Đêm trăng, Lĩnh ra bãi nằm lăn trên cát, sống lại cảm giác sờ sợ thinh thích những mô gò hoang lô nhô còn dấu vết các loài chim ăn sóng biển. Lĩnh để hút hồn vào đám sao trời, ở đó có bao nhiêu niềm thơ mộng hoang dã, cả người trai đã hứa sẽ giang đôi cánh kiêu hãnh đón Lĩnh, dù mới chớm vào đời, anh đã mất tăm vào lòng biển. Cô tin, đàn ông chân mây góc bể, tuy đã khuất nhưng lời hứa ào ạt tựa thủy triều và dứt khoát như mũi thuyền xé nước vẫn còn để lại bên trời. Trong cái thế giới hiện đại quá nhiều điều để nghĩ suy, toan tính thực dụng, việc đọc trong ánh sáng thiên hà mông muội những kỷ niệm trong vắt, với Lĩnh, hết sức cần thiết, đôi khi như một liệu pháp để giảm stress. Con gái Lĩnh bĩu môi:
- Vừa rồi, các nhà khoa học người ta bắn vào sao chổi Tempel 1 cách tới 134 triệu cây số, có động chạm ngôi sao nào của mẹ!
- Rồi đến tuổi như mẹ, con sẽ hiểu.
Lần lữa mãi, Lĩnh mới có dịp đưa con gái về thăm xứ sở. Suốt bao nhiêu năm đất khách quê người, Lĩnh cũng đi nhiều nơi, lặn lội cả ra miền Bắc tìm kiếm gốc tích tổ tông, còn quê nhà, đành phó thác cho chồng và con trai. Được cái, chồng Lĩnh là người tốt một cách cực kỳ, luôn muốn vừa ý vợ. Anh chúi mũi vào các dự án kinh tế, bận rộn tối mày tối mặt nhưng ngày giỗ cúng tiên linh, một mực cung kính long trọng, khó khổ gì cũng ít khi vắng mặt.
Thuở bé, Lĩnh đã vài lần theo vú về quê trong những dịp cầu ngư hát án, tế Lăng Ông Nam Hải, chạy bông nhông theo người anh họ là Tố, cùng những bạn nhỏ miền bán đảo, qua bãi Nhạn, mũi En, hang Dơi. Đôi khi, Tố và Lĩnh còn được dượng Chín cho lên thuyền, chở ra tít tận hòn Cân, hòn Cỏ, nhìn về Bô Chinh Đại Sơn thấp thoáng đá Vọng Phu, rồi ra cả ngoài cù lao Rùa Tượng, ăn gỏi vú nàng và gỏi nhum. Nghe nói, mắm nhum là mắm tiến vua, thợ lặn thời phong kiến mỗi mùa phải kiếm lòi mắt, muối thật khéo, nộp cho triều đình. Tố luôn bị Lĩnh quấy rầy, nhưng rất mực thương yêu và bênh vực Lĩnh.
Ở đây, muốn từ nhà dì Chín qua nhà cô giáo Thương, phải lội bộ trên trảng cát dằng dặc này, chỉ toàn gai bàn chải, dây từ bi và cây lông chông. Không hiểu sao, Lĩnh rất thích nhìn những trái lông chông xanh da trời, tròn và lóc xóc như hoa cẩm tú cầu, rã rượi lăn theo chiều gió cuốn. Nó âm vang trong lòng một cảm giác buồn buồn, nôn nao. Ngay bên bờ cát cạnh các lùm cây dại sống bằng sức nóng mặt trời này, bao giờ cũng có tổ chim nhàn nhạn trắng. Một lần Lĩnh và Tố lỡ đến gần nơi chúng ấp trứng, chim nhàn nhạn kêu hoảng hốt, rồi bay lên cao báo động cho cả đàn xúm lại táo tác tấn công hai anh em. Có con giơ vuốt đạp vào vai Lĩnh, Tố nghiêng người che, chúng lại ỉa phẹt lên áo Tố. Tố kéo Lĩnh chạy, Lĩnh mệt, anh xốc cô lên cõng. Khi xa tầm vây đuổi của chim nhàn, Lĩnh hồn nhiên buột miệng hỏi Tố:
- Anh Tố có thích cõng Lĩnh bay lên trời không?
Anh Tố nhìn ra khơi, giang hai tay chém vào không trung, giọng rất vang:
- Anh muốn làm con ó biển, cõng Lĩnh bay khắp thế gian!
Hai anh em nằm lăn ra cát, cười nghiêng ngả trong gió.
Dượng Chín không muốn con mình nối nghiệp lưới chài, dù là kế vị một chủ thuyền giỏi giang như ông. Ong có thể trên nhìn sao trời dưới nhìn màu sóng, biết mưa nắng bão bùng ra sao, dự đoán nước chảy luồng nào, cá lên hướng nào, trăm lần bủa lưới buông câu chưa chịu thất bại một lần. Nghe nói một chiều nọ, đang đánh cá ngoài khơi, ông chợt thấy lặng gió rất bất thường. Bầu trời câm nín đến rợn gáy, thả sợi tơ mảnh cũng có thể cắm thẳng xuống mặt biển xanh ríu đang sủi tăm, như một mũi kim nhọn. Nhìn mây đen và mây trắng cuộn từ dưới cuộn lên, càng lúc càng dày, ông chỉ kịp hô:
- Rút!
