( Bản tham luận tại hội thảo "Những chuyển động trong thơ hôm nay" do Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức ngày 17 / 9 / 2002 )
Từ thời mở cửa, đặc biệt vài năm gần đây, thơ Việt Nam ( phạm vi trong nước ) đã tiềm ẩn năng lượng của một khoảng không đang cựa quậy ( lác đác trong những tập thơ ấn hành do tác giả tự túc kinh phí ), tuy chưa tạo thành luồng gió ( trào lưu hay khuynh hướng ), nhưng đủ chứng tỏ một dấu hiệu bất mãn về hiện trạng thơ ca đã phổ quát ( bao chùm cả tác giả và đọc giả ), đồng thời cũng cho thấy dấu hiệu bất mãn đó không được các nhà quản lý chuyên môn ( Hội nghề nghiệp ) bắt nhịp một cách nhậy bén, công khai và rộng mở .
Một hiện trường kéo dài, dàn trải được nhà thơ Hữu Thỉnh ( Tổng thư ký Hội Nhà Văn VN - tổng biên tập báo Văn nghệ ) quy nạp bằng một câu nói gọn gàng, chuẩn xác: "Thơ trên mặt báo Văn nghệ đã không phản ánh đúng thực chất tình hình thơ ( Việt Nam ) hiện nay"( trích lời phát biểu trong cuộc tiếp xúc các hội viên thơ tại Hội Văn Học Hải Phòng ngày 27/12/2001 ). Nói một cách khác là ông Hữu Thỉnh đã thừa nhận : Còn những bài thơ, còn những luồng thơ, còn những tác giả thơ được chú mục đã tồn tại ngoài lề các tờ báo, các tờ tạp chí chính thống của ngành nghề, bộc lộ lực bất tòng tâm của các nhà quản lý văn hoá văn nghệ ( tất nhiên có nhiều lý do để biện minh ).
Hơn nữa, Hội Nhà Văn Việt Nam chưa có một cuộc hội thảo nào ( chứ đừng nói đến cổ suý ) bàn về những cây bút thơ mới ra ràng, có bút pháp thể nghiệm khác lạ, tất nhiên là chưa toàn bích, nhưng có mầm mống tìm tòi rõ rệt, như Nguyễn Quang Thiều, Văn Cầm Hải, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh vân vân.
Còn một sự kiện gây xôn xao nữa, đã là sự kiện thì nhiều khi được tường thuật qua lại, dù rằng tác giả sự kiện đó đã qua đời: Trong cuộc phổ biến quán triệt nghị quyết đại hội 9 của Đảng, tại nhà hát lớn t / p Hải Phòng ( vào hai ngày 31 / 10 - 1 / 11 / 2001 ). Đứng trước hơn 500 vị cử toạ, chủ yếu là văn nghệ sĩ và cán bộ ngành văn hoá, ông Tấn Phương - vụ trưởng Vụ văn hoá văn nghệ - Ban tư tưởng văn hoa trung ương đã thẳng thắn phán quyết thơ Vi Thuỳ Linh: " Tôi không thể tưởng tượng được một cô bé 19 - 20 tuổi lại viết những dòng thơ ca ngợi, kể tả khát khao tình yêu với một người đàn ông bằng tuổi bố mình ! Thế mà cũng đựơc một số nhà thơ đàn anh tung hô, trong đó có Nguyễn Thuỵ Kha là nhà thơ Hải Phòng của chúng ta đấy !" Hình như cảm thấy thiểu tự tin, ông ta bồi thêm một câu được hiểu là trọng lượng: "Tôi và bố cô ấy còn là bạn học với nhau - anh Vi Hoà, có phải không anh Tuấn Sinh nhỉ ?" ( Ông vươn ra phía khán giả, có ông Tuấn Sinh - phó ban tuyên giáo Thành uỷ HP ngồi hàng nghế đầu gật gù ). Thế là sự nghiệp thơ ca mới nhú của một tác giả nữ ít tuổi nhất Việt Nam đã bị người phát ngôn của Ban tư tưởng văn hoá trung ương đóng triện, chỉ còn có cơ lên thớt !
Ở đây tôi chưa có điều kiện bàn sâu về thơ Vi thuỳ Linh, đang là một mục tiêu gay gắt trong làng phê bình thơ trong và ngoài nước. Tôi muốn đề cập đến khía cạnh khác - chắc chắn những người có kết cấu bộ não như ông Tấn Phương không thể theo kịp với bước đi văn hoá văn nghệ hôm nay nữa. Nó đã hiển lộ năng lực yếu kém, nếp nghĩ thô thiển, cũ mèm của một số vị chức sắc phát ngôn thay Đảng, chèo lái con thuyền văn học Việt Nam hiện nay.
