Theo tài liệu của Calipso thì sông Cửa Lớn là một trong một trăm dòng sông lớn nhất trên thế giới. Song, điều lạ lùng của con sông nầy là nó không có thượng lưu và hạ lưu. Nghĩa là nó bắt nguồn từ biển đông - tức của Bồ Đề - và đổ về biển tây - tức cửa Ong Trang, cắt khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảnh. Một mảnh giáp với đất liền, một mảnh giáp với biển đông và biển tây như ốc đảo từ mũi Cà Mau đến Thủ tam Giang.
Trong chiến tranh, cái ốc đảo nầy là vùng căn cứ, là cái bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, để từ đó, vũ khí được cung cấp cho chiến trường miền tây Nam bộ. Năm 1972, người Mỹ đã mở ra cái gọi là chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông. Nghĩa là bình quân 15 phút thì có một tàu chiến chạy qua dòng sông Cửa Lớn để nã đạn pháo lên hai bên bìa rừng và để phong tỏa dòng sông nhằm cắt đứt giao thông và bao vây vùng căn cứ. Cái cảnh cất nước từng lon, đói ăn trái mắm bắt đầu từ đó. Trái mắm đã một thời thay cho lương thực. Nhưng để ăn được, người ta phải luộc đi luộc lại năm bảy lần cho trái mắm không còn vị đắng rồi chế biến thành nhiều thứ bánh, chè giống như bột đậu xanh.
Những bài hát, bài thơ về mùa trái mắm cũng từ đó ra đời.
Nhưng chuyện ấy rồi cũng mau quên. Mùa trái mắm giờ đây chỉ còn sâu đậm trong ký ức của người Cà Mau xa quê vì nó gắn liền với mùa săn cá dứa.
Cây mắm bắt đầu ra trái từ tháng bảy âm lịch và kéo dài cho đến cuối năm. Hai tháng cuối cùng là mùa trái rụng. Đó cũng chính là mùa săn cá dứa, mùa vui nhộn nhất trên sông Cửa Lớn, đặc biệt là ở Thủ Tam Giang, đoạn sông lớn gần cửa Bồ Đề. Các cụ già ở đây kể rằng, vào khoảng tháng mười âm lịch, trái mắm rụng trôi bèo sông, cá dứa từ biển kéo từng đàn vào ăn trái mắm, chúng ăn rất hổn hào như cá tra nuôi. An xong, chúng bị say, nằm đưa bụng lờ đờ trên mặt nước. Người thợ săn một tay lạo máy chèo, một tay cầm cây lau, mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Khi mũi lau 3 ngạnh đâm vào bụng cá dứa, nhìn cần lau tre lắc lư trên mặt sông, người thợ săn biết được con cá ấy bao nhiêu ký.
Mùa trái mắm là thế.
Và hơn thế nữa, mùa trái mắm còn là dấu ấn bồi đắp cho mũi Cà Mau mỗi năm dài thêm hàng trăm mét.
Nhiều người nói một cách hình tượng rằng, mắm là loài cây đi tiên phong lấn biển để mở mang bờ cõi.
Các nhà khoa học lâm sinh thì nói rằng, trong quy luật diễn thế của rừng ngập mặn, sự xuất hiện đầu tiên là cây mắm. Mắm có vai trò ổn định đất và khi đất được ổn định thì rừng đước hình thành. Nhưng từ thế hệ rừng mắm sang thế hệ rừng đước phải mất ba mươi năm. Đã có lần, người ta lập một dự án điều chế rừng ngập mặn khá quy mô để rút ngắm quy luật diễn thế tự nhiên ấy bằng cách chặt bỏ rừng mắm để trồng đước. Họ lý giải rằng sự tồn tại của rừng mắm trong ba mươi năm ấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Song, không thấy ai đặt vấn đề ngược lại rằng nếu chặt bỏ rừng mắm thì lấy đâu ra trái mắm để lấn biển, để mở đất và để ổn định đất cho rừng đước hình thành, để tạo nên cái quy luật diễn thế tự nhiên đẹp như huyền thoại ấy ?
Như đã nói trên, bắt đầu từ tháng mười âm lịch, trái mắm rụng đầy các kinh rạch rồi theo nước ròng trôi ra sông Cửa Lớn, đổ ra cửa Ong Trang. Trên đường đi, chúng tự nẩy mầm, ra rể và hút lấy phù sa. Khi ra biển, gặp sóng, chúng tạt vào bãi và những hạt phù sa bám rễ làm cho chúng nặng dần để tự xếp hàng đứng trên bãi biển. Cứ thế, mỗi một mùa trái mắm là một dãi rừng mắm hình thành vài trăm mét vươn ra mũi Cà Mau. Đứng từ biển khơi nhìn vào, ta có thể thấy những lớp rừng từ thấp đến cao như những tầng ruộng bậc thang trên núi. Mỗi một tầng như thế là dấu ấn của một mùa trái mắm, là cuộc hành trình của một loài cây như đoàn quân đi mở cõi.
Thế mới biết vì sao đất nước ta dài !