Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.238
123.154.285
 
Ngổn ngang đồng đất đồng nai : Đọc tập truyện ngắn : NHƯ LÀ CỔ TÍCH của Nguyễn Một -nxb Hội nhà văn 2005.
Nguyễn Đức Thiện

Cho đến nay Nguyễn Một vẫn sống ở Đồng Nai, có lẽ vì thế mà những tác phẩm của anh mang rất rõ dấu ấn vùng đất mà anh đang sống. Cuộc sống của người Đồng Nai hiện dần, hiện dần trong từng trang sách của Nguyễn Một. Một Đồng Nai xưa với bao nhiêu vất vả, gian nan. Đồng Nai một thời đánh giặc và một Đồng Nai hôm nay đang xây dựng với trăm mối lo toan. Ngay từ những trang đầu tập sách với truyện ngắn LỬA BÊN SÔNG, ta đã gặp ngay một dòng họ lưu lạc từ xứ nghèo Miền Trung vào Đồng Nai tìm đất sống. Đương nhiên, bất cứ một cuộc di chuyển nào cũng có ly do. Nguyễn Một đã tìm cho dòng họ Nguyễn một lý do thực chính đáng: bị áp bức ở đất quê mà phải trốn tránh. Trong cuộc phiên lưu vào phía Nam tìm đất sống ấy, ông tổ họ Nguyễn ở Đồng Nai đã dừng lại bên một con sông. Con sông ấy đã vun bồi nên mảnh đất màu mỡ và chuộng người. Nổi chìm một kiếp người mà nên được một dòng họ. Nhưng chính dòng họ ấy cũng phải nổi chìm mới có được cuộc sống hôm nay. LỬA BÊN SÔNG thực sự là khúc ca bi tráng về một dòng họ đi mở đất trên đất Đồng Nai.

 

Nhân vật trong các truyện ngắn của Nguyễn Một có những người của thuở xa xưa và người của hôm nay, người của cuộc kháng chiến thần thánh và người của lao động dựng xây, không thiếu vắng những nhân vật dưới đáy xã hội và những kẻ ngang tàng, bậm trợn. Bao thân phận, bao nhiêu kiếp người được dồn nén trong một tập truyện ngắn của Nguyễn Một. Phong phú về thực tế mà Nguyễn Một đã đưa được nhiều nhân vật có những số phận khá đặc biệt vào những trang sách của mình. Có một điều đáng nói là tất cả các nhân vật trong truyện của Nguyễn Một đều có một bề dày số phận. Một anh công nhân ở trong khu công nghiệp phải có một chuỗi ngày gian nan vất vả ở quê nhà. Với quyết tâm tìm kiếm sự dư giả nhưng cũng sẵn sàng bày tỏ tinh thần thượng võ bênh vực người yếu. Để rồi mất việc và phải bắt đầu từ đầu cho cuộc tìm kiếm cách thoát nghèo. Nghề truyền thống đã cứu giúp anh. Chỉ với những cây tre quen thuộc mà anh tạo ra những sản phẩm có thể xuất khẩu và người tiếp sức cho anh không ai khác, chính là người anh đã thách đấu để bảo vệ bạn mình. Một thương gia nước ngoài. Trong một truyện ngắn thôi mà chất chứa rất nhiều sự kiện, khiến cho chất liệu trong truyện bề bộn hẳn lên, trong đó không thiếu một tình yêu hé mở  (TRƯỚC MẶT LÀ DÒNG SÔNG). Một người lính đã có chuỗi ngày tham gia đánh giặc, gặp người con gái mình yêu sau đó, yêu thương mà nên vợ nên chồng sau phút yêu đương trong khói lửa bom đạn, nhưng đánh đổi là phải giã từ cuộc chiến đấu. Nếu chỉ dừng chuyện ở đó thôi thì chuyện không thành truyện. Sau đó là cuộc Chiến đấu gần như đơn độc để bảo vệ mảnh đất quê hương, bảo vệ cả vùng căn cứ. Anh hy sinh, Nguyễn Một vẫn chưa chịu dừng, anh còn đi tiếp để tìm cho được thế hệ tiếp nối của con người dũng cảm kia ( TRUNG QUÂN) .

 

Một nhân vật khác, đó là Tám Giái và Chín Cu trong CHUYỆN NGƯỜI, CHUYỆN MA. Nhân vật rất phụ trong truyện là một người đàn bà bị bệnh cùi có đứa con xinh đẹp. Tám Giái và Chín Cu xuất hiện gần như trong hết câu chuyện lại tạo ra bao nhiêu chuyện ly kỳ xung quanh người đàn bà kia, cho đến khi bà chết được hai anh em hoả thiêu, người ta lại có cảm giác bà mới là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Họ phải phớt lờ bao nhiêu chuyện đơm đặt của những người xung quanh. Hai con người bí ẩn, có những tình cảm bí ẩn nhưng thương nhau rất mực chỉ để bảo vệ một người đàn bà xinh đẹp nhưng bị căn bệnh vào lúc đó người ta ghẻ lạnh. Khi người đàn bà chết, họ mới bỏ xứ mà đi. Nguyễn Một thêm một lần nữa theo chân họ để lần tim ra nơi họ sống sau này. Những thân phận người trong truyện của Nguyễn Một vì thế mà dày lên khiến người đọc cứ phải theo hoài cho đến hết.

