Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.235
123.154.100
 
Mối quan hệ giữa lý luận-phê bình và sáng tác mỹ thuật
Đinh Hồng Hải

So với công việc sáng tác thì nghiên cứu phê bình nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng ra đời khá muộn. Nó chỉ mới bắt đầu ở châu Âu cách đây vài trăm năm, còn ở Việt Nam chỉ … vài chục năm. Trong khi đó, sáng tác đã là một công việc được coi trọng từ hàng vạn năm trước. Bằng chứng là những hình người trên vách hang Đồng Nội đã có niên đại tới hơn 10.000 năm. Vậy mà có người nói: Nghiên cứu phê bình và sáng tác giống như anh em ruột (!). Điều đó đúng hay sai? Xin trả lời là: Vừa đúng vừa sai. Đúng, là đúng với nghệ thuật hàn lâm, còn sai, nếu xét rộng ra đối với cả những tác phẩm nghệ thuật dân gian. Các tác phẩm nghệ thuật dân gian là sự cảm nhận của nghệ sĩ dân gian về môi trường sống quanh họ, rồi “đi thẳng một cách hầu như tự nhiên vào tác phẩm nghệ thuật” (Nguyễn Đỗ Cung). Tại đây, nghệ sĩ dân gian không bị chi phối bởi tư tưởng, trường phái hay một trào lưu nào cả. Tất nhiên, họ không cần biết đến nhà nghiên cứu phê bình là ai? làm gì? Trong khi đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật hàn lâm ra đời phải chịu sự tác động của nhiều tư tưởng, trường phái, trào lưu,v.v… và v.v… Tất cả những sự tác động này thông qua các nhà phê bình bằng sách, báo hoặc đơn giản chỉ bằng lời nói.

           

Như vậy, nghiên cứu phê bình và sáng tác chỉ có thể là anh em ruột trong môi trường của nghệ thuật hàn lâm mà thôi. Còn nếu xét một cách tương đối, chẳng hạn bao gồm cả nghệ thuật dân gian, thì hai người anh em này không hẳn đã song hành tồn tại. Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét mối quan hệ anh em của nghiên cứu phê bình và sáng tác dưới góc độ của nghệ thuật hàn lâm. Với nghệ thuật dân gian, chúng tôi sẽ có một chuyên khảo riêng về loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Đối với những tác phẩm phi hàn lâm, phi dân gian như các loại tranh chép, tranh “nhái”, đồ giả cổ… chúng tôi xin miễn đề cập tới.

           

Nói tới mối quan hệ anh em là nói tới một mối quan hệ khăng khít, máu mủ, khó có thể tách rời. Tuy nhiên, những xung đột, những mối bất hoà là không thể tránh khỏi. Nhưng cuối cùng thì anh em cũng không thể bỏ nhau. Mối quan hệ giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác trong nghệ thuật hàn lâm cũng vậy.

           

Hãy thử tưởng tượng một ca sĩ hát xong một bài hát tâm đắc nhất của mình. Nhìn xuống thấy khán giả không vỗ tay cũng không la ó… Cô ta sẽ nghĩ gì? Rõ ràng là cô ta sẽ vô cùng bối rối. Một hoạ sĩ vẽ xong một bức tranh tâm đắc. Không ai khen, cũng chẳng có ai chê, không ai mua, cũng chẳng có ai bảo: Hãy vứt nó vào sọt rác! Có lẽ, anh ta sẽ phát cuồng lên vì buồn bực. Nghệ thuật là như vậy. Nghệ thuật phục vụ công chúng và công chúng là những người có quyền cao nhất phán xét nghệ thuật. Nhà phê bình cũng là một công chúng nhưng là một công chúng đặc biệt. Vị khán giả này không chỉ ủng hộ hay phản đối mà còn xoi mói nghệ sĩ để chỉ ra cho mọi người thấy cái hay, cái dở của mỗi tác giả và mỗi tác phẩm.