Nếu nhìn nhận một cách lão thực, trong cơn lốc mở đầu cuộc cải cách theo chỉ đạo nghị quyết 05 về đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng. Vào những năm 1986 - 1990, không khí cởi mở trên văn đàn đã cấp đất cho các cuộc thể nghiệm văn chương phát lộ. Xuất hiện những cây bút mới lạ trở thành hiện tượng dị biệt, như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, và tôi - Dư Thị Hoàn cùng một số cây bút nữa phải nói là gặp thời. Rồi tiếp sau đó, không hiểu sao, Báo Văn nghệ , tạp chí Tác Phẩm mới ( nay là tạp chí Nhà văn ) và các diễn đàn văn học của quốc gia đồng loạt xoay hướng, không bao giờ để mắt khai khẩn, để tâm vun đắp cho những mầm cây mới lạ ( thể nghiệm trong thơ ) được thành hình ( diện mạo ), chứ chớ màng đến hình thành những vùng phong cảnh khác biệt như người ta ( tức dung nạp các triết thuyết, các trường phái thơ ca : Ngoài thơ cổ truyền, lãng mạn, tự do, tượng trưng, còn có thơ ấn tượng, mung lung, siêu thực, cho đến thơ tân hình thức, vô tuyến tính, hiệu ứng cánh bướm, thuyết hỗn mang... được trao đổi, sàng sẩy một cách sôi nổi và nghiêm túc như nhiều diễn đàn văn hoá ngoại bang hiện nay ). Có lẽ họ ( mầm mống mới lạ ) bị tẩy chay vì không đựơc gây giống từ một vườn ươm chăm xóc chính thống ( về lập trường ) chăng? Có lẽ họ đã chót nẩy hạt từ lấm láp, từ ngẫu nhiên do vô tình của gió, do vụng về của chim chăng? Họ mọc một cách đơn độc, lộn xộn và hồn nhiên đến hoang dại, đến nỗi phải tìm cách mọc len lỏi sang những địa hạt thông tấn khác, thậm chí phải tìm kiếm bóng dâm ở ngoài biên giới - Hải ngoại.
Tóm lại, chân dung họ không được trình diện theo cung cách đàng hoàng ( trên báo chí chuyên ngành ), và toàn triệt ( đầy đủ, liên tục ). Vậy thì làm gì có sở cứ để chúng ta - trên toàn phương vị độc giả, ( kể cả các bậc thầy lỗi lạc về khoa lý luận phê bình ) luận bàn về họ? Làm gì có sở cứ để luận bàn về cuộc chuyển động của thơ hôm nay một cách đúng nghĩa đàng hoàng và toàn triệt? Ngay cả những cuộc luận bàn nếu có, liệu được công bố, được tường trình, được phát hành một cách đàng hoàng và toàn triệt không ? Hay là như cuộc trao đổi về thơ Vi Thuỳ Linh "nửa chừng đứt gánh", mà đã vội quy chụp là ''...thơ... thiếu lành mạnh..." của báo Người Hà Nội vừa qua ? Hay tìm cách phủ đầu bằng bài phê bình " Những ngón tay dị dạng " của Đặng Huy Giang về tập " Viết thơ " - một tập hợp các lực lương ganepho? Cho đến bao giờ mới trút bỏ được những gánh nặng dư luận thiếu thăng bằng trên đôi vai họ, để họ không còn hao tổn sinh lực mà tập né tránh, mà tập chịu đòn như các bậc tiền bối xấu số ? Đến bao giờ mới tráng được một tấm gương thật sáng sủa để họ soi bóng, tự nhận chân? Tôi cứ tự hỏi, rồi lại tự hỏi...
Mong rằng, thời gian sẽ ngấm ngầm theo rõi bước đi của họ, chăm sóc cho sự trưởng thành của họ và đủ tỉnh táo giám định ( bắt tay hoặc chia tay ) họ, qua một liều lượng thích hợp. Bởi họ là những thi sĩ được cấu tạo từ những tế bào bất mãn ( hai chữ "bất mãn" ở đây, mong được hiểu theo ý nghĩa gốc rễ của nó, là không thoả mãn ), tế bào bất mãn luôn hành hạ và chối từ hiện thực bản ngã và ngoài bản ngã, thúc bách họ thay đổi, cải cách, hoàn thiện, hoàn mỹ không ngưng nghỉ. Họ có thể ý thức hay vô thức, có thể bất tài hay có tài, thậm chí có thể nhầm lẫn tự định vị về giá trị mở đường hay lót đường của mình. Nhưng tạo hoá đã đúc ra họ bằng những tế bào năng lượng ( bất mãn ) tích tụ kia, để không thể thiếu vắng trong cuộc chuyển động thơ ca vào lúc xung yếu.
Tôi nghiêng mình kính phục họ.
Hải Phòng ngày 15 / 9 /2002