1.
“Này chim sẻ, sao mi làm tổ trên đầu ta, gại mỏ vào mắt ta?”
“Tôi không hiểu.”
“Sao dòng họ nhà mi không chết cả đi?”
“Hãy hỏi thượng đế”
“Này, sao mi tránh câu trả lời?”
“Chào, trời xanh lắm, không thấy sao?”
“Này cây, sao mi bám vào tóc ta?”
“Do rễ tôi dài.”
“Sao mi không lớn như đồng loại?”
“Điều quan trọng là tôi đang tồn tại.”
“Láo toét!”
“Ai mới được chứ?”
“Này rêu, sao mi phủ kín mặt ta?”
“Đó không phải lỗi của tôi.”
“Thế của ta à?”
“Tôi có nói thế đâu?”
“Vậy ta hỏi lại, tại sao?”
“Đừng bực tức nếu tôi hỏi rằng vì sao tôi ở đây?”
Nắng bảo: “Hắn bị sốt!” Mưa phản đối: “Nhiễm lạnh!” Gió cười khan: “Vui tính!”
Thời gian không hề ngoái đầu nhìn.
2.
“Khi những ngôi tháp này xây dựng, tổ tiên tôi còn săn bắn trong rừng sâu. Và thật lạ lùng, những viên gạch nhỏ bé kia làm sao mà kết dính?” Kazik nói.
“Nhà ngươi từng biết Kim Tự Tháp và Ăng Co sao nói điều ngớ ngẩn?” Raja nói.
“Tôi ngợi ca, thưa vua của các vua.” Kazik nói.
“Có gì đáng ngợi ca sự bất tử của quyền lực?” Raja nói.
“Không phải sự bất tử của quyền lực mà là sự tồn tại.” Kazik nói.
“Ừ thì sự tồn tại.” Raja nói.
“Sự tồn tại của khát vọng vươn tới sự tồn tại chứ không phải tồn tại. Chung quanh ngài và các thế hệ nối tiếp chẳng đã luôn có các vị thần Sihva và vợ Shakti, thần Brahmâ và Vishnu đó sao? Giờ thì tôi đang đứng trước biểu tượng của khát vọng và các vị thần, còn các ngài thì, thưa vua của các vua, xin lỗi…” Kazik nói.
“Ngươi là kẻ thô lậu. Sao không có ta ở đó, chỗ các vị thần?” Raja nói.
“Thưa vua của các vua, tôi chỉ thấy những giọt mồ hôi lộng lẫy của thần dân và niềm kính tín vĩ đại. Sức mạnh sáng tạo dù tự nguyện hay bắt buộc trước hết ở đây là dành cho chính họ.” Kazik nói.
“Thật vô ích cho ngươi, tên Ba Lan cuồng nhiệt và điên rồ. Trước ngươi cả thế kỷ, những người Pháp như Ch. Lemire, De Lagrée, Maurice gì gì đó nữa như những thằng khùng kỳ công đo đạc, ghi ghi chép chép rồi cắm cúi tìm dịch các bản khắc Sanscrits. Họ tìm thấy điều gì ở đó? Chỉ có những phán truyền vênh vang của cái các ngươi gọi là văn minh khai hoá dành cho nền văn minh duy nhất vĩ đại ngươi gọi là sự tồn tại …
“… của khát vọng vươn tới sự tồn tại…”
“ừ thì cứ cho là vậy. Chỉ khác nhau trong tư thế tiếp cận nhưng sự thô bạo của duy lý, kỹ trị khiến các ngươi ngơ ngác với cả chình mình.” Raja nói.
“Ngài lẫn lộn giữa văn minh và quyền lực tối thượng.” Kazik nói.
“Trái lại, ta chỉ thấy sự bất tử của khoảnh khắc. Ngươi làm sao hiểu được rằng trong những đám rước vĩ đại quanh ta, những nhạc công múa mê cuồng trên tiếng trống Ghi năng, những vũ nữ và thần dân của ta miên man hoà vào trạng thái ngây ngất tột đỉnh của ngẫu hứng siêu việt thì lúc ấy, ta chỉ là biểu tượng cho sự bất tử của họ.” Raja nói.
“Ngài tìm cách biện minh cho sự sụp đổ hoặc tàn phai của các đền – biểu tượng ư, thưa vua của các vua?” Kazik nói.
