Không ngờ tôi gặp lại Lộng Ngọc và Tiêu Sử trong chuyến xe này, một chuyến xe trùng tên với một bộ phim, Chuyến xe bão táp, ít nhất là đối với riêng tôi.
Chúng tôi lên xe một cách yên ổn, ai cũng tin chắc rằng, được ngồi trong xe thì coi như thành phố đã ở trong tầm tay. Sở dĩ có niềm tin này vì tất cả những người được lên xe đều thuộc loại tốt số lại còn gặp may. Công ty quốc doanh X, đều đặn hàng tuần vào ngày thứ sáu đều có chuyến xe công tác Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe du lịch bốn chỗ ngồi. Giám đốc công ty vốn là người hào hiệp, cho phép bác tài mở rộng cửa để đón anh em bạn bè cần đi nhờ, ưu tiên cho người đi công tác và ông già bà cả thân nhân của nhân viên công ty. Vì giám đốc công ty quá rộng rãi mà đâm ra rắc rối : xe chỉ còn bốn chỗ dành cho khách mà số người đăng ký đi nhờ mỗi tuần lên đến hàng chục người , nhận ai, và bỏ ai thật là khó xử. Đây là đặc điểm của cái thời bao cấp, giao thông khủng hoảng triền miên. Trên mọi nẻo đường người ta thấy những chiếc xe đò chạy bằng than của thế kỷ trước nhét đầy người trong xe, bên ngoài xe hành khách đeo bám đủ kiểu, trông giống như ruồi bu cục đường chảy. Những ai là người vừa có xe vừa có lương tâm đều không thể để ghế trống trong tình hình xe cộ đầy khó khăn này. Giám đốc công ty X là người như thế, anh muốn tận dụng chỗ trống trong xe để góp phần giải quyết khó khăn chung. Nhưng anh quá bận việc, không thể trực tiếp sắp xếp cho từng chuyến xe, anh quyết định giao quách cho bác tài cái quyền nhận khách, chỉ trừ trường hợp duy nhất không được từ chối, đó là khách của chính giám đốc gửi. Và hôm nay, tôi chính là người khách có tư cách như vậy.
Có gì đâu, tôi và giám đốc là bạn kháng chiến, mà tôi thì đang có việc khẩn, toà soạn gọi về trong ngày, càng sớm càng tốt. Lẽ ra tôi đã đi chuyến xe đò bốn giờ sáng, nhưng khốn nỗi, bạn tôi rất e ngại : cũng là cán bộ cá mè một lứa với nhau nhưng để tôi đi xe đò coi không tiện. Bạn tôi vẫn thường nói : "Tao nhờ làm giám đốc mà có xe con lọc cọc còn mày làm nhà báo thì phải đi xe đò, tao rất thông cảm, mày cứ để tao giúp đừng ngại gì". Tội nghiệp bạn tôi, nó cứ nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại, nó đâu biết rằng tôi là phóng viên của một ờ báo thuộc loại "bánh xe thứ năm", có cũng được mà không có cũng xong, mỗi tháng được bao cấp một kỳ, mỗi kỳ in vài ngàn số. Tòa soạn loe hoe mươi người, "công xa" chỉ có một chiếc xe đạp phân phối dành cho văn phòng đi liên lạc. Anh em chúng tôi toàn bọn nhà văn, viết và sống bằng chữ nghiã đăng nhiều nơi, báo nhà chỉ là một địa chỉ liên hệ, là bảng hiệu để xin cấp thẻ hành nghề. Tờ báo như báo tôi thì đi bộ cũng còn thừa chán thì giờ huống chi là đi xe đò. Nhưng dẫu sao, tôi cũng đang có việc gấp và sự cảm thông của bạn tôi cũng không dư chút nào.
Thế là tôi được dành cho ghế trước, cạnh bác tài. Bác tài trước đây có lái xe cho Sở ngoại vụ nên tỏ ra biết cách lịch sự với tôi hết mức : mở cửa xe cho tôi, khép cửa thật khẽ rồi mới vòng trước đầu xe ngồi vào ghế lái. Hơi thích chí vì được tôn trọng, tôi rút thuốc thơm đầu lọc, chuẩn bị sẵn ra mời để đáp lễ. Tôi phải nói ngay, tôi vốn là người chỉ dám quấn thuốc rê, gói thuốc này là loại "chuyên dùng" khi giao tiếp. Lúc bấy giờ, điếu thuốc có vai trò cực kỳ quan trọng. Bên cạnh những diễn nghĩa vui vẻ thời chế độ cũ để lại như "Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu". "Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát" " Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn" chỉ điếu thuốc CAPSTAN, người ta truyền miệng câu châm ngôn mới: "Samít nói ít hiểu nhiều", " Ba số năm vừa nằm vừa ký" đầy hiệu lực. Bác tài rút một điếu xong , tôi liền đưa gói thuốc ra băng sau, tự nhiên giọng tôi có vẽ anh chị : "Mời bà con hút thuốc, có ai quen không, lên tiếng đi!".
