Nguyễn Hữu Cảnh nguyên danh Nguyễn Hữu Lễ, lại có tên là Nguyễn Hữu Kính. Người miền Nam hiểu KÍNH và KỈNH cùng nghĩa, nên đã gọi kiêng (lần 1) tên KÍNH là KỈNH, rồi gọi trại (lần 2) KỈNH thành KIỂNG, sau lại do hiểu rằng KIỂNG và CẢNH cũng cùng một nghĩa nên gọi trại (lần 3) là CẢNH - Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo chính sử triều Nguyễn cho biết năm Mậu Dần (1698) từ Phú Xuân (Huế), chúa Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) sai Trấn thủ Bình Khương (Nha Trang) là Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mà chúa đã chỉ định cho bọn Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình là di thần nhà Minh không chịu thần phục tân triều nhà Thanh, đem 3.000 hàng quân cùng gia quyến và 50 chiến thuyền đến cư trú, xin làm dân Đại Việt. Lúc bấy giờ nơi này đã được khoảng 40.000 hộ, bao gồm cả người bản địa và lưu dân (Việt, Hoa, Khmer).
Ông Nguyễn Hữu Cảnh ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai là huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch “Gia Định thành thông chí”.
Thời điểm ấy rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long. Nguyễn Hữu Cảnh đem quân dẹp loạn. Gần cuối tháng 4, tình hình tạm yên, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sách gọi Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc -sau này dân địa phương gọi Cù lao Ông Chưởng, ở Chợ Mới, An Giang), báo tin thắng trận về kinh.
Cũng theo “Gia Định thành thông chí”, ở đây một thời gian ông bị “nhiễm bịnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho), rồi mất. Khi ấy chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, vua rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần, hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bịnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mạng danh là Cù lao ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ”.
Nguyễn Hữu Cảnh là người có công đầu trong việc hoạch định cương giới xóm làng, thiết lập hệ thống chính quyền..., ở vùng đất Nam bộ, ông có một nhãn quan hết sức sắc sảo là chọn Sài Côn (Sài Gòn) làm trung tâm cho cả vùng đất mới, giao điểm giữa sông to, biển cả, triền Trường Sơn nhấp nhô và cả một bình nguyên bát ngát ở phía Tây, chẳng những tiện lợi cho cả việc định cư sinh hoạt của nhân dân mà còn là đầu mối giao lưu giữa sông và biển, một trọng điểm vô cùng thuận lợi chẳng những chỉ về kinh tế mà còn cả đến việc điều binh, trấn áp hoặc chi viện kịp thời mọi cuộc binh biến vùng biên cảnh phía Tây.
Với những công đức kỳ vĩ đó, để tưởng nhớ Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhân dân lập nhiều đền thờ ông. Tại huyện Chợ Mới có ít nhất ba đền thờ tọa lạc tại các xã dọc theo con sông mang tên (chức) ông. Đó là các đền thờ tại xã Kiến An, tại thị trấn Chợ Mới (gần “Vàm Trước”), và tại đình Long Kiến (Dinh thờ và đình cũ lúc trước đều dựng ở hai bên đầu “Vàm Dưới” sông ông Chưởng, do bị đất lở sụp nhân dân dời đình và dinh vào trong và nhập lại làm một) - đây là di tích do nhân dân dựng lên thờ ông sớm nhất ở An Giang. Tại thị xã Châu Đốc cũng có “Đền Lễ công”. Về hai nơi thờ này (ở Long Kiến và ở thị xã Châu Đốc), “Đại Nam nhất thống chí” có ghi rõ: “Đền Lễ công: ở thôn Chu Phú, huyện Tây Xuyên, thờ Nguyễn Hữu Kỉnh. Đền do Nguyễn Văn Thụy (tức Thoại Ngọc Hầu) dựng khi làm Trấn thủ, nay hương lửa vẫn như cũ, thường tỏ anh linh. Lại ở bãi Cây Sao giữa sông Hậu Giang, là chỗ trước kia Lễ Thành Hầu thắng trận, trở về đóng ở đây. Sau khi chết, dân bãi lập đền thờ”. Và, để tưởng nhớ ông - người có đại công mở cõi về phương Nam mở đầu kỷ nguyên khai phá và phát triển vùng đất Nam bộ, năm 1998 TP Hồ Chí Minh đã tưng bừng tổ chức lễ hội “Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh”. Dịp này ngành Bưu điện Việt Nam cũng đã cho phát hành con tem Bưu chính in ảnh tượng ông Nguyễn Hữu Cảnh thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính và trân trọng đối với công lao trời biển của người mở cõi, giữ đất.
***
Có rất nhiều ngộ nhận đáng tiếc về Nguyễn Hữu Cảnh đã xuất hiện trên các sách báo trong và ngoài nước: Cụ thể là:
1) Năm mất: Ông Nguyễn Hữu Cảnh mất năm 1700, “Gia Định thành thông chí” và tất cả các quyển sử khác, chứ không phải mất năm 1837 như các tác giả dưới đây đã lầm lẫn: V Duverynoy, trong cuốn “Monographie de la province de Long Xuyên, 1930” (ghi lại theo lời dẫn tham khảo của một số tác giả); Nguyễn Hiến Lê, trong “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Nxb. Nguyễn Hiến Lê. SG, bản in lần đầu năm 1954; Thái Văn Kiểm, trong “Đất Việt trời Nam”, in năm 1960; “Người Long Xuyên” tài liệu thuyết trình tại Long Xuyên ngày 15-3-1959, đề tài “An Giang xưa và nay”. Có in thành sách, 69 trang, phần “An Giang trên đường chiến đấu chống xâm lăng”; Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu, trong “Việt Nam tự điển”, mục từ Cù Hu trang 32, phần III, quyển Thượng; và chữ Đốc Vàng, trang 59, cũng sđd, Nhà sách Khai trí. SG, xuất bản in năm 1960; Lê Ngọc Trụ (cung cấp tài liệu cho ông Nguyễn Hiến Lê trong sách đã dẫn và hiệu đính bộ “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức)...