Cả bạn ghe tức tốc chạy, tranh thủ từng giây khắc. Ong và một số anh em vật vã, vừa bơi chèo vừa khấn Ong Nam Hải, khấn thần Rùa Tượng, thoát được lưỡi hái của thần bão. Hôm lốc tố đó, cũng là hôm cô giáo Thương chuyển dạ. Nửa đêm, tiếng khóc chào đời của Tố oa oa hòa với tiếng sóng mùa biển động.
Lúc đầy tháng, ông bơi thuyền ra hòn Rùa Tượng làm lễ tế thần. Theo gia phả, năm dòng họ anh em trong đó có họ ông, họ vợ ông tức phía bên ngoại Lĩnh, và cả họ nội Lĩnh, di cư vào Đàng Trong bằng đường biển, thời chúa Tiên. Chuyến thuyền năm đôi vợ chồng năm anh em kết nghĩa không may bị bão quật, vật lộn với sóng gió một buổi chiều và gần một đêm, tất cả đều kiệt sức. Ong tổ Lĩnh là người vóc vạc nội khí cường tráng nhất, thuở còn ở cố hương ăn một lần nồi bảy gạo, chè xôi hết một mâm, không người trai làng nào còn dám thách ông trên sới vật. Có lần, hai con trâu đực húc nhau, quần thảo nát tươm mấy sào mạ. Không còn ai khác, mọi nông dân kẻ trèo lên cây đa, người chui vào bụi tre trốn tránh, chỉ mình ông hét lên một tiếng, xông vào gỡ hai cặp sừng nhọn như mũi dao phay.
Mùa lũ lụt, ông bơi trong nước như con rái cá, cả buổi chưa thấm mệt, vớt củi rừng và gia súc bị nước cuốn. Nghe đồn chính ông và bốn người bạn lực lưỡng của mình, đã gây ra vụ án có một không hai ở xứ sở quê nhà. Trên đường lai Kinh tìm cách tiến thân bằng cuộc tuyển võ nghệ, năm anh em gặp nhau, kết thân với nhau. Lúc nghỉ trọ tại một hàng quán ven sông Hồng, nghe tiếng ngựa xe khuấy động mù mịt, biết là quân lộng thần đi tuyển cung nữ cho Phủ Chúa trở về, năm anh em hội ý chớp nhoáng rồi ra tay. Bằng cuộc phục kích táo bạo, bất ngờ, năm chàng trai đã đánh cướp năm mỹ nữ Đàng Ngoài, cõng xuống bến, giong thuyền ra biển rồi thẳng hướng phương Nam. Trên con thuyền định mệnh, năm anh em đã làm lễ tơ hồng vô tiền khoáng hậu, không pháo cưới, không bà con hai họ, chỉ chứng kiến bằng chim trời cá nước và đại dương trùng trùng sóng gió. Năm đôi vợ chồng sung sướng khi biết mình có nhau, hồi hộp tìm về với nơi mà họ nghĩ rằng sẽ xiết bao no ấm và cao hơn hết, tự do. Nhưng trước cơn cuồng nộ của biển, vừa bơi vừa hú gọi những người thân thiết, cuối cùng ông chịu không thấu, tay chân bắt đầu tê cóng. Lúc ông chìm xuống nước, ông mơ hồ nghe tiếng kêu của những người đàn bà ở hướng tây, và chính nó đã truyền hơi ấm thần giao cách cảm qua con người đang chới với chuẩn bị cho dòng hải lưu chảy xiết rút số phận mình vào rốn biển. Bằng chút hơi tàn, ông đã làm cuộc hành trình nửa ý thức nửa vô thức, cho đến khi bàn tay ông chạm vào gộp đá, vắt mình qua rong rêu. Khi những tia nắng mặt trời đầu tiên le lói, báo hiệu sóng yên biển lặng, ông tổ mở mắt tỉnh dậy thì thấy vợ ông và bốn người đàn bà, vợ của bốn anh em bạn đang quỳ trước biển, nước mắt đã cạn khô. Thì ra, họ đã được một cụ rùa tượng cứu mạng trước, nâng vào một cù lao nhỏ, thả xuống bên gành. Ong và họ đau đớn nhận ra rằng bốn người đàn ông còn lại đành dứt phúc, không kịp có cơ hội nhìn thấy vùng đất hứa.
Sáu sinh linh mệt lả, nằm lăn ra mép sóng. Cụ rùa tượng bò lên núi, tha về những trái đu đủ, chà là, chuối mật, cả những buồng dừa non xanh rợi và các dảnh mía lau tím ngát, xuống thả vào lòng tay họ. Cụ cần mẫn chậm chạp làm công việc này từ trưa đến chiều, từ đầu hôm cho đến trăng khuya, khi chưa ai kịp hoàn hồn để nói một lời tôn vinh ơn cứu tử, thì cụ lặn vào lòng biển, không còn một tăm tích nào. Số lương thực mà cụ thi ân, đủ để cầm hơi cho năm người đàn bà bụng mang dạ chửa và một người đàn ông trong non ba ngày. Khi đó, họ đủ sức tìm ra một hang đá trú nắng mưa, leo núi tìm quả rừng và xuống biển mò cua bắt ốc.
