Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.163.628
 
Cha con ông Huế bụng
Võ Ðắc Danh

            Tôi tìm đến nhà Đặng Tâm vào lúc anh vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ  Y khoa. Tôi hỏi khi nào ăn mừng, Tâm nói chờ vài tháng nữa, khi vợ anh bảo vệ xong rồi sẽ tổ chức cùng một lúc. Thì ra vợ anh - bác sĩ Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ giảng dạy trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh - cũng đang làm luận án Tiến sĩ.

 

            Có lẽ đó là lý do mà cha anh nói rằng mấy năm nay vợ chồng anh ít khi về quê.

 

            Quê anh ở Sông Đốc, Cà Mau, một thị trấn miền biển lớn nhất phía Nam. Cả nhà Tâm ai cũng đều thành đạt, mỗi người làm chủ một doanh nghiệp với hai ba cơ sở sản xuất kinh doanh trị giá hàng tỷ đồng. Sự thành đạt, giàu có ấy sẽ rất bình thường nếu anh em của Tâm không phải sinh ra trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ ngày xưa từng đi ở mướn, từng học chữ viết bằng gai tre trên lá chuối non…

 

            Tên thật của ông là Đặng Đốc, quê ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

 

            Nhưng ở thị trấn Sông Đốc này, ông lại nổi tiếng với cái tên là Huế bụng. Hãng nước mắm của ông trên bốn mươi năm nay cũng lấy nhãn hiệu là Huế bụng. Hỏi sao vậy, ông giải thích: Hồi ấy có nhiều dân miền Trung nhập cư vô đây, hầu hết dân địa phương gọi họ là dân Huế. Riêng ông, lúc nào cũng ở trần, đưa cái bụng trương ướng ra ngoài nên người ta gọi là Huế bụng, riết rồi thành danh luôn.

 

            Nhìn cái cơ ngơi đồ sộ của ông, thật khó hình dung được cuộc đời ông đã từng có nhiều năm sống lang thang dưới cái tầng bậc cuối cùng trong xã hội. Đặng Đốc kể, năm lên mười tuổi ông mồ côi cha, hai năm sau, một buổi chiều đang chăn bò ở trên đồi thì ông được tin mẹ chết. Ba năm sau, người chị của ông cũng chết. Ông nói ở miền Trung thời ấy hễ bệnh là chết, có nhiều cái chết đột ngột mà chẳng ai biết đến nguyên nhân. Đặng Đốc còn hai người anh tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1945, cả hai bị giặc giết tại Cam Ranh, một người bị chặt đầu, một người bị mổ bụng. Từ đó, Đặng Đốc trở thành một đứa trẻ mồ côi, bơ vơ giữa vùng quê nghèo đất cày lên sỏi đá. Một mình trong căn chòi tranh xiêu vẹo, ngày ngày ông ra chợ mua đậu xanh về gieo giá mang đi bán trong làng, lúc thì rọc lá chuối khô gánh ra chợ bán, lúc lại leo núi, băng rừng cả chục cây số lên làng Thượng mua khoai mì về luộc mang đi đổi từng chén lúa, cứ ba khúc khoai, mỗi khúc chừng một tấc đổi được một chén lúa. Đổi hết khoai, ông bán lúa mua muối, sáp ong và hàng hóa mang lên làng Thượng đổi lại khoai. Cứ thế, ban ngày đi bán, ban đêm đi học lớp bình dân. Ông nói hồi ấy giấy mực khan hiếm, ông phải học bằng lá chuối non viết bằng gai tre, ban đêm ngồi kề bên bếp lửa học bài. Vậy mà cuối cùng ông cũng thoát được nạn mù chữ, biết đọc, biết viết, biết cọng trừ nhân chia.

 

            Năm 23 tuổi, Đặng Đốc cưới vợ, hai năm sau vợ ông sinh được một đứa con. Cái hạnh phúc được làm cha chỉ mới thoáng qua có hai ngày thì cả vợ lẫn con ông đều bệnh chết. Ba năm sau, ông cưới người vợ khác. Bà này sinh đôi hai đứa con trai, nhưng sau ba ngày, cả mẹ lẫn con lại chết. Mấy năm sau, Đặng Đốc lấy một bà quả phụ có hai đời chồng, nhưng chẳng được bao lâu thì bà này cũng chết. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả làng Cát Sơn ai cũng nói rằng Đặng Đốc là người có số sát vợ, chẳng còn cô gái nào dám ngó tới ông dù ông nổi tiếng là một người đàng hoàng, một tấm gương về đạo đức, một tấm gương về lao động, biết chịu thương chịu khó, biết tính toán làm ăn.

