Yên là người hiền lành, nết na nhất trong đám bạn thời phổ thông của Tùng. Xét về mặt thẩm mỹ, Yên không đẹp. Nước da ngăm mặn mà, không biết là do có thời gian gắn bó với ruộng đồng hồi nhỏ hay là tự nhiên đã vậy. Đôi go má bầu bĩnh, phụng phịu như trẻ con. Mắt đen, xếch, chân mày ngắn, mi thưa. Xét về mặt hình dáng, Yên thuộc loại có da có thịt, không thon thả thắt đáy lưng ong như những cô gái mà Tùng quen biết. Duy chỉ có nụ cười tươi là điểm sáng nhất trên khuôn mặt Yên. Với Tùng, như thế là đã đứng dưới mức trung bình. Anh chưa bao giờ mở miệng khen Yên nửa lời, dù là để an ủi chút ít cho nhan sắc kém cỏi của cô. Thật tình, Yên không phải mẫu người hợp chuẩn, không phải ý trung nhân của anh. Nhưng Yên vẫn cứ là vợ anh. Thế mới trớ trêu!
Một ngày buồn, trời xám xịt, những đám mây nặng nề phủ cả vòm trời màu chì, tối sẫm. Chẳng biết có phải do cảm cái cảnh sụt sịt của ông trời không mà khi anh mới đi làm về, còn chưa kịp giũ sạch chiếc áo mưa ướt rượt thì bà mẹ già đã nắm lấy anh mà thúc :
- Tùng ơi! Mày lấy vợ mau mau cho bà già này được nhờ. Nhà còn có hai mẹ con, mày đi làm tối mịt mới về. Nhà cửa trống huơ trống hoác. Sao mày kén chọn hoài, không thấy chán hả con?
Tùng sửng sốt nhìn mẹ. Đã biết trước thế nào cũng phải nghe những lời này, nhưng mẹ đòi hỏi ở anh như vậy vẫn còn sớm. Anh móc chiếc áo lên giá treo, vờ hỏi ướm thử:
- Mẹ muốn con cưới ngay bây giờ à? Nhưng con chưa có người yêu kia mà. Mà có cần phải gấp thế không hả mẹ?
Bà mẹ lắc đầu, tặc lưỡi giở một giọng dài giảng cho thằng quý tử nghe:
- Không gấp thế nào được! Mày lấy gương mà soi thử xem, mắt đã già thế nào rồi? Đàn ông người ta ba mươi đã có vợ con đàng hoàng. Ai như mày, một thân một mình để dễ bề đàn đúm, lại sinh hư hỏng. Là tao lo cho mày nên mới nói thế. Còn bụng dạ mày chịu hay không thì tuỳ.
Nói xong bà thở dài, rồi đi nằm. Mà bà có chợp mắt được chút nào đâu. Cứ gác tay lên trán như thế, rồi trằn mình mãi mà chẳng ngủ được. Anh ăn cơm cũng không ngon miệng, chốc chốc lại nghe tiếng mẹ trở mình. Chán quá, anh bỏ ngang. Nghĩ cho cùng, bà già cũng thật tội nghiệp. Nhà có hai đứa con gái lớn thì đã yên bề cả rồi. Một người thì ra riêng, nhưng con đông, chỉ tính thời gian lo cho đám con và ông chồng cũng đã mệt, còn hơi đâu mà về tỉ tê với mẹ ruột. Một người thì đi làm dâu. Làm dâu, nghĩa là đã thuộc về nhà chồng, đâu còn được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Còn Tùng thì đi làm suốt. Ngày chủ nhật lại quắn cả lên với mấy cuộc hẹn hò của đám bạn nhậu. Bà già cứ cù bơ cù bất như một cái bóng. Anh cũng khổ tâm lắm, đem cái sự khổ tâm ấy trút cả ra với bạn bè. Thằng cha nào cũng bảo ôi dào, thí ông cứ cưới vợ đi là êm chuyện! Túm lại, chả ai hiểu rằng anh chưa yêu được ai. Không yêu thì cưới về chỉ để cho có thôi chứ làm sao chung sống hạnh phúc được.
Nhưng sự việc đã đến nước này mà không tính cho nhanh thì xem ra bà già lo lắng, sinh bệnh thì mệt. Yên đỏ bừng mặt khi nghe Tùng tỏ ý muốn cưới cô làm vợ. Cái anh chàng này, chưa kể thời còn học chung thì chỉ mới đến nhà Yên chơi đâu được hơn tháng. Yên không tin vào tai mình, hỏi gặng:
- Này, anh đùa đấy à?
Tùng quả quyết, giọng chắc nịch:
- Không, anh nói thật. Em đồng ý nhé. Anh sẽ nhờ người chọn ngày lành tháng tốt đưa mẹ sang nói chuyện với gia đình em.