Quê hương của Tố và Lĩnh chính là hòn cù lao mà sau này cả năm dòng họ làm lễ tế hiệp. Lúc sơ khởi, ông tổ Lĩnh đã tổ chức cuộc sống không đến nỗi nào, khi kết được chiếc bè con, mang được lửa và một số vật dụng thiết thân ra nơi này. Hồi ấy, bà con Đàng Trong cũng như khách thương hồ tứ chiếng gọi các cù lao là vú biển, vì chúng là nơi kết tập vô số sản vật quý hiếm của trùng dương. Bao nhiêu bầu vú biển còn hoang dại, không một vết chân người, mà nguồn sữa thì tràn trề, người có âm đức mới may mắn chiếm lĩnh. Khi không đi biển, những đêm trăng ông thường trèo lên núi đá, uống rượu cá ngựa. Ong bảo cá ngựa là loài tình nghĩa, sống có đôi lứa, chết cũng kẹp chặt không nỡ rời nhau. Ở hòn Rùa Tượng, sơn hào hải vị thì nhiều, trên có chim trời, giữa có thú rừng, dưới có của ngon vật lạ trong lòng biển, hải sâm, rắn đẻn, rau câu, tôm hùm, cua huỳnh đế… nhưng ông thích nhất gỏi vú nàng và gỏi nhum, ăn sống với tú hủ cây thiên tuế, ít rau thơm và ớt sừng trâu. Khi uống đến canh ba, ông làm một liễn yến sào chưng cách thủy, thế là người khỏe như vâm, gặp hùm beo hay cá mập cũng không ngán.
Mấy tháng sau, năm người đàn bà lần lượt chuyển dạ và cho ra đời mười người con, năm gái năm trai. Tất cả đều sinh đôi. Thật kỳ lạ là trong mỗi đôi, đôi nào cũng có một đứa bé gái mắt xanh rười rượi nước biển, tóc hơi thoáng chút màu hạt dẻ. Ong Nam Hải tức Cá Voi, là thần chung của cư dân vùng biển, còn cụ Rùa Tượng là thần của riêng năm dòng họ. Nhưng bà con ngư dân nhiều thế hệ đồn là cụ vẫn sống, đã ngót ngàn tuổi, thường dạo chơi từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương, vòng đến An Độ Dương. Trăm năm một lần, cụ có nhớ cố nhân, bồi hồi quay về thăm chốn cũ. Ai có hồng phúc lớn mới được cụ ban ơn cho thấy khoảnh khắc cái bóng uy nghi của bậc đại thọ, hắt một vầng hào quang tía lên chân trời.
Lâu dần, cả những vạn chài dọc bán đảo vẫn gọi là hòn Rùa Tượng, dù nó đã chìm hẳn dưới nước, chỉ còn nhô một mỏm đá như đầu rùa, vừa đủ chỗ bày phẩm vật hành lễ và năm ba đôi chim giang hồ nghỉ cánh. Người phạm tội đầu tiên chính là cụ tổ , người đàn ông sống sót trước bốn góa phụ chia ngọt sẻ bùi, rau quả ngút hương, cá tôm mọng máu, ngày một mỡ màng với biển trời thơm thảo phương Nam. Bốn người đàn bà bốc lửa như bốn pho tượng bằng mật ong, óng ả và rực rỡ đến đê mê, xuống tắm trăng trên gành đá. Mười mấy năm trời, vợ ông thì tay bồng tay mang, héo hắt với đàn con một trai chín gái, còn họ sau lần sinh nở đầu tiên, tuổi thanh xuân đem chất thành những kho báu bí ẩn, da thịt căng ra hừng hực dưới trời cao biển rộng. Người đàn ông ngoại bốn mươi được hun bằng gió sóng, tay chân như những cuộn đồng đen, đột nhiên rời mỏm núi, biến bến bãi thành cơn lốc tố tung trời, trăng hú, gió cuốn, cát bay, sóng trào. Ong đã lột xác thành con người khác, thân thể hóa nên một khối than hồng ngùn ngụt. Hình như mọi sức lực của tiền kiếp, hậu vận, ông đã giành trọn cho một đêm với bốn người đàn bà tóc xõa trên đá, đôi môi phơi phới như đào thắm, cặp vú mịn màng, nửa thân dưới lơ lửng trong làn nước mặn, trong leo lẻo như mắt mèo hoang. Khi trời hửng, ông đã bò lên núi, vật vã khóc than đến cạn ngày cạn đêm. Hết một tuần trăng sám hối trước miễu Rùa Tượng, lòng ông vẫn không thanh thản được. Có người bảo, ông đã ẩn mình trong gộp đá, cô độc đến kiệt sức mà chết, sóng đưa ra khơi. Có người cho rằng, cảm giác tủi hổ bứt rứt vây lấy đời ông như những vòi bạch tuộc, không thể chịu đựng nổi, ông giong thuyền bỏ lại cù lao thân yêu, ra đi biệt xứ.
*
Lĩnh đi dần xuống mặt sóng ầm ào. Lúc này, tóc cô xõa tung, áo quần bê bết cát và nước. Năm nào, trên bến nước này, cả gia đình ra tiễn, dượng Chín đưa Tố, Lĩnh và vú Lĩnh đi Lục tỉnh. Hồi ấy, vú Lĩnh dắt Lĩnh về quê giỗ họ. Dù mới mười ba tuổi, nhưng Lĩnh đã bắt đầu hứa hẹn một sự rạng tỏa. Lĩnh đang tùng tơn theo vú ra chợ, bất thần gặp một đoàn nghiên cứu, đi sưu tập sinh vật biển. Vị trưởng đoàn bộc tuyệch reo vang: “ Mỹ nhân ngư!”. Câu nói họ để lại bán đảo, cả vạn chài còn nhắc mãi: “Biển Quy Nhơn như bông cúc trắng đang hàm tiếu!”.
