“Mai mình xa sông Thương thật thương”...Không có sông Thương thì lấy con sông tóc dài của Krông Buk để chia tay, không có người con gái thì lấy những hàng cây lá ướt hai bên đường đưa tiễn, dụi tay lên mắt thấy cay cay để lên đường. Quốc lộ 14 nhập nhòa những khúc, những đoạn rợp lá muồng vàng mà tôi đã mộng du đi về một thời yêu Phượng. Cái không gian sương sớm quanh năm se lạnh nên quanh năm thương nhớ. Tưởng rồi sẽ quên được cái phố huyện ngã ba ấy, vòng một chút có bạn bè, quanh một chút đến nhà Trần Văn Hội. Cái ngôi nhà tụt xuống dưới đồi mà một lần cùng ngồi nghe Hạ Trắng, nhà thơ Phạm Doanh đã khóc vùi. Khóc thật hồn nhiên và thật khó tin. Vì thật tình cờ. Khi tôi nhắc chuyện cũ, Phạm Doanh ngoái đầu thì xe đã chạy qua Buôn Hồ được một đoạn dài, đã không còn nhìn kịp cái lối rẽ để thêm một lần thương nhớ lúc ra đi.
Gia Lai mùa này đang mưa. Cỏ lướt thướt và hai bên đường li ti háo hức muôn ngàn hoa dại. Ướt dầm phố núi. Phố núi thân quen với những dốc thoải dịu dàng của Tây Nguyên. Nhưng Gia Lai còn là phố núi cao phố núi đầy sương- phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Những câu thơ còn một chút gì để nhớ để thương của Vũ Hữu Định đã quanh quẩn thật lâu ở thành phố nhỏ này, cái thành phố đi dăm bước đã về chốn cũ-làm hạnh phúc bao nhiêu cho những người yêu Gia Lai và là “gánh nặng” với nhà thơ Văn Công Hùng và các tác giả của Gia Lai hôm nay. Ngang qua Gia Lai không ước hẹn gì, nhưng chắc rằng sẽ còn nhiều dịp ngồi lâu. Cái góc ngã tư Diệp Kính vòng lên rạp chiếu bóng cũ (mà bây giờ là một siêu thị nhỏ) rồi thế nào cũng có lúc ngồi uống rượu đêm ở đấy, thế nào rồi cũng chấp chới một lần như cánh chim lạc mới thỏa lòng yêu.
Quảng Ngãi hẹp và dài dằng dặc. Vùng núi Ấn sông Trà giờ lao vun vút hai bên xe. Chợt nhớ Cao Bá Quát với những câu thơ bật máu roi song, những ngọn roi cá đuối vút lên loang loáng trong tâm tưởng - và đau tận trong tim. Ông như một thanh kiếm dựng ngược và chém vào đủ mọi phong ba. Sao tôi lại chợt nhớ đến Cao khi ngang qua vùng đất này? Có lẽ vì bài thơ Đêm trên cát của Thanh Thảo viết về ông thật bi tráng. Tôi đã mê say Thanh Thảo khi nhà thơ in các trường ca của mình trên thứ giấy đen mờ còn lẫn những vụn mạt cưa. Khi các thần tiên đã an nghĩ tận trời / Nhân dân tôi khởi lên tự phù sa vất vả / Từ điệu muá hồng hoang trên đá / Người mang gươm đi mở nước đến giờ. Ngang Quảng Ngãi nhớ nhà thơ Thanh Thảo, với những góc hẹp và cú sút trong thơ còn bao nhiêu lần làm tung lưới những giấc mơ giăng như tơ nhện của một đời người.
