Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.081
123.198.414
 
Thơ là câu bắc bơ vơ
Phạm Lưu Vũ

(Đọc tập thơ “Cho Người Tôi Thương Nhớ” - Trần Ninh Hồ - NXB HNV năm 2005)

 

Có ông lão lục tuần, một hôm bỗng “tổng kết” cái kiếp trần tục của mình bằng mấy câu như thế này: “Khi ăn được, không cái ăn / Khi học được, không cái học / Chờ nhau thì trăng đang tròn / Gặp nhau thì trăng đã khuyết / Kí cóp học vị học hàm / Bằng chưa trao, hưu đã quyết / Bây giờ đang ngồi chờ chết / Mới hay... chưa sống bao giờ” rồi đặt tên bài thơ là “Bất cập”. Thật là một tấn bi kịch nghiệt ngã cho ông, cho cả những thế hệ như ông. Bài thơ trào lộng thuộc vào hàng cao thủ, đau mà vẫn cứ cười ha hả, bởi nó đúng đến nỗi… không “cãi” vào đâu được. Trước đó, vào cái lúc bắt đầu “hưu” ấy, ông còn viết: “Ông lão lục tuần đi trong sương giá / Sương giá không biết ông lão lục tuần...”. Ông coi cuộc đời này như sương giá, hay lòng ông đã biến thành sương giá? Những người khác không nói làm gì, chỉ xin những người vợ, người yêu, người bạn... đã từng làm cho ông ấm lòng chớ giận. Ông không có ý trách móc gì cuộc đời này đâu.

 

Ông lão lục tuần đó là thi sĩ Trần Ninh Hồ, người từng trải qua những “trận” tình yêu, tình đời… ác liệt hơn mọi cuộc chiến tranh: “Ta là kẻ bị tình yêu truy nã / Cuộc săn lùng này không thể cải trang / Tình yêu nhận ra ta từ trong tâm tưởng / Dấu làm sao vết tích những bàng hoàng.” (bài Nhận diện). Tập thơ tình: “Cho Người Tôi Thương Nhớ” là ấn phẩm thứ mười hai trong đủ các thể loại truyện, thơ, kịch... mà ông đã trình diễn chính thức trên văn đàn, chưa kể những sáng tác in rải rác trong các tuyển tập, hoặc rơi rụng đâu đó trong lòng bè bạn, hay giữa chốn dân gian mà chưa ai nhặt nhạnh, sưu tầm. Tập thơ khổ nhỏ, xinh xắn và dày dặn những một trăm sáu mươi chín bài, chia làm ba phần có đề mục hẳn hoi. Phần một có tên: “Hai mươi khúc đề từ”, phần hai có tên: “Thủa ấy”, phần ba là phần chủ yếu với cái tên: “Bây giờ năm tháng vẫn qua”.

 

Nếu có thể dùng mấy chữ để tóm tắt cả một tập thơ, như cái cách Khổng Tử xưa từng làm với hơn ba trăm bài thơ của bộ Kinh Thi(*), thì tôi cũng xin bắt chước tóm tắt tập thơ này của Trần Ninh Hồ trong ba chữ: “Lòng Thời gian”. Trong tập thơ, hầu như bài nào cũng có những dấu ấn đậm đặc của thời gian, không khó gì để nhận ra điều đó. Ngay bài đầu tiên (bài Hành trình 1) đã là một triết lý về thời gian giữa nghệ thuật và sự tranh giành từng khởi thuỷ trên Trái đất này:

 

Hình như là tiếng sáo

Sinh ra trước mũi tên

Hình như là ngọn giáo

Sinh ra sau cây đàn

 

Bài tiếp theo (Hành trình 2), thời gian là những kiếp cô đơn vằng vặc:

 

Thời gian trôi kiếp lục bình

Từ hồng hoang chẳng biết mình về đâu

Một hôm thấy một cây cầu

Và ai với bóng nông sâu một mình...

 

Thời gian có khi là cụ thể của bốn mùa, tứ thơ đầy tâm thế, quyết liệt và... hy vọng:

 

Đông gió bấc tuốt đi từng vòm lá

Mà mùa thu gom nắng hong vàng

Đông còn ném sang xuân những cuối cùng buốt giá

Em có là mùa hạ đón ta sang?