 

Trở lại với truyện ngắn đã nhắc ở đầu bài viết này: LỬA BÊN SÔNG. Người đàn ông trong dòng họ Nguyễn đến đất Đồng Nai sinh sống có một phần đời riêng. Hậu duệ của ông ta hôm nay cũng có thân phận thật trớ trêu. Ông ta đã phải trải mất thăng trầm mới gìn giữ được mảnh đất của tổ tiên để lại. Một dòng đời mấy thế hệ trong một truyện ngắn khiến ta có cảm giác quá tải. Tuy nhiên, do cách viết khá hoạt nên vẫn có sự tách bạch rõ ràng và thể hiện rất rõ dụng tâm của tác giả: con người cần có lửa để sống, nhưng chính lửa trong mỗi con người mới thực sự cần cho sự tồn tại trước mắt và tồn vinh lâu dài. Nhân vật trong truyện ngắn PHO TƯỢNG TÌNH YÊU  cũng có sự đậm đặc thường có trong truyện ngắn của Nguyễn Một. Họ có tình yêu khi còn tuổi trẻ. Tình yêu dang dở mỗi người có con đường riêng. Người đàn bà bị ép duyên. Người đàn ông phải lấy người đàn bà khác. Nguyễn Một đã cho những trang viết của mình theo suốt cuộc đời của họ. Cho đến già, cho đến chết, để tìm cho đến cái kết có hậu của truyện ngắn. Hai người đàn bà trao lại kỷ vật cho nhau, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là một kỷ vật dành cho một người. Đó là người đàn bà mà người đàn ông yêu nhất, yêu hết cuộc đời mình. Còn người đàn bà kia thì hy sinh cả một đời mình cho người mình yêu nhất, mặc dù biết rõ trái tim người đàn ông luôn dành cho người đàn bà khác.

           

Tất cả những nhân vật mà Nguyễn Một xây dựng trong tập truyện ngắn NHƯ LÀ CỔ TÍCH rất gần với cuộc sống thực tế của người Đồng Nai. Có những trang viết mang tính sử thi, có những trang viết mang tính thời sự, không thiếu những trang viết đằm thắm tình người. Nguyễn Một tỏ ra có một sự ưu ái khá đặc biệt với những thân phận trắc trở. Một người đàn bà cùi sống chui nhủi như một bóng ma. Một người đàn ông cũng mắc bệnh cùi con gái phải lao vào lửa cứu cha vì làng bắt phải chết theo tục lệ và cô phải gánh chịu nỗi đau ê chề của cha và lưu lạc sống ở nơi khác. Một anh ăn mày không tên. Một người thiếu phụ bị chồng bỏ rơi. Một anh công nhân thất nghiệp. Đến cả một tội phạm hình sự trong truyện ngắn: KẺ VÔ HỌC, Nguyễn Một vẫn viết ra bằng sự cảm thông nhất định. Anh ta giết người ư? Có những chuyện trớ trêu khiến anh phạm tội, khiến anh chán ghét con người. Nhưng rồi anh ta lại được chính con người chỉ ra được sự cần thiết phải sống chung trong cộng đồng. Rõ ràng trong khi viết Nguyễn Một đã bỏ khá nhiều tâm trí để xây dựng cho trọn vẹn những nhân vật của mình. Anh không muốn dừng lại khi chưa cho bạn đọc thấy rõ chân dung những con người mà mình tạo dựng lên trong tác phẩm. Nhân vật của Nguyễn Một có lúc rất thực, nhưng cũng có lúc mơ mơ, ảo ảo.

           

Cùng với những con người có những số phận dày dặn, Nguyễn Một còn dành khá nhiều tâm huyết khi viết về đất Đồng Nai. Con sông Đồng Nai, vùng đất đỏ bazan với những rừng cà phê… Phong cảnh Đồng Nai trong những trang viết của Nguyễn Một khá sinh động, nhờ đó mà tác phẩm của anh không thể trộn lẫn được với những vùng đất khác. Cùng với cảnh vật đồng Nai và những nhân vật trong tập truyện ngắn NHƯ LÀ CỔ TÍCH , Nguyễn Một đã làm được một điều thực ý nghĩa: tạo ra vóc dáng riêng cho một vùng quê đồng thời cũng tạo được vóc dáng riêng của một người viết. Việc này không dễ mấy ai làm được. Từ vóc dáng riêng ấy mà góp phần vào nền văn hoá chung một bản sắc riêng. Người đọc cũng nao lòng mỗi khi Nguyễn Một khắc hoạ về miền Trung, nơi đầy nằng, gió và cái nghèo…

