Ap thấp nhiệt đới đã mạnh dần lên thành bão. Cơn bão sớm khi đổ bộ vào bờ đã thành bão lớn, mang cái tên rất mỹ miều: Victoria. Trái mùa nên không có tháng tám rong may…, chỉ mưa tối đất tối trời. Và tiên phong hả hê gió. Điện cúp lúc phía biển nghe mù tung vó ngựa chủ tướng.
Tôi đã chốt kỹ cửa khi chiều và kịp mua về cái đèn pin, mấy cây nến. Ngọn lửa cứ rùng mình cảm lạnh. Nhưng nó cũng thân thiết như bóng đêm với người điên, đã từ lâu nó hắt bóng vang động vào thinh không- những ngôi sao xa cũng hiêng hiếng mắt nhìn trong những đêm yên tĩnh.
Sếp bảo: “Ông Tấn về hưu tớ sẽ đề bạt cậu làm phó giám đốc!” Tôi khúm núm biết ơn. Vợ tôi cảnh giác: “Cấp trưởng phòng đến mấy chục, chắc lão cũng đãnói mấy chục lần như thế!” Tôi nói tôi là người có năng lực nhất, vợ tôi nói ai cũng nghĩ về mình như thế và tin rằng vị trí của mình đáng lẽ phải cao hơn nhiều, còn cao tới đâu thì họ thường khiêm tốn không tiết lộ. Tôi nghĩ đàn bà thì biết gì nhưng vẫn ngờ ngợ: gần đây ở cơ quan, đám trưởng phó phòng có vẻ mặt chỉn chu hơn trước. Họ tự tin hơn tôi khi gọi món mắm ruột cà dĩa- món bình dân khoái khẩu sếp ưa từ thời còn chận bò, giờ thành thứ khai vị có tính truyền thống trước khi nếm sơn hào hải vị- bọn tôi đều thích món này cũng như thuốc con mèo và bia con cọp của sếp. Tôi rụt rè vì có lần hố to: đã năm phút trôi qua mà cái bao tử cá lóc bà chủ xếp riêng trên đĩa nhỏ vẫn không ai đụng đến, tôi cầm lòng chẳng đậu, thò đũa, nhanh như điện xẹt, một đôi đũa khác đè lên đũa tôi kèm theo văn bản mai phục từ lâu: “Cái này để anh bốn!”, rồi thánh thót, cái bản năng khốn nạn của tôi từ đĩa chuyền vào chén sếp- thằng trưởng phòng tổ chức đã làm tốt nhiệm vụ, còn tôi về nhà đào hố úp mặt xuống rủa anh bốn lù đúng một trăm lần mà vẫn không rứt được cái cục nhục thuộc cấp!
Thằng bạn nhà thơ viết “Vô sở khứ vô sở lai/ Tôi ngồi nghe đất dạy bài khai tâm”*. Đất im lặng nuốt câu chửi của tôi, im lặng nhận thi hài ông bà tổ tiên tôi từ bờ nam sông Dương Tử qua hay từ đảo Java lại tôi không thể biết, con trai năm tuổi của tôi thì rất rõ ràng rằng quê gốc của nó là nhà nội, nội đẻ ra ba. Giờ đất trắng lăng nước từ trời rơi xuống, từ dòng suối trước nhà duềnh lên, gần núi nên nó vẫn là nước khách, nước khách rất hỗn, ầm ào đến không kịp trớ rồi cũng nhanh đi. Nó cuốn phăng phăng rác rìu cây cối xác chết và sống tươi nguyên và thối rữa…, tất cả, ra biển. Biển đục ngầu rồi trầm tích, trong veo những hạt li ti bay lên vô sở khứ vô sở lai.
Có nhiều tiếng đổ vỡ cùng gió vô hồi cuồng khấu. Mái tôn nhấp nhỏm ré nước. Một mảnh trời xam xám rách ngoằn ngoèo. Vợ con tôi ú ớ như ngủ mê. Tôi ngồi thức với ngọn nến bóng đè ngó thánh hiền “Xử vô vi chi sự/ Hành bất ngôn chi giáo”.
Má tôi thì khác. Bà ca cẩm: “Nói thì hay lắm, xoá đói giảm nghèo, đổi đời cho người nông dân… lứa sữa nào cũng chê ỏng chê eo đành giao cho tư nhân cắt cổ!” Thằng em tôi cộc cằn: “Tui đã nói mà không nghe. Hết “cây dừa ba lợi ích” đến cây bông, cây cao su tiểu điền rồi cây mía nổ bôm bốp trước cổng nhà máy, giờ đến lượt con bò sữa! Thằng bạn tui nói nhà máy nó nhập sữa bột về chế biến lợi hơn mua sữa tươi của nông dân. Điệu này bán nhà trả nợ vay!” Ba tôi ôn tồn giải thích rằng người ta học hết cơm hết gạo mới nghĩ được cách thức làm ăn giúp dân chớ bày chuyện sai thì nhà nước được lợi gì. Đã nghìn năm qua ông gieo hạt. Cây lúa mọc lên qua nghìn lần bão lụt xác xơ rã beèng, qua nghìn lần khô hạn ngửa mặt ngóng những đám mây tả tơi gió cuốn, khum bàn tay tái nhợt mưa phùn che gió rít thuốc rồi nhặt về những hạt vàng chưa nứt mép, nâng niu cho mùa sau. Dẫu nghìn lần làm lại ông cũng rã rời đứng dậy, rồi gieo.
