Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.240
123.154.488
 
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật
Huỳnh Minh Tâm

Sau tập thơ thứ năm Phía sau tôi ( NXB Đà Nẵng, 2003 ) khá thành công, hay và mới lạ, Nguyễn Đông Nhật lại cho ra mắt tập thơ được chuẩn bị công phu, chu đáo, ấn loát đẹp, trang nhã : Một trăm bài thơ, như là dấu ấn đóng lại một quãng thời gian tràn đầy xao động và sáng tạo : đất vướng ngang đường cày / thơ nghẹn tràn cổ họng của một trái tim nồng nàn yêu thương cuộc sống trong nỗi sầu muộn kín đáo để hướng đến nnhững suy tưởng mới dưới những “ lớp áo ” lạ  của vô thường trường cửu cỏ hoa mơ mộng.

Một trăm bài thơ  giàu chất liệu hoài niệm, suy tư về bao ấn tượng khó quên đã gây ra những hiệu ứng đặc biệt thâm trầm nào đó với tác giả. Như bài  Thời đại đã giải bày:

                                

                               Khép lại cánh cửa ấu thơ tôi

                                 trái mìn nổ không nghe tiếng

                                 trên lâu đài rực rỡ

                                 rác rưởi phủ đầy.

Hay :

                                 Có đêm tôi mở cửa ra đường

                                 nghe tiếng thì thầm trong hàng cây

                                 tưởng tới những người đã khuất

                                 những mặt đất những cánh rừng những năm tháng đi qua

                                 cứ mất hút dần đi và sinh sôi như kỷ niệm”.      

                                    ( Khu nhà số  20 ).

Trích hai đoạn ngắn này trong phần I của tập thơ gợi mở nỗi khát khao được yêu, được sống, được viết của một con người bằng xương bằng thịt trở về sau chiến tranh và cái chết, để thấy thơ Nguyễn Đông Nhật mang âm hưởng lặng lẽ, mang chiều sâu chiêm nghiệm các sự kiện  gắn bó mật thiết đối với các nhà thơ . Phần này còn có nhiều bài thâm trầm, sâu sắc với những giấc mơ đẹp như Sân khấu, Những người bạn gái, Bài ca của gió:

                 

                  Những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta

                   nơi cánh rừng anh đi qua

                   gió rung bờm suốt một thời lửa cháy.

                   Và hơi gió ngủ quên lớp bụi phai mờ

                   trong căn phòng tôi cửa đóng

                   Nhưng cơn gió tháng năm  trẻ tuổi

                   bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào

                   còn ve vuốt dịu dàng mái đầu chúng ta chớm bạc.

 

Phần II là lời nói dịu dàng kín đáo của  người tình – cuộc sống, những giấc mộng  “ trở lại, trở lại dòng lệ âm thầm / là nỗi hân hoan của giấc mơ ” như chính nhà thơ đã thổ lộ:

                  

                   Có phải ngôi nhà với những đồ vật gọn gàng

                    với đám bụi mỏng mỗi ngày, dù được lau đi

                    còn đọng lại nét thời gian khó nhọc.

                    Hay tình yêu là cơn gió vô tình

                    thổi bên ngoài  sự ấm cúng.         

                        ( Tình yêu )

 

Chủ đề tình yêu với khái niệm rộng lớn mang tính triết học xuyên suốt tập thơ nhưng gần gũi và thân thuộc nhất là ở các bài  Hội An, Nghịch lý của tình yêu, Ban mai. Với bút pháp chấm phá, giàu chất suy tưởng, nhạc điệu mới lạ và quyến rũ, tác giả đã vẽ nên những bức tranh cảm xúc tinh tế và sâu sắc, những liên tưởng bất ngờ, thú vị :

 

                   Lẽ ra bóng họ lấp đầy tôi

                   khi tôi tìm cách từ bỏ

                   bản thân vô ích này.                     

