- Con nhớ má quá, ba ơi.
Nghe con nhắc má, người cha trẻ xốn xang khó tả, nghĩ thương con quá. Bao lần con than câu này, người cha cũng rưng rưng. Có lần không kìm được, thấy con nhớ má khóc dữ, cha cũng khóc theo, rồi cha con ôm nhau mà khóc. Có hôm con la thống thiết, người cha cầm roi nhịp nhịp xuống đất, dọa nạt. Đứa con gái nín mất, rồi cha ra nhà sau ngồi lặng lẽ một mình. Chiều nay con nhắc câu này, cha nghe lòng rối rắm vô tận. Thấy hoàn cảnh cha con đơn chiếc, những người hàng xóm qua nhà hay nói gần nói xa. Người khuyên đi bước nữa, người nói bóng nói gió rằng bé Na cần mẹ. Mỗi lần như vậy, người cha trẻ bỏ đi hoặc phớt lờ chuyện khác nên cô bác lớn tuổi đành ngán ngẩm lắc đầu, nghĩ tội cho hai cha con. Mỗi khi hàng xóm có đám giỗ tiệc, người cha cõng con đòng đòng trên lưng, bé Na được dịp làm nũng, làm nịu. Hôm giỗ nhà Bác Hai, anh em bạn trai trong bàn khích bác, rồi nhắc lại chuyện mẹ bé Na, người cha ngừng ăn, xuống bàn, nắm tay bé Na te te dẫn về, làm mọi người nhìn theo hối lỗi. Từ đó, ba bé Na ít đến đám đông, kể cả quán cà phê đầu đường mỗi sáng.
Ở xóm này, bà con thân nhau lắm. Cứ quởn quởn sang nhà nhau chơi, nên nhà ai có chuyện thì ai ai cũng biết. Riêng chuyện mẹ bé Na theo trai đã hai năm rồi mà mọi người không quên, thỉnh thoảng dụm lại nhắc tiếp. Họ trách mẹ bé Na bạc tình, trách ba bé Na hời hợt, trách người đâu mà hiền thiệt hiền. Vài người mua bán qua lại biên giới quay về kể chuyện gặp mẹ bé Na. Có người thấy mẹ bé Na bán quán cà phê ở vùng biên giới. Họ tả mẹ bé Na bây giờ khô đét và tều tụy nhiều. Họ trò chuyện với mẹ bé Na, nhưng trò chuyện thì ít, nghe khóc thì nhiều. Có lẽ mẹ bé Na không dịp để khóc, chỉ khóc khi gặp người quen. Rồi họ nói, mẹ bé Na nhớ bé Na nhiều lắm nhưng không dám về thăm, không dám nhìn mặt chồng, không dám nhìn bà con lối xóm. Sau thời gian dắt mẹ bé Na biệt xứ mưu sinh, gã trai hoang đàng giục lình nhận ra mối dây ràng buộc gia đình nên quyết định chui qua biên giới, không quên dắt theo cô ả tiếp viên trong quán có gương mặt ngồ ngộ và số tiền còn lại do mẹ bé Na vay nóng trước đây. Từ đó, gã không bao giờ chui lại biên giới, bỏ mặc người vợ lộn nài bẻ ống đạp đổ gia đình để mưu cầu hạnh phúc trong vòng tay yêu đương của gã. Bây giờ bụng mang dạ chữa, nên mẹ bé Na sống trong cảm giác cô độc nơi xứ lạ quê người. Dù không muốn, nhưng thỉnh thoảng ba bé Na cũng nhặt nhạnh được chuyện. Mỗi lần như vậy đêm về khó ngủ, dắt tay lên trán, hết tay này tới tay kia, trằn trọc, nghĩ người đâu mà khờ vậy ta? Hôm mẹ bé Na dứt áo ra đi, ba bé Na mất ngủ liên tục, trông người chao dao, tối tối hay cầm cái rựa đi ra đầu ngõ, khuya khuya lại vô, rồi lên giường ôm con vào lòng. Những đêm sau nữa, người cha ngồi trước nhà chờ đợi tiếng chân người, nhưng chỉ tiếng lá cao su xào xạc, xào xạc trong đêm u tịch. Ngày ra đi, mẹ bé Na đem cầm bằng khoán lấy trăm triệu đồng, làm vốn. Không tiền chuộc lại, ba bé Na đành đánh đổi phân nửa đất vườn. Sau này cứ nhìn cao su, ba bé Na hận nhiều. Không hận mất đất, chỉ hận tình cầm bằng đổi thay. Dù có giận chín xe mười gánh, nhưng bây giờ nghe chuyện khốn khó của vợ, ba bé Na cảm giác đắng đắng, nghèn nghẹn ở trong lòng. Giá mà tình cạn thì thanh thản hơn.