           

ở các nước phát triển, sáng tác nghệ thuật là loại hình lao động đặc biệt được trả công rất cao. Tất nhiên, những người làm nghệ thuật cũng phải có một nỗ lực rất lớn bên cạnh năng khiếu thiên bẩm. Họ phải tự hoàn thiện bản thân bằng cách nghe, xem, đọc thật nhiều lời bình luận để rút kinh nghiệm. Sẽ là tai hoạ cho bất kỳ một nghệ sĩ nào nếu như tài năng của anh ta không đủ để kéo khán giả đến với các tác phẩm nghệ thuật của mình.

           

Còn ở ta, bên cạnh sự trì trệ do cơ chế mang lại (như thói quan liêu, cửa quyền…) thì “bệnh sĩ” đang là một căn bệnh trầm kha khiến cho mỹ thuật nói chung và nghiên cứu phê bình nói riêng vẫn loay hoay không có lối thoát. Thói “ưa nịnh - thích khen” trong xã hội đã khiến cho một bộ phận các nhà báo, nhà phê bình chỉ biết viết báo cáo hay và tâng bốc giỏi. Có lẽ, chỉ đến khi nào bệnh sĩ, thói ưa nịnh - thích khen được chữa trị, thì tinh thần “phê bình và tự phê bình” mà Bác Hồ hằng mong ước mới có cơ hội phát triển.

           

Xin được trở lại với mối quan hệ anh em giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác. Có thể coi đây như một mối quan hệ lưỡng sinh - lưỡng hợp. Có mặt phải và mặt trái. Mặt phải của mối quan hệ này là sự liên kết hữu cơ, là mối quan hệ tương hỗ trong một quá trình vận động giúp nhau cùng tiến bộ. Còn mặt trái là những xung đột không được giải quyết. Chính những xung đột này đã dẫn đến một phần tình trạng bất hợp tác giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác ở ta hiện nay. Dưới đây chúng tôi xin đi sâu vào phân tích hai mặt của một vấn đề này.

           

Trong cuộc sống, mặt phải luôn luôn là mặt thuận, mặt chính, mặt phô ra… Dĩ nhiên, mặt này ưa nhìn hơn và cũng dễ được chấp nhận hơn. Thế nhưng nếu chỉ mãi nhìn một mặt phải, chúng ta sẽ thấy chán ngấy. Điều này giống như ta chỉ toàn ăn những thức ăn béo, ngọt mà không có một chút gia vị nào như tiêu, ớt, hành, tỏi, gừng, muối... Trong nghệ thuật cũng vậy. Mặt phải của mối quan hệ giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác luôn được phô diễn một cách “hết mình”, nhưng đụng đến mặt trái ai ai cũng phải “dừng chân nghe ngóng”. Chính sự không cở mở này giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác đã vô tình làm triệt tiêu những ý nghĩ xác đáng của nhà phê bình. Lâu dần, anh ta trở thành một kẻ “ăn theo, nói leo” lúc nào không biết. Đây không phải là một điều may mắn mà thực sự là “tai hoạ” cho người sáng tác. Anh ta sẽ bị ru ngủ bởi những lời tâng bốc mà không biết rằng tài năng của mình đang bị chính những lời tâng bốc đó gặm nhấm dần cho đến khi lộ nguyên hình là một kẻ bất tài.

           

Tuy nhiên, nghiên cứu phê bình cũng không được phép lạm dụng một cách quá đáng chức năng phê bình để rỉa rói, mạt sát những người anh em của mình. Vì mọi sự “quá quắt”, quá đáng đều không những không thu được lợi ích gì mà đôi khi còn có tác dụng trở ngược. Một nhà phê bình dù sắc sảo đến đâu nhưng nếu ý kiến của anh ta không được ủng hộ, thậm chí không ai thèm đọc, không ai thèm nghe thì đó lại là “tai hoạ” cho chính nhà phê bình ấy. Và đương nhiên, một nhà phê bình sẽ phải “gác bút” nếu như anh ta không còn đất để dụng võ. Đó là chưa nói đến việc anh ta có thể tự mua thù chuốc oán cho bản thân mình mà không biết.

