Hưng ngồi xụp xuống trong tiếng nhạc thác loạn của vũ trường. Anh cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Anh muốn quay về Tây Ninh, nơi có mảnh vườn với những bông thanh long rực sáng. Thanh long, loài hoa có hương thơm dịu và vẻ đẹp làm ngơ ngẩn lòng người.
Trước, anh ít khi nào để ý đến loài hoa ấy. Nhưng từ ngày chị đi cho đến nay, việc chăm sóc cây thanh long đã trở thành công việc của mẹ. Và cũng từ khi chị đi, mẹ suốt ngày thẫn thờ ở ngoài vườn. Cái khuôn vườn nhỏ ấy không đủ sức chứa nổi nỗi lòng của mẹ. Nỗi nhớ cứ trào ra, chòng chành, chòng chành mà không thể nào đổ được, trừ khi chị về… Anh nhìn mẹ xót xa. Rồi lại nhìn những cây thanh long với một ánh mắt lạnh lùng. Chị gắn với cây cỏ ngoài vườn và chị vui với niềm vui của chúng. Nhất là khi thanh long trổ bông, chị tíu tít suốt ngày với mẹ và luôn tươi cười với em trai. Hưng cảm thấy chị như con nít và anh thè cái lưỡi dài ra trêu chị. Chị không thèm trách Hưng mà lại nói:
- Bông thanh long tàn kể cũng buồn thật, nhưng lại có thêm niềm vui mới. Đó là sự ra đời của một trái mọng đỏ tươi.
Bây giờ vắng chị, nhà chỉ có hai mẹ con. Ra vào cả ngày chỉ có vài ba tiếng nói. Lúc ăn cơm, không có câu nói đùa của chị; buổi tối quây quần, không có tiếng chị cười vui; lúc Hưng đi chơi về khuya, không có giọng mắng sang sảng của chị vọng lên từ cái trõng nơi cuối nhà. Lúc đầu chỉ cảm thấy trông trống, sau thấy nhoi nhói ở trong lòng. Bởi chị ở xa mà lại ở nơi hang hùm miệng sói. Cảnh chị mặc áo hồng, tóc chải mượt, lượn qua lượn lại trong bữa tiệc của bọn đàn ông say sỉn khiến Hưng vô cùng ấm ức. Rồi anh lại còn nghĩ đến cảnh chị phải tiếp khách ở vũ trường. Chị bưng nước cho họ nhưng nếu họ muốn mới chị nhảy thì chị cũng không thể từ chối được. Bởi nếu từ chối thì có nguy cơ bị đuổi việc còn nếu đồng ý thì thật là tội cho chị quá. Những người đàn ông khi đang say thì còn kể gì đến phép lịch sự với những cô tiếp tân như chị. Hưng càng tưởng tượng càng cảm thấy sự bất lực trong mình. Mà đối với tuổi trẻ, bất lực là một trạng thái vô cùng đáng sợ.
Hưng cảm thấy nhục cho chị thì ít mà cảm thấy giận mình thì nhiều. Không hiểu tại sao mà anh lại có thể đồng ý cho chị đi thành phố làm, kiếm tiền nuôi mình ăn học. Hưng giận mình rồi lại chuyển sang giận chị. Tại sao mà chị lại có thể sống trong cái môi trường ấy? Mà con người hễ càng giận lại càng nghĩ nhiều đến người mình giận. Mà càng nhớ lại càng thương, càng chua xót nhiều. Hưng tưởng tượng chị mình bị người ta sai khiến. Chị có sắc đẹp và tuổi trẻ. Người ta muốn sai khiến chị hoàn toàn thì người ta phải dùng đến tiền tài, thậm chí cả ma tuý. Nghĩ vậy, anh càng không thể chịu nổi… Càng nghĩ đến chị, anh càng cảm thấy mình như bị hàng trăm mũi tên đâm vào tim, vào óc. Đau buốt, đau như thể anh đang sắp bị mất đi cột sống. Cột sống anh như đang có một con vật nào đó đục khoét và ăn cho rỗng tuếch. Hưng quyết định đi tìm chị.
- Biết tìm nó ở đâu giữa cái thành phố đầy người đó. – Mẹ nói, kèm theo tiếng thở dài sườn sượt.
- Có lần con nghe một người bạn của chị nói chị làm ở vũ trường Ánh Sao. – Hưng chống chế.
- Rồi biết vũ trường ấy nằm ở đâu. Mà sợ khi mày tìm thấy vũ trường ấy nó lại đổi chỗ làm rồi thì sao. Thôi con, ở nhà lo mà học đi. Trước sau gì rồi chị con cũng tự trở về cho coi.
- Biết chị ấy có chủ động được hay không. Rủi chỉ bị người ta hại thì sao? Chỉ không có tin tức cả nửa năm nay rồi.
