( Bạn đọc muốn giúp đỡ Nhà văn xin thông báo webmaster@vannghesongcuulong.org .)
Tôi đến thăm nhà văn Sơn Nam vào một chiều giữa tháng sáu, sau khi ông xuất viện được hai tháng. Ong vẫn nằm bất động trên chiếc giường sắt nhỏ trong phòng khách. Nghĩa là ông đã nằm liệt giường như thế gần một năm nay, kể từ khi bị tai nạn giao thông. Vợ ông cho biết, hồi tháng bảy năm ngóai, ông đang ngồi xe ôm thì một chiếc xe ôm khác tông vào ông, ông bị té ngồi, sụt và bể xương đùi. Nằm liệt bảy tháng ở nhà. Một hôm, bác sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm chẩn đóan y khoa Hòa Hảo mang xe cấp cứu đến rước ông vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình, ông Hải đã tài trợ tòan bộ ca mổ. Rồi ông Cao Lập, giám đốc làng du lịch Bình Quới, người đã âm thầm trợ cấp cho ông Sơn Nam suốt mấy năm qua, vừa mới tặng cho một chiếc xe lăn. Cuộc sống vốn đã khó khăn triền miên, giờ khó khăn thêm chồng chất. Nhà có ba người con gái, một người con rể nhưng lúc thì có việc làm, lúc thì thất nghiệp. Mỗi tháng, một người cố gắng góp cho bà năm trăm ngàn tiền chợ cộng với một triệu lương hưu của ông. May thay, sách của ông vẫn còn tái bản đều đặng nên tháng nào nhà xuất bản Trẻ cũng gởi cho ông từ bốn đến năm triệu đồng dù họ đã mua đứt bản quyền.
Nhà văn Sơn Nam vốn đã ốm yếu, giờ chỉ còn như da bọc xương. Nhưng trên nét mặt ông lúc nào cũng đầy lạc quan tươi tĩnh. Ong vừa cười vừa nói: “Tám mươi hai tuổi rồi, còn gì. Nhưng không sao, tôi còn viết thêm một cuốn về đồng bằng sông Cửu Long nữa mới ra đi”. Hồi năm ngóai, có lần tôi cũng giật mình trước một câu nói của ông: “Tôi còn nhiều chuyện hay lắm, nhưng về già mới viết”. Cũng khó mà phân biệt được đó là sự lẩm cẩm hay sự đam mê nghề nghiệp, tình yêu đất đai đã làm cho ông quên đi tuổi tác và sức khỏe của mình.
Có lẽ trong làng văn chương Việt Nam, Sơn Nam là người duy nhất sống trọn một cuộc đời bằng chữ nghĩa và sống vì chữ nghĩa. Ong sống để viết và viết để nuôi cuộc sống. Ngay những năm đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, manh áo, chén cơm của ông đã bắt đầu từ trang viết. Sáng sớm ông cuốc bộ đến nhà in để viết feuilleton, có khi cùng một buổi sáng viết feuilleton cho hai ba tờ báo. Ong kể, hồi ấy ông viết feuilleton trên tập học trò, viết tại nhà in, khi giao bản thảo cho công nhân xếp chữ, ông chừa lại nửa trang cuối để ngày mai theo đó mà viết tiếp. Buổi chiều ông vào thư viện tra cứu tài liệu, buổi tối về nhà trọ viết truyện ngắn hoặc khảo cứu. Tuy viết nhiều, nhưng so với các nhà văn viết tiểu thuyết tình cảm thời bấy giờ thì Sơn Nam vẫn là người nghèo vì tác phẩm của ông không phải phục vụ cho số đông có nhu cầu giải trí. Có thời người ta gọi ông là nhà văn ba không: không nhà, không xe, không điện thọai. Sống giữa Sài Gòn nhưng ông chưa bao giờ có xe dù là xe đạp. Ong đi bộ, đi xe búyt là chính, khi nào có tiền kha khá mới đi xích lô. Mãi đến năm 1987, ông mới được nhà nước cấp một căn nhà trong hẽm gần chùa Phổ Hiền, quận Bình Thạnh.
Những năm 80 và 90, người ta thấy một hình ảnh Sơn Nam rất quen thuộc là mỗi sáng ông ngồi trầm tư bên ly cà phê đen trong căn tin của tuần báo Văn nghệ thành phố. Nhà thơ Bùi Chí Vinh nói vui rằng ông đang “đứng bến” như những cô gái giang hồ. Đó là địa chỉ liên lạc của ông với làng báo cả nước, ai cần đặt ông viết bài thì đến trao đổi, đề tài gì, bao nhiêu chữ, ngày nào giao bài, nhuận bút bao nhiêu, ứng trước bao nhiêu. Tất cả đều phải rõ ràng, minh bạch, kể cả những sinh viên, nghiên cứu sinh muốn chọn ông làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp, luận án tiến sĩ, cũng phải trả cho ông một khỏan thù lao. Ong nói, để có cái kho tư liệu trong đầu, ông phải tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian để vào thư viện, vào kho Văn thư lưu trữ quốc gia. Ngay cả những lần vào thư phòng của cụ Vương Hồng Sễn để tra cứu tài liệu, ông cũng tự nguyện để lại ít tiền trong phong bì. Ong cho rằng đó là sự sòng phẳng ở đời, mình viết bài vì quyền lợi của mình thì không lý do gì làm phiền người khác.