 

(Gửi mùa hạ)

 

Có khi thời gian làm biến đổi cả sự vật để hoá thân thành hoài niệm. Những câu thơ da diết, buồn và đẹp tuyệt trần:

 

Thuở ấy tóc ta như mun vậy

Và mắt em thăm thẳm như trời

Bây giờ mun... trắng như mây trắng

Bay mãi lên trời. Thăm thẳm ơi

 

(Nguồn gốc loài mây trắng)

 

Có khi thời gian chỉ là những mong manh sau, trước. Triết lý quá thành ra hơi… lý sự. Nhưng lại là một nỗi niềm, hoặc ít ra cũng là một “kinh nghiệm” cần thiết... cho những kiếp yêu đương:

 

Nếu anh đến trước nỗi nhớ

Cửa nhà chừng phải gõ lâu

 

Nếu anh đến trong nỗi nhớ

Cửa mở hết mọi tầng lầu

 

Nếu anh đến sau nỗi nhớ

Sẽ là khoá lỏng, chìa rơi...

 

(Có một lần em nói)

 

Có khi thời gian là một khoảnh khắc rợn người. Bài thơ chỉ bốn câu, đọc nhanh như gió thoảng. Viết như thế này mà không bị khai trừ ra khỏi hội nhà văn... chính là nhờ ở cái sự đọc nhanh ấy đấy. Đọc bài này phải “cẩn thận” với chữ “viết” ở câu thứ hai. Hai câu sau cũng không “đùa” được. Đó phải chăng là những thế sự oan uổng của một “thời” yêu ghét mù lòa, hay một thời tư tưởng a dua...?

 

Chợt nhớ một thời thơ

Chưa kịp viết đã cũ

Chợt nhớ những chồng vợ

Không một ngày tình nhân

 

(Chợt nhớ)

 

Có (nàng) thời gian dừng lại bởi đã hóa thành một kí ức không phai:

 

Những con tàu ngày một đúng giờ hơn

Đưa người đi, đón người về, mãi mãi...

Riêng có một con tàu chưa một lần trở lại

Là con tàu ngày ấy tiễn em đi.

 

(Có một con tàu)

 

Có (nàng) thời gian trôi đi như muốn bỏ rơi béng cái kiếp thi sĩ bạc bẽo:

 

Thôi thì ta đành về

Với câu thơ tóc bạc

Như không làm sao khác

Thời gian ơi, thời gian...

 

(Tiếng thời gian)

 

Còn rất nhiều nỗi lòng nữa của thời gian. Trần Ninh Hồ thi sĩ là người hiểu sâu sắc về cái chiều thứ tư kì diệu ấy của vũ trụ: “Thời gian là cái thậm vô lý / Vô lý, vô nghĩa, lại vô hình / Vô hình mà cứ như trói buộc / Trói buộc nghìn năm ta với mình...” (Cung quăng vần điệu). Ông muốn nguyền rủa những bất cập của thời gian, nhưng đồng thời, ông cũng rất tỉnh táo và sòng phẳng với nó: “Bây giờ năm tháng vẫn qua / Xót thương lần lữa lại là xót thương / Bây giờ lật khúc đoạn trường / Mới hay xưa cũng dặm đường đó thôi...” (Bây giờ năm tháng vẫn qua).

 

Vẫn cái lòng thời gian thăm thẳm ấy, Trần Ninh Hồ cũng mượn biển để phổ thành thơ tình như nhiều nhà thơ khác cùng thời với ông. Oái oăm thay cái đề mục biển với thuyền ấy tuy dễ thành thơ đấy, song rất khó hoá thơ hay. Đơn giản bởi cuộc đời đã có những câu thơ quá tuyệt vời về nó. Tập thơ có tới bảy bài viết về biển hoặc liên quan đến biển, nhưng phải đến bài cuối cùng (bài thứ bảy), Trần Ninh Hồ mới thành công. Bài thứ nhất (bài Hỏi) nghe lẩn thẩn, tắc tị và làm điệu như thơ của học trò chép tặng nhau: “Em có tin là biển mặn không? / Mà trong văn vắt cũng như sông / Mà vô tư gió, vô tư sóng / Em có tin là biển mặn không?”. Bài thứ hai (Ước) là một loại thơ tình phúng dụ, đọc lên nghe… mệt chết đi được, tuy nhắc đến biển đấy, song chẳng liên quan gì đến biển: “Tàu tôi vượt trùng dương đến đó phải buông neo / Khi biển nông tàu tôi không vào được / Em trong phố vẫn xa vời con nước / Ước khắc nào cũng có thuỷ triều lên”. Bài thứ ba (Biển và trời) thì cố ra vẻ tình tứ, chữ nghĩa rất ghê mà vẫn… nhạt: “Tôi bảo em biển xanh lẫn trời xanh / Em nhìn tôi cái nhìn như muốn nói / Biển rộng thế và trời cao vời vợi / Cao rộng rồi còn khoảng cách đâu anh”... Nhưng đến bài thứ bảy (bài Gửi người trên biển) thì quả có cái gì đó khiến ta phải giật mình. Trần Ninh Hồ đã rất thành công khi khai thác một khía cạnh bất ngờ của những cuộc tiễn đưa. Không phải phân vân gì nữa, đây là một bài thơ tình hay viết về biển:

 

Những con tàu sẽ không dám nhổ neo

Nếu nó biết sẽ nhòa vào thăm thẳm

Không phải ở chân trời, mà nhoà phai đăm đắm

Trong mắt người trên bến dõi trông theo!