- Kệ thây nó!
Mẹ bắt đầu rơi nước mắt. Hưng quay đi, không nhìn.
Mẹ vẫn thường hay khóc về đêm. Nơi cái trõng tre ở cuối nhà chỉ còn mình mẹ xịt xoạt. Hưng lại cảm thấy đau, cảm thấy mình như vô cớ bị cướp mất một vật gì đó quý giá nhất đời mình. Mẹ đã già và trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Nếu mẹ không tin vào chuyến đi này của Hưng, thì quả thật là Hưng cũng cảm thấy phiêu lưu. Nhưng biết làm sao được. Tiếp tục ngồi ở nhà, không biết tin tức gì của chị, có thể anh sẽ điên mất. Hoặc mẹ không tin cũng bởi vì mẹ sợ. Mẹ sợ những cạm bẫy cuộc đời cũng sẽ giăng cả vào Hưng. Nhưng không, mẹ hãy cứ yên lòng.
Hưng quyết định đi. Tây Ninh - Thành phố có cách nhau là bao!
Nhưng giờ đây Hưng cảm thấy mệt mỏi và rã rời. Hai ơi, giờ này Hai đang ở đâu? Hưng rời rã bước ra khỏi vũ trường. Đi một đoạn, anh gặp lại bà gáng tàu hũ nóng hôm nọ. Nhìn thấy Hưng bà lão ân cần hỏi:
- Cậu chưa tìm thấy chị phải không?
- Dạ, - Hưng trả lời mà không nhìn vào mặt bà.
- Thôi, cậu về đi! Về lo mà học, đừng để mẹ cậu trông.
Bà lão thường xuyên bàn tàu hũ vào buổi tối ở đây, nơi lề đường cạnh vũ trường này. Khách của bà thường là nhân viên vũ trường và một số công nhân đi làm về khuya ghé vào. Trong số khách ấy có chị hai của Hưng. Hôm đầu tiên lên thành phố Hưng đã quen với bà. Anh đưa hình chị hai ra cho bà xem. Bà nói bà có quen nên Hưng mừng lắm. Nhưng nào ngờ, khi vào vũ trường hỏi thăm thì chị đã không còn làm việc ở đó nữa. Nghe người ta nói chị được một ông Việt kiều nào đó “bao” nên không còn làm ở đây nữa. Suốt mấy hôm nay, Hưng đi tìm những người bạn cũ của chị những cũng chẳng ai biết rõ là chị đang ở đâu. Chị của em, - Hưng thốt lên trong tâm khảm. – Nếu chị còn bình yên xin chị hãy liên lạc về nhà.
- Cậu đừng tuyệt vọng chứ! – Bà lão nhìn Hưng như để chia sẻ nỗi băn khoăn trong lòng anh. – Cậu ăn chén tàu hũ đi! Có thể ăn xong cậu sẽ bớt căng thẳng hơn.
Hưng nhìn người phụ nữ miền Trung tần tảo buôn bán mà thương má ở nhà. Có lẽ giờ này, má chưa chịu ăn cơm vì còn thói quen chờ Hưng hoặc “con Hai” về thì má mới ăn. Để đến khi sực nhớ hai “đứa nhỏ” đều ở xa, má mới lủi thủi đi ăn cơm một mình.
Hưng đưa tay đón lấy chén tàu hũ còn nóng hổi. Những đường cát được thắng vàng và nước cốt dừa hòa với tàu hũ trắng tinh. Hưng chỉ ăn cho có lệ nhưng ăn xong, quả thật anh cũng cảm thấy mình bớt “căng” hơn. Anh rút tiền ra gửi trả bà lão. Bà lại hỏi anh:
- Cậu định mai sẽ tìm chị cậu ở đâu?
- Cháu cũng chưa biết nhưng có thể cháu sẽ đến nơi ở của chị Nhã. Chị ấy là người cùng quê và lúc trước, chị cháu làm chung xưởng may với chị ấy ở thành phố này. Thôi, bác ở lại bán nhé!
- Ừ, mong cậu chóng tìm thấy chị cậu.