Bẵng đi một thời gian, ông như mất tích. Đến khi người nhà nhắn tin tìm ông trên đài truyền hình, người ta mới biết rằng ông buồn chuyện gia đình nên bỏ nhà đi lang thang. Thiếu áo, đói cơm, buồn phiền chuyện đời tư đã làm ông kiệt sức. Những bạn đồng nghiệp trẻ, những người kính trọng ông đã đưa ông đi cấp cứu. Xuất viện, ông trở về nhà, nhưng chỉ để ngủ đêm. Ban ngày, ông vô thư viện Gò Vấp làm một địa chỉ liên lạc với các báo và ở đó viết bài, viết hồi ký. Có lần, tôi gọi điện đến thư viện tìm ông để đặt bài cho báo tết, ông nói ông đang gặp khó khăn, định ra báo công an gặp anh Trần Tử Văn để mượn một ít tiền. Tôi chạy xe vào chở ông đi. Nhưng khi đến báo công an thì anh Văn đi công tác. Thấy ông thất vọng, đứng lặng một hồi lâu rồi bảo tôi chở ông qua hãng phim Giải phóng. May thay, đòan phim Mùa len trâu vừa gởi trả cho ông một số tiền tác quyền khá lớn. Ong được nhận tiền nhưng phải mang chứng từ qua giao cho anh Phạm Sĩ Sáu bên nhà xuất bản Trẻ vì nhà xuất bản đã mua đứt bản quyền của ông. Trên đường đi, ông tỏ ra phấn chấn: “ Thằng xuất bản Trẻ nầy chơi ngon, bản quyền tôi đã bán cho nó rồi, vậy mà số tiền nầy nó vẫn để cho tôi hưởng trọn, không lấy tiền cò mặc dù hợp đồng do nó ký”
Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cho biết: Mục tiêu của nhà xuất bản Trẻ trong việc mua bản quyền của ông là để sưu tầm, tập hợp và hệ thống lại các tác phẩm của một nhà văn lớn, tránh tình trạng xé lẻ, chạy theo lợi nhuận rồi xuất bản chồng chéo nhau của những người làm sách trên thị trường. Việc hệ thống lại theo từng chủ đề sẽ tạo nên dấu ấn Sơn Nam và dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng mua bản quyền rồi thì hai vấn đề khá phức tạp đặt ra đối với anh – Người chịu trách nhiệm khai thác để tài và giao dịch quyền tác giả – Thứ nhất, làm cách nào để tìm được hàng chục tác phẩm của nhà văn đã bị thất lạc, nói một cách nào đó thì mặc dù nhà văn đã bán bản quyền nhưng trong tay ông không có cuốn sách nào để bán ( Chỉ có hơn mười đầu sách do một độc giả tặng lại cho ông ). Cái khó thứ hai là làm cách nào để cân đối cho nhà văn Sơn Nam mỗi tháng có một khỏang tiền đủ sống từ nay cho đến cuối đời, khi ông gát bút. Việc mua bản quyền thực chất chỉ là mua quyền xuất bản, còn trên mỗi đầu sách, phải trả nhuận bút cho tác giả từ bốn đến tám phần trăm. Đó là cách tính tóan như một giải pháp giúp đỡ nhà văn.
Không họ hàng thân thuộc, thậm chí không phải gốc gác miền nam, nhưng nhà thơ Phạm Sĩ Sáu cực với nhà văn Sơn Nam còn hơn cực với cha ruột của mình. “Tía ơi tía xài vừa phải thôi, tiết kiệm lại một chút, lở tháng sau sách ra trể thì làm sao con lo kịp tiền cho tía”. Có lần tôi thấy Phạm Sĩ Sáu vừa đưa tiền, vừa nói với Sơn Nam như vậy. Anh biết tánh ông, cũng chẳng phải ăn xài sang trọng gì, chủ yếu là cho tiền, mua tập vở, quần áo cho trẻ em nghèo trong Gò Vấp. Phạm Sĩ Sáu kể, những lần cùng đi với ông đến dự tiệc cuối năm ở các tòa báo, cuối giờ là thấy ông lui cui gom hết bánh mứt, thịt quay, cơm chiên, chả giò . . . cho vào bọc xốp để mang về cho trẻ con nghèo trong xóm.
Bây giờ, sách của ông đã được trình bày sang trọng và xếp thành hàng ở những vị trí sang trọng nhất trong các nhà sách lớn. Nhưng, mấy ai biết được ông đã sống một đời bình dân trong lớp nghèo thành thị, một đời nặng nợ áo cơm, và giờ đây, ông đang nằm bất động trên chiếc giường sắt nhỏ, rất đơn sơ như một bệnh nhân nghèo .