Nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn xuất bản lần đầu tháng bẩy năm 2005, đến cuối tháng 6-2006, đã đạt số lượng in 420.000 bản! Trong tình hình xuất bản hiện nay, đây là con số kỷ lục! Phép mầu nào khiển điều ấy?
Từ cuối 2005, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã dấy lên trong cả nước tình cảm đặc biệt của đồng bào hướng về những anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ, cán bộ dân chính… đã từng chiến đấu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có rất nhiều người như chị Thùy Trâm sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, thông minh, xinh đẹp, có bằng cấp, có năng khiếu cầm kỳ thi họa, hội đủ công dung ngôn hạnh… vậy mà đã tự nguyện ra đi, dấn thân vào chốn đạn bom chết chóc, không màng lợi quyền riêng tư, chỉ nghĩ đến đồng đội, đồng bào, chỉ nghĩ đến mục tiêu độc lập tự do, hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc. Nhật ký Đặng Thùy Trâm hấp dẫn người đọc không phải do văn chương, do những thủ pháp nghệ thuật đầy kịch tính. Nó hấp dẫn người đọc trước hết vì nó là hiện thân hình ảnh thật của một con người. Con người ấy hấp dẫn chúng ta bởi sự chân tình, mãnh liệt trong tình yêu tha thiết con người, cuộc sống và đất nước quê hương. Tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, trong sáng của liệt sỹ anh hùng Đặng Thị Thùy Trâm, ý chí bất khuất trước gian khổ và trước kẻ thù hung hãn, nhân cách chói ngời của chị là tâm gương sáng, đầy sức thuyết phục cho thế hệ trẻ hôm nay! Đó cũng chính là lý do khiến Frederic Whitehurst người lính Hoa Kỳ bên kia chiến tuyến đã gìn giữ cuốn nhật ký của chị Trâm từng ấy năm trường và tìm mọi cách trao lại cho gia đình chị.
Tiếp theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Kim Đồng cho ấn hành hai tác phẩm: 35 năm và 7 ngày (tập 1), và 7 ngày và 35 năm (Tập 2). Đây là hai câu chuyện vô cùng cảm động: Chuyện về hành trình 35 năm của nhật ký Đặng Thùy Trâm; chuyến trở lại Phổ Cường, Đức Phổ Quảng Ngãi của anh em nhà Frederic Whitehurst cùng với gia đình mới của họ, gia đình bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Chuyện thứ hai là hành trình của bà Doãn Ngọc Trâm cùng ba người con gái thăm Mỹ để nhìn tận mắt cuốn nhật ký đang lưu giữ tại Trung tâm Việt Nam ở Lubbock, Texas; đến thăm gia đình người cựu chiến binh Frederic Whitehurst và tìm gặp Nguyễn Trung Hiếu, người đã khuyên Frederich: đừng có đốt cuốn nhật ký vì ở trong đó đã có lửa! Hai cuốn sách của NXB Kim Đồng là sự nối tiếp vô cùng sinh động của Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý để có thể hiểu một cách sâu sắc vì lẽ gì, sức mạnh nào đã giúp Đặng Thùy Trâm vượt qua tất cả, trở thành người anh hùng, thành tấm gương của thanh niên Việt Nam!
Từ ngàn xưa tới nay, chiến tranh bao giờ cũng gắn liền với máu và nước mắt, đau thương và tang tóc, là con mất cha, vợ mất chồng, là ly tán, đau khổ, chết chóc. Di họa của chiến tranh, như cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành tại Việt Nam, đâu chỉ tính bằng vài chục năm, mà nó còn tiếp tục gây bao khổ đau, bi kịch, day dứt đeo bám nhiều thế hệ. Hơn ba chục năm đã trôi qua, nay đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm mà tôi ngỡ như mình vừa bước ra khỏi chuộc chiến tranh ấy! Bụi thời gian, cùng những đam mê, lo toan chính đáng của con người giữa thời kỳ đất nước đang vươn lên hội nhập với thế giới cũng không thể nào xóa nhòa hình ảnh khốc liệt của chiến tranh trong hàng chục triệu người Việt Nam.