           

Vẫn có những điều cần nhắc đến khi đọc Nguyễn Một. Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường kể những câu chuyện có hậu. Chuyện có hậu làm hài lòng những bạn đọc thông thường. Có khá nhiều truyện trong tập NHƯ LÀ CỔ TÍCH của Nguyễn Một đều có một kết thúc có hậu. Một hoạ sĩ muốn có tác phẩm lớn về con người lại sống bên cạnh một cây bằng lăng ráng tồn tại sau một trận bom ngạt và một gã hành khất không tên thì người đọc có thể đoán nhất định anh ta sẽ có một tác phẩm chính là gã ăn mày và cây bằng lăng kia. Có những cái kết thúc có hậu khác như: mười sáu tuổi hứa sẽ tìm cho được cô con gái con người đàn bà cùi, thì cuối truyện là phải tìm được. Ông già trong dòng họ Nguyễn cuối cùng cũng đòi lại được đất đai và giàu có nhờ trồng trọt… Khi đọc riêng lẻ từng truyện bạn đọc có thể không để ý, nhưng khi tập hợp lại thì nó trở thành cái nếp cho người đọc có thể đoán nhận ngay đầu truyện như thế, kết thúc sẽ ra sao. Nói một cách đơn giản hơn: truyện của Nguyễn Một được chuẩn bị khá kỹ về cốt truyện do đó thường để lộ ra sự sắp đặt của tác giả. Người viết dấu được sự sắp đặt truyện của mình càng kỹ, càng tốt, càng hấp dẫn người đọc hơn. Chúng ta vẫn chấp nhận những truyện ngắn kết thúc có hậu, song khi đưa vào một tập truyện nên tránh có nhiều truyện có những kết thúc như thế để bớt đi sự đơn điệu trong một tác giả.

           

Thêm một lần nữa khẳng định tập truyện ngắn NHƯ LÀ CỔ TÍCH, với 16 truyện ngắn, trong 250 trang in, Nguyễn Một đã mở ra cho chúng ta thấy một Đồng Nai bề bộn, ngổn ngang. Bề bộn, ngổn ngang người với nhiều tính cách, nhiều số phận khác nhau. Bề bộn, ngổn ngang đất, bề bộn ngổn ngang sông nước với bề bộn ngổn ngang công việc. Công việc của quá khứ xa xăm, của hiện tại và của tương lai. Điều này thể hiện vốn sống trong Nguyễn Một khá dồi dào, đó là điều kiện để Nguyễn Một sẽ còn có nhiều trang viết mới, những trang viết sung sức cho sau này.

 

Tây Ninh ngày 5-11-2005.
Nguyễn Đức Thiện
Số lần đọc: 5415
Ngày đăng: 09.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi người không bình an : Một cảm nhận khác. - Dư Thị Hoàn
Lê Quốc Minh say mê nghề viết đến cùng - Triệu Xuân
Vũ Trọng Quang với trò chơi sắp đặt - Phạm Lưu Vũ
Năm người trên một con thuyền - Nguyễn Thanh Mừng
“Mang” cùng Phan Trung Thành - Nguyễn Tý
Lửa Tây Sơn , Thiên anh hùng ca bi tráng : Đọc tiểu thuyết lịch sử: Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác. - Lê Hoài Lương
Thơ đồng bằng vẫn tiếp tục khởI sắc - Hồ Tĩnh Tâm
Trần Thị Ngọc Lan – Khi em hát em biết vì sao chim hót - Nguyễn Văn Ninh
Một chút tình si trong thơ Ma Trường Nguyên - Nguyễn Đức Thiện
Đáu đáu một cái nhìn : Đọc Lập Thiền của Nhuỵ Nguyên - Nhà xuất bản Thuận Hoá tháng 4-2006. - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Không thể đùa (truyện ngắn)
Ban bè một thuở (truyện ngắn)
Tấm kiếng rạn nứt (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Mẹ (thơ)
Kịch (truyện ngắn)
Bến cây ổi (truyện ngắn)
Lu Lu (truyện ngắn)
Gío (thơ)
Một khoảng xô bồ (truyện ngắn)
Ông lão bán chim (truyện ngắn)
Cái nợ đồng lần (truyện ngắn)
Giữa vòng vây (truyện ngắn)
Chuyện con ruồi (truyện ngắn)
Tiếng gõ cửa (truyện ngắn)
Đêm (thơ)
Bàn về Thơ (tiểu luận)
Mái tóc ngày xưa (truyện ngắn)
1111 (thơ)
Sông em (thơ)
Trăng cuối tháng (truyện ngắn)
Góc Rừng (truyện ngắn)