Trời tối như bưng, đèn xe ngược chiều rọi vào cũng không nhận ra mặt ai là ai, vậy mà cũng có người lên tiếng : "Anh Hai đó hả, em đây, Sử đây". Tôi nhìn ra băng sau chật cứng người, nhận ra khuôn mặt trẻ măng của Sử trong ánh lửa diêm đốt thuốc. Bên cạnh Sử là một khuôn mặt trắng nhờ như sữa, đôi mắt long lanh mà mãi cho đến khi xe dừng lại để chờ chuyến bắc khuya đầu tiên, tôi mới biết đó là Ngọc.
Gọi cà phê thuốc thơm mời mọi người một cách hào phóng ở các bàn con khác, Sử trở lại bàn của ba chúng tôi : tôi , Sử và Ngọc. Sở dĩ gọi là "ba chúng tôi" vì trước đó chúng tôi đã quen nhau trong một khu vườn bên bờ sông Tiên Thủy rất thơ mộng. Khu vườn này nổi tiếng trong cả nước, trồng dừa xen cà phê, được gọi là "mô hình năm từng sinh thái" vì ngoài hai thứ chính là dừa và cà phê hoạc ca cao ra, người ta còn tận dụng để nuôi tôm, nuôi ong, nuôi cá. Sử làm nghề chụp hình "truyền thống"cho công ty và được giám đốc công ty giao nhiệm vụ hướng dẫn tôi đi tham quan. Bữa đó lại có một đoàn học sinh trường cấp một do một cô giáo rất trẻ dẫn đầu đến vườn để cắm trại hè. Cô giáo làm mọi người chăm chú hơn cả viêc xem "mô hình năm từng sinh thái", đó là Ngọc. Ngọc đúng là một kỳ quan thiên nhiên : mười tám tuổi, vóc dáng cân đối, tóc dài như một dòng suối đen, da trắng hồng, mắt đen hột nhãn, môi rực đỏ. Điều thú vị hơn cả là chỉ vừa biết nhau, Sử đã giới thiệu ngay với tôi : "Ngọc là bạn thân của em" và Ngọc e lệ cúi đầu.Tôi thầm cảm ơn sự dung ruổi ngẫu nhiên đã cho tôi quen biết đôi uyên ương tuyệt đẹp. Sau đó tôi được mời về nhà Ngọc ngay trên bờ sông Tiên, gọi theo cách gọi riêng của hai người bạn trẻ . Nhà Ngọc thuộc lớp trung , có chút vườn đủ sống, cha mẹ Ngọc là người có giáo dục, sống đặc biệt thanh bạch và ngăn nắp. Riêng ông thân sinh của Ngọc thì rất thích kể chuyện Tàu, trong khi nói chuyện ông thường dẫn ra những điển tích hay. Ít khi tôi được thăm gia đình nào ở thôn quê có lối sống như vậy. Cha mẹ Ngọc cưng đứa con gái rượu và rất qúi người bạn của cô. Ngọc mê đàn ghi ta thùng và thích nhạc đồng quê. Còn Sử thì mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện tình yêu Tiêu Sử và Lộng Ngọc đời vua Tần Mục Công trong truyện Đông Chu Liệt Quốc. Lộng Ngọc và Tiêu Sử gặp nhau qua tiếng tiêu và tiếng sinh, để rồi sau đó cởi rồng, cởi hạt về trời. Và kể từ cái hôm ngồi trên bờ sông Tiên thơ mộng ấy nghe tôi kể chuyện, đôi uyên ương bắt đầu gọi nhau bằng cái tên mới : Tiêu Sử - Lộng Ngọc.