 

Thế rồi một đêm nọ, trong lúc ông còn đang mặc cảm vì cái số sát vợ thì có  một người con gái cùng thôn với vẻ chán đời đến nói với ông: Em biết anh là người sát vợ, nhưng anh hãy lấy em đi, để em chết cho rồi, chớ sống khổ thế này thì sống để làm gì! Người con gái ấy đang sống một cuộc đời nghèo khổ với bà mẹ già trong túp lều tranh vách đất ở dưới chân đồi. Đặng Đốc chấp nhận sự hiến dâng ấy để đánh cuộc với số mệnh thêm một lần nữa. Ông sống trong cảnh hồi hộp và có lẽ cả làng cũng hồi hộp cho sự sống của bà Kiển - vợ ông. Nhưng không ngờ, năm tháng đi qua bà vẫn sống và Đặng Đốc đã trở thành người khá giả, ông mua được ba công  ruộng và sáu con bò. Thế nhưng đất cày lên sỏi đá, ba năm làm ruộng cứ liên tục thất mùa, mấy con bò cũng trở nên tiều tụy. Đặng Đốc bàn với vợ: Sống thế này không biết thuở nào mới ngóc đầu lên nổi, rồi mai mốt sinh con, sẽ khổ đến đời con đời cháu. Hiện nay dân miền Trung đang đổ xô vào Nam lập nghiệp, nghe nói ở trong ấy dễ làm ăn lắm, để tôi làm một chuyến xem sao, nếu ổn, tôi sẽ rước bà vào. Đặng Đốc bán hết sáu con bò làm lộ phí rồi hành trình đến mũi Cà Mau và dừng lại ở cửa biển Sông Đốc. Sông Đốc lúc bấy giờ chỉ là một xóm chài với vài trăm căn hộ. Đặng Đốc chưa vội làm ăn, ông xin vào ở đợ cho một hãng nước mắm để tìm hiểu tập quán, cách sống, thị trường và các mối quan hệ kinh tế, xã hội nơi xứ lạ quê người.

 

Ở ĐỢ ĐỂ TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ

             Ba tháng sau, ông về quê rước vợ và mẹ vợ vào, ông cất một căn chòi phía sau hãng nước mắm và xin cho vợ cùng vào ở đợ không công. Hằng ngày, ông gánh nước mắm đi bán cho chủ, vợ ông thì quét dọn nhà cửa, gánh nước, nấu cơm, giặt quần áo, xay muối… vậy mà cả hai vợ chồng đều không được trả lương. Vợ ông cứ khóc thầm cho số kiếp, còn ông thì cứ thản nhiên: Bà yên tâm, rồi chúng ta cũng sẽ làm chủ như họ thôi! Đặng Đốc âm thầm học nghề làm nước mắm, học cách muối ướp cá, ủ cá, pha chế, học cách đóng thùng.

 

            Có một điều làm ông tâm đắc là gỗ đóng thùng nước mắm, nếu được làm bằng gỗ cây mít thì nước mắm sẽ ngon và thùng sẽ bền vững đến cả trăm năm. Trong khi đó, ở vùng này không thể tìm ra cây mít cổ thụ, còn ở quê ông người ta trồng trên núi thành rừng. Sau khi đã hình thành một bài toán trong đầu, Đặng Đốc về quê bán đất, ông lên núi mua cây mít xẻ ra thành ván, mua tre già làm dây niềng thùng, ông thuê xe thồ chở ra lộ rồi đón xe đò vận chuyển về Cà Mau. Một năm sau, người ta ngỡ ngàng khi thấy ông Huế bụng, từ một đầy tớ bỗng nhiên trở thành chủ hãng nước mắm, tất nhiên, hãng của ông lúc khai trương chỉ mới có ba thùng. Và cũng tất nhiên, ông lấy tên là HÃNG NƯỚC MẮM HUẾ BỤNG.