"
Bé Na học lớp lá, về khoe viết được chữ Na, ba mừng lắm, dạy con tập chữ Ba. Bây giờ thì vậy, sắp tới con lên lớp cao, ba biết gì mà dạy. Như nhiều người trong làng, khi con hỏi bài, đành giả vờ phang ngang: Giờ này là giờ học bài đó hả - Ba đang làm việc này - Má đang bận nấu cơm… thực ra ba má nhìn vào cứ thấy con chữ nhảy múa quay cuồng trong hồi trống trận, không lẽ thú thật ba má dốt đặc. Nghĩ tới đó, ba bé Na giật mình. Bây giờ bé Na thuộc nhiều bài hát, thỉnh thoảng ngêu ngao cô giáo như mẹ hiền. Tối về con múa, bắt ba múa theo, ba giả đò quơ tay quơ chân phụ hoạ. Con để tóc dài, tự con cột lấy. Con cột hai chùm hai bên, đôi khi không ngay không đều. Nhìn con thương lắm, nhưng ba không là mẹ, nên không thể chỉnh lại cho đều cho ngay. Vừa rồi có thằng bạn thân từ thời mục đồng, hắn rủ ba đi nhậu nên ba nhờ bà Mười hàng xóm trông con. Đêm đó về khuya, thấy con thu rút thúc thít nơi góc giường, ba liền hỏi:
- Sao con không ngủ?
- Không có ba, con ngủ không được.
Cha ôm con gái vào lòng, chỉ ít phút sau, con đã vào giấc ngủ. Riêng đêm đó người cha say rượu mà thổn thức, phía dưới chiếc gối đầm đìa. Từ ngày mẹ bỏ ra đi, bé Na ngủ mớ gọi mẹ, lâu rồi thành quen. Mỗi lần nghe vậy, cha ứa nước mắt trong đêm, thương con không quên được mẹ, không quên hình ảnh ngày xưa! Rồi cha lọ mọ ngồi dậy đi nấu cà phê, chong mắt tới sáng, nghĩ không biết người ta có nhớ con không? Hết thương nhau đã đành, sao không thương con, không nghĩ đến con. Con gái phải cần có mẹ, để mẹ dạy nấu ăn, dạy nấu trái bồ kết, dạy may vá thêu thùa, dạy qua hàng xóm phụ giỗ phải làm thế này, thế nọ… Ngày con thành gia thất, chắc cha mừng lắm, cha chế hết các thứ lễ cưới, miễn thằng nào thương con, như cha từng thương mẹ. Không biết ngày đó mẹ có về, có lên làm lễ cưới hay không, hay lảng vảng đâu đó bên nhà hàng xóm nhìn sang. Mà lúc đó chắc cha già lắm, tay chân run lắm, mắt mũi lèm nhèm không còn tỏ nữa để đeo nhẫn cho con. Rồi cha sẽ nói, nói lời gởi gắm thông gia thế này, tội nghiệp con nhỏ, nó thiếu bàn tay dạy dỗ của mẹ nên còn vụng về, nay gởi về anh chị, mong anh chị thương nó như con… Trên đường tiễn dâu về, hôm ấy chắc trời sẽ mưa, mưa nhiều lắm.