“Ta nhắc lại: sự bất tử. Này, nghe nói ngươi suýt bị heo rừng tấn công ở Mỹ Sơn à? Còn những con ve rừng cắn đau đến nửa năm? Có lẽ điều này khiến các ngươi có khái niệm sụp đổ hoặc tàn phai?” Raja nói.
“Tôi không quan tâm tới các khái niệm. Tôi chỉ muốn lý giải.” Kazik nói.
“Bọn ngươi thì săm soi từng viên gạch rụng tìm đếm tuổi và bàn cãi vì sao chúng chồng khít vào nhau bền vững. Còn bạn bè làm thơ của ngươi thì bấu víu vào chữ nghĩa, mô tả ta nào là u mặc, rồi uy linh huyền hoặc bất khả tri… Lũ ngớ ngẩn ấy đúng ra chỉ ôm đàn hát lời suy tôn đẹp đẽ. Ta không hiểu vì sao công chúng- đám thần dân xưa và nay đều yêu mến bọn vô công rồi nghề này, làm như cái đám chữ nghĩa và mồm mép ấy dựng lên những thánh tích.” Raja nói.
“Họ không dựng lên nhưng chính họ giúp công chúng ý thức được tâm hồn có thể trở nên bất tử.” Kazik nói.
“Sự phục tùng mới là phẩm chất vĩ đại của dân chúng mọi thời, ngươi không thấy sao?” Raja nói.
“Thử đổi vị trí giữa ngài và họ, ngài sẽ nghĩ khác phải không, thưa vua của các vua?” Kazik nói.
“Cuộc sống là hiện hữu chứ không giả định.” Raja nói.
“Hiện hữu trước mắt tôi là những cửa vòm sạt lở, thần Brahmâ bị đục mũi, chim Garuda gãy cánh do một tên lính viễn chinh nào đó bắn bia… Cây cối mọc đầy và chim chóc làm tổ trên đó. Tất cả đã bị xâm hại , cướp phá.” Kazik nói.
“Các ngươi chỉ nhìn thấy những cái bày ra trước mắt thôi ư? Tội nghiệp cho trí tuệ và nhận thức của các ngươi!” Raja nói.
“Cứ như vương triều của ngài tồn tại vĩnh viễn!” Kazik nói.
“Này, ta bảo thật các ngươi: sự tồn tại vĩnh viễn chỉ có ở đức tin. Và đó là nơi linh hồn được cứu rỗi.” Raja nói.
3.
Sau một đoạn dài đi kiệu, Huyền Trân được đỡ xuống thuyền. Vua Chế Mân băng tháng 5. Giờ là mùa đông. Nàng khép tà áo vải, rùng mình vì gió lạnh. Cô tì nữ giúp nàng khoác thêm tấm áo bông dày. Đang mùa tang, mọi trang phục trên người nàng đều là màu chàm tối. Gương mặt không trang điểm của nàng vẫn sáng lên nét thiếu nữ căng tràn và chút thoáng u uẩn càng khiến nàng đẹp hơn bao giờ hết. Nàng vén rèm ngoái nhìn những ngôi đền uy nghi đỏ rực trên đồi. Những tượng thờ, những đồ tế tửu hắt lên tia chiếu kỳ bí. Mùa xuân vừa rồi nàng cùng vua lên đây tế lễ. Nàng không còn cơ hội thêm một lần ngắm nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi xuất thần tôn vinh cao cả. Người tì nữ đã mật báo kế hoạch của quan Nhập nội hành khiển Thựơng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung: ra biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu. Ở đó nàng sẽ được giải thoát. Huyền Trân không vui không buồn. Tấm thân cành vàng lá ngọc của nàng đã thuộc về những tính toán của vua cha và vua Chế. Xứ sở của đền tháp uy nghi tráng lệ này cũng dần khiến nàng yêu mến. Vua say mê nàng và nàng thực sự hài lòng với ngót một năm hương lửa đang nồng nơi giường hoa trướng gấm. Vua băng đã năm tháng rồi, nếu không chờ sứ Việt viếng tang thì nàng đã phải lên giàn thiêu. Nàng không sợ mà chỉ thấy tiếc. Nàng còn quá trẻ.