 

            Huế bụng vừa làm nước mắm vừa đi buôn. Ở Sông Đốc lúc bấy giờ cá biển nhiều vô tận mà lại ít người mua, nhất là cá tạp, nhiều lúc ghe biển vào gặp trời mưa phải đổ bỏ. Huế bụng thừa biết, mắm ruốc, cá khô, cá muối, dù là cá tạp, ở đây xem như đồ bỏ nhưng đối với dân làng Thượng miền Trung, nó là đặc sản. Vậy là ông chớp lấy thời cơ. Ông mua chịu và mua rẻ tất cả cá tạp của các chủ ghe. Hễ trời nắng thì ông làm khô, trời mưa thì  ông ướp  muối, chở đi bán khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cứ thế, ông làm ăn lặng lẽ, cần mẫn, không phô trương, cho nên ông giàu lên từ lúc nào cũng không ai hay biết. Ngay cả bốn người con trai của ông: Thành, Tâm, Lợi, Lộc lần lượt chào đời và lớn lên trong mức sống bình thường, trong mắt họ là một người cha lam lũ, quanh năm tần tảo đi buôn, không hút thuốc, không uống rượu, không trà, không cà phê; một người mẹ suốt ngày xẻ khô, muối cá, làm nước mắm.

 

CỦNG CỐ ĐỜI CON

 

            Con cái ông, ai thích học thì ông cho học tới cùng, ai thích làm ăn thì ông khuyến khích, đầu tư vốn liếng cho làm ăn. Người con trai đầu lòng là anh Đặng Thành, sau khi học xong lớp 9, thấy cha mẹ cực khổ nên anh nghỉ học trở về phụ giúp gia đình. Sau khi Thành cưới vợ, thấy con ngoan ngoãn và biết tính toán, chí thú làm ăn, ông đầu tư cho Thành hai chiếc tàu đánh cá trị giá hơn một tỷ đồng. Sau một thời gian giám sát, theo dõi, thấy con có khả năng quản lý, có đầu óc kinh doanh, ông tiếp tục đầu tư cho Thành một cửa hàng xăng dầu, một cửa hàng kim khí điện máy và một vuông đất nuôi tôm trên 30 ha.

 

            Bốn mươi tuổi, Đặng Thành đã trở thành một nhà tỷ phú. Người con thứ hai và thứ ba là Đặng Tâm và Đặng Lợi đều ham học, ông gởi ra Cà Mau cho ăn học. Ông quy định các khoản chi phí rất rõ ràng, ví dụ như ngoài tiền trọ, tiền cơm tháng, mỗi người được ông cấp tiền ăn sáng là một tô phở và một ly đá chanh. Nhưng Tâm và Lợi còn tính kỹ hơn ông, mỗi tối họ nấu một bình thủy nước sôi rồi vo một vốc nếp bỏ vào. Sáng hôm sau nó trở thành hai tô cháo nếp cho hai người. Dư tiền, họ mua sách để học thêm và đóng tiền phụ đạo.

 

            Năm 1980, Đặng Tâm trúng tuyển vào Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh, ngày tiễn con lên đường, ông Huế bụng nói: Không uổng công tao ngày xưa học bằng lá chuối. Rồi ông căn dặn: Chín tuổi mày đã xa nhà, nay lại càng xa hơn. Ráng học cho tao với má mày vui. Mỗi chuyến đi buôn, ông đều ghé thăm con và chỉ biết dặn dò như thế. Nhưng anh Đặng Tâm đâu chỉ học cho cha mẹ vui lòng, cách nay bốn năm, anh đã lấy bằng Thạc sĩ, đồng thời trúng tuyển nghiên cứu sinh với đề tài Xác định vai trò của phương pháp tán sỏi mật qua da bằng thủy điện lực và anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào trung tuần tháng 11 vừa qua. Hiện anh đang làm phó chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Trưng Vương. Vợ anh hiện là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Y Dược, cũng đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ vào đầu năm nay.

