Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.158
123.162.479
 
Văn học trong
Tường Vi

Đất dành cho văn chương trên báo chí ngày càng ít ỏi. Chỉ còn Tuổi Trẻ, Thanh niên, Người Lao Động... số cuối tuần dành năm ba trang cho các tác phẩm mới, đa số là truyện ngắn trong nước. Các tạp chí chuyên đề văn nghệ như “Nhà văn”, “Văn nghệ quân đội”, “Văn nghệ trẻ”... mỗi tháng chỉ ra một kỳ, phạm vi phát hành ngày càng thu hẹp. Gần đây đã có một mảnh đất vô hạn khác cho người yêu văn học: những trang web văn chương!

Không biết do ngẫu nhiên hay do các nhà văn ĐBSCL nhanh nhạy nắm bắt xu thế hiện đại, mà hầu hết các trang web về văn chương hiện nay đều xuất phát từ vùng này. Trước hết phải kể đến Http://www.vannghesongcuulong.org - có lẽ là một trong những trang web đầu tiên có quy mô khá lớn về dung lượng tác phẩm và tác giả được cập nhật. Nhiều người yêu văn học cho biết, một ngày ra vào trang web này hai lần thì cũng không đọc hết các tác phẩm mới cập nhật. Dưới sự tài trợ và hỗ trợ đắc lực về công nghệ của Công ty ITI, trang web vănnghesongcuulong.org.vn trở thành “hội quán văn chương” rộng cửa đón tất cả những người yêu văn thơ đến trao đổi thông tin, “khoe” tác phẩm mới và phần nào giúp văn chương được phổ biến rộng rãi. Nơi đây tập hợp tư liệu, sáng tác, hình ảnh của hàng trăm nhà văn nhà thơ đang sinh sống - sáng tác ở ĐBSCL, hoặc đã và đang gắn bó với mảnh đất này.

Nhiều người đã có thói quen ghé thăm “Quán văn nhỏ ven sông Hàm Luông” tại địa chỉ http://www.vuhong.com. Trang web này do nhà văn Vũ Hồng “vác” đơn đi đăng ký tên miền và mỗi ngày tranh thủ thời gian vốn ít ỏi của mình để cập nhật thông tin. “Một là thỏa niềm đam mê; hai là được gặp... ảo các tác giả qua thật nhiều tác phẩm mới” – anh nói. Đây thực sự là tụ điểm “trà dư tửu hậu” của giới văn chương ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung - dù họ chỉ gặp nhau qua những bìa sách, dòng tin vắn, chuyện làng văn và các sáng tác mới... Mỗi khi có một sáng tác mới, vuhong.com lại trân trọng đưa vào những chuyên mục đậm chất nghệ sĩ “Cà- phê thơ”, “Rượu văn”.

“Mẹ treo giấc mơ vàng hoa trong

vỏ mướp xác xơ trên gian bếp

Những mảng hồ bóng ấp iu mầm

hạt đen tuyền

Sự sống nhỏ nhoi ám khói dính

bụi tro sức nóng than hồng

Canh mướp chưa ngọt trưa hè mắt

Mẹ vàng hoe”

(Trích “Vàng giấc mơ xưa”, Võ Tấn Cường, thotre.com)

Đó là khổ đầu tiên, trong bài thơ đầu tiên của chùm thơ ngày 8-3 được cập nhật ở http://www.thotre.com. Như lời của webmaster Trương Trọng Nghĩa, thotre.com mở ra cho người đọc một không gian thơ đầy... thơ. Từ thơ trong nước, thơ nước ngoài đến những bài viết về tâm hồn đậm chất thơ của các tác giả và cả độc giả. Lướt qua trang web này, không ít người quay lại không chỉ vì được cập nhật thông tin, mà còn thích thú tham gia vào diễn đàn có cái tên ngộ nghĩnh: “Thơ trẻ Phố Rùm” - được webmaster quản lý khá chặt chẽ.

Thế giới văn chương ảo còn có http://www.evan.com.vn, nơi thường xuyên có những bài lý luận phê bình có giá trị của giới nghiên cứu văn chương có danh có uy tín của cả nước. Tại đây, người đọc có thể cảm nhận được vấn đề của văn học đương đại thể hiện ngay trong chính những mâu thuẫn thú vị và chân thật trên trang chủ của evan. Evan còn là kho dữ liệu bao gồm tiểu sử, cá tính sáng tác và tác phẩm tiêu biểu của hàng ngàn nhà văn trong ngoài nước, được xếp theo thứ tự A, B, C trật tự và dễ tìm. Gần đây, Evan mở diễn đàn “Lý luận phê bình có xa rời văn học đương đại?” thu hút ý kiến của một số nhà chuyên môn, dù số lượng và chất lượng bài viết chưa được nhiều và đạt chất lượng như mong đợi.

Còn có nhiều “mảnh đất” khác chuyên về nghiên cứu văn chương như http://www.vhnt.com, http://www.vanhoanghethuat.org.vn và một số trang web giới thiệu tác phẩm mới của các NXB, Công ty phát hành như NXB Trẻ, Đông A... Tiếc là, hầu hết các trang web văn chương đều do những cá nhân hoặc nhóm nhỏ yêu thích thơ văn sáng lập và tự mình duy trì sự sống của “đứa con chung” quy tụ những tâm hồn đồng điệu này. Có một điều hiển nhiên là sự tồn tại của một trang web giữa thế giới ảo luôn luôn gặp nhiều bất trắc, phổ biến nhất là bị hacker tấn công, hay một số người cố tình phá rối. Thơtre.com đã từng bị một nhóm hacker tận Thổ Nhĩ Kỳ “đánh sập”. Vannghesongcuulong.org - do Ban Liên lạc Hội Nhà văn ĐBSCL lập nên - tồn tại được nhờ sự hỗ trợ hết mình của một doanh nghiệp yêu văn chương là Công ty ITI đóng tại Vũng Tàu... Nếu không còn tài trợ, thật khó duy trì trang web này. Rõ ràng, sự tồn tại của các trang web văn chương phổ biến hiện nay khá bấp bênh và chẳng có gì hứa hẹn lâu dài. Có lẽ, đã đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam cần chính thức “vào cuộc” và “tiếp sức” cho những người yêu văn chương đang lặng thầm đưa vẻ đẹp của văn học đến với tất cả mọi người thông qua không gian ảo.
Tường Vi
Số lần đọc: 2937
Ngày đăng: 21.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara
Lê Vĩnh Tài,Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên :Đọc: Vỡ ra mưa ấm (trường ca), Lê Vĩnh Tài, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005. - Inrasara
Chín tới để toả hương : Đọc Lục bát thơ của Mai Văn Hoan NXB Văn Học 2006. - Nguyễn Nguyên An
Lấp Lánh Niềm Tin Yêu : Đọc tập truyện ngắn Mùa trăng suông của Phùng Phương Quý. - Nguyễn Nguyên An
Tập “Truyện ngắn trên trang web Văn nghệ sông Cửu Long” : Một phong vị đồng bằng riêng biệt - Tường Vi
Tôi nghiêng mình kính phục họ - Dư Thị Hoàn
Ngổn ngang đồng đất đồng nai : Đọc tập truyện ngắn : NHƯ LÀ CỔ TÍCH của Nguyễn Một -nxb Hội nhà văn 2005. - Nguyễn Đức Thiện
Cõi người không bình an : Một cảm nhận khác. - Dư Thị Hoàn
Lê Quốc Minh say mê nghề viết đến cùng - Triệu Xuân
Vũ Trọng Quang với trò chơi sắp đặt - Phạm Lưu Vũ