(Bài viết tham gia cuộc tọa đàm tác phẩm “ Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý ”
của Nguyễn Thúy Hằng, tai viện Gót Hà - nội chiều 31/3/2006)
Tôi đã tự trả lời câu hỏi này lâu rồi. Nhưng đến khi đọc loạt tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng tôi mới tìm được một đồng minh xác đáng.
Năng lực bẩm sinh của người nghệ sĩ là sáng tạo ra cái mới, nhưng lại chính vì cái mới mà người tạo ra nó luôn bị bắt bẻ, kháng cự, thậm chí bị khước từ. Khác với những sáng chế trong khoa học công nghệ. Tác phẩm do người nghệ sĩ tạo ra không đem đến lợi lộc tiện nghi hoặc tiền của hiển hiện. Nhưng đó là nguồn tài nguyên cung cấp cho con người thăng hoa, siêu việt ! Nó tàng ẩn trong tác phẩm nghệ thuật dưới một lớp vỏ địa tầng – ngôn ngữ ( văn học ), màu, đường nét ( hội họa ), trường độ , cường độ, và cung bậc bẩy nốt ( âm nhạc )… mà chúng ta phải bỏ công khai quật mới được tận hưởng.
Sự bắt bẻ, khự nự, khước từ cái mới không bắt nguồn từ cái vốn có và đang có của bản thân tác phẩm được tạo ra ấy, mà nó phát sinh từ thói quen so sánh cái đã kết tinh của quá khứ và thước đo kế thừa trong nếp gấp vỏ não có sẵn của thiên hạ.
Tại sao chúng ta không có quyền tạo ra một tác phẩm mới toanh như “ Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý ” ( bộ tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng ). Cả gan cắt đứt hoàn toàn cái đuôi của tiền nhân, mặc dầu vẫn biết họ có cái đuôi rất tuyệt, nhưng là của con trĩ , con công, con phượng hoàng … không phải của ta ! Trong hành trình tạo tác cô độc đến cùng cực ấy, cớ sao chúng ta lại không nghĩ đến hình thành một cái đuôi chắc chắn của riêng : hoặc xấu xí hoặc đẹp đẽ , nhưng chưa từng thấy ! Đó là tiền đề cho một cái đuôi trác tuyệt hơn, kỳ vĩ hơn mang tên X chẳng hạn sẽ trình diện trước bàn dân, và sẽ đóng góp cho kho tàng qua khứ một tinh hoa mới toanh hoàn toàn, không phát triển từ con công, không chuyển hóa từ con trĩ, không kế thừa từ con phượng hoàng.
Vì sao chúng ta cứ hô hào gìn giữ bản sắc dân tộc,và luôn cảnh giác với sự xâm lấn của ngoại lai. Trong khi lại sử dụng mầu sắc dân tộc để tẩm ướp chủ thể người nghệ sĩ ? Không để cho họ tự khoanh vùng bằng vỏ kén rút ruột của mình. Ấy còn chưa bàn đến dân tộc đó có bản sắc đến đâu và mầu mỡ đến chừng nào mà người nghệ sĩ được thừa hưởng. Sự thừa hưởng tinh hoa theo tôi được hiểu rằng : cảnh tỉnh những ai lặp lại quá khư một cách hồn nhiên, vô thức, giảm lượng tiêu hao năng lượng không cần thiết cho người nghệ sĩ trên bước đường sáng tạo. Sự thừa hưởng không khuyến khích sự kế thừa. Xét theo hệ thống vận hành sáng tạo, một nhà nước và một con người đều là một đơn vị độc lập có chủ quyền như nhau. Do vậy, đòi hỏi tác phẩm của người Việt Nam phải mang tính Việt Nam có phần thiếu công bằng với họ.
Nghiêm túc mà nói, sáng tác của Nguyễn Thúy Hằng không đưa ra tác phẩm, mà chỉ đưa ra một hình dung, một dáng dấp của tác phẩm, để độc giả tò mò và đuổi bắt đến mức vô vọng. Cuối cùng họ phải ra tay hoàn chỉnh tác phẩm đó theo thích thú của riêng mình. Nó như những hạt màu trong ống kính vạn hoa, mà bọn trẻ nhòm vào phải lắc, phải xoay, phải lộn nhào mới thỏa trí. Nó như một đống gỗ miếng, nhựa miếng nhiều màu,đủ kích cỡ lộn xộn trong hộp đồ chơi. Nếu bọn trẻ thông minh, chịu động não, thì một tòa lâu đài một con tuấn mã, một vườn thượng uyển, một ô tô bốn bánh sẽ hiện hình ngay dưới bàn tay xếp hình của chúng.
Qua hai dẫn chứng trên, cho thấy nghệ thuật đương đại có bước tiến bản lề là chủ thể sáng tạo đã có chủ trương khảng khái nhường một phần đất gặt hái cho độc giả trên thửa ruộng canh tác của mình. Cũng giống như các bậc thầy thiết kế ra các trò chơi ru bích, các trò chơi xếp hình … Họ không thiếu khả năng để công bố một tác phẩm hoàn chỉnh theo thói thường, đáng quý hơn là họ đã đủ bản lĩnh, tin ở khả năng phục chế và phục sinh tác phẩm của mình đang tiềm ẩn nơi độc giả. Họ có ý thức gạn lọc một đội ngũ độc giả tinh anh trong mớ đại chúng. Đồng thời họ cũng mường tượng ra số lượng độc giả tham gia vào cuộc chơi giải mã này, sẽ dừng chân trước tín hiệu vô vọng của cuộc đuổi bắt, và vứt toẹt các đứa còn tinh thân của họ vào sọt rác.
Trong số bạn đọc đóng góp cảm thụ về tác phẩm Nguyễn Thúy Hằng, có một bài viết của một người xa lạ với làng văn chương làm tôi thật sự kinh ngạc và nể trọng. Đó là bài viết “ Thế giới siêu ngã trong thơ Nguyễn Thúy Hằng ” của Hà Hữu Nga. Đọc xong 15 trang viết của ông (bà) làm tôi phấn chấn hẳn lên. Sự thông tuệ quảng bác của Hà Hữu Nga nhờ tác phẩm Nguyễn Thúy Hằng mà được phát lộ, được tỏa chiếu. Cô Nguyễn đã đưa ra được một thế cờ mà phùng kỳ thủ. Họ Hà đã giải quyết ván cờ một cách trác việt, và ngoạn mục.Tôi muốn mượn cuộc chới cờ này mô tả mối tương quan giữa chủ thể sáng tạo và độc giả của thời hôm nay. Chắc chắn còn nhiều độc giả sẽ lần lượt tham gia giải ván cơ thế theo đường ban chiêu thức của riêng minh. Tôi tin rằng thông qua sự xuất hiện thi pháp và ngôn ngứ khác lạ của các cây bút gần đây (Nguyễn Thúy Hằng là một biểu hiện đậm đặc và nhất quán), trải qua cơn sốt bắt bẻ, kháng cự và khước từ, một mặt bằng độc giả phi truyền thống sẽ đựợc hình thành, vai trò, và đóng góp của độc giả sẽ được đánh giá ngang với tác giả ( trường hợp Hà Hữu Nga là một thí dụ thích hợp ), và hàng ngũ tinh anh trong trí thức sẽ càng được hiển lộ, phát sáng.
Hà nội 31/3/2006