 

            Sau Đặng Tâm, Đặng Lợi trúng tuyển vào Khoa Điện - cơ của Trường Đại học Bách khoa. Khi anh ra trường, ông Huế bụng hỏi: Mày định làm gì? Đặng Lợi mạnh dạn trả lời: Con thích làm ăn riêng để tự do sáng tạo. Ông Huế bụng nói: Thế thì tốt! Ông đầu tư cho Đặng Lợi hàng trăm triệu đồng  mua sắm thiết bị thành lập xưởng điện - cơ. Quả nhiên là ông không thất vọng! Đặng Lợi là một con người đầy thông minh và sáng tạo, xưởng của anh cứ ngày một phất lên, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Một sự kiện làm cho ông Huế bụng tự hào là mới đây, Nhà máy Bột cá Gành Hào - một công trình trị giá trên bảy tỷ đồng với công nghệ hiện đại của Nhật Bản - sau khi hết hạn bảo hành thì bị hư ống dẫn nhiệt, trong nước không có thiết bị thay thế, giám đốc nhà máy đi tìm khắp nơi nhưng đành bó tay, kể cả bốn xí nghiệp cơ khí ơ thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng chỉ có Trường Đại học Bách khoa nhận chế tạo với giá 220 triệu đồng với thời gian bốn tháng.

 

             Sau khi xem xét, tính toán kỹ, Đặng Lợi nhận làm với giá 140 triệu đồng trong thời gian hai tháng. Không ai hình dung được  cái giàn lò xo khổng lồ dài 4m, đường kính 1m được tạo bởi ống sắt tròn đường kính 102mm, dày 4mm; vậy mà Đặng Lợi đã làm được bằng cách tự chế một giàn nhông để cuốn từng ống sắt thẳng thành những vòng tròn rồi hàn lại. Ai cũng xem đó là một kỳ công. Đặng Lợi nói: Dù cho không có lợi nhuận đồng xu nào đi nữa thì tôi cũng rất sung sướng vì sự thỏa  mãn nhu cầu sáng tạo của mình.

 

            Sự kiện ấy đã làm cho Đặng Lợi nổi danh trong làng cơ khí ở Cà Mau. Một năm sau, nhà máy bột cá của Singapore ở Sông Đốc bị hư hỏng nặng. Đặng Lợi lại ký được hợp đồng chế tạo một số thiết bị thay thế, và anh đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong quá trình thâm nhập trong hai nhà máy bột cá, Đặng Lợi nghĩ rằng dây chuyền công nghệ này mình có thể chế tạo được, không nhất thiết phải nhập của nước ngoài. Thế là anh lao vào nghiên cứu, vừa tra cứu sách vở, vừa truy cập trên mạng. Chẳng bao lâu, Đặng Lợi đã hoàn tất bảng vẽ và dự án xây dựng nhà máy bột cá có công suất 40 tấn/ngày với mức vốn đầu tư bảy trăm triệu đồng, toàn bộ dây chuyền công nghệ do anh tự chế. Anh cho biết tiết kiệm được cả tỷ đồng so với nhập thiết bị của nước ngoài. Hiện nay Đặng Lợi đang ráo riết thi công để kịp vận hành sau Tết Nguyên đán Giáp Thân này.

 

            Cuối cùng là Đặng Lộc, người con út của ông Huế bụng. Cũng như Đặng Thành, học xong lớp 12, Đặng Lộc  trở về giúp việc gia đình, sau khi cưới vợ, ông Huế bụng giao cho anh làm chủ hãng nước mắm và đầu tư cho anh một nhà máy sản xuất bọc nylon từ nhựa phế thải. Ông Huế bụng lại tự  hào về đứa con út của mình: Cái thằng thông minh lắm!  Sau khi nhập thiết bị về, người ta hẹn ba mươi ngày xuống lắp ráp, đến khi họ xuống thì tự nó đã ráp xong, nhà máy đã hoạt động, làm cho họ muốn té ngửa ra.

 

            Tò mò tôi hỏi ông Huế bụng, tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh của ba người con ông trị giá khoản bao nhiêu tỷ đồng, ông nói không tính được vì tụi nó cứ làm nở ra thêm. Có điều lạ là mọi thứ ông đều tính ra bằng gạo, ví  dụ như cái nhà ông đang ở hồi đó xây bằng 170 tấn gạo, mua chiếc ghe lưới là 180 tấn, cái cửa hàng kim khí là 70 tấn. Ông nói tính như vậy quen rồi, quen từ hồi ba khúc khoai mì đổi một chén lúa…

Tôi thầm nghĩ, ông không tính ra được cũng phải thôi, bởi giá trị của tất cả mọi thứ mà ông đang có - kể cả cái bằng Tiến sĩ của con ông - đều được đổi bằng cả một cuộc đời cơ cực.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 4715
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)