Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.142.366
 
Rừng Nauy, thực tại ngọt ngào, bí ẩn…
Khánh Phương

Rừng Nauy của Mưrakami kể lại chuyện tình yêu mãnh liệt và đau đớn của những người trẻ tuổi ở nước Nhật vào những năm 1960. Cũng như loạt tiểu thuyết tiếp theo của Mưrakami được xếp vào hàng danh tác vĩ đại trên thế giới: Biên niên ký sự chim vặn giây cót, Kafka bên bờ sóng, Phía Đông biên giới phía Tây mặt trời… tác phẩm góp phần thể hiện cuộc đấu tranh cảm động của con người giành lại thực tại và bản ngã trong đời sống xã hội cơ giới đầy dục vọng.

 

Trong cuộc tranh đấu ấy, họ bị đẩy đến ranh giới của nỗi cô đơn và từng có lúc đối mặt với cái chết.

 

Nếu như nhà văn vĩ đại của nước Nhật Yashunari Kawabata đem đến với thế giới vẻ đẹp văn chương tinh khiết và cao quý như tuyết sáng trên đỉnh núi Phú sĩ, thì Harưki Mưrakami là dòng chảy của tinh thần Nhật Bản cuồn cuộn đến mọi ngóc ngách của đời sống đương đại , tắm gội những suy tư của con người bằng tư tưởng nhân đạo và tự do.

Cuốn sách của lòng yêu con người

 

Đọc Rừng Nauy, bạn đọc có thể gặp một thiên nhiên quen thuộc của nước Nhật: rặng núi, cánh đồng hoa, tàu cao tốc lướt đi giữa bầu trời và mặt biển xanh chói lọi… Nhưng đó là một thiên nhiên biết đồng cảm sẻ chia những vương vấn khúc mắc của tâm tưởng, thúc giục dòng suy tư, khơi dậy đời sống nội tâm của của con người- một thiên nhiên có linh hồn. Nhân vật của Mưrakami, hễ cứ bước ra khổi căn phòng chật, chỗ trú thân tạm thời với những mảnh đời lộn xộn buồn lẫn vui, là được bao bọc nâng đỡ bởi thiên nhiên, với mối giao cảm vốn dĩ giữa hai bên.

 

Watanabe Torư, nhân vật nam chính của rừng Nauy, sau hơn hai chục năm, hồi tưởng lại mối tình đầu, tình yêu làm biến đổi mãnh liệt cuộc sống của anh; đã nhớ về cánh đồng cỏ mận, ngọn gió, “những rặng núi thẳm xanh rỡ ràng” và bầu trời khoáng đạt… vừa như chứng nhân của tình yêu, vừa như một “cái tôi” khác cao lớn hơn, thúc giục những khát vọng, gọi mời đến một bản thể lớn lao.

 

Có thể tìm thấy tinh thần ấy trong những dòng văn sắc không ánh lên vẻ rạng rỡ tinh khiết của Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết, Cố đô… hay sâu xa hơn, trong triết lý vạn thể hữu linh truyền đời từ hàng ngàn năm của người dân Nhật Bản.

 

Mưrakami đã nhìn con người như như một phần khăng khít của thiên nhiên, đời sống tự nhiên, và cũng chính ông chỉ ra, Tự nhiên như một phẩm chất của con người, như bản chất Người.

 

Không phải con người với vỏ bọc xã hội, nghĩa vụ luân lý, những tham vọng cá nhân hay lý tưởng chủ quan. Đó là con người, như R. Tagore từng mong đợi: Thực là em/ xin em hãy đến/ đừng băn khoăn vì một màu áo/ đừng bận lòng vì tóc mây em chưa kịp chải  hồi chiều…*

- Con người dám chối từ những định ước, sự ngụy tạo bề ngoài để sống trung thực với cảm xúc, khát vọng của bản thân.

           

Vứt bỏ những ngộ nhận về “sức mạnh”: tiền tài, sự tranh giành ảnh hưởng đối với kẻ khác, nhân vật của Mưrakami chỉ còn biết trông cậy vào những năng lực nội tâm. Họ thực sự cô đơn và sẵn mang bản năng tha thiết hướng tới con người, bản năng được sẻ chia, nâng đỡ và bảo vệ.

           

Viết về tình yêu, tình dục, Mưrakami đã xem đó như biểu hiện mãnh liệt và sâu kín nhất của bản tính tự nhiên, bản tính người.

            Các nhân vật nữ của ông, trừ Naoko vốn dĩ xinh đẹp nhưng vẫn có lúc bất toàn, thảy đều không hoàn hảo về hình thức. Vẻ đẹp của họ là phẩm chất nội tâm và những khát vọng tính nữ.

           

Watanabe Torư cũng là một cậu trai hết sức bình thường, không có mấy chí lập thân, tài năng hay tiền bạc, nhưng lại có sức quyến rũ ghê gớm. Sức hút của anh chính là lòng trung thực, tính giản dị không chút màu mè, và quan trọng hơn, sẵn lòng cảm thông và lắng nghe. Điều cuốn hút anh là bản thân cuộc sống sinh động đang diễn ra chung quanh chứ không phải những mục tiêu cá nhân. Có lẽ vì thế mà Torư đủ năng lực sẻ chia nâng đỡ, kể cả với người không quen biết, mà không hề cảm thấy bản thân phải hy sinh hay chịu sức ép luân lý.

Cả ba người phụ nữ tuyệt diệu, ba nhân vật nữ chính của Rừng Nauy, dù ở độ tuổi và cá tính khác nhau, đều “phải lòng” Torư và tìm thấy ở anh một nơi nương tựa của trái tim, một tấm gương soi những giá trị thực của mình.

