Ngày 11-7-2006, Ban Công tác Hội Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các nhà thơ Lê Chí, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân; các nhà văn Trịnh Bửu Hoài, Vũ Hồng đã họp tại Cần Thơ để tìm cách thúc đẩy hoạt động sáng tác ở đồng bằng. Để giải quyết vấn đề trên, việc tìm kiếm các mối liên kết để tạo môi trường lao động nghệ thuật năng động, cởi mở, sôi nổi… đang được xem là giải pháp hàng đầu.
Với 35 cây bút là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống rải rác ở 12 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Hậu Giang) và hàng trăm hội viên Phân hội Văn học 13 tỉnh - thành, Ban Công tác Hội Nhà văn tại ĐBSCL mấy năm qua còn rất nhiều băn khoăn vì gần như không thể nắm bắt được hết hoạt động của giới cầm bút Đồng bằng, chưa thể có nhiều hoạt động thiết thực để kích thích không khí sáng tác, bồi dưỡng tài năng trẻ. Không khí sáng tác chung theo nhà thơ Song Hảo (Vĩnh Long) mô tả bằng mấy chữ “cứ giữ mãi sự trầm trầm”. Đánh giá này được nhiều người viết văn ở ĐBSCL đồng tình, bởi suốt thời gian dài các Phân hội Văn học của 13 tỉnh thành luôn hoạt động riêng lẻ, tổ chức tập huấn và trại sáng tác thưa thớt tùy theo tình hình tài chính của từng địa phương. Ban Công tác Hội Nhà văn thì chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức về kinh phí, tổ chức hay hoạt động mang tính chất nghề nghiệp của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho nên, Ban Công tác Hội Nhà văn ĐBSCL luôn băn khoăn vì chưa làm được gì nhiều, ngoài tạp chí Bông Sen, trang web vannghesongcuulong.org, bàn tròn văn xuôi được tổ chức không thường xuyên và công tác phát triển hội viên mới hằng năm.
Nhà thơ Lê Chí – Trưởng Ban Công tác Hội Nhà văn ĐBSCL cho rằng cần có sự liên kết hoạt động giữa các phân hội văn học các tỉnh, định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt nghề nghiệp hoặc trại sáng tác chung, quy ước việc phổ biến sáng tác mới trên tạp chí Bông Sen và trang web vannghesongcuulong.org. Chỉ khi có liên kết giữa các Phân hội Văn học, thì không khí sáng tác ở Đồng bằng mới có “sinh khí” tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, để làm được điều này, ít nhất Ban Công tác Hội Nhà văn ĐBSCL phải đi một vòng quanh 13 tỉnh thành, đặt ra các quy ước chung về tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp, nối mạng internet để các Phân hội Văn học hằng tuần đưa tác phẩm mới về với trang web chung hoặc tạp chí Bông Sen. Sau đó mới tính đến chuyện tìm nguồn kinh phí và tài trợ.
Trở ngại lớn nhất là nhiều nhà văn đồng bằng và cả các Phân hội Văn học các tỉnh thành chưa quen với internet và đời sống văn học trên mạng, thì làm sao có thể tạo được một môi trường trao đổi văn chương sôi động? Hơn nữa, vẫn chưa có cơ chế để các Phân hội Văn học liên kết hoạt động với nhau, tổ chức và chia sẻ nguồn kinh phí như thế nào.
Nếu như Ban Công tác Hội Nhà văn ĐBSCL có được sự ủng hộ về cơ chế tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam, cộng thêm sự mạnh dạn “nối mạng” (về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của Phân hội Văn học các tỉnh thành, là chuyện hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người tâm huyết với văn chương Đồng bằng. Thời gian qua, những trang web văn chương – đã trở thành trang web chung của giới sáng tác cả nước như vannghesongcuulong.org, vuhong.com, trotre.com… cũng là tiền đề và gợi ý tốt để có thể hy vọng rồi đây những cây bút Đồng bằng sẽ liên kết tạo lập thêm một mô hình mới cho giới sáng tác./.
(Theo Báo Cần Thơ, 13-7-2006)