Lê Vĩnh Tài gọi thi phẩm “Vỡ ra mưa ấm” là “trường ca”. Một trường ca thiếu cốt truyện, cả tính truyện cũng hiện diện khá mờ nhạt. Dù câu thơ “Em mới về em có nhận ra không” có mặt ở đầu các chương, đôi lúc được đặt chen ngang giữa chương đột ngột, như sẵn sàng dẫn chuyện. Nhưng không. Nó chỉ như một lương duyên kết nối hơi thơ-hơi thở làm thành thể nhất thống của giọng. Để người đọc có thể đồng ý với người sáng tác rằng: thi phẩm này là trường ca. Trường ca được hiểu theo cách nhìn mới, vượt thoát cái rề rà, lê thê của lối kể tuyến tính, một chiều.
Hơi thơ-hơi thở sôi nổi và nhiệt nồng xuyên suốt thi phẩm đã lôi cuốn người đọc theo dõi “trường ca” cho đến câu cuối. Qua đó Tây Nguyên lộ thiên nỗi song trùng muôn thuở của mình: Tây Nguyên giản đơn và Tây Nguyên bí mật, bạt ngàn rừng và nhấp nhô trùng trùng những đồi khô khốc, mưa thối đất hay nắng cháy da, Tây Nguyên của huyền thoại ĐamSan hoặc của anh hùng Núp đầy hiện thực, Tây Nguyên của dân dã “lời hát YPhôn” ru hồn và của giọng Rock cao nguyên YMoan mê đắm,…
Những tên đất, tên sông,… riêng của Tây Nguyên: Krông Knô”, “ Krông Ana”, “Sêrêpôc”, “EaKao”, “Ea H’leo”, “plây M’Drak”, “núi lửa Cư’Mgar”, “ba dan”, “chưyangin”, “buôn N’êng dịu dàng gội tóc”,…chen vai thích cánh.. Cùng có mặt với nó là thiên nhiên và cuộc sống đặc trưng Tây Nguyên: “hoa cà phê trắng”, “chim K’tía”, “chim Grứ”, “chim Phí”, “những con suối lang thang trong núi”, “loài chim hoang quay về phía đầy mưa”, “bước chân múa quanh ché rượu”, “ô cửa nhà dài” và “chiếc cầu thang nhà dài”, “điệu khan buồn”, “ché rượu cồng chiêng lãng mạn”,“tiếng cồng âm u”, cả câu hát giao duyên đầy thách thức: “em dám đổi cả đàn trâu trong chuồng cưới anh không?”, …
Văn hóa Tây Nguyên hình thành và phát triển qua/với/bởi rừng. Nó tồn tại vì rừng hay tiêu vong cũng bởi rừng.
quê hương mang sự bình tĩnh của rừng
rừng làm chứng nhân hay thì thầm kể chuyện
cho cha hoang dã như rừng…
rừng như chiếc gùi
rừng trong quả bầu khô
…những lời thề dao chém
rừng làm đêm đen
rừng làm kho tàng
rừng làm mặt trời
rừng làm ý tưởng…
rừng tuần hoàn vòng tròn bí ẩn…
rừng xanh biếc mắt người rất trẻ
rừng âm u trong mắt người già.
Cứ thế, RỪNG đi suốt trường ca Vỡ ra mưa ấm. Rừng muôn tâm trạng, muôn mặt với những biến thiên khôn lường. Nỗi bao dong dưỡng dục vô bến bờ và sức tàn phá giận dữ cũng khôn lường.
Nhớ Phan Rang quê tôi, ba-bốn mươi năm trước thôi, vào lúc chạng vạng tối, khi có mưa nguồn, người nông dân thư thả mang vó ra kiểm lại, thư thả cơm chiều và, cũng rất thư thả vác vó ra ngoài sông chọn chỗ thuận làm sàn đợi nước lũ xuống. Thường thì phải đến gà gáy hồi hai, nghĩa là ít nhất cũng mất 6-7 giờ đồng hồ. Nhưng nay không thể nữa rồi, rừng đầu nguồn bị phá sạch. Mưa núi, lũ quét xuống nhanh đến không đuổi trâu bò kịp chạy nữa là! Thiên nhiên trả thù hành động dại dột của con người đến không kịp hối.