Bây giờ, ngồi uống cà phê với đôi bạn trẻ trung, giữa cảnh đua chen của bến bắc về sáng lòng tôi cảm thấy lâng lâng, bồi hồi. Đôi bạn nói chuyện với nhau và với tôi, nói huyên thuyên. Hoá ra là họ đang đưa nhau về thành phố để nộp hồ sơ thi tuyển vào trường nghệ thuật sân khấu. " Mấy chú ở Sở Văn hoá nói là Lộng Ngọc có cả sắc và thanh đều tốt, định cho đi đào tạo thành diễn viên. Ngày mai này là hạn chót nên tụi em phải đi sớm .. đi xe nhờ". Cuối cùng, khi sắp đến giờ xuống phà. Sử nói và nhìn tôi bằng cặp mắt van lơn. Còn Ngọc thì cúi xuống khuấy cà phê đen thành một vùng xoáy nhỏ trong ly. "Em muốn đi xe đò cho tiện, nhưng Sử không chịu, ảnh nói ảnh đã bắt bồ với bác tài rồi:. Nói xong, Ngọc nhìn tôi và cố giấu một tiếng thở dài.
"Nhưng là chuyện gì ? Có chuyện gì vậy ?". Tôi như từ giấc mơ tiên tỉnh lại, hỏi to lên làm cho những người cùng chuyến xe đều ngoái nhìn. Chỉ có bác tài thì ngồi im lặng , măt lãnh đạm như không có chuyện gì xảy ra.
Mải khi ra đến xe, bác tài mới nói gằn từng tiếng "Phải bớt một người mới được, chú Sử đi xe đò đi, xe quá tải, sát nhíp rồi !". Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là quyền lực của bác tài ! Chỉ một tiếng, Sử đã riu ríu xách túi ra khỏi xe sau khi to nhỏ mấy lời với Ngọc. Tôi thấy Ngọc ngồi chết cứng, mắt nhìn đâu đâu, mặt buồn rười rượi. Còn Sử thì ngó tôi bằng ánh mắt tuyệt vọng.
" Bác Tài ơi - tôi buột phải lên tiếng - thêm một người nữa, chật một chút có sao đâu" . Lẽ ra tôi phải nói thêm gì nữa, nhưng chưa thể được thì bác tài rồ máy.
Trời đã đâm mây ngang vầng mây ngũ sắc sáng dần, nâng cái mặt nhật tươi rói, sạch bóng như vừa mới điểm trang xong sau giấc ngủ say. Mọi người trong xe được nhuộm màu bình minh lung linh ấm áp torng khi xe di chuyển. Chiếc xe Dodge 5 cửa cũ kỷ bò chậm chạp xuống cầu nổi rồi hì hục vượt qua mở bàn đò để lên phà bỏ lại Sử phiá sau, lẩn khuất vào dòng người và xe cộ trong ánh đèn đêm nhập nhoạng.
Tuy giảm đi một người, nhưng tôi có cảm giác như chiếc xe chật chội thêm lên. Trong xe, mọi người ngồi im như hoá đá. Hơi người nồng nực tỏa ra gây ngộp thở . Qua kiếng chiếu hậu, tôi nhìn băng sau. Ngọc ngồi bìa, sau lưng tôi, ngay chỗ của Sử vừa đi. Kế đó là một người dấu mặt ngũ trong chiếc nón lá. Người thứ ba, đàn bà, mặt thô kệch và bự phấn mà dầu có thận trọng tới đâu tôi cũng không thể không liệt bà ta vào loại "Đầu quăn môi trớt". Người cuối cùng là một chú thanh niên hiền lành như một cái bóng, không muốn hiện diện trong xe.
