết tôi sao ? Cơm áo tôi, vợ con tôi, nhờ vào lũ chim này. Ờ mà cũng được, bác cứ mua mà thả. Phóng sinh cầu phước ấy mà . . . Chỗ này khoảng một triệu thôi . . .
Tôi im lặng. Ông già bán chim tiếp :
- Không dám mua phải không ? Nè. Tôi mách bác một nước nghe. Bác lên trên núi đó, có cả ngàn con chim cho bác mua để phóng sinh. Chim én. Bác biết chim én không ? Cái lũ chim bé tí teo vô tích sự ấy mà. Chỉ vào dịp mùa xuân thế này mới có chúng thôi. Người ta đánh lưới, bắt cả ngàn con bán cho những người phúc đức như bác thả ra, phóng sinh ấy mà ! Kỳ khôi thiệt, hài hước thiệt - Lão bán chim cười ha hả - Bầy chim đang tự do giữa trời, bỗng bị bắt nhốt lại, rồi lại được thả ra làm phước. Họa phước, phước họa, cách nhau có chút xíu hà ,Bỗng nhiên lão đổ quạu :
- Khỉ ạ ! Sao không kệ cha những con chim nó sống tự do ? Khi không lại bắt nhốt chúng lại, rồi bán, rồi thả . . . Chả hiểu thằng bắt nhân đức, hay thằng thả nhân đức nữa ? Lũ chim của tôi dẫu sao cũng còn sướng. Khi về nhà người ta, chúng sẽ được chiều chuộng chăm sóc. Mắc quá mà, chết một cái xót tiền phải biết ! Bác có dám bỏ ra cả triệu bạc để phóng sinh không ? Còn lên núi, bác mua một con chim én có hai ngàn đồng. Hai ngàn đồng bạc, mua, thả, phóng sinh, rẻ thôi . . ., lại được đủ thứ : phước, lộc, thọ. Tôi bán con khướu sáu chục ngàn. Tiền vốn là ba chục ngàn, mua năm con chim én mười ngàn để phóng sinh, tôi vẫn còn lời được hai chục, vừa có lời, vừa được phước, lộc, thọ. Vậy mà bác đòi thả lũ chim của tôi ra, họa có điên...!
Rõ là tôi điên. Đương không đi khuyên một lời khuyên vô duyên ! Cái gì mà chẳng phải mua. Mua con chim én để thả ra, mình được tấm lòng nhân đức, mất có hai ngàn, rẻ thực ! Nhưng với ông lão đây, với những con chim này thì khác.