Đường Sài Gòn vào đêm chi chít những ánh đèn màu. Ánh đèn rực rỡ ấy trong phút chốc có thể làm một kẻ ở quê choáng ngợp. Hưng đi bộ, và cứ chốc chốc lại có những ông đạp xích lô nói giọng Quãng Ngãi mời chào. Có những người còn chạy theo anh một đoạn dài, khi thấy anh cương quyết không đi thì họ mới đạp xe quay đi. Có không ít những người đàn ông ấy lấy xe làm giường để ngủ. Có thể chỉ là để đỡ tốn mười ngàn đồng vào thuê nhà ngủ tập thể. Mấy hôm nay Hưng cũng mỗi đêm tốn mười ngàn đồng để có một nơi trú thân và một giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng. Lúc mơ thấy chị bị người ta hại, lúc mơ thấy má cứ hai hàng nước mặt chảy ròng ròng như hờn như trách. Sài Gòn vào đêm, trời dịu lại, mát và những làn gió mơn trớn thịt da, cả những cơn gió làm cho người ta rờn rợn…
Cả buổi sáng, Hưng săn lùng căn hộ mang số nhà anh cầm trên tay. Những con hẻm ngoằn ngoèo, nối tiếp nhau như đang dẫn anh vào cõi mê cung. Có những con hẻm chỉ đi lọt mỗi một người, hoặc một xe. Nếu hai xe ngược chiều nhau thì chắc chắn sẽ đụng vào nhau. Những mồ hôi rơi, những suy nghĩ ngậm ngùi và một niềm hy vọng mỏng manh vào một người quen cũ.
Hưng gõ cửa, một người đàn ông trẻ ra mở cửa. Hưng hỏi thăm Nhã và nói rõ mục đích của mình thì anh ta liền reo lên:
- Thì ra em là người cũng quê với Nhã. Vào đi, vợ tôi ở trong nhà.
Chị Nhã đã lấy chồng ư? Thế mà Hưng không hề hay biết. Anh ngồi vào chiếc ghế con chờ đợi. Nhã mặc đồ bộ bước ra, khuôn mặt biểu lộ niềm hạnh phúc của một người vợ trẻ. Hai người nói chuyện với nhau về quê hương, về chuyện cũ. Nhã cứ nhắc đi chặc lại những kỉ niệm thời ấu thơ của mình với chị hai Hưng. Càng nghe, Hưng càng cảm thấy xót xa cho một thực tại mà chị mình đang phải trải qua. Ngày ấy, chị trong sáng và ngây thơ biết chừng nào! Hưng nhìn chậu hoa mua trong nhà mà ngạc nhiên. Nhã giải thích:
- Chị đòi anh Phong( chồng chị) phải đem bằng được loại cây này về trồng. Mỗi ngày chị từ xưởng may về, thấy nó chị bớt đi mệt nhọc. Vả lại, nhìn nó cho đỡ nhớ quê hương.
- Nhớ thì chị cứ về. Đây với Tây Ninh có xa xôi gì cho cam.
Nhã nhìn Hưng tỏ vẻ ái ngại, rồi cô thành thực:
- Chị lấy anh Phong, má chị không đồng ý. Nhưng tụi chị yêu nhau nên cứ làm giấy đăng kí kết hôn. Ông bà can không được, giận nên từ chị luôn rồi.
- Em lo gì, cứ dắt cháu ngoại các cụ về là các cụ quên giận ngay thôi. – Anh Phong chen vào.
Câu nói làm cả ba đều cười, tiếng cười làm tan đi sự căng thẳng không cần thiết của cuộc đời. Mỗi người có một cách nhìn nhận về tình yêu và hạnh phúc. Hạnh phúc như anh chị đây tuy còn trắc trở nhưng đó cũng là một sự lựa chọn của chính mình.
Tuy Nhã không biết địa chỉ hiện tại của chị hai Hưng nhưng chị đã làm cho Hưng biết tin vào một tình yêu đích thực. Chị đã chọn một người có cùng cảnh ngộ với mình để chia sẻ, từ bỏ những vinh hoa sáo rỗng của những cô gái đẹp bây giờ đang theo đuổi. Chị có một tình yêu và cuộc sống đời thường mà những người phụ nữ lấy chồng vì tiền, vì địa vị không có được. Vợ chồng Nhã giữ Hưng ở lại ăn cơm. Anh Phong đi chợ để cho Nhã ở nhà được thao thao với Hưng về kỉ niệm của chị và chị hai Hưng vào những ngày đầu mới lên thành phố.
Cả hai giữa nơi phồn hoa đầy quyến rũ. Mình sẽ là một công nhân suốt ngày quần quật với công việc hay là một “bà hoàng” với nhiều thú vui chơi? Thật ra, đó không chỉ là sự chọn lựa đơn thuần mà đó là cả một quá trình lặn lội, sự va chạm và những mối quan hệ. Những đứa con gái mới lên thành phố như tụi chị hay bị những miệng lưỡi mồi chài của những quán baz, những quan bia, hoặc là những nhà hàng đang cần bọn “phụ vụ” mới… Chị hai em vốn là người tốt, nó tốt nên mới bỏ nhà lên thành phổ để kiến thêm tiền cho em ăn học. Những nó vốn là một đứa nhẹ dạ, mà phụ nữ thì hay nhẹ dạ lắm…
Hưng ở nhà Nhã cho đến chiều. Anh gọi điện về cho má:
- Hưng, về đi con! Hai mày mới gọi điện về nhà tối hôm qua. Nó nói cứ yên tâm, hiện giờ nó đang phụ nuôi tôm thuê cho một gia đình ở Kiên Giang. Khoảng một tháng nữa nó xin ông chủ về thăm nhà. Mai con về đi nghe!