Tất nhiên là ngoài tôi ra, còn một người cuối cùng nữa, đó là bác tài với cái thói quen cố hữu của người lái, mắt nhìn đăm đăm phiá trước. Trong lúc này, nét mặt người tài xế trở nên cau có đến khó hiểu. Hình như ông đã giận ai đó và việc đuổi Sử xuống xe chưa làm ông đã nư. Còn tôi, khi chợt nhìn mình qua kính chiếu hậu, tôi phát hiện ra cái gương mặt của tôi mới là điều đáng nói. Môi mím lại, mắt trừng trợn sắc mặt tái mét .Thật là một khuôn mặt sắt phản ánh đúng tâm trạng của tôi từ khi Sử xuống xe. Lúc ấy, một suy nghĩ thoáng qua, tại sao người xuống xe không phải là tôi, người đã đặt tên cho đôi bạn Tiêu Sử - Lộng Ngọc ? Giá như tôi không ngồi lì ra đây, thì có thể đôi chim non đó sẽ riu rít bên nhau rồi. Vậy mà tôi vẫn cứ ngồi đây. Tôi bỗng lên án mình vô tình, đúng ra là lãnh đạm không khác gì người lái xe. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi, có thể Sử đã lên ngồi ghế đúp ở một chiếc xe đò nào đó. Nó còn trẻ , có thể đứng suốt một trăm cây số mà vẫn không mệt mỏi. Rồi đôi bạn sẽ gặp nhau ở thành phố, sẽ nộp hồ sơ kịp vào buổi chiều và dắt nhau đi công viên. Tôi tự an ủi bằng cách tưởng tượng ra hình ảnh đôi bạn thiên thần đó dặt tay nhau bay bay trên thảm hoa cỏ như trên màn ảnh hay thể hiện bằng thủ pháp quay tốc độ nhanh để chiếu chậm lại. Và thật là tuyệt, khuôn mặt mặt tôi đã bình thản trở lại. Đúng là cần phải như vậy, hơi đâu mà quan tâm cái chuyện giữa đường. Mỗi người có một việc phải lo, làm sao một người có thể giải quyết được mọi sự nghịch lý ở đời này.
Hình như bác tài đoán được tâm trạng tôi qua nét mặt trong kiếng chiếu hậu, thái độ cư xử của bác ta dịu lại đột ngột : "Anh tưởng tôi không thương người sao ? Nhưng biết thương cách nào cho vừa lòng người ? Xe quá nặng, xe gãy nhíp hay nổ bánh, ai thương hại tui. Xe người ta bóng dợn, đi bốn người là cùng thậm chí đi một người cũng không sao.Cũng là xe của đảng, xe của nhà nước. Nghề của tôi, tôi còn biết nhiều chuyện mà các anh không biết, đôi khi, trên xe chỉ có vợ con thủ trưởng mà thôi. Vậy thì ai đúng, ai sai ? Đúng sai gì cũng là thủ trưởng, còn tui nghen anh, sai một cái là bể nồi cơm. Cho nên sau này, tôi dứt khoát, hể ba là ba, bốn là bốn, hơn một ký lô cũng không được. Vì vậy thằng Sử, dứt khoát phải đi xe đò."
Tôi gật gù theo cái lý của người cầm lái. Vẫn biết rằng bác tài nói vậy nhưng chắc gì đúng là như vậy. Những người ngồi băng sau tôi - trừ chú thanh niên và Lộng Ngọc - phải đâu là người cậy nhờ bình thường. Họ không phải là nhân viên công ty, cũng không có vẻ gì là người được gởi gắm - Cứ nhìn mặt mà bắt hình dong, họ ngồi chễm chệ được trên xe này là vì họ có chở cái gì đó trong cop xe. Người lái xe này cũng vậy, ông là người lam lũ, xem nét mặt cũng dể thương, nhưng luôn đúng "nguyên tắc" , cũng là vì món tiền thù lao của mấy mụ buôn chuyến. Ai cũng biết điều này nhưng ai cũng làm ngơ. Tôi cũng vậy, nghề của tôi là như vậy mà, muốn được việc phải quá giang xe, muốn quá giang xe phải chiều tài xế. Tôi đâm ra quen im lặng cho qua chuyến, để không bị "rách việc".
Nhưng dù sao vẫn khó mà chấp nhận nổi cái lý "quá tải" của bác tài. Nó nhẫn tâm quá. Ai lại nở để hai người trẻ nhất trong xe phải tách nhau ra. Sử đi rồi, Ngọc ngồi im mắt đờ ra. Tôi thấy Ngọc lưỡng lự, khó xử khi nghe bác tài đay nghiến. Tôi tưởng như vì công việc, Ngọc có thể nhẫn nhục chịu đựng như tôi đã từng chịu đựng. Song, thật là điều bất ngờ, lúc bắc qua giữa sông, Ngọc liền đứng lên, nhờ tôi lấy giùm chiếc túi nhỏ để nhờ dưới chân tôi ở ghế trước. "Em làm gì vậy, Ngọc - tôi thảng thốt hỏi - Em lấy túi làm gì, bắc sắp cặp bến rồi " ? Ngọc cầm lấy quai túi chạm tay tôi, không nói. Rồi cô lẳng lặng mở cửa xe, khép thật khẽ và bước xuống.