Khi trở vào, dượng Chín không cho đi xe khách, lấy cớ đường số Một nhiều đoạn mất an ninh, nguy hiểm khôn lường. Thêm nữa, ông cũng muốn nhân tiện, thăm nơi ăn ở của vú con Lĩnh và thăm mấy người bạn chài bỏ quê vào lập nghiệp miệt Bà Rịa Đồng Nai.
Thuyền xé sóng vượt trùng dương hai ngày hai đêm. Lần đầu tiên đi xa theo đường biển, Lĩnh rất háo hức. Đêm đầu tiên trên thuyền, anh Tố và Lĩnh ra ngồi đầu mũi. Anh Tố góp vài câu, rồi trở lại vẻ lầm lầm lì lì cố hữu của mình. Nghe Lĩnh ríu rít nói chuyện trên trời dưới đất, anh lăn ra ngủ thiếp lúc nào không hay. Lĩnh kéo tấm mền dù đắp cho anh, rồi nhẹ nhàng xuống khoang tìm nước uống. Lĩnh choáng váng khi nghe tiếng vú:
- Anh Chín ơi, em nguyện ở vậy nuôi con.
Dượng Chín nài nỉ:
- Qua thương Mười, qua muốn Mười không lẻ loi như con cò, con vạc.
- Đằng nào, em cũng xin anh đừng chia cách tình chị em cật ruột. Để em còn có lối đi về, nhìn mặt chị Chín cho đàng hoàng.
Dượng Chín liều lĩnh:
- Thì cũng kẻ chị người em, có mất tình mất nghĩa mất vai mất vế ai đâu!
Lĩnh ù tai, hét lên rằng có ma. Anh Tố choàng dậy, nhìn xuống khoang, bình tĩnh lăn ra ngủ tiếp, như đã biết chắc mọi sự diễn ra theo hướng đó. Vú Lĩnh ra ôm Lĩnh ngồi cho đến hết đêm. Suốt một ngày một đêm còn lại, trên thuyền im lặng đến ghê rợn, như một vùng trời đang chuẩn bị lốc tố. Không ai nói ra, nhưng Lĩnh và vú Lĩnh đã tự dặn lòng đừng bao giờ về quê nữa.
Chuyến đi trở thành một kỷ niệm buồn, buồn chua chát. Có lẽ sự kiện trên thuyền làm cho dượng Chín bị trẽn với cô em vợ góa bụa, ông thay đổi kế hoạch, tiễn vú con Lĩnh lên bờ rồi quay mũi thuyền về ngay. Lĩnh không quên được ánh mắt anh Tố, đỏ khé một niềm thảng thốt và căm tức.
Tháng sau, dì Chín, cô giáo Thương và anh Tố trở vào. Một chuyến đi bất thường. Vừa xuống xe, dì Chín và vú Lĩnh đã ôm nhau khóc. Tối, Tố và Lĩnh đi xem cải lương đến mười hai giờ khuya về, vẫn thấy đèn nhà còn sáng. Hai anh em đứng ngoài hiên, nghe rất rõ:
- Chị không muốn, cô Thương cũng không, nhưng ảnh bắt buộc phải đi thì đi. Đi mà không thành, roi cá đuối chờ ở nhà! Nhưng dì đừng lo, tụi này đã quen rồi, không khiến dì phải khổ theo…
Lĩnh hét lên, ngã nhoài trong vòng tay Lĩnh. Cả nhà hoảng hốt, vú Lĩnh đánh gió, xoa dầu, dì Chín chạy ra quỳ giữa sân, vái ba hồn chín vía. Cô Thương lặng lẽ khóc.
Lĩnh tỉnh lại, trân trân nhìn Tố. Tố vừa xấu hổ như một tội phạm, vừa minh chính như một quan tòa trước câu chuyện mà người cha bày đặt ra này. Anh nắm tay Lĩnh, như đã thay một lời xin lỗi.
Hôm sau, cả nhà cứ im im lặng lặng, buồn rã rượi. Lòng Lĩnh trơ ra như hóa đá. Dì Chín luôn líu ríu theo Lĩnh, dỗ dành Lĩnh đủ điều, rằng dượng đòi dì và cô Thương phải sắm trầu cau đi hỏi vú con cho dượng, nhưng dì và cô Thương và cả vú con không đời nào thuận theo. Dứt khoát vậy, con đừng lo.
Rồi Lĩnh được nghe dì Chín kể về đủ thứ loại chim trời cá nước. Lĩnh để ý nhất là chuyện đôi chim ưng, ở vạn chài gọi ó biển. Loài “ngư phủ bay” này khỏe và linh hoạt một cách điệu đàng. Gã trống choai vừa bay vừa để ý con cá đang bơi, sà xuống quắp một cách nhẹ nhàng như chàng trai nhón trên cành một đóa hồng nhung còn đẫm sương mai. Gã thành tâm mang về ghềnh đá làm lễ vật dẫn cưới, nơi vị hôn thê đang rạng rỡ đứng chờ. Rồi cặp trống mái dắt nhau bay tít lên cao. Khi bay lên, gã chơi tài tử bằng cách tung con cá bằng mỏ, rồi lượn xuống dùng hai chân đón lấy như làm xiếc, sau vài lần như vậy, mớm mồi cho bạn tình rồi tiếp tục bay sóng đôi thật ngoạn mục.