2) Chức vụ: Tất cả các chức vụ chính thức mà ông Nguyễn Hữu Cảnh đã đảm nhận, không hề có chức Chưởng binh. Trong khi đó xưa nay mọi người vẫn gọi ông là Chưởng binh Lễ. Vì vậy, có tác giả đã đặt vấn đề, với ý đồ bác bỏ chức danh Chưởng binh, cho rằng gọi như vậy là không đúng. Nhưng cách lập luận chưa thuyết phục (xem tạp chí Thất Sơn, số 2/1992). Bởi đây là một thuật gọi ghép quen dùng của người miền Nam, đã trở thành quy ước. Xuất phát từ tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với một vị anh hùng mà trong suốt cuộc đời đã nhận lãnh khá nhiều chức, chức nào cũng quan trọng, nên muốn chọn một chức cao nhất để nhắc gọi ông thì đối với dân gian ở đây không phải là điều đơn giản. Do đó, họ đã nghĩ ra cách ổn thỏa nhất bằng cách chọn gọi một chức, mà theo họ, Tổng binh (hoặc Thống binh) là chức to nhất lúc sanh tiền và, chức được chúa Hiển Tông truy tặng sau khi chết là Chưởng dinh, để rồi gọi gộp (và đơn giản hóa) 2 chức ấy lại là Chưởng binh (Chưởng của Chưởng dinh, và binh của Tổng binh - hay Thống binh, Lãnh binh).
Do vậy, nhân dân và chính quyền đặt tên Chưởng Binh Lễ cho cơ quan, đơn vị trường học... là hoàn toàn có cơ sở (và nếu nói là Chưởng dinh cũng không sai).
3) Tên đường: Ở thị xã Châu Đốc có một con đường (cặp theo kinh ăn ra sông, ngang Cồn Tiên) mang tên Thượng Đăng lễ, đúng ra là Thượng Đẳng Lễ. Vì ông Lễ - Nguyễn Hữu Cảnh - được phong là Thượng đẳng công thần, sắc phong và định ngôi thứ các công thần (tháng 8 năm Ất Sửu 1806 của Gia Long và, ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5, 1852). Đây là một sự lầm lẫn dễ hiểu, do không đính chánh nên lâu ngày thành quen (như đường Sương Nguyệt Anh ở TP Hồ Chí Minh, người ta vẫn phải gọi sai theo bảng tên đường là Sương Nguyệt Ánh). Vả lại, không có một nhân vật lịch sử nào mang tên Thượng Đăng Lễ.
4) Quan hệ thân tộc: Tất cả sử cũ đều ghi ông Nguyễn Hữu Hào và ông Nguyễn Hữu Cảnh là con của ông Nguyễn Hữu Dật. Nhưng tác giả sách “Tiến trình văn nghệ miền nam” (Nxb. An Giang, 1990) ở trang 16 ghi Nguyễn Hữu Dật là anh Nguyễn Hữu Cảnh - không đúng.
5) Miếu thờ: Các sách “Hoàn vũ ký”, “Nhất thống dư địa chí”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam dư địa chí ước biên”, “Nam Kỳ địa chí”... đều có ghi rõ những nơi lập đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh (có nơi gọi “từ đường”, có nơi gọi “đền”, có nơi gọi “dinh”). Quyển “Sử Cao Miên” của Lê Hương (Khai Trí xb, 1970) có lời chua dưới một bức ảnh: Đền thờ ông Nguyễn Văn Thụy (Thoại) vị đại thần Việt Nam bên cạnh vua Cao Miên trong thời kỳ Việt Nam bảo hộ nước này. Đền thờ cất gần Chợ Mới (Phnom Penh) bị bắt buộc phải triệt hạ vào năm 1956". Sự thật, không phải đó là đền thờ ông Nguyễn Văn Thoại mà là đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh, vì bức ảnh cho thấy rõ tấm biển ở cổng ghi là Thượng đẳng thần. Bởi lẽ sử không hề ghi ông Nguyễn Văn Thoại có đền thờ ở Cao Miên, mà chỉ ghi ở nước ấy có đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh. Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Thoại chỉ là Trung đẳng thần (sắc truy phong của vua Khải Định năm thứ 9, tháng (?) ngày 25, và sắc của Bảo Đại năm thứ 18, tháng 8 ngày 15 các sắc này đều ở dạng “bổn nhì” vì sắc thời Minh Mạng đã bị thu hồi). Theo “Đại Nam nhất thống chí” khi làm Trấn thủ Châu Đốc đồn, ông Nguyễn Văn Thoại đã từng cho lập “đền Lễ Công”, thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh tại “thôn Chu Phú” (Châu Phú).
6) Tên khác: Giáo sư Trần Kỉnh Hòa, trong “Phần Khảo cứu” in chung sách “Hải ngoại ký sự” của soạn giả Thích Đại Sán, (bản dịch của Ủy ban Phiên dịch, sử liệu Việt Nam. Viện Đại học Huế, in năm 1963) đã viết sai rằng Tả Xu Mật là tên khác của Nguyễn Hữu Cảnh. Theo Thích Đại Sán, Tả Xu Mật mất năm Ất Hợi (1695), tại Thuận Hóa, còn Nguyễn Hữu Cảnh mất năm Canh Thìn (1700) tại Sầm Giang, Mỹ Tho.
baocantho.com.vn