Đến bên bác tài, Ngọc từ tốn nói : "Cháu biết ơn chú đã cho đi một đoạn đường. Cháu xin phép được xuống xe để khỏi làm phiền chú. Xin cảm ơn". Ngọc nói xong, cúi chào người lái xe và bước đi. Cô không hề tỏ ra muốn chào tôi, không biết vì lý do gì.
" Cô ấy còn bé con quá - tôi nghĩ - cô chưa biết hết việc đời, cô không hiểu tôi, nỗi lòng tôi. Đúng là như vậy, cô còn nhỏ hơn thế hệ ba mươi tháng tư, cô là thế hệ thứ năm, chớ không phải là thứ tư, hãy tha thứ cho cô, về việc cô vô lễ với tôi, một người đã đặt tên cho là Lộng Ngọc, một người tôn sùng sự trong sáng thánh thiẹn của cô. Nhưng tất cả mọi ý nghĩ đều vô ích : cô đã đi xa rồi, cũng như Sử, lần khuất đâu đó trong ánh đền pha lẫn với ánh bình minh chập choạng.
Lúc bấy giờ, không chỉ có chiếc xe thêm nặng nề vì giảm bớt một người nữa, vì hàng ghế sau trống trơn, mà cả chuyến phà trong bình minh cũng nặng nề và chậm chạp. Đối với tôi, sau cái lặng lẽ ra đi của Ngọc, mọi điều tự an ủi không còn đứng vững được nữa. Thế là Lộng Ngọc đã đi theo Tiêu Sử rồi. Đúng như câu chuyện tình rất xưa mà tôi còn nhớ mang máng. Lộng Ngọc đi không từ biệt cha là Tần Mục Công, vì nghe lời can của Tiêu Sử : "Đã là thần tiên thì chớ nên vì chút tình riêng và quyến luyến!".
Trên đời này, đâu còn có "cái tình riêng" kiểu như Tần Mục Công. Nhưng chăc hẳn, cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi chẳng qua là một chuyện tình cờ, cũng như Tần Mục Công, đã sinh ra một trang cầm sắc và tình cờ khi gặp người của cõi tiên là Tiêu Sử. Ngọc bước xuống xe, chẳng qua là muốn cho "phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cởi rồng" (x) mà thôi . Tức là Ngọc đi theo Sử, và là đi xe đò về thành phố, phiêu diêu vào trí tưởng tượng của tôi. Nhưng không hiểu tại sao, khi tôi chứng kiến cảnh tượng đó, lòng tôi không yên. Cái ý nghĩ ban đầu trở lại dày vò tôi ghê gớm. Tại sao, người xuống xe không phải là tôi ? Hiện giờ chiếc phà vẫn chưa đến bến, tức là Sử còn đâu đây, nếu tôi bước xuống và đi tìm cả đôi bạn, tôi sẽ gặp họ và mời họ lên xe. Cái chỗ ngồi trên xe đò mà Sử đã chọn, chính là chổ của tôi ...
Đầu thì nghĩ như thế, nhưng tôi vẫn ngồi im, như dán vào băng nệm. Một ý nghĩ len vào : biết đâu, việc Ngọc xuống xe là phải, đôi bạn sẽ gặp nhau, sẽ ngồi chung băng suốt tuyến đường, biết đâu trong cái họa, có cái phúc. Nếu như đổi lại, tôi sẽ đi, thì chưa chắc gì đôi bạn ấy được ngồi đây một cách yên ổn trước bài tài, trước mọi người ?. Vả lại, tôi cũng có hoàn cảnh riêng : kinh nghiệm nghiêm khắc của tôi trong đời phóng viên là không để mất cảm tình của giám đốc và bác tài. Mất hai thứ đó đồng nghĩa với chặt chân người phóng viên của tờ báo yếu thế. Nghĩa là mất cuộc sống, mất những bài báo. Nhiều năm qua, sau cái thời kỳ đi bộ trong chiến tranh, tôi nghiệm ra rằng, nếu coi những bài báo có ích là cứu cánh, thì phải biết coi xe cộ là phương tiện. Cứu cánh thì đã thừa, chỉ có phương tiện mới thiếu, mới cần. Chính vì thế mà tôi để tâm nhiều đến "phương tiện", đến xe cộ. Nghe tin bạn bè được ngồi ghế lãnh đạo, cái mừng đầu tiên của tôi là được đi nhờ xe con của nó. Xe con thật là tuyệt : qua phà ưu tiên, gọn nhẹ, và nhanh nhẹn vô cùng (thêm nữa là cái oai hơn xe khác, vì xe con vô cổng khỏi trình giấy) bản thân nó đã là một thứ giấy chứng minh đầy hiệu lực. Những ông tỉnh ủy hay ông giám đốc ấy, bao giờ cũng được tôi chúc mừng một cách rất thực dụng: "Mừng bạn, mong bạn có xe con và cho tôi đi nhờ".