Thuyền qua thành Thị Nại sầm uất, từ từ ra cửa. Thuyền hộ tống vẫn bơi đều hai bên. Bất ngờ những chiếc thuyền nhẹ ập đến. Đoàn thuyền chiêu hồn bị đánh đắm rất nhanh. Nàng đã được đón sang một chiếc thuyền khác có những tay chèo cật lực hướng nhanh ra khơi… Quan Nhập nội hành khiển ra những mệnh lệnh cần thiết rồi đến vấn an nàng có phần không đúng lễ nghi: ánh mắt ông ta nhìn nàng thèm khát và dâm đãng. Hành trình trở về vòng vèo khá chậm. Nàng mặc xác. Nàng không còn là công chúa, hoàng hậu, nàng là trẻ trung và nhan sắc. Nàng đang sống chứ không phải ngẫm nghĩ…
4.
“Ta biết vì sao mấy trăm năm sau anh còn tơ tưởng đến nàng.” Apsara 1 nói.
“Tôi không có châu Ô, châu Lý làm sính lễ.” Nhà thơ nói.
“Phì, anh đọc sử và mơ chuyến biển đầy ắp sóng dục của Trần Khắc Chung chứ gì. Nhìn mặt anh ngây ra khi ngắm thân hình chúng ta kìa. Ta biết tỏng trong đầu anh nghĩ gì!” Apsara 2 nói.
“Ý nghĩ con người mới là hiện thực cuộc sống chứ không phải cái phơi bày ra trước mắt. Raja đã từng nói đại ý như thế với bạn tôi, Kazik. Đừng vội kết luận và đừng nói với tôi rằng biết tỏng!” Nhà thơ nói.
“Bi kịch của các anh là quá tham lam và tưởng vọng. Ngay cả bọn ta anh cũng tìm kiếm những lý giải đầy tục luỵ.” Apsara 1 nói.
“Tuy nhiên, ta thích… sự ngông cuồng của anh.” Apsara 2 nói.
“Raja bảo anh ta phạm thượng.” Apsara 1 nói.
“Nhưng các vị thần thì khuyến khích và cho anh ta song hành cùng Raja.” Apsara 2 nói.
“Có vẻ như đó là một quyết định sai lầm. Anh ta chỉ tìm kiếm sự thoã mãn cho riêng mình và những phán xét cứ như một Raja.” Apsara 1 nói.
“Thì anh ta cho rằng mỗi con người là một vũ trụ luôn có cơ hội khám phá sự bất tử của tâm hồn. Anh ta tự nguyện rao giảng điều bí mật này và có vô số người nghe theo bởi vì qua lời anh ta họ tự thấy mình cũng là một Raja. Tiếc rằng khải huyền nào cũng hàm chứa bi kịch.” Apsara 2 nói.
5.
Đây có vẻ là đêm trăng cuối cùng. Chắc chắn thế, đêm trăng cuối cùng, vì không hề nghe tiếng dế trong trẻo giọng sương.
“Chúng ta đã có nghìn năm tuổi, nhỉ.”
“Nhưng năm là gì? Sao bỗng dưng lại có khái niệm này?”
“Xin lỗi! Do cuộc trò chuyện ban ngày. Chúng nó làm ta phân tâm nhiều quá.”
“Chúng là ai?”
“Lũ cây cối, chim chóc và con người.”
“Cây cối chim chóc thì đã đành. Chính con người tạo ra chúng ta. Họ muốn phá huỷ chăng?”
“Lũ chim làm ta bực mình nhưng chúng ngủ lâu rồi. Đám cây cối rêu cỏ thì hồn nhiên lắm. Thỉnh thoảng ta làm bộ cáu gắt với chúng giải sầu. Chỉ có con người làm ta bối rối. Họ sinh thành rồi huỷ diệt. Cái gã Kazik đã chết cách đây mấy năm, chính hắn cả chục năm trời tìm cách cứu sống chúng ta. Bạn bè hắn, cái đám người Pháp thì đã chết trước đây cả trăm năm. Con người gọi nắng mưa lặp đi lặp lại là năm, một đơn vị của thời gian. Họ tất có lý do để sinh và diệt. Nhưng ta chưa hiểu được.”
“Con người có trí khôn đủ để thấy mình mỏng mảnh và yếu hèn, tham lam và kiêu ngạo.”
“Và thật đáng sợ khi con người tư duy về sự tồn tại.”
“Thời gian là phát hiện ngớ ngẩn nhất của con người.”