Ngủ một đêm ở Đà Nẵng. Cũng muốn đi tìm nhà báo kiêm nhà thơ trẻ Phan Bùi Bảo Thi để nghe cái giọng Quảng Trị ngùi ngùi, khi đã bắt được nhịp rồi thì đọc thơ như khóc. Nhưng lực bất tòng tâm. May mà Đà Nẵng là nhà của Thúy. Thúy lập tức lùng được hai chiếc xe máy. Thúy phóng xe như bay, lại toàn đi bên lề trái làm người rượt theo sợ muốn vỡ tim (nhưng không thể không phóng vì mình không biết đường). Ngừng trên cầu sông Hàn với rất nhiều cáp xoay và ...thợ chụp ảnh, một anh chàng cứ nhìn tôi vừa cười vừa tiến lại gần làm tôi lo phát khóc (vì quá biết gương mặt của mình khi in ra giấy). Đà Nẵng nhìn từ trên cầu sông Hàn là một khối sáng lóng lánh, nhưng trong lòng thành phố đang chuyển mình thành một công trường với những hầm hào đào bới dọc ngang tan nát. Tôi quá sợ phải phóng xe bên trái nhưng Thúy cứ mơ màng đi tìm ngôi trường mà Thúy đã học ngày xưa. Cái ngày xưa tan trường đưa đón của con người ta, khi về lại ai chẳng nôn nao. Về lặng yên bên cổng trường cũ để nhớ những tiếng guốc gõ xa vời một thời áo trắng, hút người theo ngơ ngẩn xác ve. Ngôi trường cấp III với những kỳ thi cuối đời học trò toát mồ hôi mà như vẫn ngọt ngào pha phất không gian mối tình đầu. Có lúc còn ghi lại thành những bài thơ mực tím đau lòng mãi sau này. Con đường Thái Phiên với hàng cây vút cao như rừng giữa phố, vây quanh những ngôi nhà cũ kỹ mà bây giờ người ta hay nhìn ra thành phố cổ nên thơ. Con đường Bạch Đằng dọc theo sông Hàn vẫn những gốc si già cổ thụ mốc trắng, còn hằn những dấu vết ngày trước người ta buộc thuyền vào đấy rồi dạo gió lên bờ. Những kỷ niệm Đà Nẵng hay nỗi lòng cuả kẻ xa quê. Bây giờ mà đi tìm một quán cà phê xưa vẫn ngồi lênh đênh cùng nhạc Trịnh thì làm thế nào mà tìm. Vậy mà đi. Thành phố lớn nhất miền Trung này bây giờ nhỏ như lòng bàn tay của Thúy. Qua cầu đến biển. Biển nhớ với những giọt tháp Chàm mưa như nước mắt ấy chắc là biển của Bình Định. Còn biển Đà Nẵng là biển quên...
Huế trong lòng tôi rêu phong gấp mấy lần Huế mà tôi đang thấy. Thèm một chút rêu trong tâm tưởng để chìm trong mưa gió xa xưa.Thèm một tiếng chuông Thiên Mụ để ngân nga âm u mãi trong lòng. Cái canh gà Thọ Xương không còn để cho Bà Trời gióng lên một âm thanh ma quái. Nhưng nó vẫn còn ngân trong tai của kẻ đang mơ. Cái khúc quanh như đèo để lên chùa Thiên Mụ, một nữ sỹ xứ Huế đã dắt tôi ăn một tô bún bò ở đó. Tôi đã mang theo chai nước lọc khi đi ăn bún vì sợ cay, nhưng rồi ra chai nước vẫn nguyên. Cái vị cay the thắt đã ngấm vào những chân tóc mướt mồ hôi. Sông Hương ngay trước mắt mà vẫn xa mờ. Người ta nói trên ngọn nguồn con sông này đã chảy qua những khu rừng lá thơm như tóc người con gái Huế. Sông Hương là sông thơm. Cái thơm tho tinh khiết của rừng lá đầy hương hoa cỏ đã tan thành nước. Nhưng tôi đã đọc câu thơ dòng sông ấy ngọc tan thành nước rồi kia mà. Chắc là ngọc tan ra để dòng sông thêm lấp lánh xanh trong. Ngọc ngà châu báu của một vương triều đã tan chìm vào đáy sông như chàng Trương Chi đã chìm trong đáy chén Mỵ Nương. Chỉ khác là Mỵ Nương còn có những giọt nước mắt, tôi có gì để Huế có thể hiện lên mỗi khi mình nhớ, mình xa. Thôi mỗi lần nhơ Huế lànhớ về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Xin một lần cùng ông cái chai không rượu tôi còn vỏ chai để ngấm, để tan vào Huế thương yêu. Để thèm được sông Hương hóa rượu ta đến uống/ ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say. Ngả nghiêng giấc mơ đêm của nhà thơ hay hát đồng dao cho những người lớn mà vẫn còn thèm yêu, nên người lớn vẫn còn xa xót xin em đừng tha thứ hay giận hờn. Thôi, vuốt những giọt li ti trên mí mắt để mà quên. Chỉ người lớn mới hờn trách nhau dai dẳng, chứ Huế có giận ai lâu bao giờ.