Chính cái "phương tiện" oái oăm đó đã biến tôi thành một người nô lệ của nó. Tôi đã thạo nghề đi xe nhờ tới mức sẵn sàng trản giá để lấy lòng thủ trưởng và lái xe. Bằng chứng là tôi chẳng ngại ngùng gì khi "thủ" sẳn trong người mười điếu thuốc thơm đầu lọc chuyên dùng vào việc giao tiếp trên xe, còn mình thì yên tâm hút thuốc vấn hoặc thuốc điếu sợi đen. Đôi khi phải chịu muối mặt, và lắm lúc, nếu vì bị xúc phạm, phải từ bỏ chuyến xe nhờ nào đó, thì hậu quả của nó sẽ là sự hối tiếc.
Trong chuyến xe này cũng vậy, cái thói quen đã hại tôi, đẩy tôi đến vực thẳm của một tên quan liêu nghiệp dư cứ bám chặt lấy ghế. Nếu không có Tiêu Sử và Lộng Ngọc, nhất là khi Lộng Ngọc rời bỏ chiếc xe không một lời từ biệt tôi, thì có lẽ tôi vẫn cứ sính cái "phương tiện" ấy cho tới cùng. Nhưng, tôi biết làm sao, nếu như ngay bây giờ tôi xuống xe. Người lái xe ưu tiên cho tôi một chỗ ngồi sẽ nghĩ gì, nếu như lần sau tôi vẫn còn là ngưòi đi xe nhờ ( mà điều này là sự thật, bởi vì tôi sẽ còn nhờ nhiều chuyến nữa). Ông bạn giám đốc của tôi sẽ nghĩ gì về tôi, về thái độ đơn phương hủy bỏ sự giúp đỡ bạn bè chí cốt ? Ông giám đốc ấy sẽ nói với những ông giám đốc khác nữa về chuyện "đơn phương" ấy của tôi và như thế là tôi sẽ mất hẳn đôi chân đi về đồng bằng, sẽ bị cắt đứt nguồn vốn sống ? Tôi sẽ đi đâu nữa, sẽ viết gì nữa ?
Đó là chưa nói tới những hoàn cảnh cụ thể mà tôi rất biết về các ông giám đốc, bạn tôi. Các bạn ấy rất có quyền nhưng đồng thời cũng là người không có quyền gì. Dám chi hàng vạn đồng cho mỗi cuộc họp , thành thạo và khéo léo lập chứng từ để moi ngân sách nhưng nhút nhát và khờ khạo, thậm chí quên trả lương cho bác lái xe đủ sống, khỏi phải kiếm ăn dọc đường. Cũng vì vậy mà các cấp thủ trưởng thổng có tâm lý sợ người lái xe cho mình. Người lái xe lợihai lắm, họ là con dao hai lưỡi. Do nghề nghiệp, họ biết bí mật của giám đốc : đi với ai việc công hay tư, nói đối vợ ra sao, bắt bồ với cô thư ký nào, nhận tiền bồi dưỡng của "con phe" nào, những địa chỉ cụ thể, những con đường vòng vèo .. họ thuộc làu như rong lòng bàn tay. Nói chung, cái quyền của thủ trưởng cao tận đâu đâu, nhưng trước người lái xe, cái quyền đó đã bị vô hiệu hóa. Bạn tôi cũng vậy thôi, phải trao hết quyền đối nhân xử thế cho người lái xe này nếu như muốn an toàn quyền lực của chính mình.
Tiêu Sử và Lộng Ngọc có hiểu rõ điều này không? Trong cuộc đời, người ta thường sợ bọn người hắc ám còn tôi thì khác,cái đáng sợ nhất của tôi là sợ sự trong sáng, sợ người ngay thẳng và trẻ trung. Đó cũng chính là nguồn gốc sự lo sợ của tôi đối với Sử và Ngọc. Đôi bạn đó sẽ nghĩ gì về tôi ? Họ có coi tôi là người bạn đồng hành nữa không, tôi có còn xứng đáng là người đã trân trọng tình bạn của họ hay không?.