                         ( Nghịch lý của tình yêu )

 

Phần III đầy ắp mùa màng xao động, đánh thức nỗi cô đơn của tác giả tưởng chừng còn ngủ quên ở hồn lau tâm lách. “ Ra đi. Sông réo bên nguồn sóng / Mặc những con đường xé ngã ba / Cuối giấc điên bừng tan ảo tưởng / Thấy hồn như lửa sáng trên tay. Đặc biệt trong phần này, Nguyễn Đông Nhật đã viết lên một tình yêu chân thực đầy chất lãng mạn và sinh động, một cảm xúc tình yêu đã “ hóa thân ” thành những câu thơ giản dị. Ở đây, cái Đẹp chỉ  dành rất ít chỗ cho những mỹ từ, mà hiện thân nó là “ tuệ quán ” với  “ cái đang la ” tế nhị, lặng lẽ:

 

                   năm tháng hiện dần trên những sợi tóc anh

                   đôi mắt em nhìn nơi nào xa.

 

                   ngọn đèn trên hoàng hôn thẫm bóng

                   thời gian vẽ một đường cong không mờ.      

                        ( Cửa chiều )

 

và :

                   Những tiếng động và ánh sáng khác

                   là mùa xuân, điều trùng lặp không cũ

                   sự vật trong tiếng đập cvánh dịu dàng

                   rơi xuống từng giọt tí tách.                             

                        ( Mùa xuân )

 

Phần IV là khúc nhọc nhằn của cuộc đời giao hòa âm điệu với “ bi ca thâm trầm của triết học phương Đông ” . Dẫu rằng cũng chỉ  “ ngồi sáng vẽ chiều, nhìn trăng vẽ hoa ” gắn với chất suy niệm nhưng gợi được một số cảm hứng mới lạ:

 

                  Nhịp đời mãi gót vân vi

                  Cuối cơn trường mộng thấy gì nữa đâu

                  Êm qua lối nắng phai sầu

                  Ai như gió gọi bên cầu tịch nhiên                      ( Ngộ tĩnh )

Hay :

 

                   Trong thành phố

                   dường rất ít nhà có tro.

 

                   Làm sao họ hiểu

                   sự tàn lụi của lửa. Chầm chậm.

 

                   Của chính họ.                                 ( Sự rơi xuống bình an )

 

Về mặt sử dụng ngôn ngữ, ở đây có một nỗi cảm thông nào đó , dẫu rằng còn có vẻ hững hờ, xa lạ nhưng rất đáng trân trọng; và tự chúng ta cũng cảm thông với tác giả. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi, thế thì tâm thức, thế đứng thế nhìn của nhà thơ đôi lúc cũng không được “ định “ như ý vậy ? Tiết tấu thơ chậm, lẻ, đơn độc.

 

Phần V của tập thơ gánh nặng cảm hứng nghề nghiệp, tình yêu của những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ những dằn vặt trăn trở trước lớp lớp xô bồ con chữ vốn dĩ tác động cụ thể và đầy ám chướng đến nghiệp cầm bút:

 

                             Đằng sau nỗi đau đớn của ông

                             ánh sáng những câu thơ

                             vẽ màu cỏ

                             biếc xanh.                             

                                    ( Nhớ thi sĩ Văn Cao )

 

Nói về người cũng là nói về mình, là cái nhìn vào tâm điểm thực tại hay ảo ảnh và qua bao lăng kính của đời người dâu bể: “ Tôi gắng vẽ hình tôi giữa cuộc đời / bằng cây bút của những giấc mơ / có thể thấm tràn máu đỏ / hay có thể khô cong ”          ( Phía sau tôi ). Hoặc : ” Người ta sẽ quên giữa những bộn bề / tên anh. Thoáng mây chìm gió giạt / nhưng cái bóng thầm tiếng động những câu thơ / chầm chậm thấm vào giọng hát trong mơ ”.             ( Nhà thơ ).