Hia bên người lớn đã nói chuyện với nhau, bàn tính đâu vào đấyrồi mà Yên vẫn còn dùng dằng. Mẹ cô ra sức vun vén:
- Thời này cưới gấp như thế là chuyện thường. Con cũng bảo yêu nó rồi còn gì. Vả lại, đàn ông ở tuổi đó, quen nhau, không cưới ngay thì sợ mất người yêu. Con phải hiểu nó hơn ai hết chứ.
Yên nghe mẹ nói thế cũng xuôi tai. Đám cưới diễn ra tràn ngập tiếng cụng ly chúc tụng. Cô dâu xúng xính trong bộ áo dài cưới đò tươi, mãn nguyện. Thi thoảng cô cũng có chút kiêu hãnh trước những ánh mắt ganh tỵ của đám bạn gái. Những câu bóng gió thoảng qua tai càng đẩy niềm tự hào của cô lên tận đỉnh.
- Con ấy kể ra cũng hay thật, vớ được anh chồng bảnh bao, hào hoa ra phết!
- Đúng là luật bù trừ, chồng đẹp, vợ xấu. Như vậy mà hạnh phúc đấy!
Đêm tân hôn, Tùng say khướt. Bà mẹ chồng lựa lời an ủi con dâu:
- Chắc là cưới được vợ, mừng quá nên mới uống nhiều như thế. Con đừng buồn. Vợ chồng ăn ở với nhau cả đời chứ đâu phải chỉ có mỗi một đêm tân hôn!
Yên cười hiền lành, bảo không sao đâu mẹ, đàn ông khi vui ai chẳng thế. Có tí men vào thì chẳng còn nhớ trời trăng mây gió gì nữa. Rồi cô tất tả đi nhúng khăn đắp lên trán anh. Phải khó khăn lắm cô mới cởi được bộ đồ của anh ra. Một tay cởi một tay bụm miệng sợ mình nôn thốc ra vì cái mùi rượu nồng nặc của chồng.
Sáng ra Tùng thấy Yên nằm co ro trên bộ sa-lông ngoài phòng khách, ngoẻo đầu lên thành ghế mà ngủ trông khổ sở. Thú thật lúc đó anh cũng có chút tội nghiệp nhưng rồi lại vội vàng đi ngay. Anh vẫn giữ thói quen làm một cữ cà phế sáng trước khi vào cơ quan. Mấy người bạn ngồi trố mắt ra nhìn anh ngạc nhiên tợn:
- Trời ạ! Phải ông đấy không? Thế mà tôi cứ tưởng ở nhà ăn sáng với bà xã, quên hẳn quán cóc này rồi!
Một ông nữa đế thêm:
- Tôi thì lại tưởng hôm nay anh chị đi tuần trăng mật rồi. Chà, cưới nhau tháng này, tuần trăng mật vào độ này thì tuyệt!
Anh bình thản nới cái nút cổ áo ra một tí, nhấp ngụm cà phê, buông một câu chả ăn nhập gì:
- Cà phê hôm nay đắng quá! Chắc bà Tư mập lại lỡ tay nữa rồi. Khổ thật!
Vào cơ quan, vài anh đồng nghiệp vỗ vai anh cười đầy ngụ ý:
- Cưới vợ rồi phải tươi tỉnh hăng say chứ, ai lại đờ ra thế kia?
Anh cười nhẹ, chối biến:
- Đờ đâu mà đờ! Chỉ vì hôm qua mấy ông ép tôi say quá, hôm nay hơi mệt một tí thôi.
Mọi người lại nháy mắt, hội đồng với nhau khiến anh sượng đỏ cả mặt:
- Phải không? Say rượu hay là say tình đấy? Mọi hôm tửu lượng của ông khá lắm mà! Bọn tôi nghi lắm, ha..ha..
Phần Yên, cô chấp nhận thôi làm kế toán, ở nhà tề gia nội trợ theo ý của chồng. Tay trưởng phòng tiếc ngẩn trước sự ra đi của Yên. Dù sao cô cũng đã gắn bó với công ty ngót nghét năm ba năm trời. Mọi sổ sách chứng từ cô rành rẽ, xử lí thông suốt cả. Mà Yên đi rồi, cái phòng làm việc như thiếu hẳn sinh khí vì vắng tiếng cười giòn tan hồn nhiên của cô. Chỗ cô ngồi trống trải lạ!
Tùng dạo này lại nhận làm ngoài giờ cho một công ty khác nên về rất muộn. Anh bảo Yên cứ ở nhà hủ hỉ với mẹ, bà già vui thì anh cũng vui. Phần chi tiêu trong nhà để một mình anh gánh vác, như thế mới xứng là thằng đàn ông. Và anh cũng vin luôn vào cái cớ ấy để làm lí do chính đáng cho việc tăng ca.