Gã là loài chim mang dòng máu hết sức ga-lăng nhưng cũng chúa ghen. Chiều nọ, một bạn chài nghịch ngợm gắp bỏ vào tổ gã một quả trứng vích. Lúc chập choạng, gã bay về trông thấy, trừng trừng nhìn vợ. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu là loài cò biển, cò gây váng động, cả xóm cò rủ nhau bay tới ngó quanh ngó quất, chao chác rủa xả một hồi để kết tội kẻ bị tình nghi là dâm phụ. Nhưng với ó thì khác, sau đó gã chỉ lẳng lặng bay đi tìm một tiên nữ ó tha thướt, về rỉa cánh cho nhau bên cửa tổ, thỉnh thoảng liếc vào cái trứng vích, kêu léo nhéo gì đó. Cả hai tịnh không đả động gì đến “bà chủ gia đình”, hình như chúng coi như bà đã không còn lý do gì để tồn tại nữa. Cứ thế, chỉ thấy nàng ó vợ mặt mày vờ vật, đột nhiên bay thẳng lên trời. Tít trên mây cao, nàng thả một lời não nùng như trăn trối rồi buông xuôi rơi thẳng xuống vách đá vỡ tim mà chết tức tưởi. Người ta đồ rằng, chồng ó không hề đổ cái tội lẳng lơ lên đầu vợ nhưng bằng trực quan, gã chứng minh hiển nhiên những thiếu nữ ó trinh bạch và đoan trang sẵn sàng hầu hạ chặng đường tang bồng hồ thỉ tiếp theo của gã. Cùng đường, nàng ó vợ tội nghiệp chỉ còn biết lấy sinh mạng để giải nỗi oan tình, thanh minh cho tấm lòng chung thủy trắng trong của mình.
Lĩnh nhớ lại rằng mình cũng đã được đọc đâu đó, trên sách báo, một câu chuyện nào đó cũng tương tự như vậy, nhưng rồi cứ chuồi đi. Đến khi nghe giọng kể thấm thía, buồn nẫu ruột của dì Chín, Lĩnh mới thật sự ấn tượng. Dì Chín vuốt tóc Lĩnh:
- Làm thân gái biển bất trắc khó lường, vú con đưa con vô trong này cũng đỡ phần nào. Dì mong con mai này đừng như dì, như vú, như cô giáo Thương…
Đêm trước ngày ra về, dì Chín nhìn Lĩnh, lòng dâng lên xiết bao thông cảm. Cũng mắt xanh rười rượi, cũng tóc ngả mầu hạt dẻ, cũng làn da nõn nà hơi nhuốm vị mặt trời trùng dương, cũng đôi chân dài bão bùng của tiền tổ. Hồi bằng tuổi Lĩnh, dì cũng theo dượng Chín đi qua bãi xương rồng, dây từ bi và những trái lông chông lăn tròn trên cát, ngộ nghĩnh và xao xác. Khi đến gần tổ chim nhàn nhạn ấp trứng, chim nhàn nhạn cũng báo động rượt hai người, đá vào mông, ỉa phẹt vào tóc tai. Dượng Chín cũng cõng dì chạy, dì hai tay ôm chặt dượng, quyết tới nhà mới thôi. Dù lũ trẻ con có ê ê chọc, dì cũng ngẩng mặt lên kiêu hãnh, ngầm nói rằng đây là người con trai đầy khí chất, thừa bản lĩnh chinh phục biển khơi. Người ấy, bên cạnh việc tìm về hòn Rùa Tượng thiêng liêng uống rượu, ăn gỏi vú nàng và nhum, sau này có thể vượt qua giông tố, biết quật những mẻ lưới đang vẫy vùng những con cá to nhất của đại dương về trong sự thán phục của vạn chài. Trong thâm tâm dì, dì đã xem dượng Chín như có thần ảnh của loài ó biển, loài chim mà dân vạn chài mệnh danh là “ngư phủ bay”. Trong đời, dượng đã đem cho dì biết bao yêu thương nồng cháy, kể mãi cũng khôn cùng, dù bên cạnh đó cũng không ít tủi hổ bẽ bàng. Nhưng thù hận thì chưa.
Dì chưa coi bất cứ một người đàn bà nào trong đời dượng là tiên nữ ó, thay thế được ó vợ. Họ chỉ là những con cá, đủ loại cá cơm, cá nục, cá dưa gang, cá lá mít, cá chù, cá lồ ồ… trong móng vuốt đào hoa của dượng. Đó là những loại cá đánh gần bờ, dân chài chỉ cần thấy chim biển sà xuống chỗ nào, kéo lưới vây chỗ đó, rút lại, được cả đàn cả lũ. Riêng với cô giáo Thương, dì có chút tình cảm và lòng vị nể riêng. Dù gì thì gì, cô cũng là đồng nghiệp của dượng Mười, người cha đã khuất của Lĩnh, có gia sản quý giá nhất là chút chữ nghĩa lận lưng. Cô dạy dỗ chẳng riêng Tố mà còn các con chồng chu đáo, lại chưa bao giờ có lời không tốt, dù lúc vắng mặt dì.
