Mỗi vật
phải thuộc về
Ai
Làm cho nó
tốt đẹp hơn
( Berton Brestzch )
Từ cung đình đến với dân đen
Những năm một ngàn tám trăm sáu mươi. Kinh đô Huế chuẩn bị đón thêm một mùa xuân. Cái nắng le lói càng làm không gian đầy vẩn mây chì như u uẩn thêm. Những rừng mai trên tả ngạn sông Hương, vườn mai trong đại nội đã thấp thoáng hé ra đôi cánh vàng mỏng manh. Đức vua vẫn náu mình trong chán nản và bế tắc. Tin vui cho đội tuồng ngự loan truyền khắp thành Huế, cũng là cái nôi của dòng tuồng Kinh, vua Tự Đức đã truyền cất bổng cái án chung thân đối với kép Vung, tức “sư Vung” sau khi xem một lớp diễn vừa hài hước vừa xỏ xiên của anh; kèm theo lời đe nẹt: “ Ví rằng có hai sư Vung thì đầu mi đã rời khỏi cổ tề!”
Nghệ thuật Tuồng, kể từ khi khai sinh, theo các nhà nghiên cứu, khoảng vào thế kỷ thứ 14, chỉ thực sự có đời sống mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ 18. Theo những cuộc mang gươm mở cõi ngày càng thêm quyết liệt, triệt để, với cái nôi mới Bình Định, Tuồng đã đi con đường thực sự và tất yếu của mình, từ chỗ xênh xang áo mão cung đình đến với những kiếp dân đen nơi bùn lầy nước đọng, nơi vạn chài muối chát, để trở thành một thứ nghệ thuật chuyên nghiệp có gốc rễ sâu rộng trong đời sống tinh thần cộng đồng( không phải phong trào). Từ những ảo tưởng cuối cùng về một chế độ vua sáng tôi hiền, cổ suý cho giá trị đạo đức và thẩm mỹ xoay quanh Trung quân- ái quốc, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín hay Trí Dũng Nhân, Tuồng cổ trong suốt hai thế kỷ tự trưởng thành và đến hồi cực thịnh đã trở thành nơi ký thác những ẩn ức về đời sống và tư tưởng của dân tộc trong thời kỳ mới. Những Bao Công tra án Quách Hoè, Trần Thế Mỹ bất nhận thê, Phụng nghi đình, Tam anh chiến Lã Bố, Tiết Cương chống búa, Sơn hậu... đến Nguyễn Trãi, Nhị độ mai, Chử đồng tử, Thạch Sanh... trở thành nơi gửi gắm niềm tin và thái độ sống trung thực, hào hiệp, nhân ái của một cộng đồng có thói quen tìm lối thoát từ triết lý duy cảm thậm chí duy tâm. Trong hoàn cảnh ý thức hệ phong kiến đã rời rã không còn đủ sức xốc dậy xóm làng suy tàn, kẻ chợ mai một, để làm một cuộc canh tân về kinh tế cũng như tổ chức xã hội; bên cạnh đó triết lý cứu nhân độ thế của nhà Phật, thoát tục vô vi của Lão tử hay đạo Mẫu nguyên sơ cũng trở nên nhợt nhạt, mỏng manh, mất dần sức sống trước những đợt sóng tràn bờ của đòi hỏi phải có một nền tảng mới cho toàn thể cuộc sống.
Người ta còn có thể tìm thấy trong Tuồng cổ niềm ngưỡng vọng đoái tiếc đối với một xã hội có truyền thống võ trị, ở đó những chiến công hiển hách nhất là đoạt lại chính nghĩa bằng thảo phạt, gìn giữ đạo lý và tình người bằng uy vũ. Những Cao Hoài Đức, Đào Tam Xuân, Khương Linh Tá, Tiết Cương... của Tuồng đều trả lời cho nỗi đau xé ruột khi người thân, anh em, chủ tướng bị hãm hại; bằng lưỡi gươm và đầu rơi máu chảy, nhưng đối với khán giả Tuồng, điều đó dần chỉ còn ý nghĩa diệt trừ cái ác. Từ nguyên gốc là những điển tích Trung quốc cổ xưa vốn nhuốm màu dã sử và quan niệm dân gian khoáng đạt, thừa hưởng thành tựu rực rỡ của giai đoạn tiểu thuyết Minh- Thanh, Tuồng cổ Việt Nam càng đi sâu vào đời sống càng trở thành đại diện sâu xa thiết thân của thẩm mỹ đại chúng, đơn giản là vun đắp cho tình người và loại trừ điều phi nghĩa.