Những hôm anh đi làm về, Yên vẫn kiên nhẫn chờ cơm. Anh về, cô locho anh từ bữa cơm đến xô nước nóng cho anh tắm. Anh ăn vội vội vàng vàng rồi lại lôi cặp táp , lục mớ tài liệu ra săm soi. Yên lo lắng:
- Việc gì để mai hẵng làm. Anh nghỉ sớm đi, cứ như thế này mãi làm sao chịu nổi. Con người chứ có phải cái máy đâu!
Anh khoác tay:
- Em cứ ngủ trước đi. Anh soạn mớ tài liệu mai còn phải đánh máy rồi nộp lên trên. Một chút là xong ngay mà!
Yên nằm xuống, bắt đầu nghĩ ngợi. Hôm sau, không đợi ý kiến Tùng, cô về nhà mẹ đẻ, xin phép mang chiếc máy vi tính của cô về nhà chồng. Kể từ đó, mọi giấy tờ, văn bản cô đều đánh máy rõ ràng cho anh. Tùng có vẻ hài lòng. Nhưng anh vẫn luôn giữ kín cảm xúc, không hề lộ ra. Điều đó có nghĩa là Yên làm như thế là bổn phận, là trách nhiệm của một người vợ buộc phải như thế, chẳng có gì đáng nói cả.
Sau một tuần làm việc mệt mỏi, chủ nhật Tùng tha hồ bù khú với đám bạn nhậu. Bà mẹ càm ràm:
- Mày làm sao thế? Có một ngày nghỉ mà cũng không chở vợ đi chơi đâu đó cho khuây khỏa, hoặc đi thăm thú họ hàng, có phải hay hơn mấy cái trò nhậu nhẹt của mày không?
Anh nháy mắt với mẹ, cười cười:
- Hai vợ chồng đưa nhau đi chơi, bỏ mẹ ở nhà một mình coi sao được. Chi bằng cứ để Yên ở nhà trò chuyện với mẹ cho vui cửa vui nhà. Con đi một tí lại về, có gì đâu mà mẹ lo!
Yên cũng tiếp lời chồng:
- Cứ để anh ấy vui vẻ với bạn bè mà mẹ! Vợ chồng còn nhiều dịp để đi với nhau chứ đâu phải chỉ có ngày này thôi đâu mẹ!
Yên nói thì nói vậy chứ lòng buồn rười rượi. Những tối chủ nhật, Yên nằm chèo queo một mình trên giường, nước mắt lặng lẽ chảy, ướt cả một bên gối. Cô giật mình khi nhớ ra, từ hồi quen nhau đến khi đã về làm vợ, Tùng chưa hề thốt ra một lời yêu thương, dù chỉ là một câu bình thường như “anh yêu em” cũng không nốt! Cũng những tối chủ nhật, đổi lại, Tùng mò về nhà trong cơn chếnh choáng quên trời đất. Anh đổ vật ra bộ sa-lông trong phòng khách, thẳng cẳng đến sáng, chẳng thiết gì đến cô vợ mòn mỏi đợi anh về.
Cuộc sống tẻ nhạt của đôi vợ chồng trẻ kéo dài gần một năm. Yên rất buồn nhưng không biết chia ssẻ với ai, đành cắn răn chịu đựng. Trong lòng cô còn có ý nghĩ ăn với nhau một bữa cơm thì cũng đã nên nghĩa vợ chồng. Cớ gì phải đành đoạn với nhau làm chi! Đàn ông, ai cũng có những giây phút lạc lòng. Cũng có thể vì cô không tốt, hoặc kém cỏi về mặt nào đó. Hay là cô chưa ngoan? Gái không ngoan thì chồng khó mà yêu chiều cho được! Thế thì cô phải cố gắng sửa đổi, cố gắng làm những gì Tùng thích, và bỏ đi những việc làm Tùng không hài lòng. Cô đi chợ, chọn những món ngon hơn, bổ dưỡng hơn cho anh, và cho cả mẹ chồng. Cô trồng thêm hoa cho nhà cửa sinh động tươi tắn lên. Cô cố gắng cười nhiều hơn, ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng hơn. Tất cả điều đó cũng chỉ vì lí do duy nhất: cô yêu chồng, bằng tất cả tấm lòng.
Bà mẹ của Tùng vẫn hay khoe cô con dâu với các bà trong hội người cao tuổi của phường với ánh mắt hấp háy niềm hãnh diện:
- Con bé ngoan lắm! Lại khéo nấu ăn, nói chuyện nghe mát lòng mát dạ. Thật là tôi có phước lắm mới được cô dâu như nó các bà ạ!