Người ta bảo Quảng Trị là ngã ba Đông Dương. Vùng đất nổi tiếng với mùa hè 1972 lịch sử. Cái mùa hè máu pha nước mắt để thành Cổ trở thành thành lũy lòng người. Bài thơ về những người lính ra trận với viên bi trong túi áo và tiếng ve mùa hạ oà vỡ của Hoàng Nhuận Cầm chắc là viết cho mùa hạ này. Biết bao người trai chưa kịp cởi áo học trò đã xanh màu trận. Và đã đi qua đây. Cây cầu Hiền Lương đã trở thành nỗi đau, thành vết vỡ đôi của đất nước suốt hai mươi năm. Con sông mà hai bờ gần nhau đến nỗi đứng ở bờ Nam nhìn những thôn xóm miền Bắc hiện rõ mồn một đến từng dáng người, tưởng như ới lên một tiếng, vẫy tay một cái là với tới nhau được ngay (Hoàng Phủ). Nhưng chiến tranh có bao giờ chịu đi đường thẳng, cuộc chiến đã vòng theo bao nhiêu súng đạn, khổ đau và nước mắt. Để hai mươi năm sau người dân Việt Nam mới được thanh thản qua cầu. Cây cầu cắt chia đất nước như một vết chém đã liền sẹo nhưng những vết thương lòng bao giờ mới nguôi ngoai. Bởi những cuộc chiến tranh chỉ có bắt đầu chứ có bao giờ kết thúc, nó còn lại mãi trong những giọt nước mắt của người vợ chờ chồng, người mẹ mong con.
Quảng Bình gió Lào cát trắng. Vùng đất của Mẹ ru con cát sạn hàm răng. Xuân Quỳnh rực rỡ của thời xanh non tơ tằm chồi biếc cũng đã tự hát Vùng gió Lào cát trắng của đời tôi / tôi của nắng của gió Lào khắc nghiệt. Quảng Bình của danh tướng Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã khai phá phương Nam cho Tổ quốc vươn cánh tay dài ra mãi. Quảng Bình để bước lên đèo Ngang mà đổ về xứ Nghệ. Vùng đất mà nhà văn Hoàng Phủ đã ví là một Hy Lạp của Việt Nam, đã cung cấp không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt cho dân tộc. Ông đã liệt kê một danh sách dài dằng dặc mà thiếu những ngôi sao ấy không biết lịch sử của dân tộc sẽ phải viết lại như thế nào.
Nhưng mơ đến đâu rồi chân cũng chạm đất. Vinh đang mùa thi Đại học. Sĩ tử trẩy hội kín các nẻo đường. Không một phòng nào còn trống. Không được nằm lại với Vinh một đêm để ngậm tan ra trong miệng một miếng lươn um mà lúc ở nhà có người đã dặn. Trời đã tối mờ, người đã chùng mà vẫn phải đếm từng cột cây số trên đường ra Thanh Hóa. Thanh Hóa của Đò Lèn, Cầu Bố của Nguyễn Duy. Cây cầu Bố nhưng bé con con bước mấy bước chân làm tôi ngỡ ngàng. Làm sao có thể ngờ rằng cái vệt xi măng mấy mét ấy có thể vào thơ và bay xa đến thế. Và nhiều người yêu đến thế! Ôi chao, Nguyễn Duy...Rơm rạ ơi ta trở về đây / Xin cúi lạy những vong linh làng mạc. Thanh Hóa tôi có người thầy thương tôi như em xem tôi như bạn . Đã vào Daklak và đã ra đi. Những phận người còn ham xê dịch, những ước ao chưa chịu nằm yên. Con người ta luôn luôn có những khoảng trống trong trí nhớ vì những cuộc chia tay này. Sao khi người ta yêu nhau thường ít được gần nhau, hay là gần nhau đến thế nào cũng không đủ không vừa không thỏa si mê. Người thầy của tôi đã bắt đầu ở Tây Nguyên những ngày trẻ xanh đầy cơ cực và chia tay với rất nhiều tóc bạc trên đầu.
