Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
993
123.368.028
 
Không thể rời xa
Nguyễn Thành Nhân

Có lần, một anh bạn nhà thơ quê ở Đà Nẵng tâm sự với tôi rằng, sau khi đã tới Sài Gòn, anh không thể rời xa khỏi nó được nữa, dù anh cũng đã từng sống ở nhiều nơi khác.

 

Anh kể về những ngày sống ở Huế, ở Hà Nội. Những con phố nhỏ. Những hàng cây im nhớ gió. Những người con gái đẹp mà anh đã lặng thầm thương nhớ, hoặc đã lặng thầm nhớ thương anh. Và cả những cái gì đó bàng bạc mơ hồ trong tâm tưởng, khó tả thành lời. Hình như đó là mùi hoa sữa nồng nàn; là một cơn gió heo may đầu thu Hà Nội; là những tối mùa đông ngồi cùng đôi ba người bạn uống rượu khê trong một cái quán nghèo đầu phố... Hình như đó là những tà áo dài, những chiếc nón bài thơ chập chờn trên cầu Trường Tiền như những cánh bướm trắng dịu dàng mỗi chiều giờ tan học; là những cơn mưa miền Trung lê thê buồn, những lời ru con ngậm ngùi lan trải trên mấy con đò dọc sông Hương... Tất  cả đều đã đan dệt thành cái mà người ta gọi là kỷ niệm. Của riêng anh.

 

Nhưng tất cả những cái đó đều trở nên phai nhạt khi anh vào Sài Gòn, sống với nó suốt mười mấy năm qua. Sài Gòn vừa như một chàng lãng tử hào hoa, sẵn sàng chơi hết mình vì bè bạn, một gã Lệnh Hồ Xung hào phóng dễ tin người, sẵn sàng kết giao với mọi giang hồ bằng hữu, không phân biệt chính tà, miễn là có lòng chân thành và khẳng khái; lại vừa như  một nàng thiếu nữ xinh đẹp và nhí nhảnh, mà muốn chinh phục được, đòi hỏi người ta phải bộc lộ mọi khả năng trời phú, phải mướt mồ hôi để tự khẳng định mình ...Vậy đó, Sài Gòn đã đón anh với vòng tay mở rộng, và không biết từ lúc nào, anh đã tự xem mình là một cư dân Sài Gòn “thứ thiệt”.

 

Tôi khác anh. Tôi sinh ra, lớn lên, và sống hầu hết cuộc đời cho tới lúc này của mình ở Sài Gòn, nhưng tôi không biết thật ra mình yêu hay ghét nó. Tôi chán đớ người cái cảnh sáng trưa chiều tối, ló mặt ra đường là lại phải bon chen trong những lũ lượt chen chúc toàn là người ngợm, xe cộ, bụi bặm, tiếng ồn. Tôi mệt nhoài vì nhịp sống quay cuồng với một tốc độ nhanh đến chóng mặt. Tôi nổi quạu vì ở Sài Gòn khó mà tìm được một chỗ vừa bình dân ít tốn tiền vừa yên tĩnh, không có ai làm phiền đến mình, để tìm lại cái cảm giác hoàn toàn an bình trong giây phút – Sài Gòn lúc nào cũng ồn ào, huyên náo, lúc nào cũng đông đảo những người vì sinh kế đã biến thành những kẻ quấy rầy (những cô bé, chú bé, những anh chị, chú bác, thím bà...đánh giày, bán vé số, bán nem chả, đậu phọng linh tinh...). Đặc biệt, tôi thật sự phát khùng vì con gái Sài Gòn càng ngày càng xinh đẹp, mà tôi thì mỗi ngày lại thấy mình khô cằn già cỗi thêm một chút, ươn hèn nhút nhát thêm một chút. Thời oanh liệt của tôi đã qua lâu rồi, mà sao mấy nàng con gái lại cứ mơn mởn đáng yêu thế kia chứ, hở Trời già?!