 

Những con tàu không sợ bão tố phía chân trời, mà sợ sự lãng quên trong ánh mắt của người đưa tiễn thì quả là ghê thật. Trong tập còn có một vệt thơ “chiều” rất lãng mạn, vừa đúng tám bài hợp với bát quái. Mỗi bài tương ứng một quẻ, có thể dùng để “bói” tâm trạng buồn nhớ, tiếc nuối... song vẫn chưa vợi đi chút nào cái món nợ đa tình của thi sĩ lúc thân xác đã... xế chiều. Bắt đầu bằng bài: “Chiều sa”:

 

Lặng bên em cho đến phút chiều sa

Khóm hồng chợt rực lên rồi thẫm lại

Lối em rẽ sương chiều giăng mê mải

Tôi lại vườn. Hoa cũng lẫn vào đêm

 

Bài tiếp theo (chiều nhớ) là một nỗi buồn thương, da diết và... cô độc:

 

Chiều nay nắng cũng lưng đồi

Cũng vàng mơ tận cuối trời. Cũng tôi.

Người chiều ấy đã muôn nơi

Chỉ còn tôi với cuối trời. Vàng mơ...

 

Đến bài chiều thứ tám (bài Ảo ảnh) thì chiều hiện lên đẹp như ca dao. Tâm trạng của thi sĩ như muốn níu lại điểm xuất phát của cái vòng Càn, Khôn muôn thủa:

 

Ngoảnh vào mới đó yêu thương

Ngoảnh ra tóc đã mù sương mất rồi

Vàng phơi nắng tận cuối trời

Nắng như bóng áo của người tôi thương.

 

Vệt thơ “Chiều” này của Trần Ninh Hồ có thể làm “động lòng” bất kì ai có thói quen hoài niệm. Nó làm tôi nhớ đến một câu hỏi đầy thảng thốt, kinh hoàng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: “Ta đã làm chi đời ta?”. Câu hỏi đó chính là nhan đề một tập hồi tưởng của vị thi sĩ tài hoa ấy. Cái nhan đề độc nhất vô nhị của thể loại hồi tưởng tự cổ chí kim. Thi sĩ đích thực thì không thể giả dối đến nỗi phải né tránh những quá khứ của mình.

 

Thơ Trần Ninh Hồ dễ thuộc, dễ hiểu. Song để hiểu đến cái nhẽ tận cùng của tứ thơ thì thường không phải chuyện đơn giản. Tập thơ có những bài thuộc vào hàng tuyệt bút, đầy tư tưởng, thâm thuý mà nghe vẫn mượt mà như dân ca (ví dụ bài Thuyền và bến: “Ở đây thuyền nhớ bến / Bến có nhớ thuyền chăng? / Làm sao thuyền biết được / Khi bến đã thành băng”; hay bài Dịu êm: “…Là khi khép một cánh chim / Một trời nắng thắm ngủ im lưng đồi…”; hoặc bài Bến bâng quơ: “Có hai người ở hai bờ / Có con đò cũ chẳng chờ sang sông / Có cây gạo đỏ rực đồng / Có ngày xuân đến mà đông không tàn…”; rồi bài Nằm kề huyền thoại cũ: “…Sau lưng đường đỏ bụi / Trước mặt núi mù xanh / Nằm kề huyền thoại cũ / Mới hay / mình / độc hành”…). Có những bài đọc lên thương đến lặng người (bài Mùa xuân này ta vẫn tìm em; bài Bây giờ năm tháng vẫn qua…). Có bài rủ rỉ như kể chuyện bằng văn xuôi. Nhưng cái hồn vía thơ òa ra ở câu kết thì thật là ấn tượng. Viết như thế này mà không sợ vợ giận thì hoặc là người vợ quá vĩ đại, hoặc là thi sĩ đã quyết vì thơ mà… thí thân:

 

Người con gái ta yêu sẽ là người có

giọng hát hay nhất

Như giọng mẹ hát ru từ thuở ấu thời

Nhưng mẹ đã ra đi. Còn em thì chưa tới

Nên suốt đời ta hóa trẻ mồ côi.

 

(Mồ côi)

 

Cũng một thứ thơ văn xuôi ấy, ông còn đem cả tình yêu ra “đùa” với cái nghề làm… chính trị:

 

Người ta bảo khi rắp tâm chiếm hữu một

thứ gì con người rất hay nhân

danh và nói dối

Tôi đã bật cười buồn trước cái điều

triết lý rất đáng buồn kia

Khi ngẫm lại những ngày thật lòng yêu

em và cưới em làm vợ

Cuộc “chiếm hữu” này chẳng biết

nhân danh ai!