Hôm bé Na đỗ bệnh, cha đưa con gái đi điều trị xa. Ở trong bệnh viện, thấy cha loay hoay ai cũng thương thương, hỏi mẹ đâu mà như Phạm Công ra trận. Ba bé Na nói “chết” sau đó nghĩ lại thấy thương, thấy mình ác miệng ác mồm. Giá mà chết thật để không hổ thẹn, chết thật trong lòng thì đâu phải đau, đâu phải ái nái với mình bởi lời giả dối, để rồi nhận được những lời chia buồn lại càng buồn hơn, tiếng thở dài như càng dài hơn. Khi ra viện, trông bé Na nhỏ thó, nhìn giống con mèo trong mưa. Bé Na nhớ nhà nên mong về lắm, người cha cõng con trên vai đạp lên xác lá cao su đầu ngõ nghe lào xào, cũng là lúc con chó đi hoang mấy ngày kịp về vẩy đuôi. Riêng tiếng “Na Na” của con chim sáo ngày ngày vẫn gọi bây giờ im lặng, không khí chết chóc bao trùm. Xung quanh lồng chim đầy kiến, ánh mắt chim sáo vẫn còn trơ ra, như chờ đợi, như tức tưởi dỗi hờn. Sau đó bé Na lặng lẽ ngồi khóc một mình, tiếng khóc yếu ớt và ngèn nghẹn ở trong lòng. Từ trong sâu thẳm của tâm hồn tuổi thơ, bé Na khẽ khàng: “Chim sáo của con chết rồi, ba ơi…”
"
Hôm nọ ông ngoại lên chơi, bé Na thích lắm, suốt ngày cứ bám riết bên ngoại. Ông mặc áo bà ba, bé Na thỉnh thoảng móc túi lấy bịt thuốc rê dấn cho ông hút. Nhìn con rể nấu cơm, ông chạnh lòng. Thấy con rể giặt giũ, ông buồn man mác xa xăm. Khi ăn cơm ông thường uống rượu, nhưng lần này khoát tay, ông bảo bệnh cha càng ngày càng nặng. Lần trước thăm con, ông đi một mạch, nhưng lần đi này, ông nghỉ từng chặp, từng chặp theo lô cao su. Lúc hay tin con gái bỏ chồng, ông giận lắm tuyên bố từ con, bảo “Tao có chết nó cũng đừng về”, rồi bắt đầu đỗ bệnh từ đó. Mỗi lần đến thăm bé Na, ông không bao giờ nhắc mẹ bé Na trước mặt con rể, chàng rể cũng không bao giờ nhắc vợ trước mặt nhạc gia, sợ chạm nỗi đau của cả hai người. Riêng ông ngoại dắt cháu ra vườn, thỉnh thoảng vẫn hỏi: “Có nhớ mẹ không Na?”. Bé Na bảo nhớ, hỏi ông ngoại chừng nào mẹ về, ông không nói, chỉ lặng câm ôm cháu vào lòng nghe nước mắt chảy ngược vào tim. Đêm đó, ông nằm trên võng, chòi chân xích xích mà nghĩ ngợi điều gì. Cuối cùng ông đành đánh tiếng:
- Còn giận vợ con không con?
- Cũng lâu rồi ba à… Con ráng mần nuôi con của con. Bây giờ chỉ mong vợ con hạnh phúc.
Người cha không nói gì cả. Không gian im bặt, nghe rỏ mồn một tiếng tắt kè tặt lưỡi trong đêm nên đêm càng u tịch, chỉ đóm sáng lập loè của điếu thuốc lá trên môi ông già thỉnh thoảng bập bùng.
- Con để ý đứa nào chưa con. Mày chịu, tao đi cưới liền.
Con rể không nói lời nào, nghĩ cha làm vậy lại càng khổ thêm. Ai đời cha vợ cưới dâu cho rể. Mà làm như vậy, cha có sung sướng gì đâu! Chắc rồi con cũng có vợ, bởi đàn ông đi biển có đôi, người ta vẫn nói như vậy kia mà. Nhưng giá mà yêu được ai kia, giá mà quên được một hình ảnh cũ, thì đâu phải quay quắt, đâu phải đối mặt vào đêm thế này. Hôm đó hai người thức trắng, hai người cha của hai thế hệ cùng suy nghĩ rất riêng về một nỗi buồn, dù chẳng ai nói ra. Sáng đó ông ngoại ra về, bé Na tiễn tận đầu lô, rồi tần ngần chờ ông mất hút mới quay vào nhà.
Ngày tháng đi qua, bệnh ngoại bé Na ngày càng nặng hơn. Khi nằm tại chỗ, ông ước ao được đi lại nhiều. Ông ước một lần tìm mẹ bé Na, gặp mẹ bé Na xem con thế nào. Vậy mà trước đây ông quyết từ con, bảo ông có chết con cũng đừng về. Thương con dại dột để rồi tha phương nơi xứ lạ quê người. Giá như con được hạnh phúc, còn đằng này lại càng khổ hơn, thì cha nhắm mắt sao đành. Hạnh phúc ngày xưa do con chọn lấy, bây giờ con đổi, thì ngọt bùi cay đắng con cũng cam lòng. Nhưng hai năm xa con, hai năm buồn vô tận, hai năm già đi trong bệnh tật ốm đau, sao con không một lần về!.