Phà sắp cặp bến, Sử và Ngọc chắc đã lên một chiếc xe đò nào đó rồi, bây giờ tôi có rời khỏi chiếc xe này cũng là một việc thừa. Tất cả mọi giải pháp hiện giờ đều trở thành muộn màng.
Cũng vừa lúc đó, mỏ bàn đò đã cặp vào cầu nổi. Người đi bộ lần lượt lên cầu. Xe hơi nổ máy, pha đèn rực sáng. Bác tài gài số. Trong cái tích tắc trước khi xe chuyển bánh ấy, mọi suy luận nãy giờ của tôi nhằm mục đích tự thanh minh đều bị phá vỡ. Bây giờ thì lòng trung thực đang thắng thế. Nó cho tôi biết rằng, chỉ vì muốn được một chuyến xe mà tôi phải làm kẽ lãnh đạm đánh đổi cả lòng tự trọng. Tôi nhận ra một điều khủng khiếp : tôi đã mất đôi bạn ấy vĩnh viễn. Đó là một điều thậm tệ, dằn xé tôi dữ dội. Tôi định bước xuống xe với mục đích duy nhất không phải để cho đôi bạn ấy chứng giám cho nỗi lòng tôi, mà chính vì để bảo vệ sự trong sáng của lương tâm mình. Nhưng chiếc xe đã bò lên cầu rồi. Tôi không còn xách nào khác là đưa ánh mắt tuyệt vọng sục sạo khắp trong các đám đông để tìm gặp lần cuối cùng đôi bạn trẻ thân yêu đó.Tôi tìm họ qua làn kính cửa sổ các xe đò và xe du lịch, qua tất cả dòng người đang hối hả bước. Mãi cho đến khi tôi không còn hy vọng gì nữa thì đôi ban ấy xuất hiện ngay trên đầu cầu thang ở từng trên của chiếc phà. Kỳ lạ thay, đôi bạn đã hướng cái nhìn đúng vào tôi, đúng vào chổ tôi ngồi. Khi ánh mắt tôi chạm phải ánh mắt của đôi bạn trẻ ấy, tôi mới nhận ra rằng, không phải chỉ có tôi tìm mà chính đôi bạn trẻ ấy đã tìm tôi. Họ vẫn còn phân biệt được tôi với mọi người trong xe. Chỉ cần biết được điều đó, tim tôi đập rộn lên. Tôi xoè cả hai bàn tay đưa ra ngoài xe để ra hiệu là tôi đã nhìn thấy các bạn. Lúc ấy, điều thần diệu đã đến, Tiêu Sử và Lộng Ngọc rối rít vẫy chào tôi. Tôi cũng rối rít vẫy chào lại. Và chúng tôi vẫy tay hồi lâu, cho đến khi không còn trông thấy nhau nữa ....
Tôi không còn đủ chữ nghĩa để diển tả hạnh phúc nhỏ đang bừng dậy trong tôi, cái vẫy tay như là một lời ước hẹn chúng tôi chỉ tạm biêt nhau, chúng tôi đã cảm thông nhau và mãi mãi sẽ không mất nhau. Cái vẫy tay ấy gắn bó chúng tôi lại và cũng đã tách tôi ra khỏi những con người lãnh đạm đang ngồi cùng tôi một chuyến xe. Tôi mừng cả với điều này. Và từ đó cho đến hết chặng đường, tôi ngồi thu mình lại, mắt đăm đăm nhìn về phiá trước với bao nhiêu ý nghĩ riêng tư. Mọi thói quen xã giao : chuyện bâng quơ, mời thuốc hút .. hầu như đối với tôi lúc này thật vô nghĩa. Tôi cố dấu sự hiện diện của mình trong xe. Hay nói đúng ra, đó cũng là cách để tôi phủ nhận sự hiện diện của những người khác. Tất nhiên là trừ một người, một chàng trai ngồi bìa băng sau cho đến giờ này vẫn khiêm tốn thu mình như một cái bóng . Nhìn chàng trai ấy, điều băn khoăn cuối cùng của tôi đã được giải tỏa. Dù sao tôi cũng có một người để bắt tay khi kết thúc chuyến xe này.
5.1985