Vào những năm từ 1960 đến 1975, lý tưởng cộng sản và lòng yêu nước chói sáng, vô cùng mãnh liệt trong óc trong tim giới trẻ. Là thanh niên, ai cũng có nguyện vọng ra chiến trường! Chị Thùy Trâm sinh năm 1942, hơn tôi mười tuổi. Tôi là con một, theo chính sách thì không được nhập ngũ! Khi chị Thùy Trâm tình nguyện đi B thì tôi đang học năm thứ hai khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 12-1973, tôi tốt nghiệp, và ngay sau đó làm đơn tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường tại Trung Trung bộ (Khu Năm cũ), đúng ngay chiến trường mà chị Thùy Trâm đã chiến đấu, hy sinh. Đọc nhật ký chị Thùy Trâm, tôi gặp lại hiện thực chiến tranh vô cùng tàn khốc mà chính mình đã từng trải, đồng thời cảm nhận được trái tim vô cùng nhân hậu, chan chứa thương yêu và ý chí can trường, bất khuất của chị. Thời bấy giờ, toàn bộ sức trẻ và trí tuệ ưu việt của miền Bắc dồn hết cho tiền tuyến! Tinh hoa của dân tộc hướng cả ra tiền tuyến! Những người vô Nam chiến đấu, nếu là bộ đội thì ít nhất cũng hết lớp bẩy, phần lớn là học xong lớp 10 (Tú tài hệ mười năm). Nếu là cán bộ dân chính, thì phần lớn đã có bằng tốt nghiệp đại học, nhiều người trên đại học. Bản thân tôi, ngay sau khi ra trường, có nhiều cơ hội được công tác tại Thủ đô, thế nhưng tôi đã tình nguyện đi B. Không phải a dua theo phong trào, mà thực sự là nguyện vọng, là sự thôi thúc của con tim. Thời ấy, thanh niên chúng tôi sống thiếu thốn trăm bề, đến ăn cũng chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Nam thanh nữ tú Hà Nội đi ra ngòai đường, quần áo chỉ thấy có hai màu đặc trưng: màu bộ đội và màu đen! Vậy nhưng ai cũng đầy mơ mộng và lãng mạn. Có thể nói, nếu không mơ mộng , nếu không lãng mạn thì chúng tôi đã không thể nào vượt qua mọi khó khăn, thử thách để sống, học hành thành tài, làm việc và sáng tạo… Cần phải nhấn mạnh sự thực này để cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu được vì sao mà những trí thức trẻ như chị Thùy Trâm quyết tâm xa gia đình, xa Hà Nội lao vào chiến trường, xả thân vì nghĩa lớn! Như thế, hành trang của thanh niên hồi đó là con tim, khối óc cháy ngời lý tưởng, lòng yêu nước, bên cạnh đó còn là một cõi tinh thần vô cùng say sưa lãng mạn. Nói chuyện này, chắc chắn một bộ phận trong giới trẻ hiện nay, những người đang sống rất thực tế, ham làm giàu, biết hưởng thụ sẽ cho là người của thời trước hâm hâm, ngớ ngẩn! Biết vậy mà vẫn nói. Vì đó là một thời sống đẹp, rất đẹp. Có một nhà văn trẻ, khi đi dự hội thảo ở Thụy Điển, thấy một nhà văn trong đoàn mình nói những lời bất nhã, bất kính về thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã bất bình nhưng cố giữ bình tĩnh phát biểu: “ Tôi không được sống vào thời đó. Tôi ước gì được sống ở thời đó, dù chỉ một thời gian, rồi có chết cũng cam lòng”!
Một năm qua, từ sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản, người ta đã viết và nói rất nhiều về sự tích anh hùng Đặng Thùy Trâm. Những lời ngợi ca có lẽ chỉ để người đang sống nghe với nhau! Chị có cần gì đâu cơ chứ. Lời nào đối với chị bây giờ cũng là dư! Chỉ mong những người đang được hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay đừng quên những người đã nằm xuống vì nghĩa lớn!
Với tôi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm là bài học vô giá của sự chân thật! Thùy Trâm là người rất trung thực cho nên trong nhật ký, chị không bao giờ tự huyễn hoặc mình, tự lừa dối mình. Chính nhờ thế mà chúng ta nhận ra những năm ở chiến trường Quảng Ngãi, không ít lần chị Thùy Trâm sống trong cô đơn, bị nỗi cô đơn ám ảnh, dằn vặt. Tôi thương chị nhất là những lúc nỗi cô đơn khiến chị đau đớn, yếu mềm. Người trí thức là thế! Chị rất thật với lòng mình. Đạn bom, chết chóc, đói ăn, sốt rét, những ngày mưa lạnh… tất cả đều có thể vượt qua. Nhưng khi con người ta cảm thấy cô đơn tức là lúc người ta yếu đuối nhất, bất lực nhất! Những trang nhật ký chị Thùy Trâm thổ lộ với chúng ta rằng chị được bạn bè đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào tin yêu, quý trọng, nhường cơm sẻ áo, và ai cũng coi chị như một người thân yêu nhất. Thế mà việc chị vào Đảng Cộng sản vô cùng trầy trật, chỉ vì một số ít người trong ban lãnh đạo không ưa chị, ganh ghét đố kỵ, cố tình kìm hãm chị. Ngày 27-9-1968, chị được kết nạp vào Đảng, Thùy Trâm đã không có được niềm vui trọn vẹn khi viết: “ Còn niềm vui, sao nhỏ quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hở Thùy? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói: như một đứa con khát sữa mẹ, khóc đã mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa”! Mối tình đầu bị tan vỡ, những đồng chí thân thiết lần lượt hy sinh. Những giây phút rung động thầm kín nhất, linh thiêng nhất, chân chính nhất bị hiện thực tàn khốc của chiến tranh chà đạp. Mối quan hệ tình cảm chị em (nuôi) mãnh liệt, thiêng liêng, trong sáng cũng bị dèm pha, nghi kỵ. Tác phong sống, cách ăn nói, nghe nhạc, ngắm hoa… của một trí thức như chị giữa chiến trường bị quy là tiểu tư sản, xa rời quần chúng, thiếu cảnh giác cách mạng… Ôi chao, đó quả là những đòn đánh rất mạnh vào tâm hồn, vào trái tim vô cùng nhậy cảm, vô cùng mong manh, đầy ắp tình thương yêu, khát khao tình nghĩa, khát khao yêu thương… của Đặng Thùy Trâm. Vì những lẽ đó, tôi càng thương mến, cảm phục chị, Thùy Trâm ơi!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày Nhà báo VN 21-6-2006