"
Một đêm có cơn gió mạnh, những chiếc lá cằn cỗi trên cành cao su đồng loạt rụng xuống, cũng là đêm ông ngoại lìa đời. Khi hay tin, cha con bé Na đùm túm quay về thọ tang. Ở quê, đám tang buồn lắm, nơi ít người lại càng buồn hơn. Ông ngoại bé Na chết không nhắm mắt, vuốt hoài không được, chỉ khi cha con bé Na về đến bên ông. Trong đôi mắt ấy, như có dòng lệ trào ứa trào ra. Những người phụ tang, dù lẳng lặng, nhưng ai cũng ngong ngóng điều gì. Mỗi lần tụng kinh, cha con bé Na ngồi lạy, cô bác nhìn vào ai cũng động lòng, thương cảnh gà trống nuôi con, thương chồng ngồi đây trả hiếu khi vợ mình xa tít mù khơi.
Đến gần ngày chôn, không biết ai đó báo tin thế nào mà mẹ bé Na hớt hải chạy về. Đến bên quan tài nàng khóc như mưa. Trong ngần ấy nước mắt, nửa phần nước mắt khóc cha, nửa phần còn lại khóc ngày đoàn viên. Rồi nàng lạy cha, trong đó có phần lạy chồng, một lạy cho sự tha thứ, một lạy trả nghĩa cho những ngày qua. Người chồng không nói lời nào trong ngẩn ngơ hồn phách. Mà nói cái gì bây giờ! Nhìn vợ bụng đã vượt mặt, thì im lặng hay trách cứ thì cứ vẫn đau, đành ra phía sau ngồi ngay bụi chuối. Riêng bé Na thấy mẹ khác lạ mà ngỡ ngàng, sau đó mẹ con ôm nhau khóc tiếp. Trong tiếng khóc của trẻ, người ta nghe có phần tức tưởi, có phần hờn dỗi, có phần hạnh phúc của sự đợi chờ. Mẹ có đi nữa không, bé Na nào đâu biết được. Mẹ bé Na cũng không biết được. Giá mà thai nhi vô danh không phải chào đời thì nỗi đau sẽ không hiện hữu, vì bé Na, mẹ sẽ quay về tạ lỗi với cha…
Thi hài ông ngoại chôn bên hông nhà. Ông nằm bên cạnh bà ngoại bé Na trên song mộ xây sẵn. Lo hữu sự xong, cha con bé Na thu dọn về nhà. Trước bàn hương án, cha con thắp nhang lần cuối cho ông. Thấy chồng thu dọn đồ đạc, mẹ bé Na bối rối vô cùng, như muốn nói điều gì, lại thôi, lại sợ người ta không nghe. Mà nói cái gì bây giờ, không lẽ nói lời xin lỗi muộn màng, không lẽ mình còn tư cách để nói. Rồi tần ngần mở lời:
- Cao su bây giờ đã cạo chưa anh.
- Cạo rồi, nhưng từ ngày cô đi, đất vườn cao su đã mất phân nửa.
- Con sáo bây giờ biết nói chưa anh.
- Nói rồi, nhưng sau đó đã chết, chết ngay những ngày con bệnh.
Ba bé Na trả lời cộc lốc, rồi thấy mình nhẫn tâm, thấy mình mai mỉa để được gì. Mẹ bé Na có đau thì đã đau rồi, ngay sau ngày tình phụ. Xét cho cùng nàng cũng đáng thương. Ai sẽ ở bên nàng khi nàng vượt cạn, ai bảo bọc sớm hôm khi tối lửa tắt đèn, ai phụ nàng chăm sóc cho con… Tại ba bé Na lo xa rồi nghĩ ngợi lung tung, chớ nếu trước đây vợ mình biết nghĩ, khi nàng đi rồi, chồng nàng sẽ phải nuôi con thế nào thì đâu nghịch cảnh, đâu phải éo le thế này.
Khi chồng con đi ra, mẹ bé Na tựa cửa nhìn theo, nhìn hạnh phúc trôi qua tầm tay mà thấy lòng tan nát. Lạ là bé Na không khóc, không đòi ở lại bên mẹ, không đòi mẹ phải về nhà. Giá mà bé Na bịn rịn, bé Na bật khóc bù lu thì lòng mẹ không đau, không thấy tình gần mà xa nhau vời vợi. Khi ra đầu ngõ, bé Na vẫy vẫy tay mẹ, bên cạnh bước đi mạnh mẽ của cha, đầu không ngoảnh lại một lần. Hôm đó, buổi chiều có màu da diết, biên biếc nhiều nỗi u hoài, vô tình nhà ai ru con ngủ muộn nghe tha thiết miên man:
“ Ầu ơ…
Ví dầu tình bậu muốn thôi…”