 

Nhìn chung, Một trăm bài thơ  là tập thơ bề thế, đầy đặn các ý tưởng với một bút pháp nhất quán, chặt chẽ. Đề tài của nó rộng lớn về cuộc sống, tình yêu và thơ ca. Đặc   biệt là cảm hứng chân thực và cảm hứng nhân đạo, tình yêu – hy vọng của bao cảnh đời mất mát sau chiến tranh. Nguyễn Đông Nhật viết thơ “ kỹ ”, ngôn từ giản dị, hàm súc, nhịp điệu thơ uyển chuyển, mới lạ, rất kén chọn. Tuy nhiên, những bạn đọc đã quen thuộc với  dòng thơ ca lãng mạn vốn du dương, dễ ngâm ngợi phổ biến  trong nhà trường phổ thông hẳn khó có thể  “ quen ” với thơ Nguyễn Đông Nhật. Trường liên tưởng thơ anh rất rộng và gợi mở, phép so sánh xa xôi bất ngờ, gợi cho bạn đọc có cảm tưởng dòng thơ đang vận động ở hình thức câu thơ tĩnh lặng, khắc khổ. Cảm hứng “thiền “ ở thơ anh ít màu sắc biểu cảm nên đôi lúc khó đọc. Nhưng cảm hứng trần thế – quê hương – con người trong thơ anh giàu sắc thái biểu cảm và đẹp. Một thành công nữa của thơ Nguyễn Đông Nhật là với tài quan sát sắc sảo và trí tưởng tượng phong phú, có những đề tài, sự kiện quen thuộc nhưng qua ngòi bút của anh, các hình ảnh trở nên sống động, với bao lý giải thú vị, đáng kinh ngạc :

 

                           Mọi sự ra đi đều báo trước

                           nhưng anh không hình dung, khuôn mặt yêu dấu kia

                           lẫn vào những khuôn mặt khác

                           tại sao phải sắp hàng trước một mùa đông.            

                                    ( Biệt ly )

 

Và ở những bài khác như  Nước mắt, Quảng trường, Chân dung. Ở đây, ta còn bắt gặp một nhân vật an bằng tĩnh tại giữa hân hoan tâm linh, một trái tim đầy xao xuyến giữa bao khát vọng về cái Đẹp và một hình ảnh “ qui khứ ”.

 

Dẫu đôi lúc, đôi bài trong tập còn chạy theo “ nhịp điệu yêu dấu của quán tính ”, văn cần chắt lọc hơn và cần vượt thoát một số giá trị đã ổn định của tâm thức, của bút pháp, tập thơ mới này của anh đã đóng góp những giá trị to lớn cả về hình thức lẫn nội dung cho thơ hiện đại Việt Nam. Nếu không quá chủ quan, theo tôi, đây là một trong những cây bút khó đọc nhưng đáng yêu đáng trân trọng giữa hỗn tạp những “ nàng thơ yểu điệu kiêu sa ”. Nguyễn Đông Nhật, một lần nữa khẳng định : bản lĩnh thơ ca là xa lạ, độc đáo và lặng lẽ, rời xa “ mốt thời thượng ”; không như thế, thì chỉ là ngôn từ trì trệ.

 

3 – 1992

Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 2999
Ngày đăng: 16.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Đồng bằng sông Cửu Long đang cần liên kết lại - Tường Vi
Nỗi niềm tha hương, tha nhân trong thơ Đặng Ca Việt (*) - Thai Sắc
Hoa xuân Trong tĩnh lặng : Đọc tập thơ Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang . - Trương Tham
Dặm đường văn học: Nguyễn Lương Ngọc , sự sống hát lời lửa nước. - Nguyễn Thanh Mừng
Thơ là câu bắc bơ vơ - Phạm Lưu Vũ
Văn học trong - Tường Vi
Trần Đức Tiến trong nỗi mơ yên tĩnh Tuyệt đối - Inrasara
Lê Vĩnh Tài,Đi tìm huyền thoại mới cho Tây Nguyên :Đọc: Vỡ ra mưa ấm (trường ca), Lê Vĩnh Tài, Nxb. Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2005. - Inrasara
Chín tới để toả hương : Đọc Lục bát thơ của Mai Văn Hoan NXB Văn Học 2006. - Nguyễn Nguyên An
Lấp Lánh Niềm Tin Yêu : Đọc tập truyện ngắn Mùa trăng suông của Phùng Phương Quý. - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Ừ thì (thơ)
Kẻ sĩ (thơ)
Zengo (thơ)
Bokuseki (thơ)
Lưỡng vọng * (tạp văn)