*
Lĩnh leo lên một chiếc thuyền thúng, lắc bồng bềnh ra hòn Rùa Tượng. Cô muốn nhìn lại một lần nữa, nhìn thật kỹ nơi ông tổ tìm đất hứa, đã may mắn chiếm lĩnh một cù lao địa đàng, bầu vú của biển khơi. Cô yêu mến đến cạn cùng, niềm yêu mến thiêng liêng, đầy kiêu hãnh về đường dây họ tộc. Cô không tin cái kết cục bi đát mà người đời huyên truyền về người đàn ông đầu tiên trên hoang đảo mà cô được vinh dự thừa hưởng dòng máu, ở đời thứ mười sáu. Đêm đêm trong những giấc mơ, cô thấy ông tổ rướn mình giữa trời cao, kéo một cánh buồm đỏ rực, căng gió qua các hải cảng vùng Nam Á, bay qua bay lại như con thoi khắp các phương trời Au Mỹ. Cô mơ thấy mình xuất ngoại, đến nước nào cũng được các kiều bào con cháu của ông tổ, ùa ra đón, nhận dòng họ, san sẻ cho nhau hơi ấm cội nguồn.
Một người đàn ông khỏe mạnh và đầy bản lĩnh, bão tố không quật ngã, chắc chắn không tìm đến cái chết vô nghĩa, dù đang sám hối về những tội lỗi tự nhận là tày trời. Cô luôn nghĩ, người đàn ông đã biết giành những phẩm vật thiêng liêng từ tay vua chúa tham lam bạo tàn, người đàn ông ấy không biết khuất phục những cam go của cuộc độc hành mưu sinh, luôn sẽ khôn nguôi kỳ vọng vượt qua chính bản thân mình.
Có lẽ sợ thần Rùa Tượng giận dữ nhấn chìm hòn cù lao trong nước mặn, sau sự kiện chấn động của ông tổ, năm người đàn bà dắt díu con thơ vào bán đảo. Từ ấy đến nay, đã biết bao thế hệ, con đàn cháu đống, hơn bốn trăm năm vắt qua đến sáu thế kỷ. Với ngư dân, vượng khí làm ăn, theo họ, chỉ hơn thua ở số con trai trong mỗi gia đình. Cho nên, chuyện năm thê bảy thiếp đã không thành chuyện lạ. Cô giáo Thương, mẹ Tố, đã nằm trong hoàn cảnh ấy. Dượng Chín bồng cô như chàng ó biển kẹp con cá tươi, lắc thuyền thúng thẳng hướng hòn Rùa Tượng, bồng bềnh trong mưa ngâu.
Dì Chín nghe bà con xì xầm, chỉ biết nuốt nước mắt cười trong buổi chợ, cười đến chảy máu miệng. Rồi dì te tái về nhà, như đi trong cõi mộng du. Nấu cơm, cơm khét, dì không hay. Nướng mực, mực cháy, dì không biết. Đêm xuống, dì đấm lưng thằng con trai độc đinh và chín cô con gái, cười sằng sặc. Chín tháng mười ngày sau, nghe cô Thương sinh con trai, dì kiếm chục trứng gà so, chai mật ong, đi thăm. Một tháng nữa, dì sắm sửa đủ hương đăng trà quả cho dượng Chín làm lễ đền ơn thần Rùa Tượng. Không biết một năm, hai năm, nhiều năm sau nữa, dì có kiếm chục trứng gà so, chai mật ong và tiếp tục sắm hương đăng trà quả mừng những đứa con trai sẽ được ẵm về, gọi dì bằng mẹ, và mẹ thật của chúng mà chúng gọi là vú, sẽ gội đầu chải tóc cho dì, như một tì thiếp trước chính cung, hay không? Câu hỏi ấy, chỉ có dượng Chín và những người đàn bà lạ mới đủ sức trả lời.
Đột nhiên, nhìn trăng sáng, Lĩnh bật lên tiếng hát khe khẽ, bài hát về trời cao biển rộng mà ngày đi học, mỗi lần bọn con trai liếc nhìn, bàn tán về hoa khôi sân trường, cô tỉnh bơ hát giữa vùng phượng thắm. Năm Lĩnh vừa xong trung học đệ nhất cấp, trong trường có sự kiện thầy hiệu trưởng cũ đi nhận chức giám đốc sở Học chánh, bàn giao cho thầy hiệu trưởng mới, điều từ ngoài Trung vào. Lĩnh được Ban đại diện học sinh chọn tặng hoa. Hai thầy từ hàng ghế danh dự bước lên, tiếng vỗ tay tuy vang vang, nhưng có vẻ nhẫn nại vì nghi thức. Thoáng chốc, Lĩnh đột ngột xuất hiện từ cánh gà, vẫn mái tóc thoáng chút mầu hạt dẻ, mắt xanh rười rượi, áo dài tha thướt, lung linh kỳ ảo như một ngọn lửa trắng, cả hội trường vỗ tay như sấm. Tân giám đốc ngũ tuần và tân hiệu trưởng tam tuần bất ngờ ngước lên nhìn Lĩnh, hai bó hoa sững sờ suýt nữa rơi khỏi tay. Cô nữ sinh một mét bảy tám đã lễ độ cúi xuống thật thấp, nghe một lời hoa mỹ vừa đủ hai người nghe, bằng tiếng Pháp: “ Trước khi gặp em, tôi tin là có Thượng đế, còn bây giờ thì không!”.