Có xô sữa nào bị nước cuốn ra biển làm thay đổi trầm tích không, tôi không biết. Nhưng nghìn giọt mưu sinh thì làm cho biển mặn.
Ngoài trời bỗng lặng thinh một cách đáng ngờ. “Mặc như lôi”. Ba tôi bảo lại nồm sập nhà ngã cây nhiều hơn vì trước đó gồng lên chống đỡ hướng ngược lại đã hết sức hoặc thành thói quen. A ha, thánh hiền mà hồ đồ như tôi chắc sẽ nói câu đại loại trời đất cũng dạy ta hai mặt của một vấn đề. Chuyện tình và lý người ta thường vận dụng mà không hiểu gì ráo lại là chuyện khác. Tôn giáo vĩ đại vì phát minh ra thiên đường và địa ngục. Lịch sử song hành cùng anh hùng và tội đồ. Bạn tôi nói bi kịch là thuộc tính của anh hùng ca cũng như ngọn lửa là thuộc tính của bóng đêm. Tôi không tin mọi sự cứu rỗi. Lạy Chúa hãy cho con đức tin để gõ cửa và lạy Đức Phật nhân từ, con lục khắp kinh sách rồi không lục kinh sách mà chưa kiến tánh! Đấng chăn chiên thường rao giảng đức tin, thứ họ không có!
Bão đang cười ré trên mái tôn mỏng mảnh niềm tin. Ba tôi mạnh mẽ hơn tôi: ông đã già và không tư biện.
- A lô! Một lẻ tám đây!
- Anh ơi em mất chìa khoá nhà rồi mà chồng em sắp về! Đáng lý ngày mai ảnh mới về chứ không phải đêm nay!… Không, bãi cỏ tối om tìm làm sao được… Anh cho em địa chỉ thợ chữa khoá đi!
Những người thợ sửa khoá gò lưng mài dũa kim loại kiếm nửa ký gạo cho một vật có giá trị kho tàng, những người bên rìa cuộc đời này chắt chiu từng vụn đạo đức lấp lánh. Họ làm vậy là thừa: kẻ đạo chích thực sự đã sẵn một quy trình công nghệ!
Nhưng còn đức hạnh, có cần chìa khoá cho cánh cửa đức hạnh không?
Nàng Madelaine cực kỳ quyến rủ trong tấm voan mỏng đang ngước đôi mắt sám hối lên nhìn Chúa. Những người đàn bà nông thôn bảo kiếm con. Nữ viên chức thị thành gọi chung là sự hưởng thụ chân chính!
Một tấm tôn bay roạt vào vô thuỷ vô chung. Tôi lia đèn pin: luồng ánh sáng đã trở nên vô ích!
“Đồ cứt luộc!”- bạn tôi thường bật ra câu đó nhận xét về một kẻ vô sỉ. Không hiểu sao khi luồng ánh sáng mất chỗ bấu víu tôi cũng buột miệng nói đúng ba tiếng ấy, cái thông điệp duy nhất gửi vào mưa bão.
Ngọn nến nổ lụp bụp nước mưa, có lúc lửa toé ra xèo xèo, ánh sáng chập chờn xao động. Gió tạt làm hoàn tất dần một bông hoa sáp sinh động, cuộc hoá thân kỳ ảo của nến lại là sự đành lừa thô thiển nhất của ngọn lửa sau những hoan ca. Tột đỉnh của khúc-hoan-ca-lửa là tiếng cười sằng sặc trên đài hoàn vũ, bản đại hợp xướng thanh âm vô biên này có nốt lặng cuối cùng là cái bình gốm tầm thường phải nộp thuế đất mặt tiền trong ngôi cổ tháp theo giá thị trường là hai chục triệu! Hoan hô Luật Đất Đai!
Ngọn nến thứ hai đã cháy lặng lẽ soi căn phòng ẩm ướt. Nàng Victoria mang một vết thương trên ngực hình tấm tôn. Sếp bảo: “Cậu còn trẻ, nhiều triển vọng!”, ba tôi vẫn kiên trì gieo trồng một thứ vật nuôi cây trồng nào đó. Bạn tôi bảo: “Mầy là thằng lương thiện!” Tôi thấy mình hèn. Đồ cứt luộc!
Cách trung tâm thành phố ba ki lô mét, bên rìa núi, con suối chính chảy xuống vòng ôm một mảnh vườn trồng nhiều chậu cây cảnh, chung quanh là hàng rào cừa nước giữ bờ. Hàng ngày có vợ chồng bìm bịp dạo trong vườn kiếm ăn như gà nhà. Nó làm tổ đâu đó trong các lùm cây. Vợ chồng quành quạch thường làm tổ trên các chậu kiểng: mai, xê ri, cùm rụm, hiện nay là trên chậu me. Đứng cách tổ một tầm tay nhìn con chim đang ấp nghiêng đầu ngó người, bạn tôi bảo: “Mầy đúng là sống cảnh tiên!”
Sáng ngày vợ tôi buồn bã nhìn mái nhà xộc xệch, rách toác một mảng, tôi kiểm tra số cây gãy đổ trước suối hình dung khối lượng công việc. Con trai tôi chạy vội lại chậu me. “Ba ơi! Chim nở rồi nè!!!”
Con chim mẹ đứng trên miệng tổ đã giũ sạch lông, nó ngó cha con tôi vẻ tự hào. Lõm khô trong tổ có ba miếng thịt đỏ hỏn phập phù thở.
Suối Trầu, 1- 7 -2004