Có lẽ, còn hơn chức năng của một nghệ thuật, Tuồng cổ đã âm thầm đóng vai trò cưu mang vun đắp những phẩm chất tinh thần của cộng đồng trong suốt một thời gian dài cả dân tộc chưa tìm ra lối thoát cho tư tưởng và sự sống tồn.
Không có chỗ cho sự yếm thế
Những thập kỷ đầu thế kỷ 20, Tuồng vẫn là nghệ thuật được “đại chúng hoá” thấu đáo nhất, thống lĩnh đời sống sân khấu từ thành thị đến thôn quê. Ba dòng Tuồng: Bắc, Trung và Tuồng Kinh chiếm cứ đầy đủ ba địa bàn quan trọng, dòng nào cũng sung sức và rực rỡ. Tuồng Bắc nhấn vào xung đột tính cách nhân vật, trung- nịnh, cương- nhu, mê- tỉnh, đạo nghĩa- vô đạo... lịch lãm thanh thoát. Tuồng Kinh thiên về khắc hoạ xung đột nội tâm, hai mặt thật- giả, biểu lộ- không biểu lộ, thâm thuý và tinh tế. Tuồng Trung mực thước, vũ đạo diêu luyện nhưng tiết tấu hơi chậm. Đến nay, nghệ thuật Tuồng chỉ còn sống dở chết dở ở hai trung tâm văn hoá lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và quê Tuồng Huế, Bình Định..., chủ yếu nhờ hà hơi tiếp sức của nhà nước và những quỹ văn hoá nghệ thuật quốc tế.
Phải thừa nhận những đặc trưng của Tuồng: lối thể hiện cường điệu trong hát và bộ( ca, múa), tính cách điệu tới mức tuyệt đối hoá từ nội dung cho tới các trình thức biểu diễn, đã trở thành những khoảng cách để nghệ thuật này có thể tiếp tục truyền tải tính đa chiều phức hợp của đời sống và con người hiện đại. Tuồng đã làm tròn phận sự nâng đỡ tinh thần của dân tộc qua bước nao lung, trở về với một số ít công chúng. Nhưng thân phận một nghệ thuật truyền thống không đơn giản như vậy.
Nghệ sĩ tuồng kỳ cựu Lê Bá Tùng nhớ lại, thuở nhỏ ông từng trốn học đi diễn tuồng với lũ trẻ xóm bình dân. Hái lá đa lá đề làm mũ mạng, tước lá chuối làm râu, đũa cả nhuộm đỏ xanh thành thương mác, cũng bôi vôi, son đỏ, nhọ nồi làm đủ cả kép trắng, đỏ, đen. Niềm đam mê không thể cưỡng lại, buộc phải trút sang từ lá cây ngọn cỏ đến anh bạn đồng môn, của bất cứ tuổi ấu thơ nào, cũng là được ướm mình vào vóc dáng của những vị anh hùng chiến trận ngoài kích cỡ bình thường. Tuồng cổ của thế kỷ 18 thực ra đã ươm mầm cho một số trong những nghệ sĩ ngày hôm nay. Và có gần Tuồng mới hiểu, khả năng làm đẹp, làm tinh thêm cho những lớp diễn nội tâm vốn phức tạp và tinh tế chẳng kém gì trên sân khấu hiện đại, từ mỗi người nghệ sĩ kế tiếp là vô hạn. Đã chấp nhận Ôtenlo, Ông già và biển cả...(những thử nghiệm sân khấu sử dụng chất liệu và trình thức tuồng truyền thống), thực ra Tuồng không hề xa cách với bất cứ ai hoặc bất cứ thiên tư sáng tạo nào. Bởi vì nghệ thuật không có chỗ cho sự yếm thế.