Đúng dịp ấy, anh Tố vào thăm Lĩnh. Thấy mấy cô bạn Lĩnh đến nhà, bàn tán chuyện thầy giám đốc và thầy hiệu trưởng hồi chiều quá sức ga-lăng Lĩnh, anh điên tiết lắm. Một cô giả đò ngước lên, tay khum khum như đang đỡ bó hoa tuy-lip:
- E-va Lĩnh cao quý của thầy ơi, quý thì rất quý nhưng cao thì hơi kẹt cho thầy! Mấy đứa hả hê cười sằng sặc như quỷ sứ. Một cô nổi hứng ca cải lương:
- Biên cương lá rơi, E-va Lĩnh ơi, em cao mịt mùng anh sao tới nơi, anh ngước cười trông lẵng hoa, thấy nhau như cáo gặp gà…
Lĩnh đấm vai bạn thùm thụp:
- Đừng hỗn, lỗi đạo chết!
Cô bạn không tha, ca tiếp:
- Trời ơi, bởi thăng quan giữa mùa hè đưa tiễn, cho nên thầy chua cay đành chia tay vĩnh viễn mỹ nhân trò…
Một đứa tinh nghịch đệm đàn miệng từng tứng tưng, rồi trêu:
- E-va Lĩnh ơi, tao nghe vang trong micro, thầy giám đốc nói anh yêu em, còn thầy hiệu trưởng bảo ông đã hết thời rồi, giờ nó do tôi quản lý!
Không ngờ, cuộc đùa giỡn quá trớn của lũ bạn nữ đã làm chấn động mạnh đến Tố. Thấy anh quạu, chúng càng thích trêu ghẹo, nói già:
- A-đam về chậm chân rồi, E-va giờ như ván đã đóng thuyền!
Lĩnh đưa ngón tay trỏ lên miệng, suỵt:
- Đừng giỡn tội nghiệp, ảnh mới rớt tú tài.
Một cô vô tư đọc thuộc lòng:
- Rớt tú tài anh đi trung sĩ - Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con - Chừng nào yên chuyện nước non - Anh về anh có Mỹ con anh bồng.
Những lời nói vô tình như móc họng anh Tố. Lòng anh xát muối. Ngay lập tức, anh lấy đồ đạc, biến ra đường. Lĩnh chới với rượt theo. Cả bọn không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng đến vậy, xách xe đạp chạy vù, táo tác kêu réo cả hai. Sự thể, thật còn ầm ĩ hơn một bầy chim nhàn nhạn bị động tổ.
*
Chiếc thuyền thúng trồi lên thụp xuống trong biển trăng. Lâu lắm rồi, Lĩnh mới được sống trong cảm giác hoang sơ của thời thiếu nữ. Hồi ấy, Lĩnh phơi phới căng mình trước một vùng trời nước mêng mông và bí ẩn, luôn có chút xao xác hồng hoang trong cái quang đãng minh triết.
Cô ghé một thuyền câu, hỏi thăm cù lao Rùa Tượng. Bọn đàn ông cười hô hố. Khi cô lắc thúng ra xa, họ bàn tán:
- Bọn đàn bà Tây du lịch hay điên điên! Chắc đi thám thính để đầu tư đầu tiếc gì đó!
Hay mấy chục năm ly hương, mình đích thực là kẻ vong bản đến độ người ta nhầm với hải ngoại? Lĩnh tự vấn. Cô lảo đảo xoay tìm một lúc, biết chắc tất cả kỷ niệm đã trở thành rạn đá dưới lòng biển sâu, cô hối hả ra về trong cảm giác hơi xa xót và hổ ngươi. Nhưng cô tự an ủi rằng đó là quy luật của thiên nhiên, chẳng ai chống lại nổi. Một quy luật khác, của nền văn minh mà cả nhân loại tham gia, trong đó có chồng con Lĩnh, sẽ đem các phương tiện công kỹ nghệ điểm trang một vùng bán đảo, khi ấy gai bàn chải, dây từ bi và cây lông chông sẽ chịu đớn đau vì không tìm được chỗ đứng nào cho cuộc vây đuổi của chim nhàn nhạn , đó cũng là lẽ đương nhiên. Diễn trình ấy, dù có lúc không đồng hành với tâm trạng, cũng không thể chối bỏ. Lĩnh ngộ ra, mình có lý khi luôn níu giữ đám mây ngưng tụ bằng cổ tích, nhưng chồng con mình cũng không hoàn toàn vô lý, khi bảo rằng nó còn được tạo ra bởi hơi nước, khó tránh khỏi bởi cả khói hoặc bụi công nghiệp nữa. Lĩnh nhớ lại hôm trước, nàng rủ chồng con về giỗ họ. Chồng Lĩnh hơi bất ngờ, nhíu trán. Nhưng anh trấn tĩnh ngay:
- Em nên đưa con gái về cho nó biết quê ngoại. Lại nghe báo chí nói ầm ầm về khu kinh tế Nhơn Hội, có lẽ con đưa bạn bè các nước về, tìm được cơ hội làm ăn thích hợp.
