Buổi sáng ở các con đường nhỏ phía sau chợ Bến Thành rất yên bình. Những con đường mà nhà nào cũng là khách sạn, có lẽ vì thế mà mọi người thức dậy muộn chăng. Người ta đủng đỉnh thức dậy, từ từ dọn hàng và hờ hửng uống cà phê hè phố... Những quán cà phê không bao giờ có bàn. Chỉ có những chiếc ghế con ngồi không giáp cái mông và cũng những chiếc ghế ấy làm bàn để cốc cà phê.
Mấy chiếc taxi mở toang cửa, tài xế túm tụm ngồi bên vỉa hè nhấm nháp cà phê. Một mùi hương sực nức không gian thường chỉ thấy trong các ngôi chùa. Trời se se buổi sáng như lãng đảng khói mà không phải khói, sương mà không phải sương. Hoá ra hôm nay là ngày mùng 2 âm lịch, người ta cúng cô hồn đấy mà. Bên cạnh mấy chiếc taxi mở cửa, chiếc nào cũng có một túm bánh trái vàng mã, gạo muối và 3 nén hương đang nghi ngút. Phần cúng nào cũng giống y như nhau. Một chị ngồi cạnh gốc cây điệp vàng với đôi quang gánh. Chị đang bận rộn đóng gói từng túi nhỏ: một nắm bánh xanh, đỏ (thứ mà đưa cho con nít không đưa nào chịu lấy), một mớ giấy vàng bạc (có cả đô la), một túi gạo muối bỏ trong bịch hàn kín lại bằng cây nhang đang cháy, chia rõ phần gạo, phần muối (giống như mấy tiệm tạp hoá bình dân bán đường, bột ngọt). Tất cả cho vào một túi xốp, kèm theo 3 cây nhang, cột chặt miệng. Một túi 5 ngàn đồng.
Chị bảo người ta bây giờ “tin tưởng”, “cúng kiến” lắm chú ơi. Ngày rằm, hay 30, mùng một, mùng 2 hay 16 âm lịch, ai cũng cúng hết, nhất là mấy người buôn bán. Không có thời gian nhưng ai cũng muốn có một bộ đồ cúng đủ lễ, tươm tất. Vậy là, chị trở thành người đi mua đồ lễ về bán cho họ. Hỏi chị mấy ngày bình thường chắc chị làm nghề khác chứ có ai cúng quảy gì nữa đâu. Chị trợn mắt. Có chứ. Ngày nào mà không cúng sao. Hôm nào cúng sao nào tui biết hết. Bộ đồ cúng sao cũng có khác. Có cả đèn cầy và một tờ giấy ghi rõ nên cắm nhang theo kiểu nào, câu khấn như thế nào nữa kìa. Nghề này sống được lắm đó. Nói tới đó thì một chiếc taxi vừa trờ tới, tài xế đưa tiền rồi cầm đại một túi về mở cửa xe loay hoay cúng. Cửa hàng bán xe máy gần đấy cũng mới vừa mở cửa sắt cái rẹt. Bà chủ xem chừng còn ngáy ngủ gọi ơi ới: cho một bịch cô hồn đi!
Cõi âm bây giờ cũng hội nhập, cũng xài đồ đóng gói sẳn, đồ ăn liền đấy chứ. Hôm trước đi vô siêu thị thấy có bán bò kho chay, bò hầm chay... đóng hộp. Đồ ăn chay mà mang tên đồ mặn tỷ như đùi gà chiên bơ, mắm kho thì xưa rồi. Bây giờ, người ta làm ăn khấm khá hơn cuộc sống tâm linh hình như cũng phong phú hơn. Rồi phú quý thì sinh lễ nghĩa ấy mà.
Ở Châu Đốc, nơi mà hàng năm khắp nơi người ta đổ về viếng miễu Bà Chúa Xứ, linh thiêng lắm. Mà đường đi thì xa xôi. Bây giờ, nghe nói có dịch vụ cúng dùm qua điện thoại. Ở Sài Gòn cứ gọi về đặt hàng. Cụ thể như cúng con heo bao nhiêu ký, tên gia chủ là gì, khấn điều gì...thì sẽ có người mang con heo như vậy vào cúng, có giấy chứng nhận “đã cúng” mang tên gia chủ. Rồi có cả hình kèm theo (nghe nói có nhận quay phim nữa) gởi tới nhà mới trả tiền. Tiện lợi hết sức. Chỉ khổ cho Bà Chúa và tuỳ tùng ở trển cứ hưởng đi hưởng lại có một con heo mà phải chứng giám cho biết bao người.
Có chuyện đùa rằng. Một ông đi tạ lễ bà Chúa Kho ở ngoài Bắc. Ông khấn rằng ông xin cảm ơn vì Bà đã ban cho ông của rơi của vãi để ông có được một ngôi nhà ba tầng năm rồi. Tối hôm đó, ông nằm mơ thấy bà báo mộng rằng: lần sau khỏi đến tạ lễ cho ta nữa vì Ngọc Hoàng đã cách chức ta rồi! Ai đời làm thủ kho như ta mà để của rơi vãi đến nỗi mi cất được nhà lầu....
Trong bộ hàng mã để cúng vốn đã có đô la, vàng bạc, rồi đây sẽ có thẻ VISA, Master, ATM...âm phủ cho mà xem.