           

Một nghệ sĩ tài năng không nhất thiết phải là một người có kiến thức uyên bác nhưng một nhà phê bình thì không thể không có một tầm kiến thức đủ rộng để nghe, nhìn, đọc, tư duy và viết. Vì vậy, nhà nghiên cứu phê bình phải là người có vốn sống, vốn kiến thức nhiều hơn nghệ sĩ thì mới có thể khiến cho các nhà sáng tác “tâm phục, khẩu phục”. Đó là chưa kể đến việc nhà nghiên cứu phê bình phải nắm được công việc của những người sáng tác để hiểu công việc của họ và chia sẻ những khó khăn mà họ mắc phải. Điều này lý giải câu hỏi tại sao những công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Y hay Trần Khánh Chương viết về gốm lại cuốn hút người xem như vậy.

           

Nằm trong mối quan hệ giữa nghiên cứu phê bình và sáng tác còn có một mối quan hệ nội sinh xảy ra ngay trong bản thân mỗi nghệ sĩ đó là hành động tự phê bình mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Người nghệ sĩ khác với con ong ở chỗ: Con ong làm việc theo bản năng, còn nghệ sĩ làm việc theo lý trí. Con ong chỉ có thể làm được một loại tổ với chất lượng lần sau cũng giống như lần trước, còn nghệ sĩ có thể vẽ được nhiều hơn một bức tranh. ở mỗi bức tranh này, anh ta cũng phải phác thảo nhiều lần, vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Sự sửa chữa phác thảo tiến tới hoàn thiện tác phẩm thông qua tư duy của nghệ sĩ chính là một phần của tính hàn lâm trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Tính hàn lâm này không có ở con ong, cũng không thể có ở những “con voi vẽ tranh” vì con voi chỉ làm theo sự hướng dẫn của người quản tượng.

           

Như vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật hàn lâm ra đời phải chịu sự chi phối của ít nhất ba đối tượng phê bình: Bản thân tác giả, nhà phê bình và một đối tượng quan trọng nhất đó là công chúng. Trên đây là những nét cơ bản về mối quan hệ biện chứng giữa lý luận phê bình và sáng tác mỹ thuật. Tới đây một vấn đề cần được đặt ra là phải xử lý mối quan hệ này trong điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta hiện nay như thế nào? Quả thực đây là một trong những vấn đề khó khăn luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là bó tay nhìn nền mỹ thuật nước nhà tụt hậu so với thế giới và khu vực. Theo chúng tôi, để giải quyết tốt mối quan hệ này có lẽ phải bắt đầu từ các nhà sáng tác chứ không phải là nhà lý luận phê bình hay nhà quản lý vì nhà sáng tác là người quyết định do sự ra đời của tác phẩm.

           

Một thực tế rất dễ thấy ở ta là nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc có tay nghề chuyên môn cao, có nhiều tác phẩm, thậm chí có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng, nhưng để trình bày về những tác phẩm của mình bằng lời nói hay bằng văn viết thì lại không thể làm được. Đây là một thiệt thòi lớn cho bản thân tác giả và cả nền mỹ thuật nước nhà. Có thể dễ dàng nhận thấy tên của các tác phẩm nghệ thuật thường rất ngắn, không đủ để nói lên toàn bộ nội dung tư tưởng mà tác giả muốn đưa vào tác phẩm của mình. Vì vậy, bên cạnh ngôn ngữ chuyên môn (tạo hình), mỗi hoạ sĩ hay nhà điêu khắc cần trang bị cho mình một vốn lý luận tối thiểu và sự tự tin cần thiết để trình bày về tác phẩm của mình trước công chúng.

           

ở các nước tiên tiến, một hoạ sĩ hay nhà điêu khắc thường tự trình bày trước công chúng về mình và tác phẩm của mình, tự viết lời giới thiệu cho các triển lãm hay các tác phẩm của mình. Thậm chí họ còn viết cả những cuốn sách dày giới thiệu về các sản phẩm nghệ thuật của bản thân. Chính  những công việc này đã góp phần nâng cao và hoàn thiện dần trình độ lý luận của người sáng tác. Khi đã nắm trong tay một “lưng vốn” kha khá cả về lý luận và thực tiễn, nhiều nghệ sĩ đã tập trung cho công việc nghiên cứu. Và hầu hết các tác phẩm lớn của họ được ra đời sau khi đã bỏ ra một thời gian dày công nghiên cưú. Các bức tranh ngựa của Từ Bi Hồng, tranh tôm của Tề Bạch Thạch (Trung Quốc) hay các bức ký hoạ giải phẫu nhân thể của Leonard de Vinci (Italia) là những công trình nghiên cứu ở dạng này.