             

Liệu có gì đó không ổn? Sẽ không có gì “không ổn”, bởi quan niệm của Mưrakami, tình yêu, con người hay hạnh phúc, thực ra là sự sẻ chia và dám sống thực với chính mình.

             

Ông đã mở toang cánh cửa cho luồng gió của cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 ở Nhật Bản tràn vào tác phẩm. Nhân vật của Mưrakami phải đối diện với đủ mọi quan niệm tình dục, kể cả tình dục đồng giới, tự khoái, hay chính những ẩn ức tính dục sâu kín và cụ thể nhất của bản thân.

             

Chính cái nhìn nhân đạo đã giúp cho ông nhận rõ, cốt lõi của công cuộc giải phóng tình dục không phải “tình dục bừa bãi”; mà là giải phóng nhân tính và con người khỏi những luân lý cứng nhắc và giả tạo, chấp nhận cả những dị biệt của Tự nhiên, thêm cơ hội cho tình yêu tự do, đích thực giữa con người.

            Vượt lên những định chế

            Trong các tiểu thuyết khác, nhiều lần Mưrakami truyền tải một  nỗi ám ảnh “ Dường như những gì do con người cảm nhận được còn thực hơn rất nhiều so với cái đã xảy ra trong hiện thực. Sự thật không phải là những gì trên thực tế đã xảy ra mà là những gì diễn ra trong tâm tưởng con người”. Cũng bằng cách đó, ông mở cánh cửa bước vào thế giới siêu thực, khẳng định năng lực tưởng tượng mãnh liệt của con người vượt ra ngoài sự bó buộc cơ giới và vận hành của xã hội vật chất. “ Thực tại” có ý nghĩa đối với Mưrakami là thực tại do những nỗ lực không ngừng của con người nắm bắt chiều sâu nội giới, để lại dấu ấn bản ngã trong hình bóng rộng lớn của tự nhiên.

 

Rừng Nauy không có bóng dáng cụ thể của cái ác hay một thế lực xã hội đen tối nào đó đè nặng. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận được một cuộc tranh đấu âm thầm và quyết liệt trong tất cả các nhân vật để bảo toàn thế giới riêng tư, năng lực tự tại và những quan niệm cá nhân về đời sống hay sự sống. Đắm say, hết mình và toàn tâm toàn ý cho tình yêu, như bất cứ “ Romeo và Julliet” thời nào cũng vậy, nhưng các nhân vật của Mưrakami nhờ có tình yêu được sống sâu đậm và mãnh liệt nhất với nội giới và “cái tôi” của mình. Cũng bằng tình yêu, họ tạo ra một thực tại khác, ngọt ngào, bí ẩn, mang dấu ấn sâu đậm của bản ngã trong vô tận lớn lao bản thể của tự nhiên.

           

Có lẽ đó chính là lý do vì sao Rừng Nauy chiếm được cảm tình của nhiều tầng lớp độc giả các lứa tuổi, ở nước Nhật và cả các nước phương Tây có truyền thống tự do.

           

Trong thế giới riêng tư đối diện với chính bản thân, con người của Mưrakami thường xuyên nhận thấy ám ảnh sự chết như một phần sự sống. “Bởi vì có cái chết nên người ta mới băn khoăn nhiều đến thế về sự sống” – trong một cuốn sách khác ông viết. Cái chết được xem là một động lực tinh thần, nhu cầu khám phá cái chết cũng mạnh mẽ như nhu cầu khám phá sự sống. Sự chết, trong thế giới siêu hình được xem  như bắt đầu một cuộc tồn tại khác. Cái chết, đối với những nhân vật đầy sức sống, mạnh mẽ cả về tinh thần và thể chất của Mưrakami, là một cách để vượt khỏi những hạn định tinh thần và vật chất sẵn có (dù không phải cách duy nhất).

           

Rừng Nauy, một bản tình ca ngọt ngào phảng phất bóng dáng siêu hình, thông qua tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ để nói lên ý nghĩa cao quý của đời sống con người.

­­­­­­­­­­­­-----------------------------------------

Rừng Nauy

Dịch giả Trịnh Lữ, dịch từ bản tiếng Anh.

Do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty cổ phần văn hoá Nhã Nam liên kết xuất bản. Bản quyền tại VN do công ty cổ phần văn hoá Nhã Nam thực hiện.Số trang: 556.

* Trích trong tập Tặng vật của người yêu, thơ R. Tagore, người viết phỏng dịch.
Khánh Phương
Số lần đọc: 3576
Ngày đăng: 05.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lưu vong, một nỗi niềm từ quá khứ đến tương lai - Trương Thái Du
Đã tỏa sáng Huyền tích Kinh xưa - Trần Đương
Văn hóa truyền thống dân tộc Khmer trong dịp Lễ hội . - Trần Bắt Gặp
Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi - Hà văn Thùy
Nhân ngày Nhà báo VN 21-6 : Tính trung thực,nỗi cô đơn Đặng thuỳ Trâm và thế hệ trẻ hôm nay. - Triệu Xuân
Cám ơn Luật sư Cung Đình Thanh. - Hà văn Thùy
Sứ mệnh văn hoá của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định (*) - Nguyễn Thanh Mừng
Nhà thơ DƯ THỊ HOÀN trả lời bài phỏng vấn chuyên đề: văn-nghệ sĩ với bóng đá ! - Lý Đợi
Ngày Việt Nam vào WTO : Thử Nhìn Lại Vốn Xã Hội Việt Nam - Trần Kiêm Ðoàn
Hà Nội đã lưu trữ Hà Tiên Thập Vịnh do Mạc Thiên Tích và thi hữu xướng hoạ - Nguyễn Văn Hoa