Rời Thanh Hóa, quốc lộ I chui qua dãy Tam Điệp. Dãy núi ngày xưa Quang Trung Nguyễn Huệ đã ém quân để làm một cuộc xuất binh thần tốc về kinh thành Thăng Long, tạo nên một trong những chiến công vĩ đại nhất của lịch sử chống ngoại xâm đầy máu và nước mắt của dân tộc. Vòng xe quay cũng bất ngờ rít xé như tiếng vó ngựa thuở nào. Cảm giác mênh mang khi ngỡ chuyến xe đang cùng với những thớt voi hùng dũng của Quang Trung với áo bào đỏ rực thần tốc đi như gió. Chưa kịp định thần thì Phủ Lý về như chớp mắt. Phủ Lý, nơi người bạn tôi là Vũ đã sống đầy ắp tuổi thơ với những lần trốn học bị đòn roi, rồi trôi vào Daklak hết một thời hoa niên. Vũ đã mang vào vùng cao này một hồn thơ lối xưa xe ngựa, một chút rêu phong, một chút lang bạt kỳ hồ được Vũ tự nhân lên rất nhiều lần mà chả để làm gì. Cũng chỉ là chút ngông cuồng tuổi trẻ, một cách tự hành xác mình mà yêu mà viết. Ta vốn sợ những chiều mưa Bác Cổ / mắt cầu vồng ngơ ngác giọt mồ côi. Vũ lúc nào cũng vậy, đau đáu về một Hà Nội vơi mối tình đầu tưởng tượng và một người bố về hưu sống một mình (Vũ vào Daklak sống với mẹ). Tôi đãđi tìm cái chiều mưa có tên Bác Cổ ấy, đã lang thang trên lề đường gạch vỡ của nhiều góc phố nhưng vẫn không phải là Bác Cổ của Vũ. Hà Nội của Vũ là những chuyến xe điện chạy leng keng, làque kem một hào bên bờ Hồ làm sao có thể ngơ ngác mồ côi bên một Viễn Đông Bác Cổ láp lánh sang trọng như bây giờ tôi thấy. Hà Nội của Vũ không phải hoa sữa mà là hoa bằng lăng tím bên Láng Hạ, không phải hương hoa sữa mà hương ngọc lan thoang thoảng đêm về. Vũ nói hoa sữa thơm khó chịu, ngọc lan thơm dịu dàng. Hà Nội của Vũ có người bạn làm thơ thời Vũ ra học, bài thơ tả một người con gái vội chen lên tàu điện cứa đứt ngón tay, chả thấy chảy máu gì mà xuýt xoa đau mãi. Những bài thơ tập tễnh với một ước vọng thi vào trường viết văn rồi cũng xa dần với bóng hình tưởng tượng ấy. Người con gái Vũ đặt tên là Ngô Thúy Hằng. Để mà nhớ, rồi ra sau này còn kể với nhau.