Các bà ấy cũng tỏ vẻ quan tâm lắm lắm:
- Thế thì còn gì bằng!Mà sao đến giờ bà vẫn chưa có cháu để bế nữa à? Muộn thế?
- Hay là thằng Tùng nó kế hoạch? Thời buổi này bọn trẻ cũng biết tính toán lắm! Ai như mình hồi đó, sinh nhiều rồi lại không lo nổi cái ăn cái mặc cho con thì tội nghiệp lắm!
Bà không tin thằng con bà lại kế hoạch một cách ngốc nghếch như thế. Từng tuổi đó rồi, ai lại không thèm con? Mà dạo này sao cái Yên nó xanh xao thế nào ấy! Bà thử nhìn trộm giỏ thức ăn xem có món đồ chua nào không. Rồi bà lại kêu thèm cá, bảo Yên mua cá về chiên. Yên tuyệt nhiên không kêu tanh tưởi, không nôn oẹ gì cả. Bà thất vọng kêu trời, bảo thôi con đi khám xem thế nào, may ra chữa được. Chứ chẳng lẽ cứ thế rồi bà chẳng có lấy một mụn cháu đích tôn nào thì khổ!
Yên nghe mẹ chồng nói thế, bủn rủn cả người. Cô nằm mẹp, không thiết gì đến cơm cháo nữa. Bà già hoảng quá, kêu xe đưa cô đi bệnh viện. Tùng chảy mồ hôi hột khi nghe giọng mẹ hét toáng trong điện thoại:
- Mày về ngay! Con Yên nhập viện rồi. Chắc ốm nghén!
Anh chạy thẳng đến bệnh viện. Phải gặng hỏi Yên cho ra lẽ mới được! Nghén thế nào được mà nghén! Hai vợ chồng tối ngủ cách nhau một khoảng, hai cái chăn riêng biệt kia mà! Hay là Yên ở nhà tằng tịu với thằng nào? Cứ nghĩ đến đó, máu nóng chạy rần rần lên tận đỉnh đầu. Anh xông vào phòng. Yên vẫn mê man trên giường bệnh. Anh nóng nảy ngay cả với vị bác sĩ:
- Thế nào? Nghén rồi phải không? Mấy tháng rồi hả bác sĩ?
Vị bác sĩ túm anh ra khỏi phòng:
- Đừng có khẩn trương như thế chứ! Nghén gì mà nghén! Bà xã anh đang bị suy nhược, thể trạng rất yếu, cần phải nằm lại để điều trị, ít nhất là một tuần.
Vắng Yên có vài ngày mà căn nhà im lặng đến phát sợ. Anh đã quen với bữa cơm tối nguyên lành, quen với cử chỉ chăm sóc vừa yêu thương vừa có chút sợ sệt của Yên. Thế mà mấy hôm nay chẳng được nhận sự chăm sóc đó. Bà già cứ đi ra đi vào trông ngóng mãi. Ti vi bật lên bà cũng chẳng ngó ngàng tới mặc dù có cải lương rất hay.Anh tất tả đến bệnh viện, nắm bàn tay gân guốc của Yên mà lòng xót xa vô hạn. Từ giây phút ghen tuông vớ vẩn ấy anh biết mình đã yêu Yên mất rồi. Vậy mà bấy lâu nay anh chẳng biết lo lắng chăm sóc cho vợ dù chỉ là một câu hỏi han vụn vặt. Anh nhìn Yên tha thiết, thú thật những tháng ngày qua anh đã “lạc lòng” , tìm niềm vui trong công việc, bỏ rơi Yên. Anh rất hối hận.Nước mắt Yên chảy dài, thấm lên môi đang nở nụ cười hạnh phúc:
- Cũng may cho anh đấy! Anh mà “lạc lòng” với cô nào thì biết tay tôi!
Anh bật cười. Đàn bà, có yêu mới có ghen. Mà mỗi khi họ ghen thì kinh lắm!
- Yên này, em ráng khoẻ về với gia đình sớm nhé! Nhà vắng em buồn lắm. Mà anh cũng còn một xấp tài liệu to đùng chờ em về đánh máy nữa đấy!
Bà già thấy Tùng sửa soạn đi thăm vợ là hỏi ngay:
- Thế nào? Nghén thật phải không con? Tội nghiệp con bé, chắc thai hành dữ quá mới ra như thế!
Anh quay mặt đi hướng khác, tủm tỉm cười. Một ý nghĩ vụt lóe trong đầu, anh khẽ gật:
- Có lẽ thế, mẹ ạ!
Có thằng đàn ông nào cưới vợ một năm rồi mới nghĩ đến tuần trăng mật như anh không nhỉ?