Hưng nghe mà lòng phơi phới. Anh đã cảm thấy được sự yên ổn trong lòng. Anh đến báo cho Nhã biết tin vui đó. Rồi anh lấy chiếc xe đạp của chị chạy vòng vòng ngắm cảnh thành phố xinh đẹp.
Sài Gòn thật lạ, buổi trưa thì như một kẻ hậm hực với đời, rừng rực những tia lửa đỏ. Buổi tối thì mát mẻ và trở thành một cô gái đầy sức xuân muốn đem đến cho mọi người sức sống của mình. Hưng chạy dọc theo những con đường mà anh thấy thích. Cả những con đường anh chưa hề đi qua anh cũng đạp xe đến. Từ hôm đến thành phố, tối nay là tối đầu tiên mà anh cảm thấy thoải mái nhất. Anh cảm thấy như mình đã trút đi một gánh nặng mà mình đã mang từ kiếp trước – một nỗi buồn day dứt vì sợ chị mình đã lao vào chốn hiểm nguy. Nhưng lúc này đây, những ngọn gió lao vào anh như muốn ôm hôn anh, muốn nói với anh rằng:
-Sao ngươi cứ hay lo nghĩ không đâu, chứ cuộc đời này đâu đến nỗi.
Những ý nghĩ tốt đẹp cứ nối tiếp nhau trào ra khiến anh vô cùng hưng phấn. Đi đến một cái cầu anh định quay lại, nhưng anh lại nghĩ bây giờ mà mình qua cầu thì sẽ đường hưởng cái mát mẻ và thảnh thơi của một buổi tối dưới những hoa đèn.
Những ánh đèn phản chiếu xuống dòng sông. Ánh đèn được phản chiếu đẹp, nó đẹp phải chăng chỉ vì sự mơ hồ của mình? Những người đàn bà đứng bên lề cầu. Họ trang điểm lòe loẹt và ăn mặc hở hang. Ánh đèn khiến họ trở thành mờ ảo và ma quái. Hưng không muốn nhìn họ. Anh linh cảm mình đang đi vào một nỗi đau mà bản thân anh không thể nào chế ngự được. Những cảm giác khoan khoái của anh hồi nãy liền bay theo gió. Anh lầm lũi đạp xe đi qua những người đàn bà đó. Nhưng bất chợt, anh lại nhìn thấy một bóng dáng thân quen. Tuy được ngụy trang bởi một thứ quần áo khác nhưng anh vẫn nhìn thấy ở người con gái ấy vẻ thân quen không thể nào chối cãi. Anh đến bên người con gái đó và gọi:
- Chị!
Bị bất ngờ người con gái quay lại, nhìn thấy Hưng cô ta bỏ chạy. Đớn đau và nhục nhã. Cô lao vào một vùng trời đầy gai. Những cái gai ấy đâm vào da thịt cô. Chảy máu. Những vết xước ấy không thể lành, cô biết.
- Chị!
Hưng chỉ gọi được có thế. Anh muốn nói một câu dài hơn nhưng không thể.
Đã đến nông nỗi này thì thôi, đành bỏ mặc! Chị khụy xuống nơi chân cầu. Hưng đẩy chiếc đạp đến gần bên chị. Ước gì lúc này anh có thể khóc nức lên, khóc như một đứa trẻ lúc bị đòn oan. Ước gì anh có thể mạnh dạn mà đánh chị hai mình, như để cho chị tỉnh lại giữa cơn mê. Nhưng anh không thể làm được gì. Anh lí nhí:
-Chị ơi, về với em và má đi chị.
Anh bắt đầu nghe tiếng nấc, tiếng nấc ấy bị nén lại nơi lồng ngực nhưng vẫn bị vọng lên. Và tiếng vọng ấy gió có thể cuốn đi…
-Chị nhơ nhuốc lắm, chị đã lừa dối mẹ. Làm sao có thể về?
-Nhưng cây thanh long cần chị!
Nghe vậy, chị ngửa cổ lên trời mà cười. Tiếng cười như tiếng khóc. Vỡ ra, bay vào gió. Gió rát mặt, khô cằn…
Hưng biết, mùa này hoa thanh long đang nở rộ. Từng bông hoa mang màu trắng tinh khôi, ôm trọn một màu hồng phấn phía nhụy bên trong. Hoa nở, rồi hoa tàn và cuộc đời sẽ được đón một thứ quả màu đỏ ngọt thơm, thêm một vị dôn dốt chua… như là cuộc sống.