rừng thành chật chội bước chân của người…
rừng bỏ chúng ta đi…
người chật như hơi thở
Khi rừng bỏ đi thì cơn mưa bỏ đi, mùa màng bội thu thưa thớt đi, văn hóa dần tàn héo đi và con người rời bỏ plây mà đi. Đi biệt:
Rừng về đâu cho chiêng hụt hơi
Người về đâu cho Khan trễ nãi
Em về đâu cho Tây Nguyên vòi või…
(thơ Inrasara)
Chúng ta hãy nghe tiếng kêu thảng thốt của chàng thi sĩ đất Tây Nguyên trước biến mất gần như là đột ngột của rừng:
đỉnh núi không còn rừng nhô ra đỉnh vú…
trên rơm rạ đời ta rừng từ giã cõi đời
…con sông trào lên nước mắt của rừng…
Yàng đã tan vào rừng
…rừng đã thành chớp mắt
xa đâu rồi rừng ơi…
Từ đó, thế hệ mất rừng ra đời: một/một vài thế hệ lạc lõng. Không còn sự ôm ấp ấm áp của rừng, các thế hệ đi tới khó tiếp nhận được văn hóa rừng đã từng nuôi nấng tâm hồn ông cha họ. Và, họ ngoảnh mặt chối bỏ tất cả, có thể lắm chứ! Đấy chính là nguy cơ.
Cả những lúc “rừng đã thành huyền sử”, hay:
rừng đã thành tĩnh vật
xanh đâu rồi
rừng
ơi
Truyền thống bị đứt mạch. Buồn! Nói theo cách của Lê Vĩnh Tài, đó là:
nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa
nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ
Một lời oán trách gió bay hay tiếng nói truy cứu trách nhiệm? Anh biết: anh, tôi, họ và cả “Quê hương còn món nợ với trò chơi vô tăm tích” này. Chúng ta có trách nhiệm với sự mất mát quá to lớn của rừng cao nguyên, của văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cũng là của chính chúng ta.
Hôm nay, rừng Tây Nguyên đã thành tĩnh vật, nó làm bảo tàng trong tâm tưởng người già, nó chuyển hóa thành trăm ngàn mẩu văn hóa vật thể/phi vật thể thu nhỏ đang bảo tàng trong các nhà trưng bày. Đó là điều cần thiết. Nhìn cách biện chứng, chúng là chứng tích cảnh giác chúng ta trước những nông nổi nhất thời để phục vụ vài lợi ích nhất thời. Ý thức đủ đầy để mà hành động, ngay từ hôm nay. Không thể trì hoãn nữa rồi. Thế hệ đi tới sẽ làm lại từ đầu, bằng kí ức được lưu trữ. Dù thế nào đi nữa cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, cả cuộc sống “mất rừng”. Cho dù:
… Krong Ana kí ức
chảy trong mưa phù sa đỏ rực
Hay sinh hoạt thường nhật hôm nay có cơ khổ tới đâu:
nước ở trên gùi chứ không ở dưới sông
lấy được nước mồ hôi nhiều hơn nước.
Người Tây Nguyên vẫn cứ sống, khép lại quá khứ mà sống và hi vọng:
từ cội nguồn nước mắt
nắng xích đạo vỡ ra mưa ấm…
mưa trên những cánh rừng xõa tóc
mưa trên những cánh đồng cỏ mọc
mưa…
Sự háo hức của bác nông dân khi mang vó ra ngoài sông hay niềm vui của bác khi xách giỏ cá về là thực, nhưng cái thực kia đã hết tồn tại rồi. Hình ảnh bác nông dân cất vó xưa ấy, nếu được chớp và trưng bày trong bảo tàng thì rất đẹp; thế nhưng cái đẹp ấy nên biến mất đi càng sớm càng tốt! Quay nhìn ra sau lưng là điều vừa bất khả nếu không nói là, lạc thời. Cần phải học biết chấp nhận định phận. Nhận phận và yêu phận, như tinh thần của Nietzsche: Amor Fati! Yêu mệnh để cải mệnh. Chính bắt nhịp được tinh thần bi tráng ấy, Lê Vĩnh tài đã cho DamSan-hiện đại – “chàng DamSan không bao giờ đêm tối / không bao giờ xuôi tay” chôn vùi huyền thoại cũ, tạo dựng một huyền thoại mới:
gió đã bước sang thế kỉ 21
bếp lửa chúng ta nhỏ bé và chật hẹp
nhỏ bé và chật hẹp cả bài khan cổ tích…
đêm không ngủ với niềm vui mới
niềm vui đứng trên vai những gã khổng lồ
huyền thoại xoay vòng tròn cối xay gió
làm mưa…
Từ huyền thoại mới này, một thành phố Banmê mới sẽ ra đời:
niềm vui Banmê chênh vênh mõm đá
thành phố dịu dàng nỗi đau ngược gió
bay lên.
Phúc thay cho kẻ nào có niềm tin!
Mừng cho Lê Vĩnh Tài – giữa ngổn ngang mất mát, thi sĩ vẫn còn có niềm tin; hay nói cách khác: niềm tin đã mất vừa được tìm thấy lại.