 

Nói thì nói thế, chứ mỗi lần xa Sài Gòn, tôi cũng nhớ nó ghê lắm. Mấy năm chiến đấu xa nhà, hay sau này có những bận đi xa, tôi vẫn thường hay nằm chiêm bao thấy mình đang ở Sài Gòn, đi la cà bù khú cà phê cà pháo với đám bạn bè. Nhớ những con đường nhỏ mà tôi hay đạp xe lang thang mỗi tối trong những mùa hè nóng bức. Nhớ hàng cây phượng vỹ dọc con đường đến ngôi trường trung học. Nhớ đám bạn học toàn những tay đầu têu nghịch ngợm như  quỷ sứ thiên lôi. Nhớ những cô em học trò xinh xắn. Ôi, những mối tình học trò ngây thơ, dễ thương chết được. Những Hoàng Thị Ngọ của một thời, mà ngày nào, nắng cũng như mưa, tôi cũng vẫn: “Em tan trường về/ Anh theo Ngọ về...”.[1]

 

 “Ai mang bụi đỏ” đi mất từ lúc nào không rõ, ký ức tôi khi nhớ về Sài Gòn không thể thiếu những dáng Kiều gầy, những “Ngọ” của một thời áo trắng nhọc nhằn thiếu ăn thiếu mặc.

 

Nhưng nhớ nhất là mẹ của tôi. Hồi ở nhà, tôi luôn làm người buồn phiền vì ham chơi hơn ham học, tối ngày cứ trốn học rong chơi. Thế nhưng nỗi nhớ mẹ khó tả được nên lời. Cũng như  làm thơ vậy. Tôi đã làm biết bao nhiêu thơ, tặng cho biết bao nhiêu cô nàng trái tim gỗ đá - thơ thì nhận mà tình tôi thì cứ phớt lờ, nhưng cho mẹ tôi, tôi đã làm được mấy bài thơ!?...

 

Vậy đó. Tôi nhớ đủ thứ. Cả những cái không thể định hình, những cái thật mơ hồ, như là mùi rêu ẩm quá nhẹ nhàng trên một bức vách tường loang lổ ở một cái quán nhỏ thân quen. Như  một giọng rao “Ai chè đậu đen nước đường cát trắng?” ngọt lịm người của một cô nàng bán dạo mà hồi đó tôi rất thích, có lẽ là thầm yêu nữa cũng nên.

 

Đại loại là những thứ như vậy. Những thứ đã bám sâu vào ký ức. Những thứ mà dù bạn có già khú đế, có giàu lên hay nghèo đi, miễn là còn sống, chúng vẫn sẽ còn sống mãi ở đáy lòng. Và khi xa Sài Gòn, bạn sẽ thấy nhớ chúng vô cùng, nhớ không tài nào chịu nổi.

 

Vì vậy mà ta – bạn cũng như tôi, gắn bó với Sài Gòn chăng?!

 

(Theo SGGP Online – có bổ sung của tác giả)



[1] Ngày xưa Hoàng Thị - Thơ Phạm Thiên thư - Nhạc Phạm Duy

Nguyễn Thành Nhân
Số lần đọc: 3050
Ngày đăng: 25.06.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rượu Điện Biên - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà văn SƠN NAM , Một đời nặng nợ áo cơm - Võ Ðắc Danh
NgườI đi khai hoang - Võ Ðắc Danh
Những con đường ký ức - Nguyễn Đông Nhật
Tưng bừng lễ hội lung linh huyền ảo Huế - Nguyễn Nguyên An
Festival Huế 2006 : Hữu nghị và thương yêu - Võ Quê
Nhớ hai nữ sĩ họ Đoàn - Phan Hoàng
Những dòng sông . Làng. Và những người con gái… - Lê Hoài Lương
Gã giang hồ lương thiện - Võ Ðắc Danh
Đi tìm muà len trâu - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả
Chiều quê (âm nhạc)
Nhớ mẹ (âm nhạc)
Chờ em online (âm nhạc)
Mùa yêu (tạp văn)
Mối tình xưa (truyện ngắn)
Lục bình (truyện ngắn)
Xa vắng (truyện ngắn)
Tập tầm vông (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Đất mẹ (âm nhạc)
Khúc sonate đêm trăng (truyện ngắn)
Mùa xa nhà (truyện dài)
Bán trâu (truyện ngắn)
Lạnh (tạp văn)
Thuyền và lái (đối thoại)
Dưới Ánh Sao Thu (truyện dài)
Ba đồng vàng 1 (tiểu luận)
Mrs. Dalloway (tiểu luận)