Lĩnh yêu chồng con và cả sự nghiệp kinh doanh của họ, nhưng cũng đôi khi giận họ về điểm quá minh bạch trong mọi vấn đề, kể cả kỷ niệm. Thằng con lớn bảo:
- Mẹ yêu ơi, chúng con sẽ bỏ vốn khai thác vùng đảo xôi bến mật này.
Lĩnh dỗi:
- Mẹ không cần tiền, mẹ cần các con hiểu về đường dây họ tộc.
- Con đã đi bao nhiêu làng biển trên thế giới này, ở đó đàn ông sau khi ra khơi, trở về chưa kịp tắm đã đóng cửa hùng hục vầy vò vợ. Nhảy xuống khỏi giường, lại đi uống rượu và đánh bạc. Đánh đến nhẵn túi, uống đến say mèm, tiếp tục mò lên giường hành hạ vợ. Rồi lại lên đường ra khơi, có người đi lâu đến lúc về đã thêm đứa trẻ khóc oe oe…
Đứa em gái phụ họa với anh trai:
- Gớm quá, đàn bà ở đó như vú em của đàn ông. Hết gánh cá ra chợ, về nhà làm cái máy đẻ.
Thằng anh tiếp tục:
- Năm kia, con đi theo tour, qua một vạn chài coi hát bội trong sân lăng. Con tò mò trà trộn vào đám thanh niên xem họ nghĩ gì, nói gì. Họ văng tục chí mạng. Một cô vô tư ngã nhoài trên lưng con. Thấy khó xử, con quay lại, nở một nụ cười. Cô ta tỉnh bơ, xem con như cái cây dừa, cây cau gì đó. Thậm chí, nghe một câu hát nam mùi mẫn trên sân khấu, cô còn véo vào tai con như ngắt một chiếc lá, léo nhéo với cô bạn bên cạnh rằng, mẹ cha nó ơi, thằng kép bữa nay hát quá đã! Tàn cuộc, cô rời lưng con như rời thân cây hoang, không một lời cám ơn, chỉ để lại dưới giày một bãi nước bọt.
Chồng Lĩnh nịnh vợ để làm dịu tình hình:
- Các con phải hiểu, sống nơi đầu sóng ngọn gió, họ chân chất lắm. Yêu ai, ghét ai, rõ ràng. Đấy, mẹ các con chỉ biết miệt mài chăm lo cho ba và các con!
Thấy Lĩnh giàn giụa nước mắt, chồng Lĩnh mắng các con:
- Các con phải sống, phải hòa mình mới quý trọng người ta. Trong cái xã hội nhiều trò ranh ma lừa lọc, họ đã đại diện cho loài người, gìn giữ những phẩm chất trong sáng hồn nhiên. Các con đừng nhìn bề ngoài rồi diễu cợt lung tung. Đừng quên mẹ các con là gái biển chính tông, trí thức bao người phải chết mê chết mệt…
Những lời nói ấy giúp Lĩnh tươi tỉnh lại như một khu vườn đang nắng bỏng, đột nhiên gặp mưa rào. Thấy tình hình êm ả, chồng Lĩnh vuốt ve:
- Mình ạ, bữa trước, một đối tác tặng tôi tờ lịch, có trích bài thơ của một nữ sĩ Nga, ngay cái tựa tôi đã ưa quá rồi, vùng đất nơi người yêu tôi sinh ra. Lâu nay, tôi về ngoải mà không biết diễn đạt với mình thế nào, để mình hiểu lòng tôi. May có người tâm hồn mẫn cảm giúp tôi phát hiện những vẻ đẹp tôi chưa biết gọi tên.
Lĩnh dịu dàng:
- Bao lâu rồi, em đã làm cho mình khó xử, mong mình thông cảm cho em.
Những chuyện tình cảm của thời thiếu nữ, nhiều lúc trong tâm tưởng, Lĩnh vứt qua một bên như đuổi mắng một con mèo hoang, cho rằng chẳng đâu vào đâu, nhưng đôi khi nghe tiếng kêu tội nghiệp của nó lại khiến ký ức Lĩnh xuýt xoa, phủi những vẩn bụi cũng như gió sương trên hình thể xù xì mơ hồ của nó, lâu dần thành thói quen.
Chồng Lĩnh an ủi:
- Anh không phải là dân biển, nhưng có khác gì người vượt biển đâu. Cứ xem em như là, là… thôi nói em đừng giận, là hòn cù lao mà sau khi bị bão quật, anh đã có âm đức chiếm lĩnh. Sóng gió đã trừ anh ra…
Lĩnh thầm cám ơn sự tế nhị của chồng. Anh không bao giờ trực diện nhắc tên Tố, nhắc tên thầy hiệu trưởng, cũng như bao người năm xưa theo đuổi hoa khôi sân trường, trước mặt vợ con. Thấy các con đã im lặng rút sang phòng khác, Lĩnh ngước nhìn chồng âu yếm. Người đàn bà xứ biển đang độ chín, rừng rực như hòn đảo chớm hè, bao quanh mình những gió sóng ngất trời. Chồng Lĩnh vòng tay bế Lĩnh ra ô cửa sổ đang lất phất mưa, thủ thỉ đùa:
- Biển của thời đại mới có lúc phải cần kéo rèm!
Quy Nhơn 7-7-2005