Hà Nội chỉ mấy bước chân đã nhìn ra Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc có khu đồi vây quanh một cái hồ thật đẹp tên là Đại Lải, bên hồ là những thung lũng thật nhiều khúc quanh phủ đầy sỏi. Những khúc quanh mà tôi cứ tưởng tượng có con ngựa thồ màu trắng đeo chiếc lục lạc bằng bạc, gõ móng reo vang trong mỗi trưa hoa vàng như nắng. Tôi đã đi bộ hai vòng trên những con đường thật đẹp trải đầy sỏi ấy. Đi hai vòng vì vòng sau phải bỏ dép ra đi chân trần để những viên sỏi nghiến nhẹ nhàng dưới lòng bàn chân. Để được ngấm nỗi đau dịu dàng khi lạc vào một khu cổ tích mà chỉ có một mình, không có nàng công chúa nào cho cổ tích được yêu. Người ta bảo nếu bơi thuyền từ bên bờ hồ ra hòn đảo nhỏ xanh buốt ở giữa thì sẽ gặp được nàng công chúa có thật trong đời. Tôi đã đạp chiếc thuyền nước đến giữa chừng và đành quay lại, dành một chút dang dở tưởng tượng cho những giấc mơ đêm. Giấc mơ có long lanh tiếng sỏi vang vang hận / trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người. Cái bến Tầm Dương của Xuân Diệu ở đâu, làm sao tôi biết. Nhưng những tiếng sỏi vang vang hận thì ở đây tôi đã đạp những bước chân trần đau buốt tận giấc mơ.
Giấc mơ đã lạc đến Sapa. Sapa,cái chóp núi quanh năm mây trắng sương mù như người đội mũ bông kín mặt lúc nào cũng như chiêm bao chắp nối. Khi tôi còn ở nhà cũng từng có người bạn giữa đêm rét Sapa gọi điện về cứ như chơi mà biết bao nông nỗi. Những khoảng cách hoài phí của đời người. Những lần như vậy tôi lại đi tìm Vũ. Nhấc một ly rượu trắng. Rồi thôi. Về nằm giữa gối chăn mà đứa nào cũng còn lơ mơ rét. Sớm dậy còn phảng phất, hiu hiu. Bây giờ có gặp một Sapa đêm ngô nướng với rượu San lùng, một Sapa chợ tình có cô gái HMông nhìn tận mắt vẫn thèm về nhà nằm chờ Sapa gọi về những lần điện thoại như mê sảng của đêm.
Tôi đã mệt rồi. Giờ chỉ muốn nằm bóp đôi chân đã mỏi. Nhưng trí nhớ thì có bao giờ chịu nằm yên. Nó ngược lên tận Sơn la, nơi Hằng của Vũ đã theo chồng về đấy. Hồi đó Vũ ra cho tôi một đề bài “Mai người đi xa một ngàn cây số”, tôi cãi gần hai ngàn cây số chứ, Vũ vẫn không cười. Khi tôi còn đang vần vèo thì Vũ đã viết một ca khúc cho riêng mình, và thật điệu ”í a, í a...em theo chồng làm dâu Tây Bắc”. Tôi cười í a gì, í ẹ thì có. Đùa thôi mà Vũ vẫn buồn. Vũ cứ sợ tôi không hiểu. Vũ phải nói là Vũ từng sống ở đấy, cái vùng Hát Lót có con suối không cần buông câu, chỉ ngồi chờ cá búng lên bờ. Con cá nướng ấy có hay không hay cũng vẫn là con cá tưởng tượng mỗi khi Vũ có rượu vào. Mà Vũ có xuôi ngược gì ở Sơn La đâu. Sơn La của Vũ là Sơn La trong thương nhớ, Sơn La của những câu chuyện tình. Con trai con gái yêu nhau không lấy được nhau thì cùng nhau trồng một cây hoa rù rì. Đến khi nào hoa nở ra thì người ta quên được lời thề, không còn nước mắt, không còn hờn trách, thanh thản như người không quen. Nhưng rồi cây hoa của Vũ không nở được bông nào, cái bông hoa giải thoát đã không có nên Vũ phải ôm cầm mãi mãi. Sao lại không hiểu,Vũ? Mình hiểu Vũ đến từng nhịp thở. Giờ ngồi viết những dòng này, một mình mang mãi những bữa rượu gió mưa ấy làm sao chịu nổi. Rồi ra ai đó sẽ đọc nó cho Vũ nhẹ lòng, sẽ chạm nụ hôn vào để cho đá sỏi hóa thành những viên thủy tinh bảy màu trong suốt, lăn như là nước mắt Vũ ngày mưa...
tháng 7 năm 2002