 

(Nhân danh)

 

Một nhà thơ Ru - ma - ni đã từng viết, như một cách “định nghĩa” cho cái kiếp thi sĩ: “Đã nhiễm vào đầu những kiến thức sâu xa / Đã cháy thành tro một niềm khát sống / Đã chết lặng người trước một tia mắt phượng / Và với Anh, cái chết hóa chuyện thường…” Trần Ninh Hồ thi sĩ quả đúng với “định nghĩa” ấy. Ngoài tình yêu với cuộc sống, với cái đẹp, ông còn là một người uyên bác và sâu xa. Ở ngoài đời, cái lối ông thường thốt lên khi bất chợt nghe ai đó đọc một câu thơ hay thì không lẫn vào đâu được. Nó chân thật và cảm động tận đáy lòng thi sĩ, nó chứng tỏ một trình độ kiến giải thi ca vô cùng thâm hậu nơi ông. Có cảm giác rằng ông chỉ chấp nhận để thi ca nói lên những gì tinh tuý nhất, phổ quát và chắt lọc nhất của cuộc đời, và chính ông cũng từng đạt đến điều đó. Ông như một nhà tư tưởng về thơ. Ông muốn thơ phải “đối thoại” tới tận cùng thủy tổ của mọi loại đối tượng, cái thiện cũng như cái ác, cái tử tế cũng như sự đểu giả, tình yêu cũng như nỗi chán chường… Có phải vì thế mà thơ ông, nhất là trong tập này, những bài hay nhất thường là những bài thơ ngắn? Dù ông có phản đối thì tôi cũng cứ xin mạn phép mà công nhận rằng thơ ông càng ngắn càng hay.

 

Tôi sở dĩ nói tới điều đó bởi trong tập có một vệt thơ viết về một thời chinh chiến, viết trong thời chinh chiến mà ông từng trải qua. Phần lớn đều là những bài thơ dài, và phần lớn đều ở mức... đạt yêu cầu(!). Trong đó có những bài chắc được rút ra từ những tờ báo tường đại đội, hoặc tiểu đoàn, trung đoàn... gì đó, tương đối thích hợp với… công tác tuyên truyền.

 

Dù sao thì cái thời chinh chiến ấy cũng qua rồi. Ông lão lục tuần ấy đã không còn lạ gì bụng dạ của nhân tình thế thái. Nhưng “lòng thời gian” của ông thì từ lúc nào, đã luyện thành trong trẻo, sâu xa, đã bỏ lại hết sau lưng những đắng cay một thủa rồi, chỉ duy có tình yêu là không bỏ được mà thôi: “Dấu làm sao vết tích những bàng hoàng”... Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn thích được nghe ông rung đùi tự ngâm một bài tứ tuyệt hay không kém Đường thi: “Người suông tớp rượu nhạt / Ngắm bình rạn hoa ôi / Gặp Kinh Kha bạn cũ / Khoe cặp vé... khứ hồi”.

 

Tháng 6/2006

 

(*) Chú thích: Khổng Tử tóm tắt tuyền bộ Kinh Thi trong ba chữ: “ 思 無 邪 “ (tư vô tà – nghĩa là tâm tư, ý nghĩ trong sáng, không hề gian tà, vẩn đục). 
Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3677
Ngày đăng: 21.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara
Lê Vĩnh Tài,Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên :Đọc: Vỡ ra mưa ấm (trường ca), Lê Vĩnh Tài, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005. - Inrasara
Chín tới để toả hương : Đọc Lục bát thơ của Mai Văn Hoan NXB Văn Học 2006. - Nguyễn Nguyên An
Lấp Lánh Niềm Tin Yêu : Đọc tập truyện ngắn Mùa trăng suông của Phùng Phương Quý. - Nguyễn Nguyên An
Tập “Truyện ngắn trên trang web Văn nghệ sông Cửu Long” : Một phong vị đồng bằng riêng biệt - Tường Vi
Tôi nghiêng mình kính phục họ - Dư Thị Hoàn
Ngổn ngang đồng đất đồng nai : Đọc tập truyện ngắn : NHƯ LÀ CỔ TÍCH của Nguyễn Một -nxb Hội nhà văn 2005. - Nguyễn Đức Thiện
Cõi người không bình an : Một cảm nhận khác. - Dư Thị Hoàn
Lê Quốc Minh say mê nghề viết đến cùng - Triệu Xuân
Vũ Trọng Quang với trò chơi sắp đặt - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)