           

Khi đã có đủ tầm kiến thức về lý luận, các nhà sáng tác sẽ không còn e ngại khi phải đối thoại trực tiếp với các nhà nghiên cứu phê bình. Đây chính là lúc để những khúc mắc đặt ra từ cả hai phía được giải quyết qua trung gian là các nhà quản lý. Từ đây, các nhà quản lý sẽ có những định hướng cụ thể cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà trong tương lai. Trên đây chỉ là một số gợi ý, còn việc triển khai ra sao lại phải tính đến yếu tố khách quan của từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như trong mỗi cuộc triển lãm mỹ thuật, các tác giả có thể được yêu cầu đưa ra một bài giới thiệu về tác phẩm của mình cùng với tác phẩm đó. Tập hợp các bài viết này, nhà tổ chức có thể in được một cuốn kỷ yếu về cuộc triển lãm đó bên cạnh tập hợp ảnh của các tác phẩm. Thông qua những cuốn kỷ yếu này, nhà phê bình có thể hiểu sâu hơn về mỗi tác giả và tác phẩm. Xa hơn, các nhà quản lý có thể trên cơ sở đó để hoạch định các chính sách phù hợp với các đối tượng: sáng tác, phê bình và công chúng.

 

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ để tham khảo, còn trên thực tế chúng ta có thể có rất nhiều cách thức khác nhau để thực hiện. Hy vọng với sự hợp tác của ba “nhà”: Quản lý, sáng tác và lý luận phê bình, nền mỹ thuật của Việt Nam sẽ dần lấy lại được vị thế của mình trong khu vực Đông Nam á cũng như trên thế giới.

 

*

Để kết thúc bài viết này, xin được viện dẫn lời nhà nghiên cứu mỹ thuật đã quá cố Thái Bá Vân, một nhà lý luận mỹ thuật xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XX: “Mục đích của nghệ thuật là để kiến thiết tâm hồn con người và hạnh phúc trái đất. Hiểu thấu rằng nghệ thuật là một hành động vô tư, gần như lơ đãng, là cái hiểu cần thiết để có sự đồng cảm sâu xa với bạn bè, đồng loại qua tác phẩm của họ, trong cái biện chứng lịch sử nghệ thuật của họ. Không có một bức tranh đúng, sai, không có một bài thơ tốt, xấu, mà chỉ có một bức tranh đẹp, một bài thơ đẹp. Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tuỵ đi tìm cái đẹp, và khi đã đến cái đẹp, thì chân, thiện đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó” (Trích trong Tính lịch sử riêng của nghệ thuật, Tham luận tại hội thảo Xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa” tại Hà Nội, năm 1987. Đăng lại trong tạp chí Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, số 2, năm 1988. Đăng lại trong cuốn Nghiên cứu nghệ thuật của Viện Mỹ thuật, xuất bản năm 1992).

 

Có thể thấy rằng, cái “vô tư” và sự “đồng cảm” mà Thái Bá Vân đã đặt ra ở đây chính là phần quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa lý luận phê bình và sáng tác mỹ thuật. Đây chính là điều mà cả hai nhà sáng tác và phê bình phải hướng tới.

Đinh Hồng Hải
Số lần đọc: 5039
Ngày đăng: 24.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Họa sĩ HỒNG TRỌNG MỸ từ đường nét,sắc màu nộI tâm - Võ Quê
Không biết tới bao giờ mỹ thuật Thừa Thiên Huế mới có một bảo tàng? - Võ Quê
Du ngoạn trong thế giới màu sắc của Nguyễn Ngọc Quế - Khuyết danh
Đỗ duy Ngọc: Nghe nhịp thời gian,nghe cả tiếng linh hồn. - Triệu Xuân
Không đề số 3 - Kông Tâm
Không đề số 4 - Kông Tâm
Tranh dân gian - Khuyết danh
Nơi hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ tỏa sáng - Trịnh A Khuê
Không đề số 1 - Kông Tâm
Không đề số 2 - Kông Tâm